Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Những bài hát Giáng sinh chưa bao giờ cũ

<div class="boxcenter400"><img
src="http://nhacsituankhanh.files.wordpress.com/2014/12/img_1274.jpg?w=480"
/></div>
Kể từ sau khi bài Silent Night ra đời (1818), bài hát được ghi
nhận là tác phẩm lâu đời nhất viết cho lễ Giáng sinh, thì
đến nay đã có vô số những bài hát được sáng tác dành cho
dịp lễ cuối năm này. Mỗi dịp Giáng sinh về, con người ở
khắp nơi trên thế giới lại có dịp ngẫu hứng thêm biết bao
những giai điệu mới. Thế nhưng lạ thay, vẫn có những bài
hát đặc biệt luôn luôn vang lên, lặp lại nhiều lần mà
không thấy chán trong trái tim mỗi người. Những bài hát xa xưa
mà không bao giờ cũ.

Có những người đã đi qua hàng chục mùa Giáng sinh, nhưng mỗi
năm, khi bài Jingle Bells cất lên, mọi thứ trong đời như
được nhấn phím f5 trên máy tính, lại tươi mới và xao xuyến
như thuở ban đầu. Nhà phê bình âm nhạc Rachel Pomerance Berl, khi
viết trên tờ Huffington Post đã đặt ra câu đố rằng "những
bài hát nào có sức mạnh hơn cả những bài hát?", câu trả
lời nhanh, đó là nhạc Giáng Sinh. Đôi khi người ta không còn
lắng nghe âm nhạc trong mùa Giáng Sinh bằng sự thưởng thức
thông thường, không còn phân tích về logic đời sống của bài
hát đó nữa, mà chỉ còn bí mật tìm những người đồng
điệu với mình trong một khoảnh khắc. Âm nhạc như một thông
báo về những ngày rất quen mà trái tim cần đập chậm lại
và thêm những nụ cười. Sức quyến rũ kỳ lạ của nhạc
Giáng sinh là vậy.

Trong lời giới thiệu mở đầu cho chương trình nhạc Giáng sinh
năm ngoái, Jonathan Henley, người cầm trịch của đài phát thanh
Road Signs (Mỹ) với giờ âm nhạc có tên WEND trên băng tần
106.5 FM đã nói rằng "chào mừng con người đang bước vào
khoảng thời gian của lý lẽ không tồn tại". Lúc nay, chúng
ta chỉ cần lắng nghe âm nhạc như để tự nhắc mình là ai, ý
nghĩa của cuộc sống này là gì. Nhiều cuộc điện thoại sau
lời giới thiệu đó gọi vào, gửi tặng nhạc đến người
thân, tiết lộ cho biết rằng ngoài những người Công Giáo,
còn có người Do Thái hay Phật Giáo… Đỉnh điểm của Giáng
Sinh là nơi tập hợp mọi niềm tin tinh thần, là lòng nhân ái
và chia sẻ, nên con người không biên giới đã cùng gặp nhau
nơi đó.

Sẽ chẳng còn ai quan tâm đến việc bài Jingle Bells chưa bao
giờ thật sự là một bài nhạc dành cho Giáng sinh cả. Thực
tế là bài hát này được nhạc sĩ James Lord Pierpont ở
Mấchusetts viết cho dịp lễ Tạ Ơn. Và cũng không ai quan tâm
rằng bài Rudolph The Red-Nosed Reindeer (ở Việt Nam vẫn hay dịch
là Ông Rudolph mũi đỏ) lại là một bài Giáng Sinh được viết
nên bởi một nhạc sĩ Do Thái Giáo, tên là Johnny Marks. Giáng
sinh làm nên niềm vui của những người có đạo, nhưng âm
nhạc thì nối dài vòng tay làm nên một mùa Giáng sinh an lành
cho cả thế giới. Âm nhạc phá bỏ mọi ranh giới tín ngưỡng,
gợi lại những giấc mơ đẹp và sẽ không bao giờ cũ trong
trái tim con người.

Khác với những thể loại âm nhạc khác, nhạc Giáng sinh có
giá trị như một bước nhảy alpha, vượt thời gian trong khoa
học vũ trụ. Con người có thể đột ngột chuyển vùng tồn
tại của mình, quay trở lại những kỷ niệm vui buồn trong
đời mình đã qua khi nghe thấy những giai điệu này. Không có
một liều thuốc estacy nào đủ mạnh để tạo được những
cảm giác khi ngày cuối năm đến, tiếng chuông nhà thờ và âm
nhạc vang lên: con người trở nên mộng mơ hơn trong thực tại,
và thanh bình ập đến trong trái tim mình.

Nhạc Giáng sinh gần với người Việt hơn, kể từ khi có một
trào lưu Việt hoá dòng nhạc này. Sớm nhất, được biết là
hai ca khúc Hang Bê-Lem của nhạc sư Hải Linh và Cao Cung Lên của
linh mục Hoài Đức. Cả hai bài này đều được ghi nhận cùng
xuất hiện vào năm 1945. Đó cũng là giai đoạn của tân nhạc
tiền nội chiến Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhất. Trước
đó, các bài hát Giáng Sinh phần lớn đều được hát bằng
tiếng Latin hay tiếng Pháp nên ít người hát được. Vì vậy
việc viết và dịch lời Việt bùng nổ. Đến thập niên 60-70
thì những bài tình ca Việt nhân dịp Giáng Sinh đã xuất hiện
rất nhiều. Người ta bắt đầu ngâm nga những bài nhạc Việt
có hình ảnh Giáng Sinh, xao xuyến đem vào ký ức thế hệ mình.
Trong đó phải kể đến Bài Thánh Ca Buồn của Nguyễn Vũ, Hai
Mùa Noel của Đài Phương Trang, Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời
của Phạm Duy… So với nhiều nước ở Đông Nam Á, Việt Nam
là một quốc gia hết sức giàu có giai điệu và niềm vui trong
mùa Giáng Sinh. Thật thú vị khi nhiều nơi đang hát vang lời ca
tràn đầy tuyết lạnh, nhưng thực tế thì người ta có thể
toát mồ hôi với ngày nhiệt đới.

Trong khi những bài hát mới về Giáng Sinh có thể bị lãng quên
nhanh, thì ngược lại những bài hát truyền thống thì luôn
được đợi chờ trong trí nhớ. George Michael, một trong những
ca sĩ thời hiện đại, hiếm hoi được ghi nhớ với bài Last
Christmas trong danh sách những bài hát cùng vang lên trong mùa
Giáng Sinh, đã tóm tắt "những bài hát vui tươi nhưng thầm
lặng nhắc về hạnh phúc đã mất. Và ngay khi bạn từng khổ
đau trong quá khứ, thì giờ đây nhớ lại, đó cũng là một
cảm giác hạnh phúc của đời người, mà hạnh phúc thì không
bao giờ cũ".

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141221/nhac-si-tuan-khanh-nhung-bai-hat-giang-sinh-chua-bao-gio-cu),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét