Dương Hoài Linh - Chính trị dành cho người lao động

- Ê Hai, mày có ăn có học lại đây giải thích giùm tao ba cái
chính chị, chính em. Tại sao có đứa nói "vứt mẹ ba cái chính
trị đi". Nhưng có đứa lại kêu "không hiểu chính trị không
được". Tao nghe mà lùng nhùng cái lỗ tai. Có thằng kêu bây là
"anh hùng bàn phím" nhưng tao không tin.

- Chú làm nghề gì?

- Xe ôm.

- Chú hay đọc báo không?

- Có! Thanh niên, Tuổi trẻ... tao làm láng.

- Xăng hôm nay nhiêu một lít?

- Xăng 95 đâu như 24 ngàn, 92 là 23 ngàn.

- Chú biết giá xăng thế giới bao nhiêu không?

- Ở Mỹ hình như chỉ 3,2171 USD/gallon.

- Một gallon bằng bao nhiêu lít?

- 3,79 lít, như vậy quy ra chỉ 18.300 lit

- Như vậy mỗi lít xăng ở Việt nam đắt hơn ở Mỹ là 4.700
đồng. Chú có biết vì sao như vậy không?

- Tao nghe là bởi Việt nam phải chịu đủ thứ thuế, chẳng
hạn như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế
giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường…

- Ai đẻ ra các thứ thuế đó? Vì sao đẻ ra?

- Chính phủ và hình như còn các nhóm lợi ích gì đó nữa
phải không mậy?

- Nếu chú biết mỗi ngày Việt Nam tiêu thụ 37,5 triệu lít
xăng, chú cứ nhân lên thì sẽ ra ngay con số chính phủ Việt
nam và các nhóm lợi ích hưởng lợi nhiều hơn chính phủ Mỹ,
trong khi chính phủ Mỹ chi cho phúc lợi xã hội nhiều hơn chính
phủ Việt Nam. Cái đó gọi là chính trị đó chú à.

- Ủa, vậy tụi nó ăn cướp của dân bộn thế hả mậy.

- Đúng đó chú. Đó là chưa kể lâu lâu chú để dành được
ít tiền đi sắm chỉ vàng lận lưng, chú sẽ thấy giá vàng
Việt Nam chênh lệch với giá vàng thế giới mà phát khiếp.
Tiền chênh lệch đó vào túi bọn quan tham hết chú à.

- Còn gì nữa không mày?

- Chẳng hạn tháng trước chú ăn tô phở 20 ngàn có 5 lát
thịt, tháng này đếm lại chỉ còn có 3 lát. Đó cũng là chính
trị đó chú à.

- Gì kỳ vậy mày, cái này tao không hiểu à.

- Đó là bởi đồng tiền bị mất giá. Mà nó mất giá là do
nhà nước thi hành chính sách"xén lông cừu".

- Thế nào là "xén lông cừu"?

- Cháu giả sử cả xã hội chỉ làm ra 100 đ/năm mà tô phở là
1 đ thì mua được 100 tô phở. Nhưng khi nhà nước in thêm tiền
100 đ nữa thì giá tô phở sẽ là 2 đ /tô và đồng tiền trong
tay chú chỉ còn có giá bằng một nửa. Như vậy người ta đã
cướp công lao động của chú mà không cho chú biết. Cái đó
cũng gọi là chính trị.

- Thế nào là dân chủ? Tao thấy hổm rày dân Hồng Kông vì cái
này mà xuống đường hà rầm, lại còn ăn ngủ vệ sinh trên
đường nữa chứ. Làm chi cực vậy mày?

- Họ đi đòi quyền lợi của họ chú à. Cháu lấy ví dụ trong
xóm chú có 100 người được cử ra một tổ đại diện dân
phố chừng 5 người. Nhưng chú và bà con thấy cái tổ 5 người
năm ngoái mấy ổng ở trển đưa xuống ăn chặn, ăn bớt,
lại còn rượu chè cờ bạc chú không ưng bụng muốn đích
thân mình bầu lên 5 người khác đàng hoàng hơn. Cái này gọi
là đòi quyền dân chủ.

- Tao nghe ông "thủ tướng" nói nước mình có dân chủ rồi,
đó là quyền được nói. Có thể nói búa xua mà không sợ bị
tù, phải vậy không mậy?

- Cái đó là nhân quyền chứ không phải dân chủ chú à?Nhân
quyền là cái quyền được nói và cả cái quyền được im
lặng. Ví dụ chú thấy nhà cửa bị ngập nước, điện bị
cắt vô tội vạ, thực phẩm lên giá, con cái đi học được
thầy cô dạy cái gì đâu đâu không, trở nên hỗn láo mất
dậy, chú có quyền nói, nói không ai nghe

thì xuống đường biểu tình. Còn chẳng hạn khi chú lái xe qua
ngả tư mà đèn vàng nhanh quá bị hai phía bên kia chèn chặt
cứng, sao đó CA lôi chú vô vì cái

tội vượt đèn đỏ thì chú có quyền im lặng.

- Sao kỳ vậy mày. Im lặng để cho họ đổ tội lên đầu mình
à?

- Chú im lặng nhưng không ký vào biên bản họ đưa ra thì họ
sẽ không phạt chú được. Trách nhiệm của họ là phải
chứng minh thời gian có đèn vàng đủ cho chú băng qua mà không
bị kẹt lại không?Nếu họ không chứng minh được thì chú vô
tội.

- Còn quyền gì nữa mậy?

- Nhiều lắm chú ơi. Nào là quyền tự do báo chí, lập hội,
biểu tình, đình công. . . Lúc nào rảnh cháu sẽ đi sâu vào
các quyền này cho chú nghe,

- Ừa, giờ nói qua về dân chủ tao nghe coi sao có lọt lổ tai
không mày.

- Dân chủ không phải là cái để ban phát cho người khác mà
là cái quy định, cái thể chế. Ví dụ nhà chú có 5 người
chú là cha, lớn nhất trong gia đình chú nói "giờ tao rất dân
chủ, tao cho bây nói gì thì nói, thử nói nghe coi". Cái đó
không phải là dân chủ. Cái dân chủ phải là cái mà chú quy
định rằng"bất cứ việc gì cũng phải thông qua quyết định
của đa số trong nhà". Cái đó mới là dân chủ.

- Rắc rối thế bây. Đâu bây ví dụ tao nghe.

- Ví dụ chú quyết định cho một thằng con nghỉ học văn hóa
đi học nghề. Chú không thể hỏi ý kiến thằng con rồi hai cha
con quyết định, mà chú phải họp 5 người trong nhà lại sau
đó lấy biểu quyết, bên nào có 3 người đồng quan điểm,
bên đó thắng. Quyền làm cha của chú cũng không phải cao nhất
mà phải chia sẻ cho quyền làm vợ của thím và phải đảm
bảo là các con của chú cũng có quyền quyết định chuyện
trong nhà nữa.

- Thế còn"pháp quyền"là sao mày?

- Pháp quyền là luật lệ mà gia đình chú đặt ra và phải
được tôn trọng một cách cao nhất. Chẳng hạn chú túng tiền
lấy quỹ của gia đình đi đánh bạc, chú không thể nói tao
làm cha tao có quyền mà phải tuân theo điều mà cả nhà đặt
ra trước đó. Nếu chú vi phạm chú cũng phải bị xử tội
giống như các con của chú một cách bình đẳng. Như vậy thì
các con của chú mới phục.

- Cái này thì tao hiểu, giống như Tào Tháo khi để con ngựa
Xích Thố xéo phải lúa của dân, phải cắt tóc thay đầu để
chuộc tội. Có vậy mới thu phục được lòng

của ba quân.

- Đúng đó chú. "Thượng bất chính thì hạ tắc loạn", chú coi
Tam Quốc nhiều chắc hiểu hơn cháu.

- Bây nói thế tao cũng phỗng mũi. Nhưng giờ làm sao cho nước
mình nó tiến lên được với người ta chứ cứ thậm thà
thậm thụt tao bắt rầu.

- Thì chú cũng thấy rồi, nếu để quyền cho chú tự tung tự
tác thì chú mặc sức ăn hối lộ, tham ô, chơi gái cho sướng
thân, đâu cần làm. Nhưng khi chú bị các con chú đòi hỏi
phải phân chia lại quyền hành, đặt ra luật lệ thì tiền
bạc gia đình không bị phí phạm lãng nhách nữa. Mỗi khi có
chuyện cả nhà ngồi lại họp bàn cách giải quyết, không xong
thì bàn tới khi xong mới thôi, sau đó quyết định theo số
đông. Chú không bị các con chú kêu là lạm quyền, các con chú
sẽ phục lăn chú mà bắt tay vào làm việc, học tập để đưa
kinh tế gia đình tiến lên.

- Thế hiểu chính trị có gì oai không mày?

- Oai chứ chú, ít ra khi gặp công an giao thông chú cũng không
sợ, bắt họ phải chào mình trước. Nếu công an khu vực có
đến kiểm tra hộ khẩu chú cũng có thể viện dẫn chú là
chủ của cái đất nước này để buộc họ phải chấp hành
đúng luật.

- Nghe mày nói mà tao bắt ham. Hèn gì có cha nhà thơ nào đó nói
thật chí lý:

Chính trị là thực tế,
Là cuộc sống, là đời.
Anh không quan tâm nó
Thì kể cũng buồn cười.
Xin phép được nói thật,
Dẫu anh nói chân thành,
Tôi thấy có gì đó
Hơi hèn hèn trong anh.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141022/duong-hoai-linh-chinh-tri-danh-cho-nguoi-lao-dong),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét