Xích Tử - Kịch ứng diễn

Tôi lúng túng đặt tiêu đề cho entry ngắn này, nên đành
mượn từ kịch ứng diễn như một vở kịch trong văn học
hiện sinh chủ nghĩa có tiêu đề "Kịch ứng diễn ở
Versaille" trước đây, với ý nghĩa vở kịch không có chủ
đề, kết cấu, lời thoại, đạo diễn từ trước, và nội
dung thẩm mỹ của nó không phân biệt bi hài; cứ tự nhiên,
chân thực như chính cuộc sống phi lý đang diễn ra.

Vở kịch tương tự có tên gọi "Bị kỷ luật vì không nhận
chức Phó giám đốc Sở" vừa diễn ra ở Bình Thuận.

Theo báo đưa tin, có một giám đốc một bệnh viện khu vực
trong tỉnh Bình Thuận, được bổ nhiệm Phó giám đốc Sở Y
tế của tỉnh nhưng đã từ chối, không nhận nhiệm vụ, viện
lý do có mẹ già ở quê, cần phải ở lại nhiệm sở cũ để
chăm sóc.

Vì việc ấy, hội đồng kỷ luật của tỉnh đã họp để xét
kỷ luật, với mức đề nghị thống nhất tập thể là khiển
trách, song trước khi ký quyết định, bộ phận tham mưu và
Chủ tịch tỉnh, cũng là chủ tịch hội đồng kỷ luật, đã
đối chiếu với qui định (nào đó) và quyết định mức cuối
cùng là cảnh cáo (đây là mức nặng, có thể có một số xử
lý kèm theo gần như cách chức).

Mức độ xác thực và trung thực trong lý do mà ông bác sĩ
viện dẫn không thể kiểm chứng. Nếu đúng, cần phải trân
trọng; nếu không, việc kỷ luật đối với ông, xét ở khía
cạnh khách quan ở tinh thần, ý thức công vụ, bình thường,
là thỏa đáng.

Tuy nhiên, qua một vụ kỷ luật chưa từng có, áp dụng đối
với loại vi phạm này, lại nói lên nhiều chuyện khác của
đời sống xã hội, của cơ chế quan chức nhà nước, của
công chức trong chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một cách khái quát, vi phạm của vị bác sĩ nói trên là
(chống quyết định hành chính) từ chối, không nhận nhiệm
vụ theo phân công. Theo đó, chức vụ Phó giám đốc Sở được
xét thuần túy như một nhiệm vụ và việc nhận nhiệm vụ đó
là nghĩa vụ của công chức. Nếu vi phạm nghĩa vụ này, đó
là hành vi vi phạm kỷ luật công vụ.

Tuy nhiên, ở một cách nhìn khác, từ giám đốc một đơn vị
cấp dưới, được bổ nhiệm vào Phó giám đốc Sở là một
sự thăng tiến, lên chức (quá trình này mất cả năm, qua
nhiều thủ tục với sự tham gia của 4- 5 cơ quan cấp tỉnh và
phải được ý kiến chấp nhận của Thường vụ, Thường
trực tỉnh ủy). Việc lên chức, xét cho cùng, lại là một
quyền lợi. Khi một công chức từ chối quyền lợi, có qui
phạm nào điều chỉnh phải bị kỷ luật không, chưa thấy.
Thế nhưng, khi xét kỷ luật, tập thể hội đồng và cá nhân
Chủ tịch tỉnh chỉ vin vào khía cạnh thứ nhất, là tính
chất nhiệm vụ, nghĩa vụ của chức vụ. Đó là một khủng
hoảng.

Để làm chứng cho nhận định nói trên, có thể đưa ngay cái
việc các cấp đảng hiện nay đang lãnh đạo thí điểm hoặc
đã tổ chức thi tuyển chức danh Phó giám đốc Sở. Đã thi
tuyển, chỉ hiểu theo lý, là cạnh tranh, loại bỏ, vượt lên
nhau để có kết quả tốt cho người thi. Như vậy, việc thi
tuyển là để chọn người nhằm trao quyền lợi; không ai (và
không nước nào, nền văn hóa nào) ngu dốt lại tranh nhau
được tuyển để nhận một nhiệm vụ nặng nề hơn cả. Và
điều đáng nói lại là thi tuyển vào chức Phó giám đốc Sở,
cái chức mà vì nó, ông bác sĩ nọ bị kỷ luật. Tại sao lại
không thi cấp trưởng ? Đề án thí điểm hoặc đã thực thi
việc thi tuyển chưa nói ra, song ai cũng hiểu là vì cấp
trưởng thường là ủy viên ban chấp hành đảng cùng cấp
được phân công – bổ nhiệm nên không thể thi được; thôi
thì cứ thi cấp phó đã. Song oái ăm là trong nội dung thi, thí
sinh có trình bày một chương trình hành động để thực hiện
chức trách của Phó giám đốc; trong khi, luật lệ ghi rõ cấp
phó chỉ là người giúp cấp trưởng, chịu sự phân công của
cấp trưởng (nội dung phân công có thể thay đổi liên tục)
và không quyết định được cái gì. Đó cũng là khủng hoảng.

Cái chứng cứ thứ hai của tính quyền lợi trong ý nghĩa thực
tế của chức Phó giám đốc Sở là sự ghi nhận như một
biểu hiện suy thoái của cơ chế quyền lực và quan chức đã
được ghi trong nghị quyết trung ương 4 khóa XI: nạn chạy
chức chạy quyền. Chức Phó giám đốc Sở cũng là đối
tượng của việc chạy này, diễn ra ở tất cả các địa
phương. Ngay trong việc tổ chức thi tuyển, như một sự cải
tiến để khắc phục cái "nạn" trên, thực chất lại là
sân cho những cách chạy mới, cực kỳ tinh vi.

Tóm lại, với những tình tiết ứng diễn ấy của của vở
kịch tồi mà các cơ quan lãnh đạo, quản lý Việt Nam đang
thực hiện, bộc lộ sự khủng hoảng, do vô tình, cố ý, cố
tình tạo ra cho có lợi, để có lợi là sự lẫn lộn, đánh
tráo các khái niệm, các giá trị, các hiện tượng, các quá
trình. Sự khủng hoảng đó làm đảo lộn, đầu độc đời
sống tinh thần và các quan hệ xã hội và sâu xa hơn, nó phá
hủy nền văn hóa. Bởi một khi như thế, sẽ không còn phân
biệt giữa thật và giả, đúng và sai, giống như giữa học
thuyết, mô hình chế độ chính trị - xã hội và thực tiễn
xã hội, giữa lương thu nhập của công chức với thực tế
tài sản (như trường hợp của ông Trần Văn Truyền), giữa bì
thư, hoa hồng với tham nhũng...

Điều cần nói thêm là vụ kỷ luật có liên quan đến nghề y
và danh hiệu bác sĩ. Có thể, như đã nói, lý do chăm sóc mẹ
của người bị kỷ luật nói trên là có thật. Song có một
thực tế khác ai cũng biết là do đặc thù của hoạt động
nghề y ở Việt Nam, nếu ở lại nhiệm sở cũ, thu nhập của
ông bác sĩ cao hơn nhiều so với bổng lộc của chức Phó giám
đốc Sở (trong khi những ngành khác lại không như vậy) nên
ông không tội gì phải chuyển về tỉnh lỵ, không có nhà
cửa, lại đấu đá với nhau thay vì ở lại một cõi quyền
hành, thu nhập tốt hơn. Chuyện này có liên quan về mặt hiện
tượng với việc 35 bác sĩ ở Quảng Ngãi bỏ việc; cũng chỉ
xảy ra với bác sĩ thôi.

Và cuối cùng, liệu việc ông bác sĩ nọ không nhận nhiệm
vụ, có làm hỏng kế hoạch của ai đó muốn đưa người của
mình thay thế vào chức vụ cũ của ông không. Trong sự khủng
hoảng, khả năng này cũng là bỏ ngỏ. Đất nước mình nó
rủi như vậy.

Xích Tử

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140801/xich-tu-kich-ung-dien), một số
đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc
giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận
có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng
dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét