Tăng trưởng lấy nhà nước làm trung tâm dường như là đáp
án cho tình trạng bất ổn phổ biến ở các nước đang phát
triển, song những cái giá phải trả trong dài hạn là quá cao.
Các nền kinh tế mới nổi trên thế giới đang phải đối mặt
với một cuộc khủng hoảng mới. Các quốc gia này là nơi có
90% dân số thế giới, và trung bình 70% dân số dưới tuổi 25.
Những công dân trẻ mơ ước một cuộc sống tự do hơn, tốt
hơn với cơ hội lớn hơn và xuống đường ngày càng nhiều
hơn, từ Nam Phi đến Thái Lan, Brazil tới Ukraina.
Nhưng quá nhiều chính phủ của các nước đang phát triển đang
đi thụt lùi mà không phải tiến về phía trước khi đáp lại
sự bất mãn của người dân bằng cách phỏng theo một phiên
bản nào đó của cái họ cho là "mô hình Trung Quốc". Kết quả
có thể là thảm hại cho nền kinh tế toàn cầu. Các nền kinh
tế mới nổi – một danh sách bắt đầu nhưng chưa kết thúc
với cái gọi là BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) – đủ
lớn để các hoạt động của chúng có thể làm rung chuyển
thị trường cổ phiếu và trái phiếu, thay đổi tỷ giá hối
đoái, tăng giá giá cả hàng hóa, thay đổi thương mại toàn
cầu và định hình các quyết định đầu tư.
Các nước này có nền chính trị và văn hóa hết sức khác
biệt, nhưng nguyên nhân chính của tình trạng bất ổn tại
tất cả các nước này là một loạt các hiểm họa kinh tế
tương đồng lẫn nhau: tăng trưởng thấp, nghèo nàn đeo đẳng,
tiền lương tăng chậm và tỷ lệ thất nghiệp khó giảm làm
mất đi công ăn việc làm của hàng triệu người cùng triển
vọng thực tế về sự tiến triển cho bản thân và gia đình
họ.
Tốc độ tăng trưởng 7% là mức tối thiểu cần thiết để
tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người trong một thế
hệ và do đó tạo ra một chuyển biến có ý nghĩa trong giảm
nghèo. Nhưng đối với hầu hết các nước đang phát triển,
tốc độ tăng trưởng sẽ không sớm đạt được một nửa con
số đó. Theo dự báo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế,
tại Brazil, Thái Lan và Nga, tăng trưởng sẽ ở dưới 3% đến
năm 2014.
Và các vấn đề có thể tồi tệ hơn. Dưới áp lực của các
công dân nôn nóng mong muốn sự tiến bộ, quá nhiều nhà lãnh
đạo ở các nước này đang nghiêng về các chính sách, mà về
lâu dài, có khả năng kiềm chế tăng trưởng kinh tế và châm
ngòi thêm sự hỗn loạn. Hiện tại, thuế quan, hạn ngạch,
lệnh cấm xuất khẩu và thậm chí sự sung công triệt để đã
bắt đầu làm chững lại tốc độ tăng trưởng thương mại
toàn cầu. Trong năm 2013, Tổ chức Thương mại Thế giới đã
điều chỉnh dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm
từ 4,5% xuống 3,3% – thấp hơn một cách đáng kể so với tốc
độ tăng trưởng trung bình 5,3% của 25 năm trước.
Xu hướng bảo hộ ở Ấn Độ, Brazil và các quốc gia khác đang
tạo ra các nút thắt dòng vốn xuyên biên giới. Sự lưu chuyển
tiền thông qua hệ thống tài chính đã trì trệ trong thập kỷ
qua: dòng vốn xuyên biên giới giữa các nền kinh tế G-20 đã
giảm gần 70% kể từ giữa năm 2007 tính theo đồng đô la Mỹ.
Trong khi đó, vai trò của nhà nước trong các nền kinh tế mới
nổi đang mở rộng. 13 nhà sản xuất năng lượng hàng đầu
thế giới là sở hữu nhà nước, chủ yếu ở các nước đang
phát triển. Và 9 trong 10 quỹ đầu tư nhà nước tính theo tài
sản là tại các thị trường mới nổi.
Các cường quốc mới nổi khác đang háo hức noi theo thành công
của Trung Quốc và theo đuổi các chính sách thống kê có thể
nhanh chóng tạo ra một cú bật trong ngắn hạn. Dưới chủ
nghĩa tư bản quốc doanh, Trung Quốc đã cho thấy sự tăng
trưởng phi thường, đưa hàng trăm triệu người thoát nghèo,
xây dựng một khối lượng lớn cơ sở hạ tầng và cung cấp
các dịch vụ xã hội.
Hơn nữa, khi một Trung Quốc độc tài nổi lên, dân chủ và
chủ nghĩa tư bản đã phải chịu đựng một loạt những thất
bại đã làm cho chúng trở thành những lựa chọn ít hấp dẫn.
Những thất bại đó đi từ sự bất bình đẳng lớn về thu
nhập ở Mỹ đến sự nổi dậy của các chính phủ ở Nga,
Venezuela và các nơi khác mà trên danh nghĩa dân chủ nhưng hạn
chế mạnh mẽ tự do ngôn luận và pháp trị.
Nhiều nhà lãnh đạo của các nền kinh tế mới nổi ngày càng
thấy tăng trưởng kinh tế như một điều kiện tiên quyết cho
nền dân chủ mà không phải con đường khác. Họ hướng đến
nền kinh tế đang bùng nổ không chỉ ở Trung Quốc mà còn, về
mặt lịch sử, ở các nước độc tài như Singapore thời Lý
Quang Diệu và Chile thời Tướng Augusto Pinochet.
Không nghi ngờ gì, thành công của Trung Quốc là ấn tượng.
Nhưng mô hình Trung Quốc không thể đứng vững như người hâm
mộ trong thế giới đang phát triển thường nghĩ. Đầu tiên,
không giống như nhiều thị trường mới nổi, tăng trưởng
của Trung Quốc được thúc đẩy chủ yếu bởi xuất khẩu.
Thành công của nó phụ thuộc vào thị trường tự do của
phương Tây. Hầu hết các nền kinh tế thị trường mới nổi
khác đều dựa trên các hàng hóa nông nghiệp – vốn là loại
sản phẩm mà Mỹ và châu Âu tạo điều kiện thuận lợi khi
cho phép trợ cấp.
Thứ hai, một hệ thống kinh tế với nhà nước tại trung tâm
của nó là không hiệu quả vì nó làm hỏng thị trường. Khi
chính phủ là trọng tài kinh tế cuối cùng, tài sản không thể
tránh khỏi bị định giá sai, làm cản trở tăng trưởng dài
hạn bền vững. Nó cũng tạo ra sự mất cân bằng giữa cung và
cầu, có thể châm ngòi cho lạm phát và làm sai lệch lãi suất.
Cuối cùng, chính sách bắt chước Trung Quốc có thể sinh ra sự
bùng phát về việc làm trong một thời gian ngắn, nhưng cũng
tạo ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng và gánh nặng
kinh tế lớn. Bản thân Trung Quốc hiện đang phải vật lộn
với khủng hoảng nợ khổng lồ trong lĩnh vực tài chính, bong
bóng tài sản có thể nổ tung bất cứ lúc nào và sự ô nhiễm
làm chậm tăng trưởng.
Tất cả điều đó khiến chúng ta lo lắng rằng, khi đối mặt
với tình trạng bất ổn ngày càng phổ biến, nhiều nhà lãnh
đạo trong thị trường mới nổi đang chuyển sang các mô hình
nhà nước trung tâm độc đoán. Dù những chính sách như vậy
có hấp dẫn thế nào đi chăng nữa, chúng có khả năng, trong
thời gian dài, làm trầm trọng thêm khủng hoảng xã hội và
tạo ra một vòng luẩn quẩn cho cả thị trường mới nổi và
thế giới nói chung.
– Dr. Moyo là tác giả của cuốn sách gần đây nhất "Người
chiến thắng lấy tất cả: Cuộc đua của Trung Quốc về nguồn
lực và vai trò của nó đối với thế giới", được xuất
bản bởi Basic Books.
Nguồn:
http://online.wsj.com/articles/for-poor-countries-china-is-no-model-1411141900
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://server.danluan.org/tin-tuc/20141102/voi-nhung-nuoc-ngheo-trung-quoc-khong-la-hinh-mau),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét