Phạm Chí Dũng - TPP: cơ hội cạn dần cho Việt Nam?

<center><img
src="http://a.files.bbci.co.uk/worldservice/live/assets/images/2014/08/11/140811074907_john_mc_cain_624x351_elvis_nocredit.jpg"
width="624"></center>
<center><em>TPP cũng được ông John McCain nhắc đến khi đến
Hà Nội vào tháng Tám</em></center>

Dù "đã rút ngắn khoảng cách", nhưng như tựa đề một
cuốn tiểu thuyết ra đời ở Việt Nam sau năm 1975, chuyến
viễn du đến TPP của Hà Nội vẫn còn "những khoảng cách
còn lại", sau cuộc đàm phán kéo dài suốt mười ngày đầu
tháng 9/2014 tại thủ phủ "ngàn năm văn hiến".

<h2>"Những khoảng cách còn lại"</h2> "Những khoảng cách
còn lại" vẫn luôn là cụm từ mang nghĩa bóng bẩy được
một số tờ báo nhà nước ru mị người dân và cũng tự an
ủi mình suốt từ quý 3 năm 2013 - khi Tổng thống Barack Obama
hứa hẹn "sẽ cố gắng kết thúc sớm nhất" - cho đến nay,
liên quan đến giấc mơ có một chỗ đứng trong bàn tiệc TPP
để có thể tưởng tượng "tăng GDP Việt Nam đến 30%".

Song điều oái oăm là thời và thế của ngay cả bản thân
tổng thống Mỹ dường như đã thuộc về dĩ vãng. Trong khi
đang phải cố gắng vật lộn với cơn suy giảm tỷ lệ ủng
hộ rơi xuống ngưỡng tâm lý 50%, Tổng thống Barack Obama còn
không thể tự quyết định về quy chế "fast track" (quyền
đàm phán nhanh) cho TPP. Thứ quyền mặc định này hiện thời
đang nằm trong tay Hạ nghị viện Hoa Kỳ, khiến cho ưu thế
dẫn điểm của người đứng đầu hành pháp trước Quốc
hội Hoa Kỳ đang trở nên mờ nhạt nhất kể từ thời điểm
nhậm chức lần thứ nhất của ông vào đầu năm 2008.

Giờ đây, nhiều người đã hiểu ra một sự khác biệt đủ
rộng giữa Quốc hội và Bộ ngoại giao Mỹ. Dù các chuyến
ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng John Kerry vào cuối năm
2013 và nữ thứ trưởng bộ này là Wendy Sherman đến Hà Nội
vào tháng 3/2014 mang dụng ý muốn thúc đẩy nhanh tiến trình
đàm phán TPP - nhân quyền, nhưng cú dẫn điểm gần nhất lại
thuộc về một cựu chiến binh Việt Nam: ngài thượng nghị sĩ
John McCain.

Chuyến công du Hà Nội đột ngột của McCain vào tháng 8/2014
đã như một hàm ý hiển hiện nhất về quyền lực nằm trong
tay ai: không hẳn Chính phủ, mà chính Quốc hội Hoa Kỳ mới là
nhân tố biểu quyết có tính quyết định để Nhà nước Việt
Nam có được mua vũ khí sát thương và tham dự vào buổi tiệc
đứng TPP hay không.

<h2>Chưa "đặc xá" nếu không "đặc cách"</h2>
<center><img
src="http://a.files.bbci.co.uk/worldservice/live/assets/images/2013/07/29/130729091517_sang_512x288_dennisbrackgettyimages_nocredit.jpg"
width="512"></center>
<center><em>Giới lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần vận
động Mỹ nhanh chóng kết thúc đàm phán TPP</em></center>

Hẳn khía cạnh nhân quyền - như một "nhắn nhủ" của John
McCain với "tứ trụ" Việt Nam - đã trở thành nguyên cớ
chính, góp một phần không nhỏ vào kết quả đàm phán mịt
mùng về TPP vừa qua tại Hà Nội. Đơn giản là trong khi
Trưởng đàm phán của Hoa Kỳ về TPP, bà Barbara Weisel, loan báo
"có tiến bộ sau vòng đàm phán mới đây", giới quan sát
vẫn thừa sức nhận ra nhân quyền còn là một rào cản lớn
đối với ngưỡng cửa TPP của Việt Nam.

Cũng đơn giản là trái ngược với tin đồn và niềm hy vọng
của không ít người trong giới hoạt động dân chủ ở Việt
Nam, dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua và cho đến cả hiện thời
vẫn chưa nhận ra bóng dáng một tù nhân chính trị nào được
Nhà nước "đặc xá" khỏi bốn bức tường kín mít trại
giam.

Cho dù tiếng nói của các cơ quan hành chính Việt Nam và Hoa
Kỳ có vẻ khá đồng thanh về "những tiến bộ đáng kể"
trong các nội dung quan trọng như doanh nghiệp nhà nước, sở
hữu trí tuệ, đầu tư, quy tắc xuất xứ, minh bạch hóa và
chống tham nhũng sau đàm phán TPP, nhưng nếu không có thêm các
tiểu mục về tự do lập hội, công đoàn độc lập và trả
tự do vô điều kiện cho các tù nhân chính trị thì TPP vẫn
thuần túy là một bông hồng đầy gai sắc dành cho giới bảo
thủ Hà Nội.

"TPP tới nay vẫn chưa hoàn tất các cuộc đàm phán và có
nhiều điều kiện Việt Nam chưa đạt được. Đấy là lý do
chính vì sao đợt 2/9 này chưa có tù nhân lương tâm nào quan
trọng được nhắc đến là thả và cũng không có một công
bố gì" - ông Đoàn Viết Hoạt, người được vinh danh Giải
thưởng Nhân quyền Robert F. Kennedy 1995, lý giải ngắn gọn về
câu chuyện lê thê trên.

<center><img
src="http://a.files.bbci.co.uk/worldservice/live/assets/images/2014/01/30/140130165752_dieu_cay_464x261_sbtn.jpg"
width="464"></center>
<center><em>Nhân quyền vẫn là một yêu cầu chủ chốt của
Mỹ đối với Việt Nam trong đàm phán TPP</em></center>

Nhận định của người từng bị Hà Nội tuyên án tù 20 năm
vì các hoạt động cổ súy dân chủ đang tỏ ra có cơ sở và
còn phần nào chắc chắn. Ít nhất đã có một tù nhân lương
tâm nổi bật là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải được xác định
nằm trong diện đặc xá 2/9 vừa qua. Hiện tượng ông Hải
được gọi điện thoại về nhà trong 5 phút, với khá nhiều
thông tin "đặc biệt nhạy cảm" mà không bị cán bộ quản
giáo cắt cúp lần nào, cũng cho thấy triển vọng ông ra tù
trước thời gian thụ án đến hàng chục năm không còn là
điều mộng tưởng.

Danh sách những tù nhân chính trị nổi bật có thể được
"đặc xá" là khoảng 20 người, được phía Mỹ chuyển cho
Hà Nội với yêu cầu "trả tự do ngay lập tức và vô điều
kiện".

Tuy thế, mọi chuyện ở Việt Nam không biết đâu mà lường,
nhất là trong chính trị và nền "ngoại giao con tin". Hà Nội
trước nay lại quá thường bị chỉ trích về việc dùng tù
nhân lương tâm để mặc cả, đổi chác quyền lợi trong các
cuộc thương lượng gia nhập sân chơi quốc tế.

Nếu đàm phán TPP tại Hà Nội vào đầu tháng 9/2014 "thành
công tốt đẹp" theo cách Nhà nước Việt Nam được Hoa Kỳ
và các nước chủ chốt trong TPP xét "đặc cách" gia nhập
hiệp định này, dù còn lâu Việt Nam mới thỏa mãn được
những điều kiện quan yếu về "quy chế kinh tế thị
trường", chuyển đổi nguồn nguyên liệu nhập khẩu hay sở
hữu trí tuệ…, hẳn nhiên người đời đã chứng kiến một
loạt tù nhân lương tâm được trả tự do mà không cần
"nhân dịp" Quốc khánh 2/9 nữa.

Nhưng rõ ràng đến giờ này, kết quả TPP cho Việt Nam vẫn
tiếp tục mờ mịt như 19 vòng đàm phán trước. Lý do muôn
thuở vẫn là những bất đồng giữa hai "đại gia" là Mỹ
và Nhật. Nhưng điều ẩn giấu bên trong lại luôn là việc các
"đại gia" này chưa nhận ra một tấm lòng "thành tâm" đáng
kể nào từ phía Hà Nội, cho dù những chuyến ngoại giao và
vận động con thoi đã diễn ra và cũng có thể đã tồn tại
một thỏa thuận Việt - Mỹ lặng lẽ.

<center><img
src="http://a.files.bbci.co.uk/worldservice/live/assets/images/2013/08/02/130802062752_antv_dieu_cay_464x261_antv.jpg"
width="464"></center>
<center><em>Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vẫn chưa được thả
ra sớm như mong đợi</em></center>

Tình thế trên đang dẫn đến triển vọng u tối nhất là
không có gì bảo đảm rằng Hà Nội sẽ thả người, cho dù
thời gian và cơ hội để lọt vào TPP chỉ còn rất ít trong
quý cuối năm 2014.

<h2>Chút cơ hội cuối cùng</h2> Tất nhiên, vào thời gian cuối
năm 2014 vẫn còn một vòng đàm phán TPP nữa - cơ hội cuối
cùng của Nhà nước Việt Nam. Trong thời gian từ đây đến
đó, có thể diễn ra một số đàm phán riêng lẻ của các quan
chức Hoa Kỳ với giới chức Hà Nội, và do đó vẫn còn cơ may
cho những chính khách nào muốn thể hiện tình cảm "hồi
tâm".

Trong bối cảnh đầy thách đố ấy, sự kiện mang tính an ủi
đột biến cho giới bảo thủ Hà Nội là ngày 11/9/2014, Tòa
Thánh Vatican ra thông cáo cho biết họ mong muốn thiết lập quan
hệ ngoại giao với Việt Nam, trong khuôn khổ những nỗ lực
tăng cường quan hệ với châu Á.

Sự kiện trên được xem là liên quan mật thiết đến chủ
đề nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo ở Việt
Nam.

Cần nhắc lại, Hà Nội đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với
Toà thánh vào năm 1975. Kể từ năm 2007, hai bên đã "nỗ lực
làm việc để tiến tới một mối quan hệ nồng ấm hơn".

Mọi chuyện đều có vẻ khá logic với nhau, và dường như
giữa Vatican và Nhà nước Việt Nam đã có một thỏa thuận
thầm kín trước công bố "tái lập bang giao" mới đây. Cách
đây hai tháng, tờ Vatican Insider đã có bài viết trích dẫn
phát biểu của Tổng giám mục Sài Gòn Bùi Văn Đọc tại Roma
cho biết cơ cấu của một đại học Công giáo có thể sẵn
sàng trong vòng một năm tới.

Cũng cần nhắc lại, mối quan hệ "nồng ấm hơn" giữa Nhà
nước Việt Nam và Tòa thánh được khởi động vào đầu tháng
Giêng năm 2013 với chuyến "hành hương" của Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng đến Vatican. Người đứng đầu đảng Cộng
sản Việt Nam đã được Đức Giáo hoàng Benedict XVI tiếp
đón bằng nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia.

<center><img
src="http://a.files.bbci.co.uk/worldservice/live/assets/images/2014/08/08/140808090120_vietnam_leaders_624x351_hoangdinhnamafp.jpg"
width="624"></center>
<center><em>Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã bỏ lỡ thời
cơ gia nhập TPP?</em></center>

Thế nhưng Chính phủ Việt Nam lại thường xuyên bị các
quốc gia phương Tây chỉ trích là vi phạm tự do tôn giáo.
Năm 2012, Việt Nam đã mang 14 người, đa phần theo Công giáo
và Tin Lành, ra xử tội "Hoạt động nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân".

Ngay cả sau chuyến công du Vatican của ông Nguyễn Phú Trọng,
ở Nghệ An vẫn nổ ra vụ giáo xứ Mỹ Yên 2013 mà bị xem là
xâm hại tự do tôn giáo ghê gớm.

Giờ đây, tin tức về một đại học do một tôn giáo như
Công giáo tại Việt Nam được phép thành lập khiến cho nhiều
người tỏ ra hy vọng như một phép thử quan trọng về sự
cởi mở hơn của Hà Nội đối với tự do tôn giáo. Thế nhưng
như một quy luật, ở Việt Nam không có gì được coi là nhanh
gọn, trừ tham nhũng và những gì thuộc về lợi ích.

Mọi việc vẫn còn phải chờ ở phía trước, và thời gian
sẽ trả lời.

Chỉ có điều, thời gian đã quá gấp gáp. Nếu đến tháng 11
năm nay mà giới bảo thủ Hà Nội không kiến tạo được một
chút phảng phất trên gương mặt nhân quyền và do đó không
thể "hoàn tất TPP" như mong ước của Tổng thống Mỹ,
Quốc hội Hoa Kỳ sẽ bắt đầu cuộc bầu cử giữa nhiệm
kỳ, tiến tới chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Khi
đó, đương nhiên sẽ chẳng còn mấy khuôn mặt nghị sĩ lưu
tâm đến việc "đặc cách" cho Việt Nam vào TPP hay được
mua vũ khí sát thương.

Chỉ còn hơn một năm rưỡi trước Đại hội Đảng 12, Bộ
chính trị Việt Nam đang "tiến nhanh, tiến mạnh" và có thể
cả "tiến vững chắc" đến quyết định bỏ lỡ một ít
cơ hội cuối cùng để nhận được cứu cánh kinh tế.

<strong><em>Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành
văn của tác giả, một nhà báo tự do tại thành phố
Hồ Chí Minh.</em>


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140918/pham-chi-dung-tpp-co-hoi-can-dan-cho-viet-nam),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét