Ngô Nhân Dụng - Từ 2014 đến 2016

Một độc giả Người Việt Online viết email hỏi, "Tại sao
nước Mỹ lại có cuộc bầu cử giữa mùa như thế này?"
Thực ra dân Mỹ họ đi bầu "đúng mùa" chứ không phải
"giữa mùa." Nếu sống ở Mỹ bạn sẽ biết Hiến Pháp
nước này ấn định cứ bốn năm bầu tổng thống một lần;
mỗi hai năm bầu lại toàn thể Hạ Viện và một phần ba
Thượng Viện.

Năm nay Đảng Cộng Hòa thắng lớn, chiếm đa số kiểm soát
cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện, trong khi nhiệm kỳ ông tổng
thống thuộc Đảng Dân Chủ sẽ còn hai năm nữa mới hết.
Tổng Thống Obama rơi vào cảnh giống hai người đi trước. Ông
Bill Clinton (Dân Chủ) làm tổng thống từ 1992 thì Đảng Cộng
Hòa chiếm quyền kiểm soát cả hai viện từ năm 1996. Trong hai
năm chót của Tổng Thống George W. Bush (Cộng Hòa, 2000-2008),
Đảng Dân Chủ cũng nắm cả hai viện Quốc Hội.

Trước đây trong lịch sử nước Mỹ chưa từng có cảnh ba vị
tổng thống liên tiếp chấm dứt hai nhiệm kỳ trong lúc Quốc
Hội hoàn toàn thuộc đảng đối lập. Hiện tượng này phản
ảnh tình trạng chính trị Mỹ. Thứ nhất, những khối cử tri
kiên trì của hai đảng càng ngày càng phân cực, mối chia cách
họ ngày càng rộng hơn, các cử tri trung dung quyết định ai
thắng ai bại, mỗi kỳ bầu cử họ đổi ý kiến thì quyền
hành chính trị cũng đổi rất nhanh. Thứ hai, dân chúng Mỹ
ngày càng chán các nhà chính trị cho nên họ bày tỏ thái độ
bằng cách bầu cho người khác đảng đang nắm quyền. Cả ba
vị tổng thống Mỹ gần đây nhất đều hứa hẹn sẽ thay
đổi không khí chính trị ở thủ đô Washington, và dân cúng
đều thấy họ chẳng thay đổi được gì cả. Cả ba vị, khi
mãn nhiệm, đều để lại một tình trạng phân cực chính trị
nặng nề hơn.

Tình trạng hai đảng nắm hai trung tâm quyền lực khiến các
ông tổng thống không thể thi hành các chính sách đặc biệt
của đảng mình trong những năm sau cùng. Họ phải thỏa hiệp
với đảng đối lập nếu muốn để lại một dấu vết lâu
dài trong đời sống dân Mỹ. Nhờ biết thỏa hiệp với Đảng
Cộng Hòa nên Tổng Thống Clinton ban hành được đạo luật
cải tổ an sinh xã hội, một dự án các vị tổng thống
trước đã cố làm không được. Tổng Thống Bush thông qua
được đạo luật cắt giảm thuế cho người giàu ngay trong năm
đầu tiên. Ông Obama sẽ được ghi trong lịch sử là người
đặt nền móng cho bảo hiểm y tế toàn dân, cũng làm ngay trong
nhiệm kỳ đầu. Nhưng về đối ngoại thì hai đảng trong thực
tế chủ trương không khác nhau mấy. Chính sách của Mỹ tại
Ukraine, Trung Đông, Biển Đông chắc không thay đổi từ nay
đến ngày dân Mỹ bầu một người lên thay ông Obama.

Ngay sau khi dân Mỹ bỏ phiếu bầu Quốc Hội xong, mặt trận
tranh cử năm 2016 đã bắt đầu, vì các nhà chính trị Mỹ
sống trong tình trạng "tranh cử thường xuyên." Sau thất
bại nặng nề năm nay, đến năm 2016 Đảng Dân Chủ còn hy
vọng giữ được Tòa Bạch Ốc hoặc lấy lại Thượng Viện
hay không? Chúng ta nhớ lại, trước đây nhiều người đã nghĩ
rằng sau hai cuộc thất bại liên tiếp năm 2006 (bầu Quốc
Hội) và 2008 (bầu tổng thống) Đảng Cộng Hòa sẽ không thể
đứng vững được nữa. Cho nên, tới năm 2016, Đảng Dân Chủ
(bà Hillary Clinton) vẫn còn nhiều hy vọng.

Thứ nhất Đảng Dân Chủ vẫn còn hy vọng năm 2016 sẽ chiếm
lại đa số tại Thượng Viện. Hiện nay Đảng Cộng Hòa chỉ
chiếm đa số với tỷ số 52/48, bên Dân Chủ chỉ cần lấy
thêm được ba ghế là đủ. Năm nay Đảng Cộng Hòa chiếm
được Thượng Viện, một phần vì trong số 20 ghế nghị sĩ
được tranh giành quyết liệt năm nay, 16 ghế đang nằm trong tay
Đảng Dân Chủ mà họ phải cố thủ. Trong số 16 nơi đó, sáu
tiểu bang không bầu cho ông Obama năm 2012, nghĩa là ở đó
Đảng Cộng Hòa đã mạnh sẵn.

Đến năm 2016, tình hình sẽ khác hẳn. Có 33 ghế nghị sĩ sẽ
được dân bầu lại, mà trong đó 23 ghế Đảng Cộng Hòa đang
giữ. Trong số 23 nơi này, có sáu tiểu bang đã bầu cho ông
Obama hai lần, 2008 và 2012 là Illinois, New Hampshire, Ohio,
Pennsylvania, Florida and Wisconsin. Hai tiểu bang khác thì ông Obama
thắng năm 2008, là Indiana và North Carolina. Ngoài ra, hai nghị sĩ
Cộng Hòa sẽ về hưu năm 2016, là John McCain tại Arizona, Chuck
Grassley tại Iowa, mở cửa cho ứng cử viên Dân Chủ vào một
cuộc chạy đua ngang sức. Trong hai tiểu bang khác, các nghị sĩ
Cộng Hòa đương nhiệm có thể sẽ không tranh cử nữa vì có
ý định làm ứng cử viên tổng thống, đó là Marco Rubio tại
Florida và Rand Paul tại Kentucky.

Trong tình trạng đó, Đảng Dân Chủ có nhiều hy vọng chiếm
lại Thượng Viện vào năm 2016, dễ dàng hơn Đảng Cộng Hòa
phải chiếm thêm sáu ghế nghị sĩ trong năm nay.

Nhưng như vậy có giúp gì cho bà Hillary Clinton hay không? Nhìn
vào kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua trong từng tiểu bang có
thể đoán được hai năm nữa bà Hillary Clinton hay ứng cử viên
Cộng Hòa có lợi thế ở tiểu bang nào, dù đó là ông Chris
Christie, Rand Paul, Jeb Bush hay Ted Cruz.

Tại nước Mỹ, ứng cử viên tổng thống thắng ở tiểu bang
nào sẽ được hưởng các phiếu cử tri đoàn tại đó. Phải
chiếm được 270 phiếu mới đắc cử.

Trong sáu kỳ bầu cử tổng thống vừa qua, có 18 tiểu bang luôn
luôn bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ, được tô màu xanh. Nếu năm
2016 họ không có lý do nào để thay đổi thì bà Clinton sẽ
nắm trong tay 242 phiếu cử tri đoàn. Muốn đắc cử tổng
thống bà cần đạt được 28 phiếu nữa trong số các tiểu
bang "màu tím" cho đủ 270 phiếu. Ngược lại, tại các tiểu
bang đó, với 183 phiếu cử tri đoàn, các ứng cử viên tổng
thống Cộng Hòa sẽ phải giành được nhiều hơn 150 phiếu.

Tại Mỹ, đa số các cử tri da trắng và lớn tuổi thích Đảng
Cộng Hòa, còn người trẻ, da màu, người gốc Latino, như dân
Mexico nghiêng về phía Dân Chủ. Năm nay, Đảng Cộng Hòa thắng
lớn đến năm 2016, tình hình sẽ ra sao?

Năm 2012, ứng cử viên Tổng Thống Cộng Hòa Mitt Romney được
59% người da trắng ủng hộ. Tỷ số này cao hơn cả hai ông
Ronald Reagan vào năm 1980 và George W. Bush năm 2004, có lẽ vì
đối thủ của ông là người da đen. Nhưng ông Romney thua ông
Obama; một lý do là vì số cử tri da màu ngày càng tăng, đông
hơn. Muốn đánh bại bà Clinton, ứng cử viên tổng thống Cộng
Hòa năm 2016 phải chiếm được 64% số phiếu của người da
trắng, hoặc chiếm thêm rất nhiều phiếu của người da đen
và người gốc Latino.

Đó là một con toán khó khăn vì trong cuộc bỏ phiếu năm nay,
chỉ có 60% người da trắng bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hòa. Số
cử tri gốc La Tinh năm nay bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hòa đã
lên tới 35%, nhưng tỷ số đó thấp hơn năm 2010, khi Đảng
Cộng Hòa được 38% dân La Tinh ủng hộ, và năm 2012 tụt xuống
chỉ còn 27%. Những năm bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống,
người gốc Latino thường không hăng hái đi bỏ phiếu.

Một đặc điểm khác của các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ
là những người trẻ tuổi cũng ít đi bỏ phiếu, trong khi
người lớn tuổi, nhất là người da trắng lớn tuổi, thường
chăm chỉ làm bổn phận công dân hơn.

Đến năm 2016, bà Hillary Clinton sẽ vận động các cử tri "cơ
sở" của Đảng Dân Chủ, là người da màu, người trẻ
tuổi, để chiếm lợi thế. Ông chồng bà đã từng sử dụng
chiến lược đó hai lần, và đã thành công. Cặp vợ chồng
này hiện là những chính trị gia Đảng Dân Chủ được người
cùng đảng kính trọng nhất.

Nhưng ngoài các con toán giản dị trên, từ nay đến năm 2016
còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cử tri Mỹ. Quan
trọng nhất, là trong hai năm tới ông tổng thống Dân Chủ và
Quốc Hội Cộng Hòa sẽ làm gì. Chúng ta chưa biết đa số các
dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa sẽ theo đường lối "đối
đầu" hay thỏa hiệp với vị tổng thống đương nhiệm. Vì
mối quan tâm của họ không phải là ai sẽ đắc cử tổng
thống năm 2016, mà là chính họ có được cử tri trong đơn vị
mình tín nhiệm nữa hay không. Họ sẽ phải làm vừa lòng các
cử tri đã bầu mình, đặc biệt là các cử tri hăng hái nhất,
thường cũng là những người cực đoan nhất.

Nếu Đảng Cộng Hòa tiếp tục chính sách của Hạ Viện trong
mấy năm qua, đưa ra những dự luật và ngân sách hoàn toàn theo
đường lối "cực hữu" theo khuynh hướng Tea Party, thì ông
Obama sẽ bắt buộc phải dùng phủ quyết; mà số phiếu Cộng
Hòa trong Quốc Hội không đủ hai phần ba để bác bỏ quyền
phủ quyết của ông tổng thống. Nếu cứ tiếp tục như vậy,
đến năm 2016, đa số cử tri Mỹ sẽ thấy giới chính trị ở
thủ đô không làm được việc gì cả, họ có thể quay về
phía Đảng Dân Chủ.

Ngược lại, nếu Đảng Cộng Hòa có thể đoàn kết lại để
đứng chung trong một chương trình lập pháp ôn hòa, chịu thỏa
hiệp với Tòa Bạch Ốc để, thì họ sẽ chứng tỏ họ thành
công, và đa số cử tri sẽ ủng hộ. Nhiều chương trình lập
pháp đang hy vọng thành hình nếu Đảng Cộng Hòa chịu thỏa
hiệp. Chương trình cải thiện hệ thống xa lộ và hạ tầng
cơ sở của ông Obama không được các dân biểu Cộng Hòa chấp
thuận, nay có hy vọng sẽ được đưa ra bàn. Một dự luật
về cải tổ thuế khóa cũng có thể thành hình nếu hai đảng
chịu nhường nhịn. Một đạo luật cải tổ cho vấn đề di
dân bất hợp pháp ở Mỹ có thể giúp Đảng Cộng Hòa chiếm
thêm phiếu của các cử tri Latino, nếu họ chịu thỏa hiệp
với Tổng Thống Obama. Như vậy, đến năm 2016 dân chúng Mỹ có
thể sẽ tưởng thưởng Đảng Cộng Hòa một lần nữa!

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141112/ngo-nhan-dung-tu-2014-den-2016),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét