Evan Osnos - Trung Quốc, nạn tham nhũng sau bộ mặt hào nhoáng

<strong>Giới thiệu:</strong>

<a
href="http://www.amazon.com/Age-Ambition-Chasing-Fortune-Truth/dp/0374280746">Evan
Osnos - Thời của tham vọng</a>: theo đuổi giàu sang, sự thật
và niềm tin trong nước Trung Quốc mới. NXB Farrar, Straus & Giroux,
2014.

Từ bên ngoài, chúng ta thường xem Trung Quốc như một bức tranh
biếm hoạ: một quốc gia của những kẻ độc tài thực tế và
những con người chăm chỉ học hỏi đến nhẫn tâm với hoài
bão thống trị nền kinh tế toàn cầu - hoặc một tên khổng
lồ Goliath rối trí, bị hoàng hoành bởi nạn tham nhũng và đang
ở ngưỡng cửa của trì trệ. Điều chúng ta không thấy là
những người dân thường lẫn tầng lớp quyền lực đang làm
lại cuộc đời trong khi quốc gia họ đang trải qua những thay
đổi mạnh mẽ.

Là một phóng viên thường trực của tờ <em>New Yorker</em>, Evan
Osnos đã sống ngay tại Trung Quốc trong nhiều năm, chứng kiến
được những đổi thay to lớn về chính trị, kinh tế và văn
hoá của quốc gia này. Trong cuốn <em>Thời của Tham vọng</em>,
ông tường thuật những đụng độ lớn nhất xảy ra trên
đất nước này: sự va chạm giữa sự đi lên của mỗi cá
nhân và việc Đảng Cộng sản đang vất vả để giữ quyền
kiểm soát. Ông đặt ra những câu hỏi hóc búa: Tại sao một
chính quyền thành công trong việc đưa người dân ra khỏi đói
nghèo hơn bất cứ nền văn minh nào trong lịch sử lại muốn
giới hạn quyền tự do ngôn luận? Tại sao hàng triệu trí
thức trẻ Trung Quốc - nhuần nhuyễn Anh ngữ và sùng bái văn
hoá phổ thông phương Tây - lại xem mình là những "thanh niên
giận dữ", quyết tâm chống đối sự ảnh hưởng của
phương Tây? Người dân Trung Quốc trong mọi tầng lớp xã hội
nghĩ gì sau hai thập niên không ngừng nghỉ theo đuổi giàu có?

Với phong cách kể chuyện tường tận và tính châm biếm đầy
sắc sảo, Osnos đã lần theo những diễn biến trong những câu
chuyện về những người dân bình thường, qua đó cho thấy
cuộc sống tại nước Trung Quốc mới này là một trận chiến
giữa hoài bão và độc tài, trong đó cuối cùng chỉ có một
bên thắng cuộc.

Chúng tôi xin trích dịch giới thiệu chương 17 của cuốn sách.
Chương này đề cập đến nạn hối lộ, tham nhũng, mua quan bán
chức trong bộ máy chính quyền Trung Quốc từ trung ương đến
địa phương. Những vụ án kinh tế, tham nhũng nổi bật gần
đây cho thấy nhà nước Việt Nam đang theo đúng sát mô hình
của quốc gia XHCN anh em này.


<strong>Chương 17: Sau những hào nhoáng</strong>

Điều đầu tiên Hồ Cương giảng giải cho tôi về việc hối
hộ một thẩm phán là tầm quan trọng của ẩm thực. "Mọi
người đều từ chối lời mời đầu tiên. Sau ba hoặc bốn
lần mời mọc, bất cứ ai cũng chấp nhận - và một khi anh đã
ăn uống với nhau, anh đang trở thành gia đình." Trong mọi
bình phẩm về nạn tham nhũng ở Trung Quốc, chi tiết về việc
nó hoạt động ra sao: những cơ chế tinh vi, những thủ tục và
những cấm đoán… vẫn là điều bí ẩn đối với tôi. Trong
những năm qua, tôi đã thu thập được một số kiến thức
vụn vặt qua việc tìm hiểu cuộc đời của Lưu "Đại nhảy
vọt" tại Ma Cao hoặc đọc những phóng sự điều tra trên
báo Tài Tân của Hồ Thư Lập. Cho đến khi tôi gặp Hồ Cương,
anh ta bắt đầu giúp tôi lấp đầy những khoảng trống còn
lại.

Mới nhìn qua, Hồ Cương rõ ràng không phải là một người
thầy của môn nghệ thuật đen về thăng tiến. Khi tôi gặp anh
ta, anh đã là một tiểu thuyết gia, một người đàn ông nhỏ
con, khó tính vào tuổi năm mươi đang càu nhàu một cách tự
hào nhưng lo lắng về đứa con gái của mình và dặn dò những
người kèm cặp không được cho nó ăn nhiều quá. Nhưng cũng
như nhiều người khác, một khi cơ hội đầy rẫy, anh ta không
thể nào cưỡng lại. Khi còn ở đại học, Hồ theo ngành
triết, và sau khi tốt nghiệp, anh bắt đầu một sự nghiệp êm
ả trong Phòng Nhân sự của một trường đại học. Khi nền
kinh tế Trung Quốc cất cánh, anh tìm được việc làm tại một
công ty đấu giá, chuyên bán những tranh cổ Trung Quốc và nhận
lãnh huê hồng sau mỗi bức tranh bán được. "Tôi khám phá ra
rằng nhiều bức tranh và trướng người ta gửi tới là đồ
giả, điều này làm tôi rất lý thú," anh kể với tôi trong
một buổi ăn trưa. "Tôi nghĩ, chà, tôi vẫn có thể bán
những món này với giá cao, ngay khi lương tâm tôi cảm thấy áy
náy."

Lòng áy náy của anh không lưu lại lâu. Anh bị tràn ngập bởi
tranh giả đến nỗi cuối cùng cũng tự mình làm lấy và đã
ngạc nhiên nhận thấy rằng mình cũng có năng khiếu nhái lại
những nét cọ mạnh mẽ của Tề Bạch Thạch hoặc phong cách
hiện thực của Từ Bi Hồng. Anh cũng đã mở rộng nghề đấu
giá của mình qua lĩnh vực quản lý nhà bị thu hồi, trong đó
một chữ ký của một thẩm phán có thể giúp anh kiếm được
một món huê hồng hậu hĩnh qua việc bán các toà nhà, đất
hoặc những tài sản khác. Dường như ai cũng muốn kiếm phần,
Hồ nói. "Thế nên tôi bắt đầu nghĩ, nếu họ làm được,
sao mình lại không?"
Nhưng mọi thứ ở Trung Quốc đều có sự cạnh tranh, nhiều
người đang tranh giành cơ hội để hối lộ một vài người
có quyền lực, và Hồ nhận ra ngay rằng anh phải làm điều gì
trên cả quà cáp. Anh ta phải xây dựng những quan hệ cá nhân,
và hoá ra anh lại có tài về khoản này; anh hối lộ những
thẩm phán trước hết bằng thuốc lá, rồi tiệc tùng, sau đó
là những chuyến đi mát xa. Chẳng ai chỉ dạy anh cả, nhưng anh
vốn là một người tỉ mỉ, và đã tạo ra một số luật lệ
để tự mình tuân theo: không bao giờ hối lộ một người lạ;
tặng tiền bạc vào mùa thu, khi hoá đơn học phí vừa gửi
về. Không bao lâu, anh đã bận rộn với vô số quan hệ với
các chánh án đến nỗi một ngày anh phải đi đến ba tiệm mát
xa. "Ba lần một ngày," anh nói, nhìn tôi một cách báo
động. "Không dễ chịu chút nào, mệt lắm."

<center>* * *</center>

Trong hàng thế kỷ qua, mọi thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đều
đưa ra chiến lược riêng của mình để xoá nạn tham nhũng.
Hồng Vũ Đế trong thế kỷ mười bốn đã ra lệnh tử hình
các quan chức ăn cắp, lột da và nhồi rơm vào thi thể của
họ như những hình nộm để làm gương. Nhưng những răn đe
này cũng chẳng kéo dài được. Quyền cao chức trọng vẫn là
con đường chắc chắn để tiến tới giàu sang, đến nỗi một
kẻ môi giới tên là Hoà Thân, khi bị bắt vào năm 1799, ông
đã thâu tóm một tài sản lớn gấp mười lần ngân sách
thường niên của chính quyền. Năm 1935 nhà văn và dịch giả
Lâm Ngữ Đường nhật xét rằng, "Ở Trung Quốc, một người
có thể bị bắt vì ăn cắp một chiếc ví, nhưng anh ta không
bị bắt vì ăn cắp tài sản quốc gia."

Trong thời kỳ hiện đại, tham nhũng và tăng trưởng đã cùng
nhau bùng nổ. Trong những năm tám mươi, một cây thuốc lá Song
Hỷ và cặp rượu gạo hiệu Sao Đỏ cũng đủ để giúp
chuyển công tác hoặc đổi được tem phiếu để mua một
chiếc máy giặt. Nhưng đến năm 1992, khi nhà nước bắt đầu
mở cửa việc phân bố đất đai và nhà máy cho tư nhân, cơn
bùng nổ về tham nhũng bắt đầu. Trong năm đầu, trung bình giá
trị tài sản thu hồi từ những vụ hối lộ đã tăng lên gấp
ba, ở mức sáu nghìn đô la. Thuốc Song Hỷ nhường chỗ cho
giỏ Hermès, xe thể thao, và học phí cho con cái du học nước
ngoài. Thương vụ càng lớn, càng cần cán bộ cấp cao hơn phê
chuẩn, và món tiền hối lộ tăng cao theo cấp bậc. Các quan
chức và thương nhân bảo vệ lẫn nhau bằng cách câu kết nhau
vào các "ô dù", một bước đi mà các học giả Trung Quốc
gọi là "mafia hoá" nhà nước.

Ban đầu ảnh hưởng từ tệ nạn này mang tính trừu tượng,
nhưng chúng mau chóng trở nên rõ rệt. Hết vụ này đến vụ
khác, các thảm hoạ khiến dân chúng Trung Quốc giận dữ đều
bắt nguồn từ hối lộ, gian lận, tham nhũng và bao che: Những
ngôi trường bị sập trong vụ động đất Tứ Xuyên đã bị
bòn rút vì nạn lại quả, chuyến tàu tốc hành bị lật tại
Ôn Châu được quản lý bởi một ban ngành tham nhũng nhất
quốc gia. Trong trường hợp sữa hộp bị nhiễm độc làm chết
trẻ em năm 2008, các nông gia nuôi bò và các đại lý trước
tiên đã hối lộ các nhân viên kiểm tra của nhà nước để
làm ngơ việc các chất hoá học hiện hữu trong sữa. Rồi sau
khi các trẻ em bị mắc bệnh, công ty sữa lại hối lộ các
hãng truyền thông để ém nhẹm câu chuyện.

Với óc sáng tạo, mọi thứ đều có thể trở thành món quà
hối lộ. Các thương nhân sắp xếp các buổi đánh bạc trong
đó các quan chức bảo đảm sẽ thắng. Rượu trở thành một
lựa chọn đầy tin cậy đến nỗi truyền thông nhà nước
phải thừa nhận rằng sản lượng bán của rượu Quý Châu Mao
Đài, thương hiệu rượu nổi tiếng nhất nước, là "một
chỉ số tham nhũng của Trung Quốc." Năm 2011 rượu này bán
chạy đến nỗi công ty này đã chia số lợi nhuận lớn nhất
trong lịch sử thị trường chứng khoán Trung Quốc. Nhu cầu
rượu quá cao khiến công ty phải giới hạn tiêu chuẩn cho mỗi
cửa hàng.

Có lần tôi đến thăm Mao Vu Thức, một nhà kinh tế học cấp
tiến. Ông sống gần trụ sở của cơ quan kế hoạch đầy
quyền lực của Trung Quốc, Uỷ ban Phát triển và Cải cách
Quốc gia. Ông chỉ ra rằng uỷ ban này bị bao vây bởi các cửa
hàng bán rượu và đồ sứ. Người dân cần giúp đỡ biết
phải mua những món quà này trước khi vào gặp. "Tất cả
những người ngoài thành phố vào toà nhà này đều mang những
túi xách lớn nhỏ, và khi ra thì tay không," nhà kinh tế học
nhận xét. "Khi các cán bộ ra về, họ mang theo tất cả các
túi xách lớn nhỏ ấy, nhưng họ không thể nào xài hết mọi
thứ, vì thế họ quay lại bán chúng cho các cửa hàng, các cửa
hàng này lại bán lại cho những ai đang đến Bắc Kinh cần
giúp đỡ. Con phố của chúng tôi đã trở nên như thế đó."

Các công chức nhà nước - trên danh nghĩa có thu nhập từ hai
đến ba mươi nghìn đô la một năm - trở thành những khách
hàng thường xuyên của Gucci và Louis Vuitton, khiến các cửa
hiệu cao cấp tại Bắc Kinh đã cháy hàng mỗi khi có kỳ họp
Quốc hội. (Các chính trị gia rút kinh nghiệm và gọi đặt các
món hàng mình yêu chuộng trước.) Trong một số trường hợp,
một doanh nhân sẽ đi theo một quan chức nào đấy dạo quanh
các quầy hàng, nhưng nếu việc này trở nên quá lộ liễu, anh
ta sẽ gửi thẻ tín dụng của mình lại để cửa hàng thanh
toán nếu cần. Đa phần thì khó mà biết được ai đang chi
trả cho ai, nhưng đôi khi một vụ xét xử cũng hé lộ cho thấy
đồng tiền được sang tay như thế nào. Khi công an Ma Cao bắt
giữ u Vân Long, Bí thư Giao thông và Công vụ của đặc khu,
ông có một tuyển tập các "sổ tay hữu nghị" trong đó ghi
chép các vụ lại quả lên đến cả trăm nghìn đô la.

<center>* * *</center>

Điều thứ hai mà Hồ Cương dạy tôi về việc hối lộ một
thẩm phán là anh không thu lại bất cứ đìều gì trong ít
nhất là sáu tháng. "Tình bạn là vô cùng to lớn," anh nói.
"Một tình bạn vô cùng thân thiết khiến cả hai không giấu
nhau điều gì." Anh vừa nói vừa vun một đống thịt lợn
trong tô của mình. "Chỉ sau khi anh biểu lộ lòng trung thành
của mình rồi thì anh mới có thể chứng tỏ khả năng của
mình - rằng anh có thể làm điều mà anh nói, và anh sẽ luôn
làm một cách xứng đáng với người ấy." Anh ta nheo mắt
lại và im lặng nhai trong khi suy nghĩ. "Với những bước
này," anh nói, "ai cũng có thể bị dính vào, và mối quan hệ
trở nên chắc chắn không gì phá nỗi."

Chiến lược của Hồ Cương không phải là không tốn kém. Trong
năm đầu tiên hối lộ các thẩm phán, anh chi đến hai trăm
rưỡi nghìn nhân dân tệ tiền quà cáp, gái và ăn uống. Nhưng
sau năm năm, nó đã gây lãi rất lớn. Anh đã có được một
công ty đấu giá lớn nhất trong thành phố và một dành dụm
một món tiền khiêm tốn là 1,5 triệu đô la. Nó trở thành
một nhịp điệu đối với anh. "Tôi ngủ cho đến trưa và
bắt đầu lịch trình trong ngày, bao gồm cả việc chăm sóc các
bồ nhí của các ông ấy," anh nói.

Nhưng thậm chí cả bản thân anh cũng muốn đòi hỏi thêm.
"Nếu tôi kiếm được ba hay năm triệu một năm, tôi lại
luôn suy nghĩ bằng cách nào để kiếm được thêm vào năm
tới. Nếu tôi đứng thứ ba trong thành phố, làm cách nào để
tôi đứng nhất? Giống như anh chạy, một khi anh đã chạy rồi
thì không thể dừng lại được. Anh cứ tiếp tục chạy và
chạy. Anh không nghĩ đến những quan hệ một cách tỉnh táo.
Về mặt tâm lý, anh đang sống trong thế giới của chính
mình."

Đối với người ngoài, thường khó mà thấu hiểu hết mức
độ tham nhũng ở Trung Quốc, một phần vì nó cách biệt với
đa số mọi người. Những du khách đến Trung Quốc, so với
những quốc gia đang phát triển khác, không bị hải quan hay
công an đòi hỏi những món hối lộ nhỏ nhặt; trừ khi dân
ngoại quốc sử dụng trường học hoặc bệnh viện ở Trung
Quốc, họ không cảm thấy được nạn tham nhũng trườn vào
hầu như mọi ngõ ngách của xã hội Trung Quốc. Trên giấy tờ,
ngành giáo dục công Trung Quốc bảo đảm miễn phí, nhưng phụ
huynh hiểu rõ họ phải trả "phí bảo trợ" để con mình
được vào học các trường tốt. Ở Bắc Kinh, lệ phí này lên
đến 16 nghìn đô la - hơn gấp đôi mức lương trung bình hằng
năm của một người. Trong cả nước, 46 phần trăm giới phụ
huynh trả lời một thăm dò cho biết mối "quan hệ xã hội"
mật thiết hoặc tiền lệ phí là phương cách duy nhất để con
mình có được một nền giáo dục tốt. Đến năm 2011, theo
một báo cáo của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chính
quyền đã điều tra các vụ tham nhũng với mức độ mỗi ngày
một vụ đối với các quan chức cấp bộ, tương đương với
chức thị trưởng.

Mua quan bán chức cũng xảy ra thường xuyên đến nỗi vào năm
2012, <em>Tự điển Hiện đại Trung Quốc</em>, cơ quan quản lý
ngôn ngữ quốc gia, đã buộc phải thêm vào từ <em>Mãi Quan</em>
- "mua một chức vụ trong chính quyền". Trong một số
trường hợp, những lựa chọn trông giống như một thực đơn
nhà hàng. Trong một thị trấn nhỏ ở Nội Mông, chiếc ghế
trưởng phòng kế hoạch được bán với giá 103 nghìn đô la.
Chức bí thư thị uỷ nằm ở giá 101 nghìn đô la. Nó đi theo
một logic là: trong những nền dân chủ yếu kém, người ta
kiếm chức bằng việc trả tiền để mua phiếu bầu; trong một
quốc gia không có phiếu để mua thì anh trả tiền cho những ai
có quyền cấp phát những chức vụ ấy. Ngay cả giới quân
đội cũng lan tràn nạn bảo kê; các tư lệnh nhận đường dây
chi trả từ cơ cấu kim tự tháp gồm những sĩ quan trung thành
cấp dưới. Một vị tướng một sao được cho là có thể
kiếm được hàng chục triệu đô la từ quà cáp và các thương
vụ; một tư lệnh bốn sao có thể kiếm được ít nhất 50
triệu đô la.

Quốc gia nào cũng có nạn tham nhũng nhưng Trung Quốc đang bước
đến mức thượng thừa. Đối với những người nắm chức
vụ tối cao, độ cám dỗ đã đạt đến mức mà phương Tây
chưa bao giờ gặp phải. Không dễ gì để biết được ai giả
và ai thật sự làm giàu từ hai bàn tay trắng, nhưng những
chức vụ trong chính quyền là con đường bảo đảm đi đến
giàu sang với mức độ riêng của mình. Đến năm 2012 bảy
mươi đại biểu giàu nhất trong quốc hội Trung Quốc có tổng
tài sản trị giá gần 90 tỉ đô la - hơn gấp mười lần tổng
số tài sản của toàn bộ thành viên lưỡng viện Hoa Kỳ.

<center>* * *</center>

Việc có quá nhiều tiền và quá ít tính minh bạch đã gây ảnh
hưởng đến những nghi thức nghiêm trang của Đảng. Năm 2012
được dành riêng để dọn dẹp cục diện chính trường -
việc chuyển giao quyền lực từ một thế hệ lãnh đạo tối
cao cho một thế hệ khác. Kế hoạch rất rõ ràng: trong một
ngày của mùa thu năm ấy, giới lãnh đạo tương lai sẽ đi lên
khán đài của Nhân dân Đại sảnh, lịch sự vỗ tay chúc tụng
nhau trước bức tranh Vạn lý Tường thành 18 mét. Nhưng chỉ
một tháng sau khi năm mới đến, kế hoạch này bắt đầu đổ
vỡ.

Vương Lập Quân là cựu giám đốc sở công an Trùng Khánh; ông
từng được báo chí Đảng ca gợi vì tính cứng rắn và sáng
tạo, bao gồm việc chu toàn quá trình di chuyển nội tạng của
tử tù. Nhưng vào ngày 6 tháng Hai ông đã lái xe vào trốn trong
lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô và muốn được người Mỹ
bảo vệ. Ông bảo họ rằng ông vừa khám phá ra một vụ giết
người, và đổ tội cho xếp của mình là Bạc Hi Lai, bí thư
Trùng Khánh, người lúc ấy đang là ứng cử viên hàng đầu cho
vị trí trên khán đài của Nhân dân Đại sảnh. Nạn nhân là
một doanh nhân người Anh tên Neil Heywood, một người đàn ông
41 tuổi thường mặc đồ nhạt với phong cách kín đáo, một
"nhân vật trong tiểu thuyết của Graham Greene - luôn luôn lịch
lãm, rất quí phái, rất uyên thâm," theo lời của một người
bạn của Heywood kể với truyền thông Anh. Heywood làm việc bán
thời gian cho một công ty thu thập tin tức do các cựu thành
viên tình báo MI6 thành lập, ông chuyên lái chiếc Jaguar vòng
quanh Bắc Kinh với biển số 007. (Bạn bè xem ông giống Walter
Mitty hơn là James Bond.) Khi thi thể ông được khám phá vào mùa
đông ấy, trong một căn phòng tồi tàn của một khách sạn
trên núi có tên Lucky Holiday Hotel, công an kết luận ông chết
vì rượu, nhưng viên giám đốc công an nói với người Mỹ
rằng Heywood được gia đình Bạc Hi Lai thuê để chuyên giải
quyết những khó khăn, và khi vợ Bạc không còn hợp với ông,
bà đã đầu độc ông đến chết.

Bạc là một nhân vật lôi cuốn nhất trong giới lãnh đạo
chính trường Trung Quốc, một nhà dân túy và thích cổ vũ. Khi
sự việc xảy ra, trước đấy tôi đã gặp ông khi ông trên
đường thăng tiến, lúc ông đang vận hành Bộ Thương mại,
chờ đến phiên được bổ nhiệm vào Bộ Chính trị. Ông là
một dạng quí tộc Brahmin của Bắc Kinh, một con người cao
ráo, thích đứng trước ống kính, con trai của một lãnh đạo
Đảng, với bàn tay mềm mại của một vị vương quan. Vợ ông,
Cốc Khai Lai là một luật sư nổi tiếng, từng viết sách kể
về những thành công tại toà của mình - một "Jackie Kennedy
của Trung Quốc" như một đồng nghiệp của tôi nhận xét. Khi
Bạc trở thành Bí thư Trùng Khánh, ông nhận thấy được cơ
hội để vượt qua những đối thủ cấp tiến và tự cải
biến mình trở thành một Huey Long (một chính trị gia dân tuý
của Hoa Kỳ trong những đầu thập niên 1930 - ND) của Trung
Quốc. Ông quấn cờ Mao và kêu gọi dân chúng ca những bài hát
đỏ như "Đoàn kết là Sức mạnh" và "Người Cách mạng
trẻ mãi." Ông và ngành công an bắt giữ hàng nghìn trùm doanh
nghiệp, đối thủ chính trị, và những người bị cho là tội
phạm trong một chiến dịch giam giữ và tra tấn mà ông gọi là
"Đánh đổ Xã hội Đen".

Khi tôi gặp ông, tôi đang đi theo thị trưởng Chicago Richard M.
Daley để xem một nhà vận động chính trị Mỹ phản ứng ra
sao trong chính trường Trung Quốc. Chúng tôi đang ngồi đợi bên
ngoài văn phòng của Bạc khi ông tung cửa bước ra, cười vang
và chào tạm biệt với những người khách trong phiên gặp
trước: một phái đoàn châu Phi cao gầy, trông rất thoả mãn
vì đã được đón tiếp nồng hậu. Tôi hỏi một trong những
cô gái đang châm trà những vị khách ấy là ai.

"Sudan", cô trả lời.

Tại cửa chính, Bạc vẫy tay chào tạm biệt phái đoàn Sudan,
xoay bước và giang tay ôm đón người khách kế tiếp. Trước
khi tôi được mời vào văn phòng, Bạc buông lời đón chào
chúng tôi bằng tiếng Anh, một đặc điểm hiếm có của một
quan chức Trung Quốc. Lần cuối tôi thấy ông, ngồi bên cạnh
Daley, một người gốc Nam Chicago cục mịch, Bạc Hi Lai trông
giống như một ngôi sao màn ảnh.

Nếu giám đốc Công an Vương Lập Quân không chạy trốn, thế
giới sẽ chẳng bao giờ biết được điều gì về Bạc Hi Lai
và cái thế giới mà ông tạo ra. Nhưng tiết lộ của Vương là
một bất ngờ lớn. Cuối cùng, ông không được hưởng qui
chế tị nạn từ người Mỹ; ông thất thểu bước ra khỏi
lãnh sự quán và bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ, họ truy
tố ông tội phản quốc và nhận hối lộ - một thông điệp
rõ rệt cho những ai nghĩ đến việc đào tẩu. Nhưng người ta
không thể che giấu được tiết lộ của ông, và khi nó rò rỉ
ra công chúng, nó bắt đầu phá huỷ những huyền thoại ngay
trong trọng tâm quyền lực của Trung Quốc.

Những tin đồn về Vương đã lan truyền khắp trên mạng cũng
như tận các hẻm phố. Bộ máy kiểm duyệt của Đảng tìm
cách ngăn chặn chúng, nhưng những thiệt hại chính trị đối
với Bạc đã quá nặng nề, chỉ trong vòng hai tháng, ông đã
bị cách chức, và chính quyền chuẩn bị đem ông ra xét xử
về tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và những tội
danh khác. Đảng đã tuyệt vọng tìm cách cân bằng giữa việc
ra vẻ theo đuổi công lý và ngăn cản việc loan truyền những
chi tiết nhạy cảm. Trong một phiên xử lấy lệ dài một ngày,
người vợ Cốc Khai Lai bị kết án giết chết vị doanh nhân
người Anh, dù việc này không làm giảm thiểu mối nghi ngờ
của quần chúng; khi bà ra toà với thân hình đẫy đà hơn trong
ảnh, người xem truyền hình ở Trung Quốc đồn đãi rằng bị
cáo là một người khác được trả tiền để đóng thế vai.
(Cho dù chính quyền bác bỏ bao nhiêu, huyền thoại này vẫn lơ
lững; nhà bình luận cấp tiến Chương Di Hoà viết "Điều
này nhắc ta nhớ đến câu chuyện đứa bé nói có chó sói, nó
cứ tiếp tục nói dối cho đến khi chẳng ai tin lời nó và nó
bị ăn thịt.") Việc Bạc bị truất phế mang một ảnh
hưởng sâu sắc. Một mặt, nó đánh đổ hư cấu về hình
ảnh người cán bộ nhà nước khiêm tốn ở Trung Quốc. Trong
khi mức lương chính thức của ông tương đương với 19 nghìn
đô la mỗi năm, được biết rằng gia đình họ hàng của ông
có những doanh nghiệp trị giá hơn trăm triệu đô.

Đối với giới doanh nhân nước ngoài, số phận của vị
thương nhân người Anh làm họ bất an. Nó nhắc nhở họ rằng
dù Trung Quốc đang phát triển và lớn mạnh, thói quen băng
đảng vẫn tồn tại phía dưới bộ mặt thương mại và chính
trị Trung Quốc, và đôi khi lại ngoi lên. Một thương gia mua
bán sắt vụn người Anh tên Anil Srivastav kể cho tôi nghe một
cuộc mặc cả căng thẳng về một kiện hàng sắt. "Những
người này bước vào và kéo tôi ra. Tôi la lên 'Cứu!' nhưng
chẳng ai đoái hoài," ông nói. "Họ bỏ tôi lên một chiếc
xe khách và chở tôi đi." Sau đó ông được thả ra, lúc đó
ông nghĩ "Tôi chỉ thấy những việc này trong phim ảnh mà
thôi."

Đối với công chúng Trung Quốc, sự sụp đổ của Bạc chứa
đựng một thông điệp mạnh mẽ hơn về những thông tin đang
bao vây họ: một tin đồn mà họ trao đổi trên mạng, bị
giới kiểm duyệt bác bỏ và cấm đoán, qua đêm đã chuyển
thành sự thật. Trên mạng Weibo, một người tên Jieyigogjiang
viết "Những tấn công do 'các thế lực phản động quốc
tế" loan truyền nay trở thành sự thật. Vậy chúng ta nên tin
vào những "sự thật" nào khác được truyền thông nước
ngoài lật tẩy?"

(còn tiếp)


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140831/evan-osnos-trung-quoc-nan-tham-nhung-sau-bo-mat-hao-nhoang),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét