Xin hãy để các con "Phát triển một cách tự nhiên"

"Phát triển một cách tự nhiên" là một khái niệm khó để
định nghĩa và còn khó hơn khi muốn thay đổi quan điểm của
các bậc phụ huynh về vấn đề này. Tôi chỉ mong sao các bậc
phụ huynh đừng biến khái niệm đẹp này trở nên máy móc mà
vô tình làm mất đi cơ hội, khả năng và sự mẫn cảm của
trẻ.

Những năm gần đây, tình trạng các bố mẹ đua nhau cho con đi
"luyện thi vào lớp 1" để không thua kém bạn bè và theo kịp
chương trình, rồi các lớp học thêm, học hè khiến nhiều
trẻ oằn mình vác những chiếc ba lô ê hề sách vở trên lưng
với lịch học kín mít; trẻ không được chơi một cách tự
do, không có thời gian để tìm đến những thú vui tưởng
chừng như rất đơn giản của ngày xưa nữa; và cụm từ để
cho trẻ "phát triển một cách tự nhiên" bắt đầu được một
bộ phận các bố mẹ thường xuyên áp dụng, thường xuyên nói
ra và vô hình chung, cụm từ này trở thành kim chỉ nam cho các
tương tác của phụ huynh với trẻ trong độ tuổi mầm non.

Cũng như bao người mẹ khác, tôi rất quan tâm đến những gì
xung quanh con mình; từ ăn, uống, đến chơi gì, làm gì, học gì
và phát triển cái gì trong thời điểm hiện tại và trong
tương lai. Từ sự quan tâm ấy, tôi mới lần mò và cuối cùng
là tìm đến với giáo dục lứa tuổi mầm non. Đọc, nghiên
cứu, thực nghiệm nhiều, sau một thời gian, tôi thấy mình đã
đổi khác rất nhiều. Và cho đến giờ, tôi vẫn đang tiếp
tục nghiên cứu và học hỏi thêm trong quá trình tương tác
với trẻ và với chính con của mình.

"Phát triển một cách tự nhiên" - Nếu tôi không nhầm thì ý
của các bố mẹ là: Cứ để tự nó học, đến tháng tự nó
biết lẫy, tự nó biết bò, tự nó biết đi, biết nói; rồi
đến tuổi nó sẽ biết làm những công việc mà tuổi của nó
phải làm, đến tuổi nó đi học, lúc đó nó sẽ được dạy
dỗ cẩn thận ở trường...

Trong quá trình tôi đi chia sẻ về giáo dục và những kinh
nghiệm mà tôi học được, tôi đã gặp rất nhiều kiểu để
cho con phát triển một cách tự nhiên của các phụ huynh. Có
phụ huynh cho trẻ xem ti vi, chơi ipad vì trẻ thích chơi, thích
xem và biến nó thành một nhu cầu thường nhật. Có phụ huynh
thuê bảo mẫu với mục đích không bắt trẻ làm gì cả, tất
cả thời gian của trẻ sẽ được sống trong niềm vui ăn,
ngủ, chơi cùng với rất nhiều đồ chơi như ô tô, máy bay...
những đồ chơi đắt tiền mà bé luôn mơ ước có. Hoặc cũng
có phụ huynh để kệ nó đấy, cho một chút đồ chơi, còn
lại tự nghĩ ra trò để chơi, ăn uống thì thích gì ăn nấy,
đói giờ nào ăn giờ nấy, buồn ngủ thì ngủ đến khi nào
hết buồn ngủ thì thôi...Còn vô vàn những cách để trẻ phát
triển tự nhiên khác mà tôi không tiện kể ra. Thế nhưng,
phản ứng chung của họ khi tôi chia sẻ rằng tôi đã dạy con
như thế này đều là xua tay và nói anh/chị muốn để con nó
"phát triển một cách tự nhiên". Những lúc đó tôi thường
tôn trọng quan điểm của họ và thôi không chia sẻ nữa mặc
dù chính những phụ huynh đó gặp tôi là để nghe tôi tư vấn.

Quay lại chủ đề chính "phát triển một cách tự nhiên". Đối
với tôi, khái niệm này có ý nghĩa như một kim chỉ nam để
tôi lao vào tìm hiểu, nghiên cứu và thực nghiệm. Đối với
mỗi em bé được tượng hình, tháng thứ tư của thai kỳ, thai
nhi đã bắt đầu phát triển trí não. Khoa học nghiên cứu não
bộ, nghiên cứu sự phát triển của loài người cũng đều đã
tìm hiểu được những quy luật phát triển trên các bé ngay
từ khi còn nằm trong bụng mẹ như tuần bao nhiêu thì có tim
thai, tuần bao nhiêu thì não phát triển, tuần bao nhiêu thì mắt
phát triển, tai phát triển... Cho đến khi sinh ra thì bản năng
của trẻ là gì, sự mẫn cảm của trẻ đối với mỗi giai
đoạn phát triển ra sao... Rồi khoa học nghiên cứu con người
cũng đã tìm ra được những hoạt động bản năng của con
người là gì? Tâm lý qua từng giai đoạn ra sao, khả năng của
những đứa trẻ là gì?... Có thể nói rằng những kết quả
nghiên cứu này là kết quả tìm ra quy luật của tự nhiên.

Vậy nhưng các bậc phụ huynh của chúng ta đã làm gì để phát
triển những bản năng tự nhiên đó của trẻ. Tôi xin đặt ra
vài câu hỏi để các bậc phụ huynh trả lời:

1- Bản năng của trẻ khi sinh ra là được vận động để
tiến tới các hoạt động lẫy, trườn, bò, đi, nhai, nói...
Thế nhưng vì sao các mẹ lại cứ suốt ngày bế trẻ trên tay,
khi trẻ đến tháng thứ 3 không lẫy, thậm chí tháng thứ 4, 5
không lẫy, các mẹ vẫn tặc lưỡi: "Bé trốn lẫy" vậy.

2 - Trẻ được sinh ra, giống như bao loài khác sống trên trái
đất đều có khả năng thích nghi tuyệt vời với môi trường
thế nhưng vì sao các mẹ giữ trẻ trong nhà khi trời lạnh và
mặc cho trẻ thật nhiều quần áo cho đỡ lạnh; trẻ đùa
nghịch toát mồ hôi thì lập tức lấy khăn lau liên tục rồi
cấm không cho trẻ chơi đùa, chạy nhảy, trẻ cũng không
được phép hứng chút nắng gió, không được đi chân đất,
không được nghịch bẩn vì sợ giun sán vào bụng...

Vậy có phải là trẻ đang đánh mất dần bản năng thích nghi
với môi trường sống mà đáng ra trẻ đã có và đã thích nghi
được với rất nhiều sự khắc nghiệt của môi trường xung
quanh. Khi để trẻ mất đi điều này, liệu có phải là các
bố mẹ đã đi ngược với sự phát triển tự nhiên của
trẻ???

3 - Trẻ được sinh ra và tiếp tục hoàn thiện mọi kỹ năng
sống bắt đầu từ những điều được coi là bản năng như
là: nhai, nuốt và sử dụng thành thạo các bộ phận cơ thể...
tuy nhiên, trẻ của chúng ta hiện tại nhiều bé thậm chí đến
3 tuổi chưa nói, 4 tuổi vẫn chưa tự cầm thìa xúc cơm ăn, 5
tuổi vẫn chưa biết mặc quần áo... mọi hoạt động của
trẻ đều nhận được sự trợ giúp của người khác. Vậy
trẻ có phát triển đúng với tự nhiên chưa???

4 - Cũng ngay từ khi sinh ra, trẻ đã bắt đầu ghi nhớ những
gì trẻ nhìn thấy trong môi trường xung quanh trẻ bằng tất
cả các giác quan mà trẻ có... Thế nhưng các phụ huynh vẫn
luôn quan điểm: "nó biết gì mà dạy". Đổi lại là chính các
bậc phụ huynh, mỗi kiến thức lịch sử, bạn có tự biết ra
không hay là phải đến khi tìm thấy tài liệu và đọc không
chỉ một lần hoặc nghe ai đó nói nhiều lần mới có thể ghi
nhớ, vậy tại sao bạn không cung cấp thông tin cho trẻ để
trẻ ghi nhớ mà lại chờ đến khi trẻ vào trường học mới
được cung cấp những thông tin đó. Tôi có thể khẳng định
một điều, dù bạn không dạy gì trẻ nhưng trẻ vẫn học
từng phút từng giờ của trẻ. Bạn đã có khi nào bất ngờ
khi con làm một hành động nào đó giống y hệt ông, bà đã
thực hiện như cách chỉ tay, giọng điệu nói; hoặc đơn giản
hơn nữa, có khi nào trẻ đem nguyên văn câu nói mà bạn nói
với người trong gia đình ra sử dụng trong khi đang giao tiếp
với bạn không?

5 - Trẻ đã bắt đầu học ngay từ lúc mới chào đời, thế
nhưng nhiều gia đình hiện tại không hề giáo dục phép lịch
sự cho trẻ. Tôi đã từng bắt gặp có những em bé chỉ 4
đến 5 tuổi, chỉ tay vào mặt người giúp việc nói với
giọng kẻ cả sai bảo một điều gì đó; tôi cũng đã từng
gặp trường hợp trẻ dùng những ngôn từ chợ búa để nói
không chỉ với bạn bè mà với cả người thân trong gia đình
lẫn khách; có nhiều gia đình thậm chí còn cười vui vẻ bởi
con học nhanh thế mà không nhận ra rằng tại sao con học nhanh
thế mà mình không dạy cho con những điều hay lẽ phải, dạy
con tôn trọng người đối diện và dạy cho con những kiến
thức về thế giới xung quanh???

6 - Khoa học đã nghiên cứu được những giai đoạn mẫn cảm
của con người đối với môi trường xung quanh như ở độ
tuổi nào thì giác quan của trẻ phát triển tốt nhất, ở
khoảng thời gian nào thì trẻ mẫn cảm với các con số, ở
độ tuổi nào thì trẻ mẫn cảm với nghệ thuật... Thế nhưng
khi tôi nhắc tới việc dạy trẻ cảm thụ nghệ thuật bằng
các trò chơi và có sự tương tác của bố mẹ thì nhiều phụ
huynh gạt đi và cũng đưa ra một lập luận: "tôi không ép nó
học cái gì cả, tôi để cho nó phát triển một cách tự
nhiên". Tự nhiên nghĩa là phát triển trong môi trường tự
nhiên, vậy môi trường tự nhiên mà bạn tạo ra cho con là gì?
Là 4 bức tường với ê hề thứ đồ chơi, là sự chăm sóc
đến tận chân tơ kẽ tóc của bảo mẫu, là những trò chơi
trên ipad, là những đoạn quảng cáo đầy màu sắc của ti vi,
là những clip thu hút bé và bạn lạm dụng lúc bé xem để cho
bé ăn... Giả như bé có sự mẫn cảm đặc biệt với hội
họa, hay âm nhạc, hoặc bất cứ bộ môn nào mà bạn không
tạo được môi trường cho bé tiếp xúc ngay trong giai đoạn
mẫn cảm nhất này, như vậy có phải là bạn đã tước đi cơ
hội "phát triển một cách tự nhiên" theo sự mẫn cảm và
tiềm năng của bé hay không???

7- Trẻ em được sinh ra và bắt đầu học cách tư duy; học
cách nhận biết thế giới xung quanh trẻ; học cách ứng xử
thông qua những hoạt động thường ngày trong gia đình... Biết
là vậy, sao không "uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở
con còn ngây thơ" mà lại để đến tuổi thì nó tự được
nhà trường dạy dỗ. Bạn cho con quen chơi thả phanh và lười
suy nghĩ thì liệu trẻ khi bước vào bậc học tiểu học có
hứng thú với việc học hành theo nề nếp hay không? Bạn cho
trẻ thức, ngủ, ăn uống không theo lịch trình, các sinh hoạt
cá nhân không theo nề nếp thì liệu khi trẻ bước vào lớp
học, ngoài những kiến thức khoa giáo, thì trong nhà trường có
dạy trẻ những kỹ năng đơn giản để phục vụ cho chính
bản thân trẻ hay không? Sau này khi trẻ bước vào một môi
trường mới, môi trường mà trẻ không quen, liệu trẻ có thể
thích nghi mà sống tốt được hay không???

P/S: "Uốn cây từ lúc còn non, dạy con từ thuở còn thơ" => các
bác tham khảo thêm 1 kênh bổ trợ khoa học về phương pháp
tại WWW.POKI.VN
Chia sẻ sâu hơn về giáo dục con trẻ => tham khảo tại
https://www.facebook.com/PokiLearningAsia

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141108/xin-hay-de-cac-con-phat-trien-mot-cach-tu-nhien),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét