Tôi nhận học bổng Fulbright sang Mỹ học chương trình Master of
Laws năm 1999 tại Đại học Tulane ở thành phố New Orleans, bang
Louisiana. Trước khi vào Tulane, tôi đến Đại học Columbia ở
thành phố New York, học chương trình Orientation (định hướng)
về luật và tiếng Anh. Fulbright luôn tạo điều kiện để các
sinh viên có cơ hội biết thêm văn hóa tại những vùng khác
nhau của nước Mỹ, nên thường người học sẽ đến vài
thành phố để dự các khóa giảng. Nhờ vậy tôi được dịp
sống tại New York trong hơn hai tháng. Dù thời gian ngắn, nhưng
phải nói thật, tôi yêu New York hơn tất cả những nơi khác,
vì có lẽ tôi đã dành nhiều thời gian khám phá nó từ các
góc cạnh khác nhau.
Hồi sống trong khu học xá sinh viên của Đại học Columbia, tôi
giữ thói quen đều đặn kiểm tra hộp thư để xem gia đình có
gửi thư sang hay không, vì lúc ấy ba mẹ và anh em tôi chưa ai
sử dụng email. Sau một lần nói chuyện với gia đình qua điện
thoại, tôi ước chừng độ mươi ngày sau thư sẽ đến. Một
buổi chiều, linh tính cho biết đã có thư, đi học về, tôi
nhanh chân bước vào sảnh ký túc xá, thì thấy người giao thư
đã giăng dây xung quanh nơi đặt các hộp thư. Bên trong hàng
dây có một tấm biển ghi hai chữ "No entry", cấm mọi
người bước vào, để anh ta tiện sắp xếp bỏ thư. Thông
thường công việc đó chỉ mất độ 15 phút, nên tôi lên phòng
ngồi chờ.
Khoảng hơn một giờ sau tôi bước xuống, vẫn thấy hàng dây
còn giăng ngang. Cẩn thận, tôi bước đến hỏi người bảo
vệ khu học xá xem người giao thư đã làm xong chưa. Anh này
nhún vai bảo không biết. Không thấy người giao thư để hỏi,
tôi lại lên phòng ngồi chờ thêm nửa giờ. Sau đó, thấy
trời sắp tối, tôi lại đi xuống. Lần này vẫn thấy dây còn
giăng xung quanh, tôi ngó trước sau không thấy cả người giao
thư lẫn bảo vệ khu học xá, nên tần ngần không biết hỏi
ai. Trong lòng nôn nóng nhận thư, tôi liều lĩnh bước qua hàng
dây đi vào mở hộp thư của mình. Quả nhiên có thư. Tôi mừng
quá, lấy xong bước qua hàng dây đi ra.
Vừa lúc đó, anh chàng giao thư người da đen xuất hiện. Thấy
tôi vừa cao chân bước qua, anh giận dữ hét lên, "tại sao anh
làm như vậy?" Tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng, vội phân bua
rằng vì đã chờ đợi quá lâu, lại đang cần đọc thư, mà
tìm anh ấy không được, nên đành làm đại. Anh ấy tỏ ý
thông cảm, không trách nữa, nhưng vẫn nói câu cuối trước khi
mỉm cười với tôi: "But, law is law!" (Nhưng, luật là luật).
Tôi choáng váng! Tất nhiên, đó không phải là luật pháp gì
ghê gớm của nước Mỹ, mà chỉ là luật lệ ước định
giữa những người sống trong một cộng đồng dân cư nào đó
thôi.
Song quả thật, luật là luật, dù cưỡng hành hay không, vẫn
không có chuyện thông cảm hay viện cớ này nọ để vi phạm.
Dù anh ấy không biết tôi là sinh viên luật, dù anh ấy chỉ là
người giao thư bình thường như bao người Mỹ đang làm việc
một cách lương thiện trong xã hội, nhưng chỉ một câu nói
như thế của anh đã khiến tôi học được nhiều điều. Đó
là bài học đầu tiên về luật pháp mà tôi học ở nước
Mỹ. Tôi chợt hiểu ra vì sao nước Mỹ hùng mạnh, bởi mỗi
công dân của họ đều được giáo dục đủ để biết tuân
thủ luật pháp trong những điều nhỏ nhặt nhất. Đó chính là
nền tảng của một xã hội văn minh và phát triển.
Bài học đầu tiên ấy tôi vẫn còn nhớ đến hôm nay. Người
da đen vô danh năm nào vô tình đã trở thành thầy dạy luật
đầu tiên của tôi ở Mỹ. Thật ra, không cần vào đại học,
không cần những bài giảng cao siêu và khó hiểu, người ta
vẫn có thể học được những điều tốt đẹp trong cuộc
sống này. Về sau, khi nằm trong tù, đôi lần tôi tự hỏi
phải chăng mình đã không thuộc bài học ấy, đến nỗi đã vi
phạm luật pháp để vào tù (?!). Song ngay lập tức, không xấu
hổ, tôi nhận ra rằng vì lý tưởng xây dựng một xã hội
trọng pháp thực sự, người ta cần dũng cảm vi phạm những
đạo luật bất công tồn tại lâu trong một xã hội vô pháp.
Nguyên tắc nào cũng có những ngoại lệ cao cả là vậy, như
lời dạy của thầy tôi ngày xưa, tiến sĩ luật Đào Quang Huy,
cựu giáo sư Học viện Quốc gia Hành chánh thời Việt Nam Cộng
Hòa.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141204/ls-le-cong-dinh-bai-hoc-dau-tien-ve-luat-phap-toi-hoc-o-nuoc-my),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét