Phạm Chí Dũng - Phổ cập casino: Đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm (bài 2)

Để có thể phác họa rõ hơn về hình ảnh "Khi dân cày có
casino", chúng ta cần quay trở lại với hình ảnh "Khi người
cày có sân golf"

Golf và casino: Người cày có… cả hai!

Vào năm 2009, khi số lượng sân golf do các địa phương trình
lên Chính phủ tăng vọt lên đến 156 dự án, thì một nửa
trong số đó đã chiếm hết khoảng 8.000 ha đất nông nghiệp.

Biểu đồ đi lên của sân golf và biểu đồ đi xuống của
diện tích đất nông nghiệp là một nghịch lý không thể lý
giải hoặc quá dễ phát lộ ở Việt Nam, dù tất cả những
người nông dân phải chịu cảnh mất đất để phục vụ cho
thói quen ăn chơi của giới thượng lưu, và hơn ai hết là
giới chủ đầu tư kinh doanh sân golf và casino đều hiểu ra cái
nghịch lý phũ phàng ấy. Song thời gian cứ trôi qua, cùng sự
xuất hiện của hết dự án sân golf này đến dự án sân golf
khác.

Vào cuối năm 2009, trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của
dư luận, bao gồm các nhà khoa học và báo chí về những
"thói hư tật xấu" của sân golf như gây ảnh hưởng đến
môi sinh, môi trường và "ăn" cả đất nông nghiệp, cộng
với thực tế chỉ có một tỷ lệ nhỏ nhoi dự án kinh doanh
sân golf có lãi, Chính phủ đã phải cắt giảm đến 76 dự án
do chính quyền các địa phương trình đề nghị bổ sung cho quy
hoạch sân golf đến năm 2020.

Cho tới năm 2011, một hệ quả đã được các nhà khoa học và
giới phân tích dự đoán đã xảy đến với 90 dự án sân golf
còn lại. Một cuộc kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
đã kết luận có đến 69 dự án (chiếm tỷ lệ khoảng 70% số
dự án) nghiêng về kinh doanh bất động sản thay vì mục tiêu
ban đầu là kinh doanh sân golf.

Nguồn cơn của trào lưu sân golf đã hiện ra: chủ đầu tư
lấy đất nông nghiệp của nông dân, phù phép chuyển quyền
sử dụng đất thành đất phục vụ sân golf rồi từ đó biến
thành đất xây biệt thự và các hạng mục dịch vụ du lịch.
Trong thực tế, có dự án chỉ dành 30% diện tích để làm sân
golf, còn 70% là bất động sản và những thứ liên quan đến
bất động sản.

Trong khi hiện trạng hoạt động của 90 dự án sân golf vẫn
không mấy thay đổi, nếu không muốn nói là ngày càng tệ thêm
vì lượng khách chơi golf có khuynh hướng giảm dần và làm cho
nhiều chủ đầu tư lỗ nặng, báo chí đã một lần nữa phải
phản ảnh khá nhiều về nạn lạm phát sân golf. Những minh
họa sống động như một xã ở Lâm Đồng phải "cõng"
đến 3 sân golf, trong khi bà con nông dân người dân tộc thiểu
số vẫn còn trong diện đói nghèo. Với những người nông dân
này, kế sách mưu sinh của họ thật giống như mành chỉ treo
chuông một khi phần đất đai ít ỏi của họ bị sân golf
"nuốt" mất. Không đất đai, không có nghề nghiệp gì khác,
chỉ cầm trong tay một số tiền tượng trưng mà chủ đầu tư
bồi thường cho phần đất thu hồi, họ sẽ sinh sống thế
nào?

Không giới chức lãnh đạo nào thèm quan tâm đến những mưu
sinh "vụn vặt" ấy. Ngược lại, không khác với sự ngụy
biện đối với việc xây dựng sân golf, cũng đã xuất hiện
những ý kiến tô điểm cho "ích nước lợi nhà" của casino.
Với nhiều chính quyền địa phương, casino là một "cứu
cánh" cho du lịch bản địa. Và cũng trùng khớp với dự án
sân golf, hầu hết các dự án đầu tư casino đều mô tả
triển vọng sáng lạn về giải quyết công ăn việc làm cho
người dân địa phương và nguồn thu nhập sẽ dồi dào hơn
hẳn để "xóa đói giảm nghèo".

Xem ra, những lý do trên có vẻ khá "hợp lý" đối với
những trường hợp như Phú Yên - nơi mà từ quá nhiều năm nay
đã chẳng làm được một việc gì có kết quả đáng kể để
tận dụng tiềm năng du lịch sẵn có của mình, trong khi lại
phải cầu cạnh đến nguồn thu nhập từ chuyện đánh bạc.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140822/pham-chi-dung-pho-cap-casino-danh-bac-quen-tay-ngu-ngay-quen-mat-an-vat-quen-mom-0),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét