Nguyễn Văn Tuấn - Cải cách ruộng đất và hàng trăm ngàn cái chết oan ức

<center> <img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg5IAlllI8zKKW0T5ja_Mi62t8tBFUDXsrtPoxKs5EDqIBaVn4f6lFDcRgyfDL8gW3lEJrLj3NJdN2E_AhkIYEwDMBbDgh6wuNYAVveSQzZ9OeBFvjBovCSjnAM1I4IUL9hChH5HE-iQ8o/s1600/15029321440_aa9170f8f3.jpg"
width="500"></center>

Sự kiện mang tên "Cải cách ruộng đất" xảy ra ở ngoài Bắc
và lúc tôi mới sinh, nên tôi cũng như phần lớn các bạn chỉ
biết về sự kiện qua báo chí, văn học, phim ảnh. Sự thật
kinh hoàng và đau thương là hàng vạn, thậm chí hàng trăm ngàn
người bị giết oan. Con số đó chắc chẳng làm ai xúc động,
nhưng hãy thử tưởng tượng 120.000 xác người! Bẵng đi một
thời gian dài, bây giờ người ta đem ra triển lãm về sự
kiện kinh hoàng đó! Thật chẳng khác gì triển lãm thành
tích… giết người. Trong bài này, tôi chỉ muốn chia sẻ cùng
các bạn vài suy nghĩ cá nhân liên quan đến mục tiêu, con số
tử vong, và những câu chuyện tan thương trong vụ Cải cách
ruộng đất.

Cuộc Cải cách ruộng đất không chỉ xảy ra trong một thời
điểm ngắn, mà kéo dài từ 1953 đến 1956, tức khoảng 4 năm
qua 5 giai đoạn. Những người chủ trương Cải cách ruộng
đất làm có vẻ rất bài bản và có hệ thống. Khởi đầu là
vận động và chuẩn bị hậu thuẫn của quần chúng, sau đó
là ra sắc lệnh, rồi làm thí điểm, và vào cuộc ồ ạt. Có
vài nguồn nói rằng lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn
làm Cải cách ruộng đất, nhưng vì Trung Quốc gây áp lực lớn
quá nên đành phải làm. Tôi không biết luận điểm này khả
tín ra sao, nhưng cảm thấy rất khó chấp nhận, vì nó cho thấy
rõ ràng là miền Bắc Việt Nam lúc đó chịu lệ thuộc Tàu quá
lớn.

<h4> <b>Mục đích</b></h4>
Cải cách ruộng đất để làm gì? Một văn bản có tên là
"Luật cải cách ruộng đất" do Chủ tịch Quốc hội Hồ Chí
Minh kí (1) ghi rõ:

"Điều 1. Mục đích và ý nghĩa cải cách ruộng đất là:

Thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp và
của đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xóa bỏ chế độ
phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ,

Để thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân,

Để giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản
xuất nông nghiệp và mở đường cho công thương nghiệp phát
triển,

Để cải thiện đời sống của nông dân, bồi dưỡng lực
lượng của nhân dân, lực lượng của kháng chiến,

Để đẩy mạnh kháng chiến, hoàn thành giải phòng dân tộc,
củng cố chế độ dân chủ nhân dân, phát triển công cuộc
kiến quốc".

Dĩ nhiên, đó là "bề nổi" của mục đích, còn "bề chìm" thì
có lẽ hiểu một cách khác. Có thể mục tiêu chính là xóa bỏ
sự ảnh hưởng của giới giàu có và có học ở nông thôn.
Thời đó, đại đa số nông dân không biết chữ, và giới có
học thường là người nhà giàu, và những người này có thể
nói là "proxy" lãnh đạo ở nông thôn. Người cộng sản muốn
độc quyền lãnh đạo nên phải xóa bỏ thành phần giàu và có
học này. Theo tôi nghĩ đó mới là lí do chính họ phát động
cuộc Cải cách ruộng đất.

Một lí do quan trọng nữa theo tôi nghĩ là họ muốn làm cho
nông dân phải biết sợ sức mạnh của người cộng sản. Nên
nhớ rằng phần lớn các cuộc khởi nghĩa hay nổi dậy đều
xuất phát từ nông dân. Nông dân tuy không có học nhiều nhưng
một khi họ đoàn kết lại thì trở thành một lực lượng
rất khó khống chế. Do đó, người cộng sản phải thị uy
quyền lực của họ qua Cải cách ruộng đất. Rất có thể
mục đích này giải thích tại sao họ xử bắn nạn nhân ngay
trước mặt công chúng và người thân của nạn nhân. Có thể
lúc đó những người hành xử như thế không thấy họ là dã
man hay thú tính, mà họ thấy họ đã thị uy để khuất phục
đám đông.

Một lí do khác là hệ quả của hai lí do trên có thể là họ
muốn xóa bỏ nền tảng đạo lí vốn đã tồn tại qua hàng
ngàn thế hệ của nông thôn Việt Nam. Họ muốn thay vào đó
cái nền tảng đạo đức xã hội chủ nghĩa mà họ mới du
nhập từ Nga và Tàu vào. Đó chính là lí do tại sao rất nhiều
di tích lịch sử, đền đài, chùa chiềng bị đập phá một
cách không thương tiếc. Họ muốn đoạn tuyệt với lịch sử
và văn hóa Việt Nam.

Một cách trớ trêu, tôi nghĩ người cộng sản đã đạt
được cả 3 mục tiêu chìm trên. Họ đã xóa sạch ảnh hưởng
của giai cấp giàu và có học ở nông thôn và biến họ thành
những phế nhân của xã hội. Họ đã thành công làm cho nông
dân và cả xã hội nói chung phải sợ trước họng súng, đúng
như Mao từng nói "chính quyền sinh ra từ họng súng". Và sau
cùng họ đã thành công một phần nào đó đoạn tuyệt với
quá khứ và xóa bỏ ảnh hưởng của tôn giáo. Nhưng thành công
nào cũng đi kèm theo những hệ quả khôn lường. Cái hệ quả
lớn nhất, đau thương nhất, và kinh khủng nhất là giết chết
hàng vạn người vô tội.

<h4> <b>Bao nhiêu người chết?</b></h4>
Hậu quả kinh khủng nhất của Cải cách ruộng đất là cái
chết. Không ai có một con số thống kê chính xác về số
người bị xử và số người bị giết, chỉ có ước tính.
Những ước tính từ các chuyên gia trong và ngoài nước chênh
lệch nhau rất lớn. Nhưng dù chênh lệch, họ đều nhất quán
một điều là số người bị giết cao hơn 50.000. Tính trung
bình mỗi ngày có gần 70 người bị các đội Cải cách ruộng
đất giết chết. Đó là một con số rất lớn, một vết
thương dân tộc mang tính lịch sử mà tất cả chúng ta đều
không được quên.

Trước hết, chúng ta hãy thử đọc thống kê chính thức của
Nhà nước. Giáo sư Đặng Phong, một sử gia về kinh tế Việt
Nam, đã dày công làm thống kê về Cải cách ruộng đất và
trong một cuốn sách "Lịch sử kinh tế Việt Nam" ông đưa ra con
số người bị giết trong thời kì Cải cách ruộng đất là
172.008. Đó là những người bị kết tội là kẻ thù của nhân
dân, kẻ thù của giai cấp (2).

Nhưng chưa hết! Trong số 172.008 người bị kết án và giết
chết đó, sau khi tổng kết thì Nhà nước kết luận rằng có
đến 123.266 bị kết án oan. Nói cách khác, cứ 10 người bị
kết án, thì có 7 người bị oan. Thật ra, "oan" ở đây có
nghĩa là theo quan điểm của họ (người cộng sản) chứ trong
thực tế có lẽ 100% đều là oan.

Nhưng giả dụ như 7/10 là oan, thử hỏi trên thế giới này có
nơi nào mà án oan nhiều đến như thế. Điều này không ngạc
nhiên, bởi vì những người gọi là "chánh án" hay ngồi ghế
xử tử hình người khác toàn là loại "cóc nhái". Sau đây là
lời nói của một người từng chứng kiến Cải cách ruộng
đất: "Ôi! Tôi còn nhớ như thế này, tôi chưa bao giờ thấy
lịch sử con người lại ngược đời như thế, đến nỗi
phải nói là thời đại trâu bò đi "bí tất", cóc nhái nhẩy
lên làm người, mõ sãi ngày xưa nhẩy lên làm chánh án, làm
thẩm phán. Thậm chí ngồi trên tòa đấu bố mình" (3).

Các chuyên gia nghiên cứu ở nước ngoài cũng đưa ra những con
số nạn nhân bị giết chết trong Cải cách ruộng đất. Các
chuyên gia này dựa vào nguồn từ Việt Nam và suy luận, và kết
luận rằng khoảng 50.000 đến 172.000 người bị giết chết
(4-6) vì bị kết án là kẻ thù của nhân dân.

Theo Wikipedia, một nguồn từ Bộ chính trị đảng cộng sản
Việt Nam thì chỉ tiêu tối thiểu là giết 1/1000 người Việt
(miền Bắc) trong giai đoạn "giảm tô". Con số này có nghĩa là
tối thiểu 14.000 người bị giết trong thời giảm tô. Dĩ
nhiên, con số bị giết chết trong các đợt Cải cách ruộng
đất kế tiếp phải cao hơn con số đó nhiều lần.

Một chuyên gia về đất đai của Việt Nam là Lâm Thanh Liêm
(miền Nam) người đã phỏng vấn nhiều cán bộ miền Bắc đã
hồi chánh cũng đưa ra một ước tính khác. Ông ước tính
rằng số người bị giết dao động trong khoảng 120.000 đến
200.000. Con số này có vẻ phù hợp với số nhà và chòi của
"địa chủ" được giao cho những người nông dân (những ông
chủ mới). Lúc đó, người ta (ai đó?) đặt ra một chỉ tiêu
là 5,68% dân số phải là "địa chủ".

Nói tóm lại, các ước tính trên đây rất chênh lệch nhau,
nhưng tất cả đều nhất quán rằng có ít nhất 50.000 người
bị giết trong thời kì Cải cách ruộng đất. Con số "trung
bình" có lẽ là 120.000 người. Dân số miền Bắc lúc đó là
khoảng 12 triệu. Như vậy, có thể ước tính rằng cuộc Cải
cách ruộng đất giết chết 1% dân số. Nếu tính trung bình
trong 3 năm "cải cách" thì mỗi ngày các đội Cải cách ruộng
đất giết chết gần 110 người. Nên nhớ là <b>mỗi ngày</b>
có đến ~110 người bị hành quyết. Thật kinh khủng!

<h4> <b>Những câu chuyện thương tâm</b></h4>
Có rất nhiều câu chuyện đau thương về hậu quả của Cải
cách ruộng đất. Đã có nhiều người viết thành sách, tiểu
thuyết. Ngay cả một người sắc máu như Tố Hữu mà còn phát
biểu rằng "Không thể tả hết được những cảnh tượng bi
thảm mà những người bị quy oan là địa chủ, ác bá (mà trong
thực tế là trung nông) phải chịu đựng ở những nơi được
phát động".

Người bị xử bắn đầu tiên trong vụ Cải cách ruộng đất
là bà Nguyễn Thị Năm. Bà là một ân nhân lớn của các ông
như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức
Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê Giản, Hoàng Hữu Nhân (Bí thư Thành uỷ
Hải Phòng), Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, v.v. Bà
từng đóng góp cho Cácn mạng Tháng 8 20,000 đồng bạc Đông
Dương (tương đương 700 lượng vàng). Con trai của bà có
người làm đến chức trung đoàn trưởng trong quân đội Việt
Minh.

Vậy mà khi Cải cách ruộng đất xảy ra, người ta đem bà ra
xử và bắn chết! Các ông như Trường Chinh (lúc đó là
trưởng ban Cải cách ruộng đất) và Chủ tịch Hồ Chí Minh ở
đâu mà không can thiệp? Họ trả nghĩa bà Năm như thế chăng?
Thứ tình nghĩa gì mà quái gở như thế? Trong cuốn "Trần Huy
Liệu - Cõi đời", tác giả Trần Chiến kể lại buổi đấu
tố bà Năm như sau:

"Hôm ấy là ngày 22/5/1953, trời nắng chói chang. Để tránh cái
nắng nóng nhiều người đã lấy cành cây che đầu, nhưng vì
làm như thế thì người ngồi sau sẽ bị che khuất nên Chủ
tịch đoàn đã yêu cầu mọi người vứt lá đi. Phiên tòa hôm
ấy khoảng 1 vạn người. Cũng như ngày trước, Chủ tịch
đoàn lại ra lệnh cho quần chúng hễ thấy địa chủ vào là
đả đảo kịch liệt. Khi bà Nguyễn Thị Năm và hai con Hanh,
Công (2) cùng đầy tớ là đội Hàm, Chính, Chiêu được Đội
dân quân dẫn vào các bần cố nông đã bật dậy hô đả đảo
vang trời. Có người còn đòi "bọn địa chủ gian ác" phải
đứng lên cao và quay mặt tứ phía cho ai nấy đều trông thấy
mặt để đả đảo.

Chủ tịch đoàn giới thiệu từng tên "địa chủ ác ôn" và
ngắc ngứ đọc lý lịch, nhưng không nêu tội ác cụ thể. Cứ
sau mỗi lần như vậy những người tham dự phiên tòa lại hô
vang 3 lần: "Đã đảo, đã đảo, đã đảo!".

Đám đông đã tỏ ra hết sức phẩn nộ trước thái độ của
đội Hàm. Đôi mắt anh này cứ gườm gườm đầy thách thức.
Nhiều người đã hét lên yêu cầu lính gác phiên tòa "tát cho
nó nảy đom đóm mắt ra để nó cúi gằm mặt xuống mà nhận
tội". Rút kinh nghiệm lần trước, Chủ tịch đoàn tuyên bố
đề nghị quần chúng phải giữ vững trật tự và không cần
đánh đập tội nhân hay bắt quỳ, bò"…

Cũng có những người lên tố, nhưng do trình độ, học vấn
không có nên nói không đạt ý, không rõ việc. Không ai hiểu
họ nói gì. Một bà tên là Minh nói việc chẩn bần tại đồn
điền Đồng Bẩm năm 1945 đã làm bao nhiêu người chết đói,
rồi kết luận bằng những câu: "Mày đừng nhận là chủ đồn
điền có được không?", "Mày chỉ có hình thức thôi" và "Mày
nói nhân nghĩa mà mày không nhân nghĩa gì cả" khiến người
nghe không hiểu tội bà Năm ở đâu.

Còn một ông tên là Giồng tố cáo bà Năm đã cướp gánh cỏ
của ông ta để cho ngựa của bà ăn và cướp cả giỏ củ mài
làm cho cả nhà ông ta phải nhịn đói.

Hài hước hơn cả là trường hợp của một chị có tên là
Lý. Chị Lý tố cáo rằng, chị ta là con nuôi của bà Năm,
được bà Năm trang điểm cho để định gả cho một võ quan
Nhật. Nhưng sau khi biết chị chỉ là thân phận tôi đòi, không
có tiền của gì thì tên Nhật lại không lấy và chị lại bị
bà Năm bắt lột trả lại quần áo, trở lại thân tàn ma dại
như trước. Nội dung tố cáo chỉ là thế, nhưng vì chị ta
vừa nói vừa khóc nên không ai rõ chị ta nói gì".

Sau khi bà Năm bị tử hình, một bài báo xuất hiện trên tờ
"Nhân dân" có tựa đề là "Địa chủ ác ghê" của tác giả kí
tên là C.B. Bút danh này đã được ông Hồ Chí Minh dùng rất
nhiều lần trong thời gian đó. Do đó, người ta nghi ngờ rằng
chính ông Hồ là tác giả bài viết mang tính đấu tố này.

Đài RFA có hẳn một mục dành cho những câu chuyện mang tính
cá nhân về Cải cách ruộng đất. Sau đây là vài câu chuyện
thật mà đọc lên chúng ta thấy không biết tại sao con người
lúc đó quá tàn ác với nhau.

Về những người tố cáo, qua lời kể của Nhà văn Nguyễn
Chí Thiện:

"Họ bị kích động nhiều, bị kích động hơn là bị ép
buộc anh ạ. Nhưng số người mà sau này họ hăng say lao theo
thì đông, chứ còn số người miễn cưỡng lên thì ít thôi.
Nhưng phải nhớ một điều là từ đầu đã có một sự
cưỡng bức rồi. Những người hăng say thì không phải là tự
họ họ lên đâu, mà họ không lên cũng không được. Qua quá
trình kể khổ rồi khơi sâu lòng hận thù thì nhiều người
trở thành hận thù thật. Họ lên họ làm việc đó.

Chỉ riêng trong gia đình thôi thì là một sự miễn cưỡng rõ
rệt anh ạ. Thí dụ như con dâu mà lên tố bố chẳng hạn, tố
là ông ấy hiếp mình thế nọ thế kia thì ăn nói nó có vẻ
gượng gạo, không có tinh thần hăng say như những người khác.

Có một điều đặc biệt là, ông ta đã ngoài 60 rồi, mà ông
ta vẫn cứ phải xưng cháu hoặc xưng con với bất cứ một
người nào lên đấu tố, dù người lên đấu tố chỉ đáng
tuổi con ông thôi. Thâm chí tôi còn nhớ một cô con gái lên
tố ông ta thì ông ta cũng phải xưng con với người con gái đó
- con gái mình đẻ ra đấy ạ".

Còn người ngồi ghế xử án:

"Bây giờ nói đến tòa án nhân dân mà ngồi xử thì toàn là
nông dân thôi, toàn là nông dân họ sắp xếp lên ngồi thôi.
Chị làm "chánh án", tôi còn nhớ chị ấy còn mù chữ nữa anh
ạ, không biết viết a,b,c thế mà lại lên làm chánh án.

Sau một ngày đấu tố nhục nhã như thế rồi thì họ bắt
đầu họ tuyên án. Họ tuyên án với tất cả những tội ác
mà địa chủ đã phạm phải, mà toàn bộ là bịa đặt thôi.
Người ta tuyên án ông ấy tử hình. Đặc biệt là trong quá
trình đấu tố thì ông địa chủ này không có quyền cãi mà
chỉ có quyền bất cứ ai đấu tố thế nào đều chỉ có
quyền "nhận tội" - nhận tội lỗi của mình chớ không hề có
một lời cãi nào được phép cả".

Họ làm gì với nạn nhân đã bi tử hình?

"Buổi hôm đó, tôi còn nhớ là sau khi đấu tố xong thì lập
tức có 6 anh du kích. 6 anh du kích này đứng cách khoảng độ 2
mét… thế là bắn chết ông ta ngay. Sau khi bắn chết xong thì
chặt dây thừng - không phải là cởi nữa mà là chặt dây
thừng, lấy con dao chặt dây thừng ra và lôi ông ta ra chỗ cái
hố đó. Xin nhớ một điều, không có áo quan anh nhá. Thế là
họ vất tụt xuống hố đó là lấp đất ngay lập tức thôi.
Lấp đất xong thì đất ấy cũng không được đấp thành mộ
mà đấp bằng như bình thường thôi chớ không đấp gồ lên
như một khối u như là một mộ phần anh ạ. Đấy là điều
mà tôi chứng kiến tận mắt".

Ông Nguyễn Văn Thủ kể lại vụ xử cha mẹ của vợ nhà thơ
Hữu Loan:

"Bà ấy lên, lật ngửa mặt cụ ra, rồi chỉ vào tận mặt và
nói: con Ly, tên bà cụ là Ly, vợ chồng mày ép buộc tao, phải
gả con gái cho con mày…rồi bà ấy khóc hu hu lên…rồi xin
đội cải cách cho đem con gái về… rồi bà ấy bảo là mày
dụ dỗ con tao đi Nam để cho bố mẹ lià con…

Lúc ấy, tự nhiên nó như ma quỉ cám dỗ, người ta nhìn thấy
nhà tôi, người ta như muốn ăn thịt luôn, họ muốn làm gì
thì làm. Lúc ấy, người nào càng hăng hái, càng tốt, càng
đấu tố, càng đánh đập, thì càng tốt. Có những người bị
tử hình, ông cụ tôi bị kết án tử hình, bắn chết ngay, lôi
ra bắn chết ngay, bắn ngay trước mặt mọi người, con cháu…
Đấu tố bố mình, bắt phải ra nhìn…Còn những người khác
bị tra tấn, bị chết thì cho là họ tự tử, bắn thì rõ ràng
rồi, mấy trường hợp…Cuối cùng thì sửa sai, biết là sai
lầm, rồi xin lỗi, thế thôi!".

Đối xử với nạn nhân như là thú vật. Trung tá Trần Anh Kim
kể:

"Toàn bộ những cái bố tôi kể thì tôi còn ghi được nguyên
cuốn băng. Cứ làm như thế, hàng ngày làm như thế, làm để
bắt nhận là Quốc Dân Đảng. Bố tôi không nhận Quốc Dân
Đảng, bố tôi bảo rằng bố tôi chẳng biết Quốc Dân Đảng
là ai cả, chỉ biết đảng viên đảng cộng sản thôi. Thế
người ta không quy được cho bố tôi Quốc Dân Đảng thì
người ta lại đưa bố tôi lên địa chủ luôn.

Địa chủ ngày đó là địa chủ "phân" anh ạ. Thí dụ mỗi
một thôn là mấy địa chủ thì cứ thế người ta đưa lên
thôi. Cuối cùng thì cũng bị tù không án, hai năm. Mà khốn
nạn hơn thời tôi tù nhiều. Tức là tay thì trói cánh khuỷu ra
đàng sau, chân thì cùm, quần áo thì chẳng có mặc, cứ nằm
như thế ở dưới sàn chuồng trâu thôi.

Lúc bấy giờ tôi còn nhỏ, khoảng 10 tuổi, tôi mang cơm cho
bố tôi thì khổ thế này: đầu tiên mang ra ngõ thì mình cũng
chẳng biết gì cả, lúc bắt bố tôi thì tôi biết nhưng bắt
ông tôi thì tôi không biết. Lúc bắt bố tôi thì tôi chỉ
biết khóc thôi. Tôi thấy tự nhiên người ta đến nhà mình, 5
người đến, người ta dằn bố mình ra người ta trói mang đi,
nói thằng này là Quốc Dân Đảng, trói mang đi thì mình chỉ
biết khóc thôi. Không biết làm gì cả.

Ra ngõ thì gặp đội, thế là nó quát ầm lên: "thằng này con
nhà Quốc Dân Đảng, cháu địa chủ, tại sao mày gặp chúng tao
mày không chào, mày không quì xuống". Lúc bấy giờ biết đâu
được, chỉ khóc thôi. Tôi khóc và bắt đầu quỳ xuống, nó
bảo từ nay trở đi mày gặp chúng tao mày phải quỳ xuống,
mày lạy các ông đội, xin phép các ông đội, xin phép các ông
cốt cán để tôi mang cơm cho ông tôi, cho bố tôi, thế thì
chúng tao cho đi. Thế thì cuối cùng từ đấy thì cứ quen như
vậy. Cứ ra ngõ gặp người ta là phải quỳ xuống, xong lại
xin phép các ông cốt cán để tôi mang cơm cho ông tôi, cho bố
tôi. Gọi là cơm nhưng có cơm đâu, chủ yếu là khoai thôi.

Nắm cơm mang xuống thì thế này. Người ta dùng ngay cái trét
xúc cứt đấy ông ạ, xúc phân gà, nó xắn vào chén cơm. Tôi
cũng chẳng biết gì cả, tôi chỉ biết người ta làm như vậy
thôi. Nhưng ông thôi thì rất hăng. Ông tôi bảo tại sao lại
phải làm như vậy thì nó bảo là phải kiểm tra xem bọn địa
chủ nó có tiếp tế cho nhau không, nó có thông tin cho nhau
không, chúng ta phải kiểm tra.

Có hôm thì họ làm như vậy, có hôm thì không có trét, nó rút
ngay cái cọc ở chuồng lợn bên cạnh con trâu, thế thì họ
chọc vào cơm, chọc luôn vào khoai, bảo chúng tao phải kiểm
tra. Năm đó thì có gì đâu, có cái gáo dừa thôi mà. Cái gáo
dừa treo hai cái dây lủng là lủng lẳng đem nước vô cho ông -
nó đổ đi một nữa xong nó đái vào đấy. Tôi cũng chẳng
biết gì, chỉ biết như thế thôi.

Nhưng ông tôi quát rầm lên thì nó bảo rằng cho chúng mày
uống để mà sáng mắt ra, cho chúng mày hết tư tưởng bóc
lột, hết tư tưởng ức hiếp nhân dân. Nó cứ chửi ông tôi
như thế - tôi cũng chỉ biết khóc, chẳng biết làm thế nào
cả. Mình chỉ mang đi cho ông, mang đến chỗ thì lại về
rồi".

***

Những câu chuyện thương tâm về Cải cách ruộng đất thì
cả bộ sách viết cũng chưa chắc đủ. Nhưng tôi có cảm giác
là hình như vẫn chưa có những nghiên cứu hàn lâm về Cải
cách ruộng đất và hậu quả của nó, một phần có lẽ do
thiếu thông tin (vì Nhà nước Việt Nam không cung cấp), một
phần do bản chất "tế nhị" của vấn đề nên các nhà nghiên
cứu trong nước không muốn/dám động đến.

Với hàng trăm ngàn người chết mà cho đến nay chẳng ai
đứng ra chịu trách nhiệm về những tang thương xảy ra trong
thời Cải cách ruộng đất. Ngược lại, người ta còn có vẻ
tự hào triển lãm những thành quả của Cải cách ruộng đất!
Mà, cuộc triển lãm cũng chỉ là những trưng bài mang tính một
chiều, mà không dám trưng bày những góc cạnh tối của sự
kiện. Người ta chỉ tuyên bố theo kiểu sáo ngữ như "Cải
cách ruộng đất là một cuộc cách mạng dân chủ 'long trời
lở đất', mang lại những giá trị to lớn của một xã hội
mới, một chế độ mới, một cuộc sống mới cho người dân
Việt Nam", nhưng không dám nói lên sự thật về hàng trăm ngàn
cái chết oan. Thật tình mà nói, tôi không rõ Cải cách ruộng
đất đã đem lại cuộc sống mới và giá trị mới gì, nhưng
có lẽ đó là sự thành công trong việc xóa bỏ giai cấp "trí
hào" ở nông thôn và nền tảng đạo lí của xã hội Việt Nam.
Chúng ta đã thấy xóa bỏ giai cấp đó thì dần dần hình thành
một giai cấp thống trị mới xem ra còn khắc nghiệt hơn và
hệ thống hơn giai cấp trí hào cũ.

Cuộc Cải cách ruộng đất còn làm đảo lộn luân thường
đạo lí của xã hội Việt Nam. Có người Việt bình thường
nào có thể tưởng tượng nổi con đấu tố cha, con dâu tố cha
chồng, vợ đấu tố chồng, v.v. Tất cả đều chỉ là làm theo
những vở kịch đã được diễn tập, hoặc bị kích động.
Đây phải nói là một đề tài nghiên cứu tâm lí rất độc
đáo. Một con người bình thường khi được trang bị cho một
thứ chủ thuyết nào đó họ sẽ trở thành những tên sát nhân
nguy hiểm. Đó là bằng chứng từ nghiên cứu vào thập niên
1950. Có lẽ những người đứng đằng sau cuộc Cải cách
ruộng đất đã rành những chứng cứ đó nên họ áp dụng
rất thành thục, và hệ quả là một xã hội bị đảo lộn
về tôn ti trật tự. Sự đảo lộn vẫn còn để lại hệ quả
cho đến ngày hôm nay.

Một trong những ông tổ cộng sản và cũng là tên đồ tể
giết người không gớm tay là Josef Stalin từng nói rằng "một
cái chết là một thảm trạng; hàng triệu cái chết là một con
số thống kê" (The death of one man is a tragedy; the death of millions
is a statistic). Câu nói lạnh lùng hàm ý rằng giết một người
thì sẽ có người quan tâm làm lớn chuyện vì họ động lòng,
nhưng giết hàng triệu người thì chẳng mấy ai quan tâm vì
người ta sẽ mệt mỏi với sự thương tâm (emotional fatigue) và
nó chỉ là con số thống kê. Đối với nhà độc tài như Stalin
thì mạng sống con người chẳng có nghĩa lí gì vì nó như là
một con số thống kê.

Chúng ta thường hay kinh hãi trước những cái chết trong cuộc
"cách mạng văn hóa" ở Tàu với hàng chục triệu người bị
giết oan. Nhưng trớ trêu thay, ít người trong chúng ta kinh hãi
trước 120.000 người hay 1% đồng hương của mình bị giết
chết trong thời Cải cách ruộng đất!

Có người nghĩ rằng sự kiện Cải cách ruộng đất là
chuyện quá khứ, Đảng và Nhà nước đã chính thức xin lỗi,
nhắc lại làm gì. Nhưng tôi nghĩ suy nghĩ đó không đúng. Nhắc
lại hay nghiên cứu về sự kiện trong lịch sử không phải
để trả thù ai, mà để học hỏi từ những bài học quá
khứ. Có triết gia từng nói và tôi đồng ý: Những kẻ nào
không học từ lịch sử thì sẽ có ngày lặp lại những sai
lầm của quá khứ. Do đó, phải học từ những sai lầm trong
quá khứ để không vấp phải chúng một lần nữa.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140915/nguyen-van-tuan-cai-cach-ruong-dat-va-hang-tram-ngan-cai-chet-oan-uc),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét