Tôn Phi - Sách giáo khoa lịch sử: Nhà nước có thực sự muốn cải cách giáo dục?

Thời gian gần đây, cải cách giáo dục trở thành đề tài
nóng hổi. Những bản tham vấn từ các nhà văn, các nhà khoa
học và những nhà sư phạm tâm huyết gửi đến Bộ Giáo Dục
và Đào Tạo đều bị bỏ xó. Nguyên nhân những bản kiến
nghị này không được nhà nước công bố nội dung trên báo
lề phải chính là phương hướng cải cách giáo dục theo tinh
thần khai phóng. Đối tượng được yêu cầu thay đổi nhiều
nhất vẫn là các cuốn sách giáo khoa môn lịch sử. Bài viết
này phân tích những "hạt sạn" trong giáo dục tư tưởng
nói chung và lịch sử nói riêng của đất nước hiện nay.

<h2>SÁCH GIÁO KHOA LỊCH SỬ - TRANH CÃI NẢY LỬA</h2>

Trong khi các quốc gia như Pháp, các cuốn sách giáo khoa của họ
là vĩnh cửu không bao giờ lạc hậu hay sai sót kỹ thuật, thì
bộ sách giáo khoa Việt Nam luôn luôn bị dư luận phản đối
mạnh. Người Pháp viết sử hết sức công tâm, họ thẳng
thắn thừa nhận những cuộc chinh phạt của mình không phải
là vì khai sáng cho thế giới mà là lợi ích thực dân. Người
Nhật cũng viết sách lịch sử hết sức công tâm. Họ tuy bị
Mỹ ném hai quả bom nguyên tử nhưng vẫn thừa nhận có một
người Mỹ nằm trong top 10 người có công đối với đất
nước họ, đó là tướng Mac Arthur. Còn ở Việt Nam, người ta
kết án ngoại bang âm mưu xâm lược cho bất kỳ ai đặt chân
tới xứ sở này. Không có nước nào mà sách giáo khoa bị
phê phán mạnh như nước Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa.
Vẫn lại là môn lịch sử bị các học giả Việt Kiều và
nhiều trí thức trong nước phản đối mạnh nhất.

<h2>ANH HÙNG DÂN TỘC HAY NHỮNG KẺ KHỦNG BỐ</h2>

Cơ quan hiệu chỉnh sách giáo khoa đang đứng trước bài toán
lớn, rằng những năm gần đây học sinh chán ghét môn học
lịch sử. Cứ khối thi nào có lịch sử là học sinh tránh môn
đó. Điểm chuẩn đầu vào ngành lịch sử của hai trường
Đại học khoa học xã hội và nhân văn ở Hà Nội lẫn TP.HCM
đều rất thấp, thường xuyên phải tuyển nguyện vọng hai.

Nhiều nhà trí thức lí giải hiện tượng này là do sách lịch
sử không viết theo nguyên tắc khách quan và tôn trọng sự
thật. Các trí thức Việt Kiều liên tiếp tố cáo nhà nước
đã cố tình thêu dệt nên các anh hùng mà thực ra đó là
những kẻ khủng bố theo bất kỳ định nghĩa nào.
Lê Văn Tám, nổi danh qua cái công viên đầy chích choác ở
Saigon hôm nay, được ông Giáo Sư Phan Huy Lê, Chủ Tịch Hội
Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, xác nhận là một nhân vật do
Trần Huy Liệu, Bộ Trưởng Bộ Tuyên Truyền và Cổ Động ngày
trước "đẻ" ra, và chuyện "phịa" có đủ ngày tháng
viết trong sử sách đàng hoàng để bịp các em bé ngây thơ mang
khăn quàng đỏ.

Huyền thoại thiếu niên anh hùng được bịa đặt tiếp theo là
Lê Văn Tám, cậu bé bán đậu phụng rang tại Saigon vì căm thù
giặc Pháp, buổi sáng ngày 1 tháng 1 năm 1945, đã tẩm xăng vào
người và tự mình châm lửa làm thành "ngọn đuốc sống",
đốt cháy tan kho đạn của Pháp tại Thị Nghè. Vì chút liêm
sĩ cuối đời, các vị này đã công nhận một kho đạn của
quân đội Pháp không thể để sơ hở đến nổi một đứa
trẻ lên mười có thể chạy thẳng từ cổng trại vào hầm
chứa đạn sau khi toàn thân đã bốc cháy qua một đoạn
đường, cũng trong tưởng tượng là 50 thước. Như vậy mà cái
tên Lê Văn Tám đã sống tới sáu mươi năm trời từ Bắc tới
Nam vì "nhiệm vụ tuyên truyền" như lời trối trăng của
Trần Huy Liệu. Miễn đi tới mục đích, còn phương tiện không
đáng kể, vì "mục đích biện minh cho phương tiện".

Rồi chúng ta suy ra những cái tên lạ lùng chưa hề nghe một
lần như Nguyễn Thị Riêng, Huỳnh Văn Bánh... nhan nhản ghi trên
các đường phố Saigon sau ngày đổi chủ, cũng là những sản
phẩm tưởng tượng vì mục đích tuyên truyền mà thôi.

<h2>CUỘC CHIẾN CẦN PHẢI VIẾT NHIỀU NHẤT LÀ CHIẾN TRANH
ĐÀNG TRONG- ĐÀNG NGOÀI</h2>

Chiến tranh Đàng Trong- Đàng Ngoài của hai thế lực
Trịnh-Nguyễn mới là cuộc chiến kéo dài nhất lịch sử
Việt Nam. Trịnh - Nguyễn phân tranh là thời kỳ phân chia giữa
chế độ "vua Lê chúa Trịnh" ở phía Bắc sông Gianh (sử gọi
là Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn cai trị ở miền Nam (Đàng
Trong), mở đầu khi Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc
Nguyên năm 1627 và kết thúc vào cuối thế kỷ 18 khi nhà Tây
Sơn dẹp cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh. Nước Việt Nam bị
chia cách hơn 100 năm.

Trong khi đó, chiến tranh giữa chính quyền miền Bắc Việt Nam
dân chủ Cộng Hòa và chính quyền miền Nam chỉ kéo dài từ
1954-1975 . Rõ ràng cần phải dành dung lượng cho cuộc chiến
Trịnh-Nguyễn nhiều hơn cuộc chiến Hà Nội- Sài Gòn. Vậy mà,
trong cuốn sách giáo khoa lịch sử ở cấp học THPT, chỉ chưa
đầy hai trang nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn trong khi dành
cả trên ba chục trang để nói về chiến tranh Hà Nội-Sài Gòn.
Tất nhiên đó là ý đồ tuyên truyền xám của nhà cầm quyền.

Mặt khác, các cuộc chiến về trước đều đã được làm
sáng tỏ một cách tự do, các tư liệu đã tập hợp đầy đủ
về cơ bản. Trong khi chiến tranh Hà Nội- Sài Gòn đang gây tranh
cãi. Người cộng sản cố tình gọi đó là chiến tranh giải
phóng dân tộc khỏi tay Mĩ xâm lược, nhưng cả thế giới
đều biết Mĩ chỉ giành lợi thế chính trị chứ chẳng dại
gì đi cướp đất của bất kỳ đất nước nào, nhất là ở
khoảng cách địa lí xa xôi như Washington và Sài Gòn thì chuyện
tuyên bố chủ quyền láo như Trung Quốc là không thể. Rất
nhiều học sinh THPT dù bé bỏng cũng đã nhận ra điều này.

Còn có rất nhiều cuộc chiến nữa kéo dài trong lịch sử dân
tộc đáng lẽ ra phải được giành thời gian phân tích cho học
sinh hiểu được ý nghĩa, nhưng đảng cộng sản đã cố tình
lướt qua nó để ca ngợi chiến thắng của họ, một chiến
thắng gây ra biết bao lầm than cho trăm ngàn thế hệ con cháu
miền Nam sau này.

Điều đáng ngại là, nếu sau này một đảng phái khác lên
nắm quyền và đảng đó cũng bắt chước đảng cộng sản
dùng sách giáo khoa lịch sử để tuyên truyền cho đảng riêng
thì không biết tương lai đất nước sẽ đi về đâu.

<h2>NHÀ NƯỚC CÓ THỰC SỰ MUỐN CẢI CÁCH GIÁO DỤC</h2>

Không một lãnh chúa thời phong kiến nào muốn có một nô lệ
thông minh, vì đó là điều bất lợi. Tên nô lệ nếu thông
minh thì sẽ có tự do, khi đó chúng sẽ dần dần tự lập và
thoát khỏi ách thống trị của chủ nô. Cũng như vậy, không
có một chế độ độc tài toàn trị nào muốn dân chúng có
dân trí phát triển cả, vì khi đó sẽ bị mất lợi ích từ
quyền lực.

Trung Hoa Dân Quốc trước kia cũng là một thể chế độc tài
một đảng. Họ tạo ra có một hệ thống giáo dục toàn diện
hai mươi hai năm với ảnh hưởng từ kiểu hệ thống giáo dục
Nhật Bản. Hệ thống này đã chứng tỏ thành công với việc
các học sinh Trung Hoa Dân Quốc đã đạt một số điểm cao
nhất trong những bài thi thế giới, đặc biệt trong toán học
và khoa học; tuy nhiên, hệ thống này cũng bị chỉ trích do
đặt quá nhiều sức ép lên các học sinh và ít tính sáng tạo
do đề cao cách học ghi chép. Những cải cách giáo dục gần
đây với mục tiêu sửa đổi những yếu kém đó hiện là chủ
đề của nhiều cuộc tranh luận. Những ý kiến cải cách theo
hướng giáo dục khai phóng được nhà cầm quyền ghi nhận và
thực hành. Cùng với đó, Đài Loan chuyển dần từ độc tài
sang đa đảng có định hướng, nguyên nhân thành công về giáo
dục và chính trị là do đảng cầm quyền biết rút lui trước
lẽ phải . Nhờ vậy Trung Hoa Quốc Dân Đảng xây dựng một
nền văn minh hùng mạnh trên một hòn đảo nhỏ bé.

<h2>KHÔNG ĐƯỢC DÙNG GIÁO DỤC ĐỂ TUYÊN TRUYỀN CHO ĐẢNG
RIÊNG</h2>

Ở Singapore, đảng Nhân Dân Hành Động của Lí Quang Diệu cũng
nắm gần như tất cả quyền lực chính trị. Bản thân Lí Quang
Diệu cũng là một chính trị gia được quốc tế đánh giá là
kiệt xuất, đảng của ông tiếp nhận và đưa Singapore từ tay
thực dân Anh với một xã hội đầy giang hồ du côn, từ một
làng cá nhỏ trở thành một trong bốn con rồng châu Á. Vậy
mà, họ không hề đưa những bài thơ, bài văn ca ngợi lãnh tụ
vào trong sách giáo khoa dạy cho học sinh mặc dù điều đó là
dễ dàng.
Ở Việt Nam, nhà nước thử đặt vấn đề với các trí thức
Việt Kiều. Khi được hỏi về chương trình sách giáo khoa,
Giáo sư Ngô Bảo Châu, chủ nhân giải thưởng toán học Field
danh giá nhất thế giới 2010 phát biểu rằng ông thấy các
sách khoa học tự nhiên viết như vậy là được rồi, riêng
sách giáo khoa lịch sử chỉ được phép nêu sự kiến, không
được áp đặt suy nghĩ cho học sinh.

Hi vọng một ngày nào đó, giới độc quyền chính trị sẽ
biết rút lui trước lẽ phải. Chỉ khi ấy thì tinh thần giáo
dục mới được thay đổi và mới có cơ hội được cải
tạo.

TÔN PHI

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141023/ton-phi-sach-giao-khoa-lich-su-nha-nuoc-co-thuc-su-muon-cai-cach-giao-duc),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét