Dương Hoài Linh - Chính trị dành cho người lao động (phần 2)

- Ê Hai, hổm rày tao suy nghĩ hoài mà không ra nhiều cái, bây có
rảnh giải thích giùm chú nghe coi.

- Chuyện chi chú cứ từ từ hỏi, nếu con biết con nói chú
nghe.

- Ờ, tao nghe tụi bây nói nước mất tự do, tụi bây đấu
tranh rầm rầm. Nhưng tao thấy đâu có mất cái khỉ khô chi
đâu bây. Chiều chiều vẫn thấy mấy quán nhậu đầy nhóc, vũ
trường thì mở cửa đến gần sáng, dân oan thì căng biểu
ngữ ở Dinh Độc Lập, ở công viên Thống Nhất rồi chửi
bới hà rầm mà đâu thấy thằng công an nào bắt?

- Ừ hén, chú thắc mắc vậy cũng đúng. Để cháu giải thích
chú nghe. Tự do có hai lĩnh vực chú à, đó là quyền tự do
hành động không quy ước và tự do hành động có quy ước. Ở
lĩnh vực thứ nhất thì tự do như chú thấy đó là tự do ăn
mặc, yêu đương, uống rượu, hút thuốc... trong phạm vi luật
pháp không cấm. Ở lĩnh vực thứ hai thì bao gồm các quyền
sau: tự do hội họp và lập hội, tự do đi lại, tự do báo
chí, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do
biểu tình đình công... những cái này có ghi rõ trong hiến
pháp.

- Thế hiến pháp là gì mày?

- Là cái khế ước xã hội được đặt cao nhất trong một nhà
nước đó chú.

- Cái này bây phải giải thích sâu một tí tao mới hiểu.

- Rồi, chú cho con hỏi nước mình có mấy triệu dân?

- Đâu như chín chục.

- Trong nước mình ai có quyền cao nhất?

- Thì tổng bí thư.

- Chú giỏi quá. Nhưng chỉ đúng ở nước mình thôi còn đa số
ở các nước khác như Mỹ, Nhật và châu Âu thì hiến pháp
mới là cao nhất.

- Tại sao phải đặt ra cái này chi cho rách việc vậy mày?

- Thì hôm qua con nói với chú rồi. Xưa ông vua muốn chém ai thì
chém nhưng nếu ông vua sai thì lấy ai chém ông vua? Do đó mới
đặt ra cái này để chia cái quyền của ông vua ra.

- Thôi được rồi, cái này tao cũng hiểu mang máng.

- Để con nói tiếp, trong hiến pháp có ghi rõ mấy cái quyền
tự do cho người dân như ở trên. Nhưng chú thấy họ có cho
dân cái quyền đó không?

- Tao thấy họ cũng có cho dân có tiền đi Mỹ, đi châu Âu du
lịch đó chớ mậy?

- Vậy là chú chưa thấy mấy cái "lệnh xuất cảnh" của những
người trong nước khi muốn ra nước ngoài dự hội nghị gì
đó về nhân quyền rồi. Và còn những cái lệnh nhập cảnh
của một số Việt kiều về nước thăm thân nhân nữa.

- Chắc họ làm gì đó chống đối chính quyền hoặc làm mất
lòng mấy ông to ở trển nên mới bị cấm?

- Với một nước có luật pháp thì không thể nói thế được
chú à. Ví dụ muốn cấm xuất nhập cảnh thì chỉ có lý do
thuộc về an ninh quốc gia mà cái này thì phải có bằng chứng
chứ không thể nói khơi khơi. Về tự do lập hội, biểu tình,
ngôn luận cũng vậy, hiến pháp đã quy định thì cứ thế mà
làm.

- Tao thấy vừa rồi họ cũng có cho biểu tình đó chứ mậy.
Nhất là vụ ở Bình Dương.

- Không phải cho đâu chú ơi. Vừa rồi nhân ba cái vụ giàn
khoan HD 981 của Trung Quốc họ cần tiếng nói của người dân
nên tổ chức biểu tình quốc doanh dưới sự kiểm soát của
chính quyền. Ba cái vụ bạo loạn ở Bình Dương là do có âm
mưu nào đó đằng sau hậu trường chính trị mà đến bây giờ
vẫn chưa giải thích được.

- Thế báo chí giờ tao thấy cũng đầy hơn 700 tờ báo, lại
còn báo mạng nữa, sao bảo là cấm mậy?

- Chừng nào có báo chí tư nhân mới gọi là không cấm chú ơi.
Tất cả là của nhà nước, ăn lương ngân sách, chịu sự
kiểm duyệt, định hướng của Ban tuyên giáo trung ương thì sao
gọi là tự do được.

- Tao nghe ông thủ tướng nói là cái gì cũng phải tự do trong
khuôn khổ luật pháp mà.

- Cái này rất đúng nghe chú. Nhưng chú phải hiểu là cái luật
ấy do ai đặt ra? Nếu là do dân đặt ra thì nhất trí hoàn
toàn. Còn nếu do mấy ổng đặt ra thì nó chỉ xứng đáng bỏ
vào thùng rác. Do vậy phải xem lại cơ cấu của quốc hội,
cái này con sẽ giải thích cho chú sau.

- Còn chuyện tôn giáo? Tao thấy ai muốn theo đạo nào thì theo,
muốn đi chùa nào thì cứ đi, sao bảo không có tự do mậy?

- Cái này thì con chỉ có thể nói với chú như vầy. Tự do tôn
giáo là chính phủ phải cho phép các tôn giáo khác với quốc
giáo tự do hoạt động. Chú nên tìm hiểu các đạo như Cao
Đài, Hòa Hảo bị đàn áp ở trên mạng. Còn với Phật giáo
được xem như quốc giáo chính quyền cũng can thiệp quá sâu,
khi Giáo hội Phật Giáo Việt Nam là một tổ chức của chính
quyền, các sư trụ trì các chùa đều là các Dư luận viên
tuyên truyền cho Đảng. Như vậy có gọi là tự do không?

- Còn dân oan vẫn được phép tụ tập trong các vườn hoa vào
các ngày lễ lớn thì sao mậy?

- Cái này không phải là được phép mà do họ có chủ trương
không muốn dồn những người này vào đường cùng thôi chú.
Bắt nhốt họ thì phải xét xử rồi tốn cơm nuôi nhưng tội
trạng chẳng định được. Cứ để vậy nhà nước được
tiếng là có tự do ngôn luận. Hơn nữa họ rất sợ những
người không có gì để mất này.

- Thôi, bây túm lại tao nghe cái coi.

- Túm lại là như thế này chú. Quyền tự do cá nhân con người
khi mà ảnh hưởng tới môi trường xã hội, tới những người
xung quanh như ăn nhậu, hút thuốc, phóng uế nơi công cộng thì
phải hạn chế hoặc cấm. Nhưng quyền tự do của cả một
cộng đồng có ghi rõ trong các "khế ước xã hội" thì phải
được tuyệt đối tôn trọng. Những trường hợp đặc biệt
chỉ được hạn chế theo quy định của luật pháp do chính
người dân đề ra chứ không phải do bởi luật rừng.

- Như vậy lâu này dân mình được tự do những cái đôi khi
đáng phải cấm. Nhưng lại cấm cái đáng phải được tự do.

- Chú nói chí lý.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141024/duong-hoai-linh-chinh-tri-danh-cho-nguoi-lao-dongtiep-theo),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét