John Prados - Bao nhiêu người đã di cư vào Nam năm 1954

Một câu chuyện cũ về Việt Nam là sau hiệp định Geneva 1954,
đã có hàng triệu người dân chạy khỏi miền Bắc Việt Nam
để tìm chốn an cư tại miền Nam. Stanley Karnow, trong cuốn
<em>Việt Nam: Một Lịch sử</em>, đã viết "một phong trào tị
nạn khổng lồ từ bắc vào nam." Tạp chí <em>National
Geographic</em> gọi nó là "một vụ di dân mang tính lịch
sử."

Sự kiện khởi đầu bởi Điều khoản 14 trong hiệp ước
trọng tâm đạt được tại Geneva, trong đó yêu cầu hai chính
quyền Bắc và Nam Việt Nam phải cung cấp những hỗ trợ cần
thiết cho bất kỳ ai muốn tái định cư. Vấn đề hầu như
không bao giờ được đề cập đến là tầm mức của công tác
nhân đạo này đã bị ràng buộc vào cuộc chiến tranh ý thực
hệ chống lại chủ nghĩa cộng sản do Tổng thống Dwight D.
Eisenhower khởi xướng.

Tại trận địa Điện Biên Phủ, điểm đỉnh giao chiến của
cuộc chiến tranh Pháp-Việt, lực lượng chính của các đơn
vị thuộc Tập đoàn Viễn chinh Pháp đã bị đánh bại và
phần còn lại bị lực lượng cộng sản Việt Minh của Hồ
Chí Minh bắt giữ. Nước Pháp mệt mỏi vì chiến tranh muốn
thương lượng một tình trạng ngưng bắn quân sự tại Geneva,
trong đó bao gồm một điều khoản là lực lượng của hai bên
sẽ rút về lại hai phía Bắc và Nam Việt Nam. Các vấn đề
chính trị sẽ được giải quyết bằng một cuộc bầu cử hai
năm sau hiệp ước.

Chính phủ Mỹ đề xuất một yêu cầu - một khái niệm đơn
giản nhưng khó thực hành trên thực tế - di tản khí tài từ
nguồn cung cấp quân sự của Mỹ cho Tập đoàn Viễn chinh, binh
lính Pháp và những đồng minh người Việt từ khu vực châu
thổ sông Hồng ở Bắc Kỳ. Việc cạnh tranh ý thức hệ đã
khiến cho vấn đề thuần tuý về hậu cần mang đậm màu sắc
chính trị. Chính phủ Eisenhower muốn dùng việc di tản này
nhằm chứng tỏ rằng người Việt đã "đi bầu bằng đôi chân
của mình" để chống lại chủ nghĩa cộng sản. Điều xảy ra
sau đấy là đụng độ khởi đầu trong cuộc chiến tranh của
Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Các quan chức cao cấp nhất của Mỹ bàn luận việc di tản
khỏi Bắc Kỳ từ tháng Giêng 1954, trước cả khi trận chiến
Điện Biên Phủ bắt đầu. Vào thời điểm ấy, Tham mưu
Trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Đô đốc Arthur Radford F., nói với
Tổng thống Eisenhower và Hội đồng An ninh Quốc gia rằng một
vài năm trước đó, khi Radford còn là tư lệnh khu vực Thái
Bình Dương khu vực, ông được lệnh thảo luận vấn đề này
với Tư lệnh Tập đoàn Viễn chinh Pháp là Thống chế Jean De
Lattre và vị này đã xem đó là một ý tưởng ngớ ngẩn. De
Lattre nói trước khi những việc này có thể hoàn tất, nhóm
người cuối cùng đợi chờ sơ tán sẽ bị tàn sát.

Đến tháng Hai, khi một quan chức cao cấp của Eisenhower gặp
gỡ hoàng đế Việt Nam Bảo Đại, vị quan chức Mỹ này đã
xem đấy là một kế hoạch thiếu cơ sở khi Bảo Đại cho
rằng lực lượng quân đội có thể tìm được hỗ trợ trong
việc chống Việt Minh tại châu thổ Bắc Kỳ bằng cách di
chuyển bốn triệu người dân quê đến các tỉnh miền trung và
Cao nguyên Việt Nam. Bảo Đại cũng vận động kế hoạch này
với những người Mỹ khác, trong đó có cả đại sứ Donald
Heath, nhưng ông không nhận được một khuyến khích nào dù là
rất nhỏ. Sau thất bại tại Điện Biên Phủ, vị hoàng đế
thay đổi quan điểm của mình và phản đối bất kỳ kế
hoạch sơ tán khỏi Bắc Kỳ nào, mặc dù một quan chức Hoa Kỳ
là Robert McClintock dự kiến sẽ có "một đề nghị Hoa Kỳ giúp
đỡ di tản đường biển tương tự như ở Dunkirk (Trận
chiến Dunkirk giữa Đồng minh và Đức trong Chiến tranh Thế
giới II - ND) vào phút cuối." Khi thủ tướng cuối cùng của
Bảo Đại là Ngô Đình Diệm gặp McClintock lần đầu tiên vào
cuối tháng Sáu, không bao lâu sau khi ông đến Sài Gòn, ông đã
đưa vấn đề di tản khỏi Bắc Kỳ và tin rằng cần thiết
phải có một hành động nhanh chóng để ngăn chặn Việt Minh
phân tán dân chúng.

Tuy thế, Hoa Kỳ vẫn thảo ra một kế hoạch di tản sau cuộc
trò chuyện giữa Radford và De Lattre. Việc này đã mất đến
cả năm và hoàn thành vào đầu năm 1952, cần đến một chiến
dịch đổ bộ khổng lồ. Kế hoạch này dự tính là cần phải
di chuyển 80 nghìn lính chính qui Pháp, 40 nghìn lính Việt và 10
nghìn dân thường.

Kế hoạch này là một trọng tâm của cuộc thảo luận giữa
các quan chức của Bộ Tổng tham mưu và Bộ Ngoại giao tại
một cuộc họp ngày 7 tháng Năm 1954, ngày Điện Biên Phủ thất
trận. Giữa phiên họp thì họ nhận được tin người Pháp
bại trận. Những ý tưởng di tản dựa trên việc người Pháp
bảo vệ thành công một phần của khu vực đồng bằng. Tổng
thống Eisenhower cũng đã phải tuyên bố một tình trạng khẩn
cấp quốc gia để có đủ quyền hạn chuyển hướng các tuyến
vận tải đường biển để hỗ trợ kế hoạch sơ tán.

Vào cuối tháng Sáu, kế hoạch được điều chỉnh. Cơ quan
Tình báo Trung ương Hoa Kỳ dự tính chỉ ở Hà Nội, phải cần
có khoảng 600 chuyến bay chuyên chở quân cụ. Ngành Hải quân
dự kiến sẽ di chuyển 10 nghìn xe và 382 khẩu pháo, cùng với
110 nghìn thường dân. Không có số lượng về nhân viên quân
sự, nhưng CIA dự tính có khoảng 83 nghìn binh lính ở đồng
bằng, cùng với 65 tiểu đoàn chính qui và 19 tiểu đoàn hạng
nhẹ của Pháp hoặc Bảo Đại. Nếu các đơn vị có đúng số
quân, các con số trên cho thấy tổng số lực lượng quân sự
vào khoảng 150 nghìn người. Việt Minh cũng sẽ trao trả gần
hơn 9.600 tù nhân, đa số còn ở Bắc Kỳ.

Vào thời điểm giới ngoại giao ký kết hiệp định Geneva vào
ngày 21 tháng Bảy, một bộ trưởng của Diệm dự tính con số
người tị nạn từ Bắc Kỳ có tiềm năng lên đến 700 nghìn.
Diệm cho rằng nó có thể từ một đến hai triệu. Bộ trưởng
Pháp đặc trách các quốc gia Đông Dương là Guy La Chambre ước
tính có khoảng từ 500 nghìn đến một triệu người tị nạn

Tổng Tư lệnh Pháp, tướng Paul Ely đưa ra con số 200 nghìn.
Nhưng trong một cuộc họp với các nhà ngoại giao Mỹ, Ely lại
nói rằng việc "tuyên truyền mạnh mẽ" của Diệm có thể lôi
kéo đến một triệu người rời miền Bắc vào Nam Việt Nam.
Khi trò chơi phỏng đoán này tiếp tục, vấn đề người tị
nạn trở nên quan trọng hơn. Lúc ấy có 11 triệu người đang
sống tại miền Bắc Việt Nam.

Hoa Kỳ bắt đầu tham gia vào ngày 28 tháng Bảy khi các quan
chức của chính phủ mới của Nam Việt Nam nói với các nhà
ngoại giao Mỹ họ cần 2 nghìn chiếc lều lớn ngay lập tức
nếu không chương trình tị nạn sẽ thất bại ngay trước khi
nó bắt đầu. Và rồi vào ngày 4 và 5 tháng Tám, bộ trưởng
ngoại giao Sài Gòn và sau đó đích thân thủ tướng Diệm yêu
cầu người Mỹ trợ giúp. Đến lúc ấy người ta vẫn cho
rằng Pháp vẫn nắm hoàn toàn quyền kiểm soát. Trên thực tế
thì tướng Ely đã bắt đầu rút các đơn vị tham chiến ra
khỏi Bắc Kỳ để củng cố miền trung Việt Nam vào ngày hiệp
định Geneva được ký kết.

Tuy nhiên giờ đây, các quan chức Sài Gòn lại cảnh báo rằng
Pháp chỉ có thể vận chuyển 80 nghìn người trong tháng Tám,
trong khi đã có 120 nghìn người Việt chạy vào các khu vực do
Pháp kiểm soát với hi vọng được tản cư. Ngày 5 tháng Tám,
cơ quan Quản lý Ngoại vụ của Hoa Kỳ thông báo rằng Hoa Kỳ
sẽ tham gia trợ giúp. Người Pháp ngay lập tức yêu cầu có
đủ tàu để di chuyển 100 nghìn người. Washington đã thành
lập một nhóm công tác liên ngành về Đông Dương để quản
lý chiến dịch này.

Tham mưu Trưởng Hải quân, Đô đốc Robert B. Carney ra lệnh cho
tư lệnh khu vực Thái Bình Dương là Đô đốc Felix B. Stump
chuẩn bị đáp ứng những yêu cầu về tàu bè. Lệnh cung cấp
tàu được đưa ra vào ngày 7 tháng Tám. Washington mệnh danh nó
là Chiến dịch Đường đến Tự do (Operation Passage to Freedom.)
Chiến dịch này sẽ được Lực lượng Đặc nhiệm 90 tiến
hành dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Lorenzo S. Sabin,
tư lệnh lực lượng đổ bộ Tây Thái Bình Dương.

Đô đốc Sabin bay đến Hải Phòng vào ngày 10 tháng Tám để
sắp xếp với người Pháp, họ sẽ cung cấp các dịch vụ bến
cảng và dẫn đường. Chiếc tàu Mỹ đầu tiên, tàu vận tải
<em>Menard</em>, đã đến từ Hồng Kông trong cùng ngày, nhưng Đô
đốc Sabin ra lệnh cho nó nằm ngoài khơi cho đến khi các tàu
khác có mặt để tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ về sự
đóng góp của Mỹ. Chiếc <em>Menard</em> bắt đầu chuyển
người lên tàu tại bờ biển Đồ Sơn vào ngày 16 tháng Tám.

Sân bay Đồ Sơn, nằm trên một ngôi làng trên bờ biển phía
nam Hải Phòng, từng là căn cứ của một toán lính cơ khí của
Không quân Hoa Kỳ chuyên giúp Không quân Pháp trùng tu lại các
máy bay trong chiến tranh. Giờ đây nó trở thành điểm sơ tán
đầu tiên của phe bại trận trong cuộc chiến. Trong khi đó, hai
tàu vận tải khác <em>Montrose</em> và <em>Telfair</em> cùng với hai
tàu vận tải đổ bộ, <em>Montague</em> và <em>Algol</em>, hợp
thành đoàn tiến vào Hải Phòng. Vào thời điểm này, ước
tính có khoảng 132 nghìn người tị nạn tại Hải Phòng đang
chờ được chuyển đi.

Ngày 18 tháng Tám, chiếc <em>Menard</em> chở hơn 1.900 người
Việt vào Nam, ba ngày sau đã đến Sài Gòn. Các đại diện cơ
quan Chữ Thập Đỏ đã đến thăm tàu và tặng mỗi ngưòi tị
nạn một túi hàng nhu yếu phẩm. Lúc ấy, chính quyền Diệm
vừa mới bắt đầu dựng trại đầu tiên trong năm trại tiếp
nhận được dự định xây ở Sài Gòn. Trại này mới chỉ
cất được ba mươi căn lều. Hồ Quan Phước, nhân viên đặc
trách của chính quyền Sài Gòn chỉ mới nhận công việc này
trong ba ngày với vỏn vẹn ba nhân viên.

Vấn đề này đã không được đề cập với các phóng viên
của các hãng truyền thông NBC, CBS và United Press khi họ được
đưa đến để đợi quay cảnh chiếc tàu vận tải kế tiếp
là <em>Montrose</em> cập bến. Chiếc tàu này đã được Đô
đốc Stump đón chào. Ngày 22 tháng Tám, Tổng thống Eisenhower
đã đưa ra một thông cáo báo chí tán dương nỗ lực sơ tán.
"May mắn thay, Việt Nam Tự do là một đất nước với tài
nguyên đất đai phong phú cho việc tái định cư của bất kỳ
số lượng người dân Việt Nam nào muốn thoát khỏi ách thống
trị của Cộng sản," Eisenhower nói.

Đến ngày 28 tháng Tám, theo tài liệu của Pháp, đã có 65.706
người rời khỏi Bắc Kỳ bằng máy bay và 81.074 người đi
bằng tàu thuỷ.

Vì thông điệp của Ike (bí danh của Tổng thống Eisenhower - ND)
muốn cho thế giới xem việc tản cư là một sự kiện chính
trị, số lượng người tị nạn trở nên quan trọng hơn bao
giờ hết. Đột nhiên nó trở thành hợp lý trong việc tạo
thêm luồng người tị nạn, và Cơ quan Tình báo Trung ương
nhập cuộc. Frank G. Wisner, phó giám đốc phòng kế hoạch và
đồng thời là giám đốc các hoạt động bí mật đã kêu gọi
cần một nỗ lực nán lại Hà Nội trong quá trình sơ tán để
tạo chia rẽ Việt Minh và Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc. CIA đã
gửi một toán nhân viên đến đấy dưới quyền chỉ huy của
Edward G. Lansdale, hoạt động bí mật dưới vỏ bọc của một
đại tá Không quân Hoa Kỳ. Toán tình báo của Lansdale bắt tay
ngay vào các hoạt động tuyên truyền và phá rối ở miền
Bắc.

Mặc dù Lansdale đến Sài Gòn từ tháng Sáu, nhưng mãi đến
tháng Tám đa số các thành viên trong đơn vị của ông, Phái
bộ Quân sự Sài Gòn (Saigon Military Mission - SMM) mới có mặt.
Lansdale gửi Thiếu tá Lục quân Lucien Conein, một chuyên viên
kỳ cựu về Đông Dương và bạn của vị tư lệnh quân đội
Nam Việt Nam tại Bắc Kỳ chỉ huy nhóm hoạt động tại Hà
Nội. Nhóm SMM bắt đầu các chiến dịch phao tin đồn tại Hà
Nội, tin đầu tiên nhắm vào một báo cáo giả rằng một đơn
vị cộng sản Trung Quốc đã tiến vào miền Bắc và thảm sát
thường dân người Việt. Một thủ đoạn chiến tranh tâm lý
khác là một chiến dịch tranh áp phích dữ dội nói rằng Việt
Minh đang lộng hành ngoài vòng kiểm soát. Một bức áp phích
vẽ bóng những người lính Việt Minh che phủ đường phố Hà
Nội với một cụm khói bom hạt nhân phía sau họ.

Có khoảng 6 nghìn thường dân Pháp tại Hà Nội và toàn bộ
khoảng 24 nghìn ở Bắc Kỳ. Sẽ là một thảm hoạ về mặt
tuyên truyền nếu họ quyết định ở lại dưới chế độ
Việt Minh. Một thủ đoạn khác dưới dạng một tờ truyền
đơn vẻ ngoài trông như một bản qui định chính thức của
Việt Minh về việc chiếm quyền kiểm soát, trong đó liệt kê
những qui định hà khắc về cải cách tiền tệ, tịch thu tài
sản và một chỉ thị rằng các công nhân có thể nghỉ lễ ba
ngày để đón mừng Việt Minh trở về. Các tài liệu của
Lansdale cho thấy số người đăng ký di tản tăng gấp ba sau
ngày tờ truyền đơn được phân tán.

Khi cuộc di tản bắt đầu, hãng Hàng không Vận tải Dân sự do
CIA độc quyền (Civil Air Transport - CAT, sau này đổi thành Air
America) yêu cầu SMM giúp để có được hợp đồng tham gia.
Lansdale đồng ý. Các chuyến bay của CAT sau đấy đã trở thành
phương tiện để ông đưa người và tài liệu ra miền Bắc.
Conein đã tạo ra những thủ thuật tài tình đa dạng chống
Việt Minh. Ông tuyển mộ một quan chức công an cao cấp của Hà
Nội để giúp trả tự do cho những người bên ông bị bắt khi
làm nhiệm vụ. Nhưng việc này đã bị phản tác dụng khi
người công an này cương quyết muốn giúp phân phát những tờ
truyền đơn giả dạng qui định của Việt Minh. Vị quan chức
này đã bị Liêm phóng Pháp bắt giữ sau một cuộc truy đuổi
tốc độ vào nửa đêm giữa trung tâm Hà Nội và bị bắt giam
với tội là tay chân cho Việt Minh. Đài phát thanh Việt Minh bác
bỏ nội dung những truyền đơn, nhưng chỉ trong vài ngày,
đồng tiền của họ đã bị mất hết nửa giá. Mạng lưới
tình báo của Conein cũng làm ô nhiễm các trạm cung cấp xăng
dầu của một hãng xe buýt địa phương khiến cho máyu xe của
họ bị hư, họ cũng phối hợp với một nhóm CIA từ Nhật
để gài đặt chất nổ trên tuyến đường sắt Hà Nội-Hải
Phòng khi người Pháp rút khỏi thủ đô Bắc Kỳ vào đầu
tháng Mười.

Viên sĩ quan quân y, Trung uý Thomas A. Dooley III tại căn cứ quân
sự Hoa Kỳ ở Yokosuka được bố trí làm việc tạm thời từ
trên chiếc tàu vận tải <em>Montague</em>. Là một bác sĩ, Dooley
ban đầu làm việc như là một sĩ quan quân y và thông dịch
viên. Vào tháng Tám, ông được gửi đến Hải Phòng trong một
đơn vị cấp cứu và phòng ngừa y tế do Đại uý Julius Anderson
thành lập. Không bao lâu, đơn vị này bắt đầ`u nghiên cứu
phía bên kia. Nó bắt đầu đảm trách các lĩnh vực bệnh
truyền nhiễm, ký sinh trùng và thông tin y tế lẫn việc tẩy
chấy rận cho những người dân Việt Nam đang đợi sơ tán về
miền Nam. Cuốn sách quá cách điệu của Dooley về những sự
kiện này, <em>Đưa Ta Đến Tự Do</em>, có thể đã được viết
bởi một trong những chuyên gia tuyên truyền trong nhóm tình báo
CIA của Ed Lansdale, và nhà xuất bản cuốn sách này cũng nhận
tiền hỗ trợ của CIA. Kể từ tháng Mười một, Doodley trở
thành viên sĩ quan đặc trách đơn vị tại Hải Phòng.

Một số kỹ thuật tác động tâm lý cũng được vận dụng
trên các con tàu tị nạn. Các sĩ quan Mỹ cho rằng người Việt
là những người chân chất dễ bị thuyết phục. Vào cuối
tháng Tám, trên chiếc tàu vận tai <em>Bayfield</em> một số hành
khách Việt khăng khăng xem những người Mỹ như những linh mục
và toàn bộ 320 thuỷ thủ trên tàu đều được xem như là
những thầy tu thuần thành. Các sĩ quan Mỹ không tìm cách bác
bỏ ý nghĩ trên, tin rằng nó có ích trong việc giữ gìn trật
tự trên tàu. Đô đốc Sabin ủng hộ phương pháp này. Cũng như
chiếc <em>Bayfield</em>, trên chiếc <em>Mountrail</em>, các thuỷ
thủ Mỹ đã hết lòng giúp đỡ các hành khách vốn đa phần
cảm thấy tuyệt vọng.

Trong khi ấy, chương trình sơ tán đã đạt đến mức tối đa.
Pháp đã chuyển được khoảng 3.400 người mỗi ngày bằng
đường không, cộng thêm khoảng 20 nghìn người mỗi tháng
bằng đường thuỷ. Mặc dù người Anh cũng đã cho mượn
chiếc hàng không mẫu hạm HMS <em>Warrior</em>, Toán Đặc nhiệm
90 của Đô đốc Sabin vẫn là lực lượng chủ lực của kế
hoạch di tản đường biển. Các tàu đổ bộ của Hải quân và
của Dịch vụ Vận tải Quân sự đường Biển đã gánh vác vai
trò khá nặng nhọc. Kế hoạch của Sabin dự kiến sử dụng
bốn tàu há mồm (Dock Landing Ship - ND), bốn tàu vận tải đổ
bộ, tám tàu vận tải thường, và mười tám tàu đổ bộ chở
tăng (Tank Landing Ship - ND). Theo yêu cầu của Pháp, vào giữa
tháng Chín, ngành Hải quân lại bổ sung một tàu bệnh viện
để di chuyển những binh lính Liên hiệp Pháp bị thương. Tổng
cộng đã có hơn năm mươi tàu tham gia.

Thời điểm cao nhất là vào tháng Chín khi 10 nghìn người cập
bến Sài Gòn trong một ngày. Trong tháng này có gần 101 nghìn
người được vận chuyển bằng đường biển. Ngày 2 tháng
Mười, người di tản thứ 400 nghìn đã rời khỏi Bắc Kỳ. Sau
đấy con số này bắt đầu giảm đều đặn - 75.000 trong tháng
Mười, 46.500 trong tháng Mười một và 24.500 trong tháng Mười
hai. Có thêm 82 nghìn người được sơ tán trong ba tháng đầu
năm 1955.

Nỗ lực vận chuyển bằng đường hàng không bị khó khăn khi
các lực lượng vận tải của Không quân Pháp rút đi. Cầu
hàng không đã đạt thuận lợi hơn so với đường biển trong
tháng Tám 1954, khi hơn 72 nghìn người rời khỏi miền Bắc
bằng máy bay. Trong tháng Chín, có hơn 54 nghìn người được
vận chuyển bằng hàng không. Số lượng di dân bằng máy bay
từ tháng Mười đến tháng Mười hai chỉ đạt mức trung bình
15 nghìn người mỗi tháng. Từ tháng Giêng đến tháng Ba 1955,
hàng không đã vận chuyển khoảng 15.600 dân di cư.

Đường biển vận chuyển gần gấp đôi số người so với
đường hàng không, cho đến năm 1955 cách biệt này càng tăng
hơn nữa. Trong tháng Mười hai, đường biển đã chuyển 17.517
chiếc xe và 171.625 tấn khí tài, cộng thêm 185 nghìn tấn vật
dụng của chính phủ và tư nhân. Thêm vào đó, gần 45 nghìn
người đã vào Nam bằng đường bộ, vượg qua đường ranh
giới quân sự tạm thời trên vĩ tuyến thứ 17, sau này được
gọi là Khu Phi Quân sự.

Tổng thống Eisenhower xem xét lại chương trình Đường đến
Tự do với Hội đồng An ninh Quốc gia vào ngày 22 tháng Mười.
Nhóm này được thứ trưởng Ngoại giao Herbert Hoover, Jr.

Vẫn còn nhiều thường dân cần được di tản. Những người
đã được di chuyển vẫn còn ở trong những trại định cư
tạm thời trong khu vực Sài Gòn. Cần phải tái định cự cho
khoảng 250 nghìn người dân tại miền Nam Việt Nam.

Hoa Kỳ đã chi 40 triệu Mỹ kim cho chiến dịch Đường đến
Tự do, tính ra số tiền chi cho mỗi người tị nạn còn cao hơn
cả thu nhập bình quân hàng năm cho mỗi người Việt lúc ấy.
Bất chấp những khó khăn nghiêm trọng về hậu cần được
đề cập trong báo cáo của Hoover, Hội đồng An ninh Quốc gia
đã dành toàn thời gian để thảo luận về những khó khăn về
chính trị và quân sự của người Mỹ, người Pháp và Diệm
ở Sài Gòn.

Bên cạnh những khó khăn về lịch trình và hậu cần trong vận
chuyển, khó khăn lớn nhất trong việc tản cư khỏi Bắc Kỳ
là con người - trong trường hợp này là một lượng lớn
người Công giáo ở hai vùng Phát Diệm và Bùi Chu về phía tây
nam Hà Nội. Ngay sau khi Điện Biên Phủ thất trận, Tướng Ely,
tổng tư lệnh Pháp đã dự định tái tập hợp quân của ông
ở Bắc Kỳ nhằm bảo vệ một hành lang giữa Hà Nội và Hải
Phòng. Điều này có nghĩa là sẽ bỏ rơi các tỉnh Công giáo
về tay Việt Minh.

Phát Diệm và Bùi Chu từng là những vùng trung thành nhất với
người Pháp. Họ đã tuyển mộ các lực lượng dân quân Công
giáo, đôi khi do các cha xứ chỉ huy. Nhiều người Việt tin
chắc rằng sẽ bị Việt Minh trả thù và cầu xin người Pháp
ở lại. Khi Ely bắt đầu kế hoạch rút quân bằng một chiến
dịch quân sự với bí danh Auvergne, đã có những sự cố xảy
ra trong đó dân làng và cả dân quân thân Pháp doạ sẽ bắn
vào quân Pháp nếu họ rút lui. Trong vài lần, các nhân viên
tình báo CIA của Lansdale phải can thiệp để ngăn chặn hệ
quả xấu xảy ra. Trong một trường hợp, họ đã chặn đứng
những nữ dân quân đang nôn nóng muốn quăn lựu đạn vào lính
Pháp đứng canh một nhà kho. Trong một trường hợp khác, các
tình báo viên Mỹ đã thuyết phục dân quân tấn công một đơn
vị pháo binh để đoạt lấy đại bác nhằm chống lại Việt
Minh.

Chiến dịch Auvergne đã tiến triển trong thời gian hội nghị
Geneva xảy ra. Nhà lãnh đạo mới của Sài Gòn là Ngô Đình
Diệm cùng người em trai đầy quyền lực Ngô Đình Nhu đã lo
sợ cho người dân ở các vùng Công giáo. Diệm đã nhiều lần
kêu gọi các nhà ngoại giao Mỹ giúp đỡ. Vào tháng Bảy, Diệm
đến thăm các tỉnh và sau đó đến gặp người Mỹ. Nhưng vì
Việt Minh sắp tiếp quản Bắc Kỳ, người Mỹ không thể làm
gì được. Tuy nhiên, tại Phát Diệm và Bùi Chu, Ed Lansdale đã
tìm thấy lượng khán giả lý tưởng cho việc tuyên truyền về
những điều kinh hoàng của chính quyền Việt Minh tương lai.

Người Pháp hiểu rõ hoàn cảnh của dân Công giáo, nhưng
người dân ở những khu vực này chẳng thấy được các biện
pháp mà họ đưa ra tại Geneva. Các nhà ngoại giao Pháp đã
thương lượng thêm một bổ sung trong hiệp ước Geneva trong đó
hai phía có nghĩa vụ công nhận quyền tự do đi lại của
những ai muốn tái định cư. Điều khoản này đã không được
áp dụng cho đến tháng Tám khi Việt Minh chiếm quyền kiểm
soát các tỉnh. Nhận thức rõ ảnh hưởng chính trị từ những
hành động của mình, Việt Minh đã có những nỗ lực đặc
biệt nhằm chiếm lòng tin các linh mục và giáo dân Công giáo.
Nhưng có vẻ họ không chịu nỗi sự chiếm đóng của Việt
Minh. Tuy thế, theo phong tục Việt Nam, tình nghĩa gắn bó với
quê cha đất tổ khiến nhiều người muốn ở lại.

Cuối cùng, ngay cả với chiến dịch tuyên truyền của CIA,
những áp lực từ niềm tin Công giáo cũng như việc kêu gọi
của người Pháp, khoảng phân nửa dân số ở Bùi Chu và Phát
Diệm quyết định ở lại. Tuy nhiên, người dân vẫn đều
đặn xin giấy thông hành. Nhiều người bị từ chối - chỉ có
khoảng 15 nghìn người di tản vào Nam được Việt Minh chính
thức cấp giấy phép.

Tướng Ely tìm cách phát động một cuộc sơ tán đặc biệt
từ các khu vực Công giáo trong tháng Mười và tháng Mười một
1954, khi người Pháp rời bỏ Hà Nội và tự cô lập mình trong
một khu vực chung quanh Hải Phòng. Dự định rằng người dân
có thể chèo thuyền ra biển để được cứu vớt bởi các tàu
Hải quân Pháp, chủ yếu là những tàu đổ bộ có thể đưa
họ đến các tàu lớn hơn.

Một số sự kiện đã xảy ra trong những chiến dịch này. Vụ
nổi tiếng nhất xảy ra tại Trà Lý và Ba Lạt. Ở Trà Lý,
quân Việt Minh dùng vũ lực để giải tán hầu hết đám đông
khoảng 10 nghìn người tị nạn. Một số dân làng đã chạy
trốn tại những doi cát ngoài khơi và bị mắc kẹt khi thuỷ
triều lên cao. Pháp yêu cầu Uỷ ban Kiểm soát Quốc tế
(International Control Commission - ICC) gửi những toán lưu động
đến Trà Lý, nhưng Việt Minh đã ngăn cản sự đi lại của ICC
và đã hoàn tất việc làm của mình trước khi toán ICC đến.
Các sĩ quan hải quân Pháp tại hiện trường báo cáo rằng
Việt Minh đã xả súng bắn vào người dân ở những đụn cát.

Tại Ba Lạt vào tháng Mười hai, Việt Minh bắt giữ những
người đứng đầu dân tị nạn khi họ liên lạc với một tàu
Pháp. Việc này khiến dân làng đụng độ với binh lính, giết
chết một và bắt giữ ba người trước khi cố thủ trong nhà
thờ. Quân Việt Minh xông vào nhà thờ và giải tán những
người dân, bắt giữ vài trăm. Người xã trưởng và một linh
mục bị Toà án Nhân dân truy tố và bỏ tù.

Một chủ đề khác liên quan đến quân Việt Minh và những
người Việt muốn ra miền Bắc. Liên Xô và Ba Lan cung cấp tàu
để chuyên chở họ. Nhiều người cũng được đưa lên những
chiếc tàu của Pháp đang quay lại Hải Phòng để đón những
nhóm người tị nạn mới. Hầu hết những người ra Bắc đã
đi bằng tàu của Pháp hoặc Ba Lan. Khoảng 90 nghìn lính Việt
Minh và 40 nghìn thường dân đã ra bắc bằng đường biển.
Khoảng 12 nghìn người đã vượt qua Vĩ tuyến 17 bằng đường
bộ.

Như trong những lĩnh vực khác của cuộc chiến trính trị,
những người lính tâm lý chiến của CIA cũng đã hoạt động
trên mặt trận này. Nhóm tình báo của Lansdale đã tìm cách
kích thích bạo động giữa những người đi ra bắc và phao tin
đồn đãi rằng những chiếc tàu ra bắc thật ra đang chở họ
đến những trại cưỡng bức lao động ở Nga.

Và cũng có những trò chơi về những con số. Chính quyền Diệm
nói rằng có 2.598 người ra Bắc và đề nghị ICC cũng như
chính phủ Anh sử dụng con số này. Một phóng viên của tạp
chí <em>National Geographic</em> theo dõi quá trình sơ tán ra Bắc
vào năm 1955 viết rằng "những ước tính đáng tin cậy" cho
biết con số thường dân ra bắc vào "khoảng 40". Cơ hội
chính trị đã được tận dụng bằng cách tối đa hoá dòng
người hướng về Nam và tối thiểu hoá số người đi ra bắc.

Với sự hiện diện của Pháp ở miền Bắc đã rút gọn lại
khu vực Hải Phòng và nhiều người đã được di tản, Hoa Kỳ
đã điều chỉnh thái độ của mình trong việc tham gia. Đến
giữa tháng Mười một, Lực lượng Đặc nhiệm 90 đã rút dần
những tàu đổ bộ, bất chấp việc Pháp yêu cầu giữ lại
các tàu đổ bộ chở tăng để hoàn tất quá trình di chuyển
các trang thiết bị của Pháp khỏi Hải Phòng vào tháng Giếng
1955. Một tàu chở quân được giữ lại hoạt động cho đến
tháng Mười hai. Bốn tàu vận chuyển quân sự đường biển do
dân sự điều khiển và chiến hạm chính của Đô đốc Sabin
vẫn hoạt động. Sabin ra lệnh chỉ để một tàu duy nhất hỗ
trợ cho chiến dịch di tản Đông dương. "Kinh nghiệm cho tôi
thấy," ông viết trong một công văn đề ngày 9 tháng Giêng,
"rằng dự đoán về một dòng người tị nạn khổng lồ đã
không xảy ra."

Vì thế, bất chấp chiến dịch tâm lý của CIA do Lansdale chủ
mưu, số kinh phí lớn được chính quyền Eisenhower cung cấp và
tất cả những lý do mà người Pháp có thể viện dẫn để
kêu gọi người dân vào Nam, Chiến dịch Đường đến Tự do
đã không thành công như dự kiến. Không phải là hai triệu -
thậm chí chưa đến một triệu người hưởng ứng lời kêu
gọi. Con số cuối cùng là dưới 800 nghìn người. Ngay cả con
số này cũng bao gồm 190 nghìn người Pháp và binh lính Sài
Gòn, cộng thêm các tù nhân được trả về, khoảng 43 nghìn
thân nhân quân đội, từ 15 đến 25 nghìn người dân tộc Nùng
hợp tác với quân đội, khoảng 25 đến 40 nghìn công dân Pháp
và khoảng 45 nghìn cư dân gốc Hoa. Nó còn bao gồm vài nghìn
người từng làm việc cho chính phủ Pháp và Việt tại miền
Bắc.

Bởi thế con số người Việt thật sự tự ý chọn lựa việc
"bầu bằng đôi chân" rốt cuộc chỉ vào khoảng 450 nghìn.
Và con số này vẫn chưa kể đến số người quyết định đi
ra Bắc. Đương nhiên, những con số này cũng cho thấy một dòng
người tị nạn khổng lồ. Nhưng nó ít hơn phân nửa con số
được nhắc đến trong huyền thoại của cuộc chiến Việt Nam,
và cuộc phân tán này không phảI là cơn di tản của những
người nông dân chân chất mà nó được miêu tả. Một lần
nữa, quan điểm chung về Việt Nam lại bị hiểu nhầm nhất
trong hoàn cảnh này.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140922/john-prados-bao-nhieu-nguoi-da-di-cu-vao-nam-nam-1954),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét