Ngô Minh - Nguyễn Trường Thọ :"Đặt tay lên ngực trống đồng"

<div class="boxleft220"><img
src="https://www.danluan.org/files/u5311/dat_tay_len_nguc_trong_dong_0.jpg"
/><div class="textholder"></div></div>

Chuyến đi Trại viết văn do Bộ Giao thông vận tải tổ chức
ở Cửa Lò tháng 6/2014 rồi, qua nhà thơ Nguyễn Văn Hùng , tôi
được biết thêm ở Vinh có một người làm thơ bút danh (cũng
là tên thật) là Nguyễn Trường Thọ . Anh tặng tôi tập thơ
mới in năm 2014 có cái tựa đề rất đắt: ĐẶT TAY LÊN NGỰC
TRỐNG ĐỒNG. Thấy cái tít sách hay quá, tôi đọc một mạch.
Hóa ra Nguyễn Trờng Thọ là cây bút thơ chuyên nghiệp, viết
lục bát rất hay. Dường như anh chỉ lặng lẽ viết, ít gửi
in thơ trên các báo. Gõ Google tìm "thơ Nguyễn Trường Thọ"
chỉ thấy vài trang mạng như vanvn.net, hay nguyentrongtao.info…in
thơ anh. Trò chuyện với tôi, anh bảo :"Thọ làm thơ từ hồi
học sinh cấp 3, nhất là thời giạn ở bộ đội". Thế mà
từ chục năm nay anh chỉ in 3 tập thơ: Lắng lại phù sa (2004);
Lặng lẽ thương (2006); Đặt tay lên ngực trồng đồng (1014).
Lặng lẽ ấy âu cũng là một cách ứng xử với thơ, trân
trọng thơ. Tôi nhớ nhà thơ Nguyễn Viết Lãm có câu thơ hay
về sự tĩnh lặng ấy : Một sát –na tĩnh lặng/ Cơ may một
trái chín sinh thành…Tôi thấy nhiều người khác mỗi năm in
một vài tập, nhưng thơ không đọng lại chút gì trong lòng
người đọc cả !

Cuộc đời Nguyễn Trường Thọ cũng lặng lẽ như thơ vậy. Anh
kể rằng, anh có 8 năm 11 tháng ở bộ đội ( Sư đoàn 312), 10
năm làm công nhân Cảng Nghệ Tĩnh. Lám lính trơn thôi, công
nhân thôi, chẳng chức quyền gì. Sau đó do đói quá anh xin về
"một cục" ( 176). Hai vợ chồng kiếm được sạp hàng trong
chợ Vinh. Từ đó, anh làm "xe lai" hàng ngày chở vợ đi
chợ. Khi vợ bận hay ốm, anh lại thay vợ ra chợ ngồi bán
hàng. Nghĩa là Nguyễn Trường Thọ đích thị là dân lao động
thuộc tầng lớp "công dân hạng hai", "dưới đáy xã
hội". Có lẽ cuộc sống vất vả đời thường từng trải
như thế làm cho thơ anh thấm thía nỗi đau đất nước, nỗi
đau cuộc đời. Thơ anh là thơ thật thốt lên từ trái tim của
mình.

Trong tập thơ Đặt tay lên ngự trống đồng , anh viết nhiều
về đất nước, nhân dân, về biển đảo Trường Sa, Nơi biên
cương Tổ Quốc, về nỗi đau thời hậu chiến… Trong tập thơ
nhiều nhất là thể lục bát. Nguyễn Trường Thọ lục bát
rất nhuyễn, ám ảnh người đọc. Bài thơ in đầu tập Đặt
tay lên ngực trống đồng là bài tiêu biểu của lục bát
Nguyễn Trường Thọ. Hình tượng "ngực trống đồng" lần
đầu tiên xuất hiện trong thơ Việt Nam. : Đặt tay lên ngực
trống đồng / Để nghe vọng tiếng Lạc Hồng ngàn năm. Ngực
trống đồng trở thành vòm ngực chứa trái tim đang thổn thức
của mỗi người dân Việt. Với cái tứ thơ mới mẻ ấy,
truyền thuyêt lịch sử bỗng trở nên gần gũi, riêng tư, lay
động lòng người: Dấu đường lông ngỗng còn đau /Trắng phau
chìm nổi bể dâu kiếp người/…/Một trăm chiếc trống làng
tôi / Năm mươi xuống bể năm mươi lên rừng /…/ Nước non
thủa ấy hao gầy / Cháu con vun đắp tròn đầy nơi nơi…

Non sông xã tắc hưng vong

<center>Đặt tay lên ngực trống đồng… lắng nghe!</center>

Đối với đề tài Đất nước, nhân dân, lâu nay, nhiều nhà
thơ chỉ viết cái "ta", tức viết cái ngoài mình . Với cấu
tứ tài hoa, Nguyễn Trường Thọ đã biến cái "ta" thành cái
tôi trữ tình chân thật. Tôi cho rằng đây bài thơ lục bát
hay trong kho tàng lục bát Việt Nam.

Đọc lục bát Nguyễn Trường Thọ, tôi chợt nhớ Phan Hồng
Khánh, một cây lục bát siêu của Nghệ An đã mất ( Gánh khô
gánh khát ta đi / Khát thì đắng họng, khô thì cháy gan…- PHK)
Viết về Nhân Dân, cũng là đề tài lớn, là cái "chúng ta"
lớn, Nguyễn Trường Thọ cũng làm cho nó trở thành "chuyện
của mình"

Là giọt bấc là ngọn đèn

<center>Thanh bần thắp sáng nỗi niềm áo cơm
Là cay đắng là thảo thơm
Đồng xa bóng rạ bóng rơm gọi làng</center>

Câu thơ Thanh bần thắp sáng nỗi niềm áo cơm là câu thơ mới
và hay. Không phải giàu có mới "vinh hoa phú quý" mà thanh
bần cũng đầy ắp ước mơ. Nguyễn Trường Thọ quan niệm về
Tô Quốc rất cụ thể :Đó là hòn đất : Gieo hạt nắng gặt
vầng dương /Chân người có mỏi dặm đường có xa / Hòn đất
ủ ấm tình cha / Từ đây Tổ Quốc mở ra chân trời. Bài thơ
chỉ bốn câu mà nới được cái sâu xa cần nói. Viết về
Trường Sa, Nguyễn Trường Thọ có bài thơ lục bát xúc động
:

Đảo ơi không thể tròng trành

<center>Phía em năm tháng đâu thành nỗi xa
…. Bắt đầu từ đó màu xanh
Trăng liềm hình đảo mong manh khoảng trời
…Biẻn sâu sao sóng quặn dài
Ai làm mắt sóng vỗ hoài nỗi đau
</center>
<div class="rightalign">( Sóng quăn Trường Sa)</div>

Nguyễn Trường Thọ viết nhiều về Trường Sơn, về nỗi đau
thời hậu chiến. Là người lính lái xe của Sư đoàn 312,
những cung đường Trường Sơn chiến tranh đã đúc nên tâm
hồn, bản lĩnh và nỗi đau của anh. Trong anh khắc khoải bóng
hình của Mẹ ở miền Trung: Mẹ làm chiếc bóng chờ mong / Cạn
đêm sương giá buốt cong nỗi niềm /giọt ngày đã thức ngoài
hiên / quờ tay…Bóng mẹ chạm miền cỏ lau. Hay :

<center>Những chân hương cháy đỏ
Lặng lẽ như nỗi dau
Lặng lẽ như bạt ngàn bia mộ
Lặng lẽ như Trường Sơn</center>

<div class="rightalign">( Trái tim Trường Sơn)</div>

Có hai câu thơ rất hay về bếp lửa Trường Sơn mà những
người từng trải mới chiêm cảm được : Khuya sâu lụi bếp
lửa tàn / Hòn than ấm với đại ngàn tìm nhau ( Cánh rừng
ngọn lửa). Nghĩa rằng đêm gian nan ấy đại ngàn luôn ở bên
người lính, sẽ chia và an ủi. Về những cô gái ở Ngã Ba
Đồng Lộc, Nguyễn Ttrường Thọ phát hiện ra tiếng chim vẫn
chuyền cành gọi tên các cô : Thời gian
mong nhớ vá lành

<center>Tiếng chim Đồng Lộc chuyền cành… gọi tên…</center>

<div class="rightalign">(Tiếng chim ở Ngã ba Đồng Lộc)</div>

Viết về người dì có chồng hy sinh trong chiến tranh, Nguyễn
Trường Thọ có cái tứ "Gió lỡ thì" rất thơ : Cuối
Động con gió lỡ thì / len vào mái tóc của dì hờn ghen. Nghe
tin đôi vợ chồng ở Quảng Bình từ chiến tranh trở về sinh
ra mười hai đứa con nhiễm chất độc da cam, không nuôi được
đứa nào, Nguyễn Trường Thọ đau đớn viết :" Một nấm
cát một nỗi đau / mười hai nấm cát tứa màu khói nhang ( Ru
cát )

Thơ thời hậu chiến của Nguyễn Trường Thọ là thổn thức
của tấm lòng tri ân tri kỷ với đồng đội. Cơm áo không
đùa với khách thơ, nhưng anh không vô cảm như nhiều người
giàu có,chức quyền. Trong anh vẫn đau đáu những hình ảnh tàn
khốc của chiến tranh : Tôi ngỡ thấy lá mang hình sợi tóc
/…/Nằm yên bình bên ngực vỗ về anh ( Dưới những lớp lá
rừng )

Trong tập thơ Đặt tay lên ngực trống đồng, Nguyễn Trường
Thọ có một mảng thơ rất tinh tế là mảng thơ về làng quê,
lối xóm, những suy ngẫm về cuộc sống đời thường. với
những cái đầu đề rất lạ như Chân mùa , lưng mùa, Áo
cỏ,…Chợt nghe rét cuối con đường / Chân mùa chạm phía vô
thường… gọi Đông ( Chân Mùa); hay Trâu gầy kéo nỗi long
đong / Ách cày nhẫn nại uốn cong lưng mùa ( Lưng mùa); hay hình
ảnh người mẹ Từ trong ký ức :

Chợ chiều mẹ lỏng dây quang

<center>Bờ vai trĩu xuống đường làng gió xô</center>

Nguyễn Trường Thọ luôn dằn vặt chuyện thế thái nhân tình.
Đêm ở bãi rác Hưng Đông, Nguyễn Trường Thọ mơ cho những
người bới rác kiếm sống : Hừng đông lưng áo nhú mầm ban
mai; Viết về đồng tiền gây bao tại họa cho con người,
Nguyễn Trường Thọ tổng kết: Lật nghiêng hai mặt đồng
tiền / Để nghe vật vả nỗi niềm nhân gian ( Hai mặt đồng
tiền). Viết về cây Tầm gửi , anh đúc kết thành chuyện
đời trái khoáy : Tuổi tên mượn đắp mà thành tuổi tên…

Thơ tâm huyết như thế nên tuy mới xuất hiện, Nguyễn TRường
THọ đã nhận được nhiều giải thưởng thơ: Giải nhì (
không có giải nhất) của tạp chí Áo trắng năm 2000 với bài
thơ Một nửa; Giải thưởng thơ lục bát Ngàn năm thương nhớ
cua lucbat.com năm 2010 với bài thơ Lá thư từ biên cương; Giải
thưởng Hồ Xuân Hương 2005-2010 của UBND tỉnh Nghệ An với
taapjt hơ Lặng lẽ thương ; Bằng khen tỉnh Nghệ An về văn
học…

Lúc bát là thể thơ khó viết hay, không khéo sẽ thành văn
vần nôm na. Lục bát ca dao hò vè thường ngắt nhịp 2-2-2 / 2
– 2-2-2. Còn lục bát hiện đại cách ngắt nhịp rất biến
thể để làm cho câu thơ lay động , ám ảnh hơn , ví dụ :

<center>Làn thu thủy / nét xuân sơn ( 3-3_
Hoa ghen thua thắm / liễu hờn kém xanh ( 4-4)</center>

<div class="rightalign">(Kiều , Nguyễn Du )</div>

Hay lục bát Phan Hồng Khánh mà tôi nói ở trên : Thế rồi bèo
dạt mây trôi/Lệ đầm vạt áo, nón rơi chân cầu ( 2-2-2 /
4-4). Câu bát ngắt nhịp 4-4 thành những vế đối làm cho câu
thơ sâu hơn. Trong lục bát hiện đại còn có cách dùng hư
tự, tức là những chữ không có nghĩa gì nhưng khi đừng bên
nhau sẽ thành câu thơ đa nghĩa , vì du Truyện Kiều : Mai sau du
có bao giờ/Đốt lò hương ấy, so tơ phím này. Mai sau dù có
bao giờ là câu thơ toàn hư tự nhưng đọc lên nghe rợn ngợp
tâm hồn..

Tôi nói đôi điều về nghệ thuật lục bát để nói rằng
Nguyễn Trường Thọ trong nhiều bài thơ lục bát đã chạm
đến cõi vi diệu của thể thơ này. Ví dụ câu : Em nghiêng về
phía bồi hồi không còn là câu tả mà đã thành câu cảm. Hay
câu : Ngước nhìn về phía mênh mông / Thiên tai vô lối bão
dông vô hồi…; hay Là cay đắng là thảo thơm / Đồng xa bóng
rạ bóng rơm gọi làng…cũng là lối ngắt nhịp thơ lục bát
hiện đại.

Tin rằng, nếu chăm chút hơn những bài thơ lục bát của mình
theo hướng hiện đại, cảm nhiều hơn tả, Nguyễn Trường
Thọ còn viết lục bát hay hơn nữa.

Huế, ngày bế mạc WorldCup

14-7- 2014

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141204/ngo-minh-nguyen-truong-tho-dat-tay-len-nguc-trong-dong),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét