WEGREEN: Thảm họa văn hóa, Nỗi nhục nhược tiểu, & Sự học tiến bộ

<center><img
src="https://scontent-a-ams.xx.fbcdn.net/hphotos-xaf1/t31.0-8/465545_340832356015577_923279456_o.jpg"
width="580" /></center>
*** <strong>Một góc nhìn thẳng thật về thực trang của Văn hóa
Việt</strong> ***

Văn hóa vốn là linh hồn của một dân tộc. Thân thể bệnh
tật, một phần chính vì tâm linh bất toàn. Thế nên, ta có
thể lý luận cho rằng sự trổi vượt hay thua kém của bất
cứ một dân tộc nào đều phản ánh nơi văn hóa của họ.
Một dân tộc bất khuất hay nhu nhược, thông minh hay ngu độn,
nhân đạo hay tàn ác... đều có thể biết được qua chính
nền văn hóa. Với một nền văn chương thi ca toàn những câu
tâng bốc, những ngôn từ sặc máu, đầy ắp khích động hận
thù, ta khó có thể tưởng tượng được dân tộc ấy nhân
đạo, cương trực, liêm chính. Với tập quán xôi thịt, với
phong tục tranh quyền cố vị, với nền "đạo đức" ăn
trên ngồi chốc, xã hội như vậy chỉ có tranh chấp, đấu
tranh và tham nhũng, nhưng không thể có tiến bộ. Những nhận
xét của nhiều thức gỉa -- từ thời Nam Phong tạp chí, qua
thời Tự Lực Văn Đoàn tới thời nay, từ thời Phan Khôi, Vũ
Trọng Phụng tới thời Nguyễn Gia Kìểng -- về tính chất tiêu
cực của văn hóa Việt hẳn không phải chỉ là sản phẩm
tưởng tượng của nhóm trí thức "trưởng gỉa" thích
"vạch áo cho người xem lưng." Làm sao chúng ta có thể giải
thích được sự kiện, từ những đống gạch vụn, kẻ bại
trận Nhật và Đức đã thành hai cường quốc kinh tế, khoa
học và kỹ thuật. Trong khi cũng trên 30 năm hòa bình, tài
nguyên giàu hơn Nhât và không kém Đức, người chiến thắng
vẫn cầm đèn đỏ trong rất nhiều lĩnh vực. Chúng ta thường
đổ lỗi cho ngoại bang. Không chỉ có thế. Nam Hàn, Do Thái,
Đài Loan đều bị ngoại bang đe dọa và chi phối. Nhưng họ
vẫn phát triển, vẫn giầu. Hay là do chính sách, thể chế sai
lầm? Cũng không hẳn như vậy. Ấn Độ có một thể chế dân
chủ vào loại nhất Á châu, nhưng vẫn tụt lùi gần như trong
mọi lãnh vực khác, ngay cả nhân quyền. Chính sách của Tân Gia
Ba (Singapore) chẳng có dân chủ tí nào, nhưng lại làm nước
này cường thịnh. Vậy thì, nguyên nhân chính yếu có lẽ là
chính văn hóa. Bởi lẽ thể chế, chính sách luôn gắn liền
với văn hóa, với lối suy tư. Có phải đó là NỀN VĂN HÓA
"NHẪN NHỤC"? Qúa nhẫn nhục đến thành hèn nhát, bất
lực! Đầu thế kỷ thứ 20, Lỗ Tấn đã vạch trần mặt trái
của một nền văn hóa nhẫn nại, phục tùng, thụ động của
Tàu. Vào cuối thế kỷ, biết bao trí thức Việt cũng đã mổ
xẻ cái bướu bất trị này trong văn hóa Việt. Có phải đó
là nền văn hóa "con rùa" (hay lạc đà)? Nhà Thanh đã làm gì
để đối phó với Tây phương? Nhà Nguyễn đã làm gì để
chống chọi người Pháp? Bế quan, tỏa cảng! Từ chối giao
tiếp, từ chối đối thọai, từ chối tiếp nhận! Sát hại
những ai dám tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Để rồi
chịu nhục vì bát quốc Liên Minh! Để rồi bị Pháp đô hộ
cả gần 100 năm! Đó là tư cách con rùa rụt cổ vào vỏ, con
lạc đà chui đầu trong cát. Đó là một nền văn hóa trốn
trách nhiệm: trên đổ cho dưới, dưới đổ cho dân ngu cu đen.
Đó là nền văn hóa kín cổng cao tường, một nền văn hóa trì
trệ. Đó là một nền văn hóa lệ thuộc, thích làm bồi Tây,
bồi Mỹ, bồi Nga, vân vân. Một nền văn hóa như vậy, thì cả
ngàn năm sau, cho dù bất cứ ai cai trị đi nữa, thì chính thể
vẫn thế, chính sách vẫn vậy.

"Sự thật mất lòng" nhưng "thuốc đắng đã tật." Đã
đến lúc mà ta PHẢI TRỰC DIỆN VỚI CHÍNH NỀN VĂN HÓA CỦA
MÌNH. Nhận ra khuyết điểm, học hỏi phương thế chữa chạy,
đó chính là những bước đầu tất yếu trong công cuộc xây
dựng nền văn hóa của mình. Chẳng có gì đáng xấu hổ khi
nhận ra sự yếu kém của mình. Chỉ đáng buồn khi chúng ta cứ
cố ý tự lừa mình, như con bò tự thổi phồng nó lên. Chỉ
đáng sợ nếu chúng ta vẫn chưa bỏ được tâm thức của con
ếch nằm dưới đáy giếng nhìn thiên hạ. Chỉ còn trì trệ
khi mà ta "không biết mình, cũng chẳng biết người." Và
chỉ còn là cái chết khi mà văn hóa lệ thuộc, nịnh hót,
đầu độc làm ta chán ghét, hãi sợ sự thật (trung ngôn
nghịch nhĩ) và chạy theo hưởng thụ.

Chúng ta thử hỏi. Cao Bá Quát đã có "công gì với núi
sông" cho ngay cả khi ông đã "nắm được ba bồ chữ trong
tất cả bốn bồ chữ của thiên hạ"? Thực ra, Cao Bá Quát,
Lê Văn Siêu, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương chỉ là đại
biểu cho những người chủ trương nền "văn hóa trì trệ"
(nói theo nữ sỹ Lê Thị Huệ). Sẽ chẳng bao giờ có tiến bộ
ngay cả khi câu khoe khoang "Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán, Thi
đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường" có thật đi nữa. Tại sao
cứ phải so mình với người Tầu, người Tây. Tại sao ta không
dám nghĩ, dám làm, và dám vượt họ? Với một não trạng
"NGẠO MẠN VỚI NGƯỜI MÌNH, TỰ TI VỚI NGƯỜI NGOÀI" như
vậy, làm sao mà có tiến bộ. Làm sao mà ta "ngóc đầu" lên
được! Tại sao cứ phải đao to búa lớn với bốn ngàn năm
văn hiến, với hàng ngàn tiến sĩ khắc trên bia Văn Miếu, khi
mà ngay cả một chiếc xe đạp ta cũng không thể tự chế tạo?
Chúng ta có hàng vạn thi sĩ, nhưng có mấy ai ảnh hưởng tới
cả nhân loại như Dante, Goethe, Shakespear, vân vân? Có phải
đại thi hào chỉ là loại thợ thơ ca tụng lãnh tụ (gồm cả
lãnh tụ nước Nga, nước Tầu), với sáo ngữ, tuy mỹ lệ
nhưng trống rỗng, vô thực? Nếu chỉ có thế thì, nói theo
Nguyễn Du, "rằng hay thì thật là hay" nhưng mà "nghe như
ngậm đắng nuốt cay thế nào"!

Đã đến lúc chúng ta phải biết THỨC TỈNH, PHÊ BÌNH và HỌC
HỎI. Bài học bế quan tỏa cảng của Tàu, bài học nước
Đức, nước Mỹ, nuớc Nhật và cả nước Tân Gia Ba (Singapore)
là những bài học ta không được phép quên. Ngẫm người lại
nghĩ đến ta. Cái gì đã làm người ta thay đổi? Cái gì đã
làm họ phát triển? Và cái gì đã làm ta lạc hậu? Tính ngạo
mạn từ thời cha ông cho tới ngày nay (tự cho mình cái gì cũng
nhất thế giới) đã làm cho nước Tầu "vĩ đại" lẹt
đẹt, đã làm bốn ngàn năm văn hiến An Nam lẽo đẽo. Óc tự
ti đã khiến ta lệ thuộc vào văn hóa Tầu, rồi Pháp, rồi Nga
và, ngày nay, Mỹ. Ta chỉ mong được phần nào giống Tầu,
giống Tây, giống Nga, giống Mỹ. Ngược lại, NGƯỜI ĐỨC
không thế. Bài học bại trận, bị cưa cắt đất đai, bị
phân tán thật chua cay bi đát đã giúp người Đức nhận ra sự
thua kém của họ. Chẳng cần tự hào với "bốn ngàn năm văn
hiến," họ đã có thể trở thành đầu óc của nhân loại
với những Kant, Hegel, Marx, Einstein, Heisenberg, Beethoven, Brahms,
vân vân. Từ một đám dân hỗn tạp, MỸ đã trở thành đại
cường quốc trong vòng hai thế kỷ, và dẫn đầu thế giới
gần như trong tất cả mọi lãnh vực. Với một nguồn nhiên
liệu ít ỏi, tài nguyên hạn hẹp và đầy thiên tai, NHẬT đã
làm thế giới khâm phục và khiếp hãi. Gần ta hơn, chỉ với
vài ba triệu dân, một mảnh đất nhỏ xíu, với khoảng 40 năm
lập quốc, và luôn trong tình trạng bị Mã Lai to lớn đe dọa,
Tân Gia Ba (SINGAPORE) đã biến thành một con rồng nhỏ. Lợi
tức người dân cao thứ nhì sau Nhật ở châu Á, và được
tiếng thơm là sạch sẽ, trật tự và an toàn vào loại nhất
thế giới. Chẳng cần phải nói, cái tinh thần làm cho các
nước trên tiến bộ, chính là nên văn hóa của họ. Người
dân Tân Gia Ba (Singapore) không rêu rao bốn hay năm ngàn năm văn
hiến. Họ chỉ cầu tiến. Văn hóa của họ là VĂN HÓA CẦU
TIẾN, chứ không phải là văn hóa hoài cổ, nệ cổ và trì
trệ. Họ không bắt chước người khác như con vẹt hay con
khỉ. Họ học từ Mỹ và Âu châu, không phải để giống như
những nước da trắng, nhưng để vượt khỏi chính những
nước thầy này. Chỉ riêng về giáo dục, vào thập niên 1990s,
họ đã đủ sức tranh đua với Âu Mỹ (Năm 1987, thủ tướng
Lý Quang Diệu đã dám tuyên bố là Đại Học Quốc Gia Tân Gia
Ba (Singapore) không những không thua, mà còn khá hơn nhiều đại
học lớn của Âu châu). Và gân đây, nền giáo dục của nước
tí hon nay đã trở thành mẫu mực nhiều nước phải học.
Đại học của Tân Gia Ba (Singapore) tranh đua nhiêng ngửa với
những đại học thời danh nhất của Anh như Oxford và Cambridge.
Ngược lại, đại học tốt nhất của Việt nam vẫn thua xa các
đại học Thái Lan tới 15 hay 20 lần (theo Giáo sư Hoàng Tụy
trong bài phỏng vấn trên VNExpress, 8.2005).

Học nơi người không phải là tự ti. Học để làm bồi họ
(làm thông, làm phán) mới là điều nhục. Học để "sáng
sữa bò tối sâm banh," "để võng anh đi trước, võng nàng
theo sau," để đè nén thiên hạ, vinh thân phì gia "một
người làm quan, cả họ được nhờ," đó chính là cái học
ngu dân và nô lệ. Một cái học phản giáo dục. Cái học thật
phải là cái học để tự lập, để vươn lên, để hay hơn,
để hoàn hảo hơn. Đó chính là cái học vượt khỏi tình
trạng trì trệ hiện tại. CÁI HỌC TIẾN BỘ.

Bài viết: Cộng sự WEGREEN [SesaTai]
Hình ảnh: [Admin T] © Wegeen Vietnam.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140710/wegreen-tham-hoa-van-hoa-noi-nhuc-nhuoc-tieu-su-hoc-tien-bo),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét