Nguyễn Văn Tuấn - Từ chức và đa đảng?

<blockquote><strong>Dân Luận:</strong> Thực ra đúng là đa đảng
dẫn tới nhiều vụ từ chức hơn :D Những chính trị gia ở
nước ngoài thường tự nguyện từ chức vì họ biết rằng sai
phạm của họ không thể che mắt được các đảng đối lập,
và chắc chắn nó sẽ bị khui ra nên từ chức trước để đỡ
xấu hổ. Theo các bạn, nếu họ biết rằng sai phạm của họ
có cách để che dấu thì họ sẽ chọn giữa che dấu hay từ
chức?</blockquote>

Đọc giải thích của ông bộ trưởng Bộ Tư pháp về chuyện
tại sao các quan chức không từ chức khi họ có sai phạm (1),
tôi thật không hiểu lắm. Có lẽ do suy nghĩ mù mờ nên cách
nói cũng mù mờ.

Phóng viên hỏi "Ở nước ngoài, quan chức có thể dễ dàng từ
chức sau khi có những sai phạm còn ở Việt Nam tại sao lại
không thực hiện được điều đó", và ông trả lời như sau:

"Những nước đó có chế độ đa đảng. Chỉ cần họ phát
hiện ra trong hoạt động bầu cử có sử dụng tài chính bất
minh thì cũng phải từ chức. Ví dụ như sự việc nữ bộ
trưởng của Nhật Bản phải từ chức sau khi có những thông
tin sai phạm trong bầu cử."

Đọc câu này tôi không thấy cái logic hay mối liên hệ giữa
chế độ đa đảng và từ chức chút nào cả. Ở Úc, mấy
tháng trước ông thủ hiến bang New South Wales khi bị phát hiện
ông nói sai trước uỷ ban về chống tham nhũng hối lộ, ông
tự động xin từ chức chứ cũng chẳng có ai yêu cầu ông từ
chức. Từ chức là quyết định cá nhân, chứ đâu có phải do
đa đa đảng. Có nhiều trường hợp mà bộ trưởng đương
quyền bị đảng đối lập kêu từ chức nhưng bộ trưởng
không từ chức vì chẳng có gì sai lầm đến độ phải từ
chức.

Ông giải thích tiếp: "Ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo duy nhất
và công tác cán bộ được coi là ưu tiên hàng đầu. Đảng
giao nhiệm vụ, ra trung ương biểu quyết và đưa ra cơ quan
Quốc hội để phê duyệt, vì vậy, khi anh từ chức anh cũng
phải báo cáo tổ chức, trừ khi anh sai phạm rõ ràng."

Đoạn này thì ông thú nhận VN là nước theo chế độ độc
đảng! Nhưng tôi nghĩ cách giải thích cũng khó thuyết phục.
Ông cho ví dụ cán bộ cao cấp do trung ương quản lí, nhưng còn
cán bộ trung cấp thì sao? Chẳng hạn như cấp giám đốc sở
vẫn có thể từ chức chứ đâu cần phải báo cáo Quốc hội?

Ông lí giải thêm: "Các nước khác quản lý theo ngành dọc, Tư
pháp là công việc của trung ương. Vì vậy, kể cả hộ tịch
viên ở các xã cũng là người của trung ương cử xuống làm
nhiệm vụ hộ tịch. Người đó không thể làm sai lời Bộ
trưởng. Còn ở Việt Nam, cán bộ hộ tịch là người giúp
việc cho ông chủ tịch. Ông này nói thế nào thì phải theo
thế đấy. Vậy thì làm sao người đứng đầu Tư pháp có thể
chịu trách nhiệm được?"

Không biết ông đề cập đến nước nào, nhưng tôi thấy ở
Úc thì câu này không đúng. Ở Úc, hệ thống tổ chức chính
quyền theo liên bang và tiểu bang. Liên bang có bộ trưởng,
tiểu bang cũng có bộ trưởng. Sếp của bộ trưởng cấp tiểu
bang là thủ hiến chứ không phải bộ trưởng liên bang. Do đó,
nếu bộ trưởng tiểu bang có vấn đề thì thủ hiến khiển
trách, chứ bộ trưởng liên bang chẳng có dính dáng bao nhiêu.

Ở cấp liên bang ở Úc, tôi còn nhớ một vụ từ chức rất hi
hữu. Ông bộ trưởng quốc phòng Úc có một thằng con trai sắp
đến tuổi 21, tuổi mà ngày sinh nhật được làm rình rang.
Sắp đến ngày sinh nhật, em này "nổ" với bạn gái là "Em
muốn đi trực thăng không? Ba anh có trực thăng, ngày đó mình
sẽ bay chung nhé". Cô con gái khoe với bạn, và lời khoe tới tai
báo chí làm rùng beng. Sau này người ta còn phát hiện ông quí
tử này dùng thẻ điện thoại của ông bộ trưởng gọi sang
Anh tán dóc với bạn! Vì áp lực công chúng quá lớn và dư
luận báo chí hàng ngày, ông chịu đời không thấu nên từ
chức.

Nói tóm lại, tôi thấy lời giải thích của ông bộ trưởng
này chẳng thuyết phục chút nào. Từ chức cũng chẳng dính
dáng gì đến hệ thống tổ chức theo chiều dọc hay chiều
ngang. Tôi nghĩ từ chức là hành động liên quan đến mức độ
và lòng tự trọng, chứ chẳng có dính dáng gì đến chế độ
độc đảng hay đa đảng. Ngồi ở cái ghế quyền lực, và làm
không được việc mà vẫn ngồi bám cái ghế quyền lực thì
đó là thiếu lòng tự trọng.

_________________

(1)
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-truong-tu-phap-khong-co-tu-chuc-vi-khong-the-quy-trach-nhiem-ca-nhan-3102188.html

TB: Tôi có một kỉ niệm nhỏ với ông bộ trưởng. Cách đây
vài tháng tôi bay chuyến bay VNA từ Sài Gòn về Sydney, và
người khách ngồi bên cạnh tôi [sau này tôi mới biết] là ông
bộ trưởng Bộ Tư pháp. Khi lên máy bay, ông rất lịch sự
chào người khách ngồi cạnh (tức là tôi), và chúng tôi nói
chuyện trời mây sông nước một hồi. Tôi mời ông li rượu
đỏ, ông gật gù khen ngon. Độ vài mươi phút sau, ông tò mò
hỏi tôi: Anh là doanh nhân? Tôi nói: Không. Ông hỏi tiếp: Thế
anh là cán bộ? Thưa, không. Anh ở Úc hay ở Việt Nam? Úc. Ông
lại tò mò: Anh sang đó bằng đường du học? Tôi không thích
hành khách kiểu này, nhưng cũng giữ lịch sự, nên phải nói
thẳng: Không, tôi sang đó bằng đường vượt biển, tôi là
người mà báo Tây nó gọi là "thuyền nhân". Từ đó, suốt
chuyến bay 8 tiếng, ông không nói thêm tiếng nào với tôi. Khi
đến phi trường, tôi mới biết ông làm lớn vì có nhân viên
sứ quán ra đón ngay tại cửa máy bay. Họ tưởng ông ra
trước, nhưng thật ra tôi ra trước, nên họ hơi khựng lại.
Hôm sau, đọc báo trong nước, và thấy hình mới biết là ông
sang thăm Úc.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141105/nguyen-van-tuan-tu-chuc-va-da-dang),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét