Lê Diễn Đức - Ngày lễ Tạ ơn trên đất Mỹ và câu chuyện của những lá cờ

<center><img src="http://imagizer.imageshack.us/v2/640x480q90/673/EGw9eR.jpg"
width="520" /></center>

<strong>Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) lại tới, mở đầu cho một mùa
lễ (Christmas season) kéo dài tới Noen, qua Năm Mới.</strong>

Thanksgiving năm nay rơi vào ngày thứ Năm thứ tư của tháng 11,
tức 27 tháng 11, chứ không phải là ngày thứ Năm cuối cùng
của tháng 11 như nhiều người lầm lẫn

Từ hơn mười năm nay, trong các ngày lễ ở Mỹ, tôi thích
nhất ngày Thanksgiving vì tính chất gia đình của nó, bởi vì
nó ngày lễ thế tục, của sự sum họp, ngày lễ dành cho tất
cả mọi người, mọi tôn giáo, tín ngưỡng.

Theo American Automobile Club Mỹ (AAA), khoảng 41,3 triệu người Mỹ
có gia đình (cha, mẹ) ở cách nơi cư trú 50 dặm hoặc nhiều
hơn, sẽ khởi hành du lịch bằng xe hơi về thăm nhà, nhiều
hơn khoảng 4,2% so với năm 2013 và cao nhất kể từ năm 2007.
Năm nay số xe chạy trên đường nhiều hơn do giá xăng rẻ nhờ
Mỹ phát triển công nghệ khai thác khí phiến đá sét, đã
giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm nay. Tại bang Texas
xăng chỉ còn hơn 2,6 đôla/galon (gần 4 lít), còn giá trung bình
trên toàn nươc Mỹ là khoảng 2,85 đôla/galon.

Các sân bay nước Mỹ sẽ vô cùng bận rộn. Cũng theo dữ liệu
của AAA, 3,55 triệu người sẽ được tận dụng máy bay, nhiều
nhất kể từ năm 2007. Giá vé trong kỳ nghỉ lễ tăng 1%. Theo
truyền thống, ngày bận rộn nhất tại sân bay là thứ Tư, 26
tháng 11.

Người ta ước tính người Mỹ chi tiêu trung bình khoảng 573
đôla cho việc du lịch liên quan đến ngày Lễ Thanksgiving.

Năm nay ngày lễ tới khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng
thống vừa xong, với chiến thắng của đảng Cộng Hoà, lớn
nhất kể từ Thế chiến thứ Hai, chiếm 248 ghế tại Hạ Viện
và 52 ghế tại Thượng viện, giành quyền kiểm soát toàn quốc
hội.

Chỉ số thất nghiệp giảm chỉ còn hơn 5% đã không giúp
được gì cho đảng Dân Chủ. Người Mỹ vẫn ca thán lương
không tăng và nền kinh tế chậm chạp phục hồi suốt những
năm qua hiển nhiên là do Barack Obama, Tổng thống thuộc đảng
Dân Chủ.

Từ nay tới khi có tổng thông mới vào năm 2016 sẽ là giai
đoạn, theo dự đoán, đứng tại chỗ của tình hình chính
trị. Tổng thống Barack Obama rất khó xoay xở tìm kiếm được
sự đồng thuận của quốc hội trong các chính sách của mình.

Sử dụng quyền hạn hành pháp, Tổng thống Barck Obama trong
tháng 11/2014 đã ra sắc lệnh ân xá không chính thức cho 5
triệu trong 11 triệu di dân sống bất hợp pháp trên đất Mỹ.
Đây là một quyết định táo bạo, hợp lòng người, nhưng nó
sẽ khoét sâu thêm mâu thuẫn vốn có giữa đảng Cộng hoà và
Tổng thống.

Bộ trưởng Bộ quốc phòng Chuck Hagel, nhân vật duy nhất thuộc
đảng Cộng hoà trong nội các của Barack Obama từ chức theo gơi
ý của Tổng thống là một thách thức trước tình hình đối
ngoại căng thẳng: gửi lính qua Iraq đương đầu với ISIS, phía
Đông Ukraina nóng bỏng vì sự can thiệp của Nga, thoả thuận
không thành với Iran về vấn đề hạt nhân, bất ổn ở
Afganistan, Bắc Triều tiên đe doạ thử vũ khí hạt nhân sau khi
bị đưa ra Hội đồng toàn thể Liên Hiệp Quốc tố cáo về
tội ác chống nhân loại, giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở
Biển Đông và Bắc Á...

Theo BBC, là người của đảng Cộng Hoà, ngoài lý do quan hệ
không tốt với chính quyền Obama, người ta còn đoán thêm các
lý do khác dẫn tới sự ra đi của Chuck Hagel, như thiếu hiểu
biết về Trung Đông trong bối cảnh cuộc chiến chống Nhà
nước Hồi giáo (IS) đang hồi gay gắt; thậm chí ông là vật
tế thần cho chính sách ngoại giao và an ninh ẻo lả của Tổng
thống...

Quyết định của Bồi thẩm đoàn không truy tố Darren Wilson,
viên cảnh sát đã bắn chết thanh niên da đen 18 tuổi Michael
Brown, làm không khí phản kháng của cư dân Ferguson trào lên
mãnh liệt. Mặc dù công tố viên tiểu bang Missouri Robert
McCulloch nói rằng, 9 trên 12 thành viên bồi thẩm đoàn bỏ
phiếu thuận đã "dốc trọn trái tim và khối óc" để xem
xét sự việc, phải "tách rõ cái nào là sự thật cái
nào là hư cấu" và một số lời chứng đi ngược lại
với bằng chứng. Thế nhưng dân chúng cho rằng phán quyết
của bồi thẩm đoàn là thiên lệch, mang tính phân biệt chủng
tộc. Người biểu tình đã tràn ra đường phố chỉ vài giờ
sau khi có phán quyết. Đã xảy ra nổ súng, hôi của và nhiều
tòa nhà cũng như xe hơi bị đốt cháy ở xung quanh khu vực xảy
ra vụ bắn người. Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi
người dân ở Ferguson bình tĩnh và nếu có phản đối thì
hãy "ôn hòa".

Bão tuyết chưa từng có ở Buffalo, thành phố phía Bắc nước
Mỹ. Tuyết rơi dày tới 7 feet, mặc dù bắt đầu giảm từ
ngày ngày thứ Hai, nhưng lại có những lo ngại về lũ lụt khi
tuyết tan. Một số trường học bị đóng trong suốt tuần Lễ
Thanksgiving.

Cận kề ngày lễ, có những tin tức không mấy vui vẻ, nhưng
cũng giống như ở Việt Nam "Số tôi không giàu thi nghèo/Ba
mươi Tết có thịt treo trong nhà", ước tính khoảng 45 triệu
chú gà tây quay sẽ nằm trên bàn tiệc trong ngày Thanksgiving.
Người Mỹ hào phóng chi cho bữa ăn tối trong ngày lễ khoảng
600 triệu đôla.

Ngày thứ 6, tức ngày kế tiếp sau ngày Lễ Thanksgiving, được
gọi "Black Friday", hơn 100 triệu người Mỹ sẽ đi sắm đồ
theo ước tính Liên đoàn Thương mại Mỹ và sẽ bỏ ra hàng
chục tỷ đôla mua hàng đại hạ giá (năm 2007 người Mỹ chi
tới 20 tỷ đôla, dù kinh tế lúc đó đã bắt đầu suy thoái).

Tôi qua Mỹ là thực hiện mơ ước của mình hồi từ hồi còn
rất trẻ: cố gắng đặt chân lên đất Mỹ để xem tư bản
nó ra sao mà phát triển thịnh vượng như thế. Tôi đã chạy
khỏi Việt Nam, định cư và mưu sinh ở Ba Lan hơn hai mươi năm,
là nhân chứng của sự sụp đổ chế độ cộng sản Ba Lan và
tiến trình xây dựng dân chủ thành công trên đất nước này.

Năm 2003, trở về Ba Lan sau khi tham dự Đại hội Truyền thông
Hải ngoại lần thứ nhất ở California tôi quyết định chuyển
qua Mỹ. Tôi không thuộc những người qua Mỹ tị nạn cộng
sản, nên chẳng phải mang ơn ai trong cộng đồng người Việt.
Tự bản thân tôi tìm hiểu và buơn trải trên đất Mỹ. Ngay
cả căn nhà tôi đang ở cũng mua hoàn toàn bằng tiền dành dụm
được từ Ba Lan chuyển qua.

Tôi chằng có lý do nào để gắn bó với cờ vàng ba sọc đỏ.
Tôi tôn trọng nó vì biết rằng, hầu hết các tiểu bang của
nước Mỹ công nhận nó là biểu tượng của cộng đồng
người Việt tự do ở hải ngoại. Nhưng qua những sinh hoạt
với cộng đồng tôi nhận thấy trong tâm thức của hầu hết
người Việt hải ngoại vẫn xem nó là cờ của Việt Nam Cộng
Hoà (VNCH). Trong các buổi lễ người ta vẫn thực hiện nghi
thức chào "quốc kỳ" và hát "quốc ca" của VNCH.

Người Việt hải ngoại có quyền hoài niệm quá khứ, có
quyền suy nghĩ theo cách mà họ lý giải, nhưng cho rằng, cờ
vàng ba sọc đỏ là lá cờ của Tổ quốc Việt Nam, là biểu
tượng của tự do dân chủ và nhân quyền, rồi bắt người
khác tranh đấu cho dân chủ tự do phải đứng dưới lá cờ
ấy là không hợp lý. Trường hợp anh Điếu Cày Nguyễn Văn
Hải bị ấn cờ vàng vào tay khi vừa đặt chân tới Mỹ tại
sân bay, hay bị khoác lên cổ trong cuộc gặp mặt ở Washington
DC hôm 23 tháng 11, nằm trong tư duy đó. Hành động này cũng
giống như chế độ cộng sản buộc yêu nước là phải yêu
chủ nghĩa xã hội.

Chính phủ, thành phố của các tiểu bang nước Mỹ công nhận
cờ vàng là biểu tượng của đồng người Việt tại Mỹ,
không đồng nghĩa với công nhận sự hiện hữu của VNCH. Nhà
nước VNCH đã thua trận và không còn tồn tại về mặt pháp
lý từ ngày 30 tháng Tư năm 1975. Nước Mỹ đang có quan hệ
ngoại giao với nhà nước Cộng sản Việt Nam chứ không phải
với VNCH.

Cờ vàng ba soc đỏ có cội nguồn và một truyền thống lịch
sử dài từ thời Nguyễn, nhưng nhà Nguyễn sau khi đánh bại
nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, đã chịu để cho nhà
Thanh Trung Quốc phong vương và hàng năm triều cống, xem Việt
Nam như một chư hầu lệ thuộc. Lấy lá cờ của một triều
đại như thế làm lá cờ của Tổ quốc, theo tôi, không xứng
đáng.

Cờ đỏ sao vàng là lá cờ mang ý thức hệ cộng sản, của
một chế độ tội ác, đã gây ra bao nhiêu bi kịch cho dân
tộc, do Đảng Cộng sản Viêt Nam áp đặt, vì thế nó chỉ có
thể là cờ của Việt Nam trong giai đoạn Đảng Cộng sản
Việt Nam cai trị. Nó không bao giờ là cờ của Tổ quốc Việt
Nam.

Như vậy, cờ đỏ sao vàng và cũng như cờ vàng ba sọc đỏ
đều không phải là lá cờ được nhân dân Việt Nam chọn lựa
tự do và dân chủ.

Khi nào Việt Nam thật sự có tự do, dân chủ, một quốc hội
được toàn dân chọn lựa qua bầu cử tự do quyết định,
thậm chí thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, chọn cờ nào,
thì lá cờ ấy sẽ có giá trị vừa mang tính dân tộc vừa
tính pháp lý, biểu tượng cho Tổ quốc Việt Nam.

Nhân ngày lễ Thanksgiving tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ
tản mạn của mình với bạn đọc.

Cũng nhân ngày lễ này tôi bày tỏ lòng biết ơn và tri ân với
Ba Lan và nước Mỹ!

Thanks You, America - đất nước văn minh, tự do đã cho tôi cơ
hội được sống và làm việc, cho con cái tôi được hưởng
một nền giáo dục tuyệt vời với con đường tương lai rộng
mở.

Happy Thanksgiving!
<strong>
© Lê Diễn Đức</strong>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141126/le-dien-duc-ngay-le-ta-on-tren-dat-my-va-cau-chuyen-cua-nhung-la-co),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét