Luật sư Trần Hồng Phong - Quyền tiếp cận thông tin: Không thể "mật hóa" tràn lan

<blockquote><b>Luật sư Trần Hồng Phong:</b> Gần đây, tôi có
được mời tham gia nghiên cứu/viết bài về vấn đề Quyền
tiếp cận thông tin và hoạt động báo chí tại Việt Nam - theo
một đề án do Ngân hàng thế giới (WB) đang triển khai. Cụ
thể, tôi được đề nghị trình bày về vấn đề tài liệu
mật và sự liên quan đến hoạt động báo chí. Dưới đây là
bài phát biểu của tôi tại buổi tọa đàm được tổ chức
ngày 7-11-2014 vừa qua. Lưu ý đây là bài phát biểu, nên lối
hành văn hơi khác một bài viết thông thường. Buổi tọa đàm
này cũng được báo Pháp luật TP.HCM có bài tường thuật ngắn
ở đây: <i><a
href="http://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/can-luat-hoa-quy-dinh-ve-tai-lieu-mat-507823.html">Cần
luật hóa quy định về tài liệu mật.</a></i></blockquote>

<h1>Thông tin bảo mật Nhà nước &
những bất cập liên quan đến hoạt động báo chí </h1>

<b>I. Vấn đề bảo mật thông tin, thông tin mật & nhu cầu
tiếp cận thông tin: </b>

<div class="boxright320"><img
src="http://2.bp.blogspot.com/-vct5m9bp5cA/VGCHLGfRvvI/AAAAAAAAG5o/vSjotfsT8TA/s1600/baochi.jpg"
width="320" ></div>
- Quốc gia nào cũng có những tài liệu, thông tin có tính chất
mật, không thể công khai tại một thời điểm - vì có thể
phương hại đến an ninh, lợi ích quốc gia. Tại VN, tài
liệu/thông tin xác định là mật thì bị cấm tiếp cận, lưu
trữ/ bảo mật nghiêm ngặt.

- Gần đây, Chính phủ đã bổ sung vào Danh mục tài liệu xếp
loại mật và tối mật khá nhiều, đột biến. Cụ thể, tháng
9,10/2014 vừa qua:

- Danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật, tối mật của
Ban kinh tế TW đảng.

- Danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật, tối mật của
ngành LĐTBXH.

Qua 2 danh mục trên, có thể thấy hầu như tất cả những gì
liên quan đến Ban kinh tế TW đều là tuyệt mật, tối mật.
Trong ngành LĐTBXH cũng vậy, bao trùm hầu hết các lĩnh vực
của ngành này.

Tức là công dân nói chung, nhà báo nói riêng nay không được
tiếp cận, sử dụng những thông tin nằm trong 2 danh mục trên.
Nếu so sánh với những quy định trước thời điểm ban hành 2
quyết định trên, "miếng bánh thông tin" bị cắt/giảm
đáng kể. Và cũng đáng lo ngại.

Trong khi đó, quy định về việc mở, công khai, tiếp cận
thông tin thì không có chuyển biến theo hướng công dân được
biết nhiều hơn. Trong khi tiếp cận thông tin là một quyền –
được quy định trong Hiến pháp.

Đảng hay nói: <i>dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra</i>.
Nhưng hình như mới chỉ có "làm"!

Vấn đề tôi quan ngại và muốn phản ánh là:

- Quy định về bí mật nhà nước/thông tin mật hiện nay chưa
hợp lý, chưa khoa học.

- Quyền tiếp cận thông tin của công dân/báo chí đang ngày
càng bị thắt chặt, hạn chế.

- Có thực trạng lạm dụng, lợi dụng quyền lực để mật
hóa những thông tin/tài liệu thực chất không phải và không
có ý nghĩa là mật.

- Nguy hiểm hơn, có thể tạo ra nhóm lợi ích, lũng đoạn,
bưng bít và thậm chí kinh doanh thông tin. Và qua đó, trực tiếp
ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, đất nước.

<b>II. Quy định về tài liệu mật của Nhà nước còn nhiều
bất cập, chủ quan:</b>
<b>
</b> <b>1. "Mật" là do con dấu?</b>

Đầu năm 2005, có một vụ án liên quan đến hoạt động báo
chí và "tài liệu mật", vụ phóng viên Lan Anh báo Tuổi
Trẻ.

Tháng 3-2005, CQĐT Bộ CA có Kết luận điều tra, đề nghị
VKSNDTC truy tố phóng viên Lan Anh về hành vi "chiếm đoạt
tài liệu bí mật nhà nước" theo điều 263 Bộ luật hình
sự. Lý do: một mẩu tin ngắn của phóng viên Lan Anh đăng trên
báo Tuổi Trẻ ngày 20-5-2004, có nội dung cho biết Bộ Y tế
"đề nghị thanh tra toàn diện Công ty Zuellig Pharma" – một công
ty vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có dấu hiệu sai
phạm. Nội dung bản tin này xuất phát từ một công văn do Bộ
trưởng Bộ Y tế ký trước đó.

Cơ quan công an xác định công văn của Bộ Y tế thuộc Danh
mục tài liệu bí mật nhà nước. Do vậy, hành vi của phóng
viên Lan Anh là hành vi phạm tội.

Đến tháng 4-2005, VKSNDTC có QĐ đình chỉ điều tra vụ án
hình sự đối với phóng viên Lan Anh.
Theo quan điểm của cơ quan này, thì:

- Tại thời điểm người nhân viên văn phòng Bộ Y tế photo
công văn cho PV Lan Anh công văn chưa được đóng dấu "mật".
Vì vậy không đủ căn cứ pháp lý để kết luận phóng viên
Lan Anh có hành vi "Chiếm đọat tài liệu mật nhà nước".

- Việc PV Lan Anh thu thập tài liệu viết bài với động cơ
muốn thông tin kịp thời những chủ trương mới của Bộ Y tế
nhằm bình ổn giá thuốc tại thời điểm mà dư luận xã hội
đang quan tâm" không phải là động cơ xấu. Không cần thiết
phải xử lý hình sự.

Từ sự việc trên, cho thấy có nhiều bất cập. Đó là:

- Văn bản Nhà nước "mật" hay không "mật" có thể chỉ
là do có đóng dấu "mật" hay không.

- Cùng một nội dung, nhưng cách đánh giá/nhận thức của hai
cơ quan nhà nước có thể khác, thậm chí trái ngược nhau.

- Về mặt nội dung, những vấn đề nêu trong công văn –
thực chất là một văn bản hành chính thuần túy, diễn ra hàng
ngày. Nội dung không có gì đáng giữ bí mật, việc "tiết
lộ" không gây hại gì cho Nhà nước và có thể là vấn đề
"dư luận xã hội đang quan tâm" – như quan điểm của
VKSNDTC.

<b>2. Mật do chủ thể ban hành</b>

Đầu tháng 10/2014, Chính phủ ban hành một quyết định quy
định hầu như tất cả những tài liệu do Ban kinh tế Trung
ương đảng ban hành đều được xem là tài liệu "mật" hay
"tối mật" của Nhà nước.
Danh mục tài liệu được xếp là "tối mật" của Ban Kinh
tế Trung ương bao trùm đến mức quá chặt chẽ, "khắc
nghiệt". Cụ thể bao gồm (trích):

<i>1. Tài liệu, nội dung làm việc của Ban Kinh tế Trung ương
với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo
đảng, nhà nước, chính phủ có liên quan đến các chủ
trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội.</i>
<i>
</i> <i>2. Hồ sơ, tin, tài liệu liên quan đến việc thẩm định
các đề án kinh tế - xã hội trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư
chưa công bố hoặc không công bố.</i>
<i>
</i> <i>3. Văn bản tham gia ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương
đối với các chủ trương, chính sách, các dự án lớn về kinh
tế - xã hội trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công bố
hoặc không công bố.</i>
<i>
</i> <i>5. Các ý kiến tham gia góp ý của Ban Kinh tế Trung ương
với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen
thưởng, kỷ luật đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính
trị, Ban Bí thư quản lý thuộc khối kinh tế - xã hội. </i>

Qua đó, thấy rằng:

- Bất kỳ tài liệu nào, hễ do chủ thể là Ban kinh tế Trung
ương ban hành thì đều là tài liệu "mật", "tối mật".

- Tức là tính chất "mật" của tài liệu không phụ thuộc
vào nội dung thông tin, mà phụ thuộc vào chủ thể ban hành.

Điều này thực sự rất đáng băn khoăn, thậm chí là quan
ngại.

Vì những vấn đề về kinh tế - xã hội, chẳng hạn như chỉ
tiêu tăng trưởng, nợ công, tình hình khó khăn trong sản xuất
kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước… vv - đều là những vấn
đề thuộc dạng thông tin cơ bản phổ biến, thậm chí về
nguyên tắc bắt buộc phải công khai cho QH, người dân được
biết để giám sát.

VD trường hợp quy định về "Bản tin nợ công":

Ngày 14/7/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 79/2010 về quản
lý nợ công, trong đó có quy định về việc công khai thông tin
nợ công.

Cụ thể, Bộ Tài chính công khai, cung cấp thông tin về tình
hình vay, trả nợ trong nước và nước ngoài của Chính phủ,
nợ được Chính phủ bảo lãnh; vay, trả nợ nước ngoài của
quốc gia - thông qua hình thức phát hành Bản tin về nợ công.
(6 tháng một lần, đăng trên Trang điện tử của Bộ).
Trên thực tế, Bộ TC chỉ phát hành được 2 số (số gần
nhất tháng 10-2013), tới nay đã đã hơn 1 năm và trễ hạn 2
kỳ, chưa ra số mới.

Nay, với quy định mọi tài liệu của Ban kinh tế Trung ương
đều mật – phải chăng người dân đã bị cắt quyền tiếp
cận thông tin về nợ công? (Thông tin thật – chứ không phải
dạng thông tin soạn theo kiểu diễn văn, mâu thuẫn số liệu
giữa các ngành với nhau).

Mấy ngày trước, đại biểu QH Lê Thị Nga đã phát biểu:<i>
"Quốc hội và Người dân bị "đứng ngoài" quy trình vay vốn
ODA"</i>. Tức là ngay QH cũng bị bưng bít, không được cung
cấp thông tin đầy đủ, chính xác!

<b>3. "Mật" ngay cả những vấn đề không đáng mật:</b>

Cũng trong tháng 10/2014, Chính phủ ban hành Danh mục những tài
liệu được xếp loại "mật" và tuyệt mật của ngành
LĐTBXH. Trong danh sách này, người ta thấy những tài liệu sau
là mật: (trích)

<i>1. Nội dung các cuộc đàm phán thuộc lĩnh vực lao động,
người có công chưa công bố hoặc không công bố;</i>
<i>
</i> <i>2. Tình hình và số liệu tuyệt đối, không công bố
hoặc chưa công bố về: Người hoạt động cách mạng trước
ngày khởi nghĩa tháng 8 năm 1945; liệt sỹ; người hoạt động
cách mạng, hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa
học;.. </i>
<i>
</i> <i>3. Tin, tài liệu và số liệu mộ liệt sỹ, công trình
ghi công liệt sỹ không công bố hoặc chưa công bố;</i>

Qua đó, sau bao nhiêu năm không bị xem là mật, nay những thông
tin về mộ liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ, tên liệt
sỹ, người hoạt động cách mạng trước 1945… vv cũng đã
được xem là "mật", "tuyệt mật".

Theo quan điểm của tôi, trừ những trường hợp liên quan
đến hoạt động tình báo, đến quan hệ quốc tế, thì những
thông tin như nêu trên không nên xem là tài liệu mật.

Nếu Nhà nước ngăn cản công bố hay tìm hiểu, xác minh thông
tin về người có công cách mạng, liệt sỹ… thì trong một
số trường hợp còn là sự thiếu đạo nghĩa, hạn chế quyền
truy tìm nhân thân, vinh danh người có công với đất nước.

<b>4. Nhà nước chưa công bố là "mật" và vấn đề giải
mật </b>

Qua đó, còn thấy là hầu như những tài liệu chưa công bố
của đảng và Nhà nước hầu như đều được xem là mật hay
tối mật – mà không cần giải thích vì sao, nguyên nhân gì,
bất kể nội dung là vấn đề gì.

Một vấn đề cần đặt ra là mối quan hệ giữa việc "chưa
công bố" (là tài liệu mật) và vấn đề "giải mật"
thông tin lưu trữ của đảng và Nhà nước.

Theo quy định tại Luật lưu trữ (có hiệu lực từ 1-7-2012),
thì:

<i>Điều 30. Sử dụng tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ lịch
sử</i>
<i>
</i> <i>4. Tài liệu lưu trữ thuộc Danh mục tài liệu có đóng
dấu chỉ các mức độ mật được sử dụng rộng rãi trong
các trường hợp sau đây:</i>
<i>a) Được giải mật theo quy định của pháp luật về bảo
vệ bí mật nhà nước; - hiện nay chưa có quy định cụ thể,
luật hóa</i>
<i>b) Sau 40 năm, kể từ năm công việc kết thúc đối với tài
liệu có đóng dấu mật nhưng chưa được giải mật;</i>
<i>c) Sau 60 năm, kể từ năm công việc kết thúc đối với tài
liệu có đóng dấu tối mật, tuyệt mật nhưng chưa được
giải mật. </i>

Ví dụ minh họa: Cuộc Triển lãm Cải cách ruộng đất tháng
9/2014 mới đây.

Báo chí đồng loạt đưa tin về cuộc triển lãm về "Cuộc
cách mạng Cải cách ruộng đất" (CCRĐ) tại Hà Nội - do Đảng
tiến hành trong thời gian 1945-1956. Theo phía Nhà nước, mục
tiêu của cuộc triển lãm là giúp người dân "có cái nhìn đa
chiều" về CCRĐ - mà theo đảng, là một "thành tựu ", nhưng
cũng "có những sai lầm".

Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày thì cuộc triển lãm bị đóng cửa
không kèn không trống. Lý do nêu ra rất buồn cười là: "hệ
thống điện trong phòng triển lãm bị hỏng".

Với việc đóng cửa như vậy – công dân/báo chí bị cắt
quyền tiếp cận thông tin.

Trong khi trong Luật lưu trữ quy định: những tài liệu
"mật" hay "tối mật" thì vẫn được sử dụng rộng rãi
- tức là có quyền tiếp cận - trong vòng 40-60 năm. Tức là
hiện nay, nếu theo luật – thì đảng, Nhà nước phải có
trách nhiệm cung cấp.

<b>5. Quan chức, cơ quan Nhà nước có quyền hành quá lớn trong
việc xác định và ban hành tài liệu thuộc danh mục bảo mật
Nhà nước</b>

Vấn đề thẩm quyền xác định và ban hành quy định những
thông tin nào là mật và bảo mật hiện nay có nhiều bất cập,
thiếu khoa học và thậm chí quyền hạn của quan chức và cơ
quan hành chính Nhà nước vượt quá những quy định của Hiến
pháp và pháp luật hiện hành.

Theo quy định tại Điều 6 Pháp lệnh bảo vệ bảo mật Nhà
nước (2000) thì:

- Chính phủ là cơ quan duy nhất có quyền ban hành quy định
về Danh mục tài liệu mật, tối mật.

- Và danh mục này lại dựa theo đề nghị từ các Bộ, ngành
liên quan – đối với những văn bản, tài liệu do chính cơ
quan này ban hành.

Dẫn đến tình trạng:

- "Vừa đá bóng vừa thổi còi".

- Có thể lạm dụng, lạm quyền cái gì cũng có thể là mật.
Mà hậu quả là sự cát cứ, bưng bít thông tin – theo hướng
có lợi cho mình.

- Các cơ quan hành chính có chức năng quản lý, điều hành
thông qua các quyết định hành chính – trực tiếp liên quan
đến đời sống xã hội, người dân, doanh nghiệp. Nhìn chung,
những quyết định, văn bản hành chính vì thế không thể và
không phải là tài liệu mật.

- Bộ lại có quyền và đưa những văn bản hành chính của
mình vào danh mục tài liệu mật chính là có quyền "mật
hóa" những mối quan hệ hành chính – dân sự thông thường.

<b>III. Vấn đề bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật:</b>

<b>1. Những tác động tiêu cực do bưng bít, mật hóa thông
tin:</b>

- Báo chí là cơ quan thông tin, mà thiếu, nghèo nàn thông tin –
trực tiếp dẫn đến hậu quả quyền tiếp cận thông tin của
người dân bị hạn chế.

- Việc "bưng bít", mật hóa thông tin còn là sự thiếu minh
bạch của Nhà nước, chỉ làm cho nhu cầu "khát" thông tin
ngày càng tăng. Nỗi hồ nghi và niềm tin vào chế độ giảm
sút, tác động tiêu cực đến tình hình chính trị - xã hội.

- Còn là điều kiện/cơ hội làm nảy sinh tiêu cực, lạm
quyền trong bộ máy Nhà nước.

<b>2. Một vài kiến nghị:</b>

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên:

- Bổ sung, hoàn thiện Hệ thống pháp luật – an toàn và công
bằng. Trên cơ sở bảo đảm được sự công bằng và minh
bạch, quyền tiếp cận thông tin của công dân.

- Nội hàm về thông tin bảo mật của Nhà nước (như quy
định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước hiện nay có
nội hàm quá rộng, chung chung. Dẫn đến việc người có quyền
có thể hiểu theo hướng có lợi cho mình, đặt lợi ích của
Nhà nước, đảng lên trên lợi ích dân tộc.

Ví dụ: Thông tin một quan chức cấp cao có dấu hiệu tham
nhũng – nếu mật, thì phải chăng là sự bao che?

- Cần phân loại, xếp loại thông tin bảo mật theo nội
dung/nội hàm, theo thời điểm – chứ không theo chủ thể ban
hành.

- Sớm ban hành Luật tiếp cận thông tin.

- Quy định và hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về giải
mật (thời gian, hình thức).

- Có biện pháp chế tài cơ quan, cá nhân cố tình trì hoãn,
không cung cấp, không giải mật.

- Xác định lại thẩm quyền và nguyên tắc xác định tài
liệu mật – theo hướng trao quyền cho Quốc Hội. Vì QH là cơ
quan quyền lực cao nhất, làm luật, giải thích luật.

- Ngăn chặn xu hướng mật hóa tràn lan, bãi bỏ những quy
định/danh mục mật không hợp lý, trái luật, trái Hiến pháp.

<blockquote> <b><i>Quy định tại Hiến pháp 2013:</i></b>

<b>Điều 14 </b>

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền
con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế,
văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo
đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế
theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do
quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo
đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

<b>Điều 25 </b>

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận
thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các
quyền này do pháp luật quy định.

<b>Điều 28 </b>

1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội,
tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về
các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý
nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp
nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.</blockquote>


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141110/luat-su-tran-hong-phong-quyen-tiep-can-thong-tin-khong-the-mat-hoa-tran-lan),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét