Hoàng Cầm - Bình đẳng nghĩa vụ quân sự: Hãy nghiêm cấm quân đội làm kinh tế

<center><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiyoWbEosZqT9N20jH-t54WPRc_ZWm_O9AdpL3RvBtE98BLpMY3wE-uYSy_rJJAozx87IJ6Y216sOTes_3z5P8yA58QJR_6WMTLBcBBgMwPnsbwuk2ctb2INNhfmYWTc1M_CjTLiloXjZM/s1600/Viettel-Nguyen-Manh-Hung-TB.jpg"
width="640" ></a></center>
<center><em>Viettel là một tập đoàn kinh tế của quân đội.
Ảnh minh họa.</em></center>

<b><i>Trong tương lai không xa, các doanh nghiệp này sẽ tạo ra
một đế chế riêng, có thể đi theo con đường của quân
đội Ai Cập (với hơn nửa triệu binh lính, chi phối 1/3
nền kinh tế), và trở thành những kiêu binh.</i></b>

Vấn đề về nghĩa vụ quân sự trong thời gian qua
được đặc biệt quan tâm trở lại. Khi mà các mối đe
dọa tiềm tàng ngày một lớn, nhất là Trung Quốc.

Trong phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Việt Nam sáng ngày 14/08 cũng đã bàn về Luật nghĩa vụ
quân sự (sửa đổi).

Nhiều ý kiến góp ý về việc gia tăng thời gian tại
ngũ, mở rộng đối tượng nhập ngũ… Vấn đề bình
đẳng, sức mạnh quốc phòng lại nổi lên. Nhưng thực
chất nó là gì?


<b>Việt Nam không phải là Hàn Quốc</b>

Lâu nay, Việt Nam vẫn luôn nhấn mạnh nền quốc phòng
toàn dân, coi đó là sự cụ thể hóa chính sách quốc
phòng. Chiến lược này huy động mọi nguồn lực xã
hội vào việc phòng thủ quốc gia, đẩy lùi, ngăn chặn
các hoạt động xâm lược dưới mọi hình thức, quy mô.

Việc tiến hành các đợt nhập ngũ (bắt buộc) hằng
năm cũng phục vụ cho chính chiến lược đó.

Do vậy, trong thời gian gần đây, vấn đề về việc
sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự thu hút được nhiều
sự quan tâm. Có một điểm đáng lưu ý là nhiều ý
kiến lại đồng tình về việc giảm các đối tượng
ưu tiên, yêu cầu công chức – viên chức, sinh viên phải
tham gia nghĩa vụ quân sự. Và coi đó là sự bình đẳng.

Tuy nhiên, có thật là "bình đẳng" hay không khi mà
bản thân khái niệm đó hầu như không căn cứ vào tình
hình thực tế đất nước. Cụ thể ở đây là, Việt
Nam hoàn toàn khác so với Hàn Quốc (đất nước mà
một số vị đại biểu đem ra dẫn chứng về tính kỷ
luật trong nghĩa vụ quân sự của họ), khi không phải đặt
vào trạng thái chiến tranh thường trực. Vì vậy, đòi
hỏi huy động lực lượng trí thức "xếp búp nghiên
lên đường", hay vì ngày trước "thỉnh thoảng tôi còn
thấy gọi công chức, viên chức đi nghĩa vụ quân sự" như
bà Bộ trưởng Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim
Ngân nêu ra. Để rồi, cứ "đến tuổi cứ đi nghĩa vụ
quân sự rồi về làm gì thì làm" như lời ông Chủ tịch
Quốc hội, Nguyễn Sinh Hùng nói trong phiên thảo luận
Luật là hoàn toàn phi lý.


<b>Phải chăng muốn khỏa lấp?</b>

Trong khi đó, việc cho rằng, cần nâng cao chất lượng
bộ đội vì thế đòi phải lấy cán bộ, công viên
chức, sinh viên từ năm 2015 lại càng không phù hợp thực
tiễn. Ít nhất là nó khiến cho xã hội bị quân sự
hóa một cách không cần thiết, nếu đặt nó bên cạnh
nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nền
kinh tế tri thức, cải cách thể chế, hành chính, các
vấn đề về văn hóa – xã hội – giáo dục. Mà đội
ngũ có học vấn cao, chuyên môn kỹ thuật, cán bộ công
nhân viên chức là những lực lượng nòng cốt trong vấn
đề đó.

Suy cho cùng, nghĩa vụ quân sự, bên cạnh là sự thiêng
liêng, nhiệm vụ cao cả thì nó phải là một sự bình
đẳng thực sự, chứ không phải bình đẳng một nửa
(trong đối tượng ưu tiên), và bình đẳng đó phải căn
cứ vào tình hình thực tiễn quốc gia, cũng như thời
đại (chủ yếu là thiết bị quân sự hiện đại, lực
lượng binh lính thiện chiến). Và hiểu theo một cách
nào đó, thì bình đẳng trong nghĩa vụ quân sự thực ra
là cách nói khác đi của nền quốc phòng toàn dân. Thế
nhưng, thay vì tìm kiếm yếu tố chất để phát huy tính
bình đẳng tổng lực đó thì các vị đại biểu Quốc
hội lại hiểu thô hơn (theo việc đếm đầu người
nhập ngũ – về lượng).

Tại sao lại như thế? Có phải chăng việc đòi hỏi kiểu
bình đẳng như thế trong thực hiện nghĩa vụ quân sự
đang khỏa lấp một vấn đề nhức nhối ở quân đội
Việt Nam hiện giờ, đó là tính chính quy, tinh nhuệ?


<b>Hậu quả quân đội làm kinh tế</b>

Trong khi việc sửa lại nghĩa vụ quân sự đang có xu
hướng kêu gọi giảm đối tượng ưu tiên, gần như là
đặt xã hội vào tình trạng quân sự hóa thì vấn
đề chấn chỉnh lại nhiệm vụ, tính chính quy, tinh nhuệ
của quân đội lại có nhiều vấn đề.

Trong dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự, có đề cập
đến việc tăng thời gian tại ngũ lên 24 tháng (thay vì 18
tháng như trước đây), điều này là cần thiết, nhằm
đảm bảo người người lính có thể nắm vững được
kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng thành thạo các loại
vũ khí trang bị, tạo ra tính chuyên nghiệp.

Nhưng việc tăng cường huấn luyện đối với người
lính trong thời gian nghĩa vụ quân sự liệu có tạo ra
sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân không, khi mà bản
thân nền quốc phòng đất nước đang có xu hướng kinh
tế hóa? Cụ thể, trong khi hầu hết các quốc gia có
nền quân sự mạnh trên thế giới, nghiêm cấm quân đội
làm kinh tế, và ngay cả nước láng giềng Trung Quốc
cũng cấm điều này từ năm 1998 thì Việt Nam lại cho
phép quân đội được làm điều đó thông qua các công
ty, xí nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng từ năm 1975 đến
nay.

Hiện tại, 40 doanh nghiệp Quân đội mẹ vẫn đang hoạt
động (hàng trăm công ty, xí nghiệp con), có mặt hầu
hết trong việc cung ứng các dịch vụ, sản xuất xã
hội, từ dịch vụ viễn thông, xây dựng nhà đất, khai
thác khoáng sản, hải sản cho đến sản xuất đồ dân
dụng, dịch vụ du lịch, in ấn… Các doanh nghiệp quân
đội này tạo ra hàng trăm ngàn việc làm, dẫn đến
sự phình to ảnh hưởng ở trong nước lẫn bên ngoài. Tuy
nhiên, đây không phải là tín hiệu vui như nhiều người
nhầm tưởng, mà ngược lại, nếu vấn đề quân đội
làm kinh tế không chấm dứt, thì nó sẽ trở thành một
hiểm họa bắt nguồn từ hai nguyên nhân.

Đầu tiên, là sự tham gia của các doanh nghiệp quân đội
khiến cho tính cạnh tranh trong Luật Doanh nghiệp trở nên
kém đi. Vì có một luật ngầm dành riêng cho thể loại
doanh nghiệp này, do vậy hầu như nó vẫn được ưu ái
hơn so với các doanh nghiệp tư nhân, đặc quyền hơn so
với các doanh nghiệp nhà nước khác, hay nói cách khác,
đặt trong sự cạnh tranh, thì doanh nghiệp quân đội có
những quyền hạn mang tính đặc trưng. Nhất là về ưu
tiên cấp đất đai sản xuất, đối tượng tiêu thụ,
thuế, ưu ái trong việc trúng thầu... lẫn trong thanh tra
các vụ án liên quan đến quân đội. Chính điều này
tạo ra tính phi cạnh tranh trong môi trường cạnh tranh. Đặt
doanh nghiệp phi quân đội (nhất là doanh nghiệp tư nhân)
gặp nhiều khó khăn, làm giảm nguồn thu thuế, ảnh
hưởng đến ngân sách chu cấp cho nền quốc phòng hằng
năm.

Vấn đề thứ hai, không phải ngẫu nhiên mà ở các
quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Singapore, Hàn Quốc, Trung
Quốc… nghiêm cấm quân đội làm kinh tế. Vì các nước
đó xác định quân đội sinh ra phải là lực lượng vũ
trang, với sứ mệnh duy nhất là cầm súng bảo vệ
quốc gia, chứ không phải là xen ngang vào hoạt động kinh
tế, khiến cho nhiệm vụ chính bị chểnh mảng. Do đó, khi
một lượng lớn sĩ quan, binh lính thay vì tập trung vào
nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu thì
giờ đây lại nghiêng hẳn trọng tâm vào hoạt động kinh
doanh sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính chính quy,
tinh nhuệ trong quân đội vì nó làm thất thoát nguồn
lực con người trong bộ máy quốc phòng đất nước trong
nhiệm vụ chính. Trong khi đó, lại tìm cách bù lấp sự
thâm hụt về sức mạnh chính quy đó sang bên dân sự, khi
đưa công nhân viên chức nhà nước, sinh viên vào quân
đội để huấn luyện thường xuyên.

Tình trạng trên nếu kéo dài, thì trong tương lai không xa,
các doanh nghiệp này sẽ tạo ra một đế chế riêng và
không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào; chi phối hoàn
toàn nền kinh tế, chính trị, làm tê liệt mọi cải cách
xảy ra nếu đụng chạm đến lợi ích quân đội (cổ
phần hóa thông qua đề án 2013-2015); đi theo con đường
của quân đội Ai Cập (với hơn nửa triệu binh lính, chi
phối 1/3 nền kinh tế), và trở thành những kiêu binh.


<b>Làm sao tinh nhuệ?</b>

Từ năm 2007, ông Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, ngay trong hội
nghị TW 4 (khóa X) đã nhấn mạnh rằng, hiện nay việc cho
phép quân đội làm kinh tế là không còn phù hợp so
với thời điểm (1975 – 1990) vì "quân đội hay công an
cũng thế thôi, đều có nhiệm vụ chính trị rất rõ ràng là
phải tập trung bảo đảm an ninh quốc gia."

Nhưng từ đó đến nay, vấn đề đưa quân đội trở
lại nhiệm vụ chính như thế nào? Hoàn toàn không có thay
đổi, mà chỉ là sự biến thể để quân đội ngày
càng hoạt động sâu hơn, mạnh hơn trong nền kinh tế thông
qua sự vươn vai của các doanh nghiệp này trong các lĩnh
vực đời sống, đồng thời đi từ công ty, xí nghiệp
lên thành tập đoàn.

Trong khi đó, tại phiên thảo luận về dự thảo luật
Doanh nghiệp sửa đổi gần đây (21/04/2014), ông Nguyễn Kim
Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phong An Ninh lại cho rằng, quy
định "sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân
quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội và công
an không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp" là
không hợp thời.

Thực chất của nghĩa vụ quân sự chính là sự tăng
cường sức mạnh phản vệ tổng hợp, đồng thời, trong
thời điểm xảy ra chiến tranh thông qua sự duy trì huấn
luyện chặt chẽ và khả năng sẵn sàng chiến đấu
trước đó. Muốn đạt được như thế, một nền quốc
phòng toàn dân cần sự tập trung vào tính tinh nhuệ,
chính quy, làm chủ được các trang thiết bị quân sự
hiện đại được mua bằng tiền thuế của dân, thực
hiện tốt chiến lược "bất cân xứng" với các
nước có tiềm họa, thay vì là một nền quốc phòng
mang tính đại trà và "bình đẳng", tạo cớ cho quân
đội hình thành nên những doanh nghiệp phá hỏng tính
cạnh tranh.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140915/hoang-cam-binh-dang-nghia-vu-quan-su-hay-nghiem-cam-quan-doi-lam-kinh-te),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét