Hạ Đình Nguyên - Thư gởi anh Lê Hiếu Đằng

<div class="special_quote">Văn Việt xin đăng bài sau đây của Hạ
Đình Nguyên, để tưởng nhớ Luật gia Lê Hiếu Đằng nhân
giỗ đầu của anh do Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cùng gia đình
tổ chức tại chùa Diệu Pháp, 188 Nơ Trang Long, P 13, Q Bình
Thạnh, TP. HCM vào ngày 13.12.2014, bắt đầu lúc 10 giờ
sáng.</div>

<div class="boxcenter500"><img
src="http://www.danluan.org/files/u5311/lhd.jpg" /><div
class="textholder">Luật gia Lê Hiếu Đằng</div></div>

Thấm thoắt, anh đã từ giã thế gian trọn một năm.

Hôm nay anh em, bạn bè lại tụ về đây, chùa Diệu Pháp, để
tưởng nhớ anh, thắp nén hương lòng mà tâm tư ngổn ngang.

Một năm đã qua không có gì mới, con thuyền Việt Nam vẫn đang
chòng chành trong cơn gió bão. Con tàu HD981 đã rút đi, để lại
cái đảo chìm Gạc Ma đang trồi lên hoành tráng theo cách nhân
tạo, những lõm cắt trong đất liền, ở Tây Nguyên, Vũng Áng,
Hải Vân và nhiều nơi khác vẫn đang rỉ máu. Mọi thử thách
và đe dọa hãy còn nguyên. Nhiều người như anh, cùng chia sẻ
với anh, thiết tha với độc lập và dân chủ, lần lượt bị
triệt hạ, mới nhất, như anh Hồng Lê Thọ (Người Lót Gạch),
anh Nguyễn Quang Lập (Quê Choa) cũng vừa vào khám, cùng với
tấm thân bệnh hoạn của mình. Đó là vài biểu kiến về cái
nền độc lập phức tạp và cái quan niệm dân chủ khó hiểu,
còn bên trong chỉ có quỷ thần mới biết.

Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, khi trả lời câu hỏi
của cô phóng viên về Đảng của anh, giọt nước mắt đã ứa
ra và anh nấc lên, nói trong cơn nghẹn: "Tôi đã vào Đảng
quá lâu, và nay tôi ra khỏi Đảng…". Anh từ giã Đảng để
thanh thản từ giã cõi đời.

Từ ngày mái tóc đang xanh và bầu nhiệt huyết trong lòng, anh
đã cống hiến trọn vẹn cho Đảng với mong ước đất nước
được độc lập, tự do. Những năm tháng xuống đường ở
Sài Gòn, những ngày đêm lao đao giữa bom đạn trong rừng miền
Đông, miền Tây Nam Bộ với bản án tử hình vắng mặt, anh
chưa từng nhỏ giọt nước mắt nào… Và những ngày mới đây
anh lại sải bước tiền phong trên đường phố Sài Gòn để
chống xâm lược Tàu, chống giàn khoan xâm chiếm biển đảo….
Bây giờ, trên giường bệnh, những giọt nước mắt của anh
xót xa.

Người ta tự hỏi, giọt nước mắt của anh mang ý nghĩa gì?
Không biết! Chỉ biết nó để lại một niềm ray rứt mơ hồ.
Có người cho rằng, anh không "thức thời", chỉ biết
"cộng ưu" mà không biết "cộng lạc" như bao người. Sao
anh không kiếm ngôi biệt thự hoành tráng như các đồng chí a,
b, c, d, mà chỉ có căn nhà khiêm tốn vài chục mét vuông? Anh
nói đó là điều anh không quan tâm.

Đám tang của anh không thể tiến hành ở căn nhà ấy vì nó
quá nhỏ. Anh cũng không muốn vào nhà tang lễ Lê Quý Đôn dành
cho cán bộ. Anh chọn một ngôi chùa làm cõi đi về. Thế mà
dải băng rôn điếu tang cho anh vẫn bị cướp giật. Anh Hoàng
Dũng trân mình giật lại, những người kia trợn mắt tóe lửa
rồi bỏ đi. Một người bạn trẻ rất nhanh tay, nhá lên mấy
cái chớp lóe ghi hình, rồi lẫn vào đám đông. Trong khi đó,
ở bên kia đại dương cũng có kẻ không ngớt nguyền rủa anh
về con đường anh đã chọn.

Có lẽ anh không ăn năn mà chỉ nuối tiếc. Từ "cách mạng"
ở thế kỷ 21 trong anh, không còn là từ ngữ hấp dẫn, nó
chỉ là những cơn thịnh nộ mù quáng, nhất thời và đầy tai
họa. Thay vào đó là sự thay đổi minh mẫn. Anh mong mỏi một
sự thay đổi minh mẫn. Người xưa cũng từng nói: "Nhật tân,
nhật nhật tân, hựu nhật tân". Ngày mới, ngày mới, lại
ngày mới.

Giọt nước mắt của anh trên giường bệnh của những ngày
cuối cùng, là một lần tắm gội thanh thản để bước vào
cõi vô hình. Tiếng vĩ cầm của nhạc sĩ Trí Hải quấn quít
sau quan tài, đưa anh suốt đoạn đường đến lò hỏa thiêu
Bình Hưng Hòa. Anh đã hóa thành lửa và biến vào hư không.

Tại khúc sông này, ngày này năm trước, bạn bè và những
người đồng cảm tiễn đưa anh, vợ và con anh đã rải nhúm
tro cốt của anh xuống dòng nước chảy. Và nó tan biến. Nhưng
di ảnh của anh thì còn đấy, trên bàn thờ ở chùa Diệu Pháp
cùng với di ảnh của những bạn anh, "với lịch sử, ôi một
lần ta đã dự".(*)

Hôm nay chúng tôi tưởng nhớ anh.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141213/ha-dinh-nguyen-thu-goi-anh-le-hieu-dang),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét