Nguyễn Trung Tôn - Những bài học trong chốn lao tù (11)

<h2>Gặp Lại Chị Hồ Thị Bích Khương</h2>

Vào một ngày của tháng 5/2011 tôi không nhớ rõ ngày. Tôi
thấy trực trại tên là Vi Văn Sơn vào nhà A1a đọc lệnh trích
xuất tôi ra khỏi trại giam.

Thượng sĩ Vi Văn Sơn hỏi tôi: Tên gì?

Tôi trả lời: Tôn.

Thượng sĩ Sơn: Họ Tên gì?

Tôi: Nguyễn Trung Tôn.

Thượng sĩ Sơn: Quê quán?

Tôi: Thanh Hóa.

Thượng sĩ Sơn: Địa chỉ đầy đủ là gì?

Tôi: Thôn Yên Cổ, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh
Thanh Hóa.

Thượng sĩ Sơn: Bị bắt ngày nào?

Tôi: 15/01/2011.

Thượng sĩ Sơn: Tội gì?

Tôi: Không có tội.

Thượng sĩ Sơn: Bị khởi tố tội danh gì?

Tôi: Tôi bị khởi tố theo điều 88 BLHS.

Thượng sĩ Sơn: Anh có lệnh trích xuất khỏi trại giam, anh theo
tôi!

Tôi không biết tại sao mình lại được trích xuất khỏi nhà
giam! Có phải chăng mình lại bị chuyển đi nơi khác để
điều tra thêm gì đó?!

Thượng sĩ Sơn dẫn tôi ra cổng trại giam, tại đây tôi thấy
đại úy Phan Đình Huy, điều tra viên thuộc cơ quan An ninh
điều tra tỉnh Nghệ an đã chờ sẵn tôi ở đó. Sau khi làm
thủ tục tiếp nhận bị can, đại úy Huy lấy còng ra, còng
một tay tôi vào phía sau chiếc xe máy của cậu ta và đưa tôi
đi tới Cơ quan An ninh điều tra của tỉnh Nghệ an, thành phố
Vinh, nằm trên đường ra thị xã Cửa Lò. Tại đây cả Trung
tá Văn Bá Thu, (người đã thay cho Trung tá Trần Hữu Văn
người điều tra tôi lúc ban đâu) và đại úy Phan Đình Huy
bảo tôi ngồi đợi vị kiểm sát viên tới làm việc.

Đợi một lúc lâu thấy một nữ Kiểm sát viên tới, qua giới
thiệu thì tôi biết người này tên là Ngân, người đại diện
cho Viện Kiểm Sát; thụ lý vụ án của tôi. Tiếp sau đó là 2
nhân viên kỹ thuật vi tính của Công an tỉnh Nghệ an cũng
tới. Khi đã đầy đủ các thành phần họ mang máy tính và
điên thoại đã thu giữ tại nhà chị Hồ Thị Bích Khương ra
để mở niêm phòng và định tiến hành khai thác. Khi họ đưa
những thứ đó ra yêu cầu tôi xem dấu niêm phong và ký tên
để tiên hành kiểm tra, nhưng tôi không đồng ý. Tôi đã đưa
ra lý do là những vật dụng này thu giữ tại nhà chị Hồ Thị
Bích Khương, mặc dù trong đó có máy ảnh, USB và điện thoại
của tôi, nhưng khi thu công an đã không cho tôi được chứng
kiến và ký vào biên bản tạm giữ, vậy nên tôi không đồng
tình. Sau một hồi tranh cãi, cuối cùng họ buộc lòng phải
tạm hoãn điều tra hôm đó. Họ đưa tôi trở lại trại giam.

Khoảng 8h sáng ngày hôm sau, trực trại là trung úy Lê Tuấn Anh
vào trại đưa tôi đi theo lệnh trích xuất như hôm trước,
nhưng lần này không hỏi kỹ như hôm trước nữa. Ra tới cổng
trại đã thấy có một chiếc xe thùng (loại xe chuyền dùng
để chở tù) đứng đợi sẵn. Đại úy Huy mở cửa xe và bảo
tôi vào ngồi trong đó. Một lát sau thấy 2 nữ công an dẫn
chị Hồ Thị Bích Khương ra, một nữ điều tra viên áp giải
chị lên xe thùng, họ ngồi luôn trong thùng xe, giám sát để
chúng tôi không thể "thông cung".

Nhìn chị Khương sau khoảng 3 tháng tạm giam, tôi thấy chị
gầy hơn trước rất nhiều, chị cho tôi biết chị đã bị
một công an lôi kéo ép chị điểm chị vào hồ sơ bị can, nên
xương vai trái của chị, nơi đang ghép đinh đã bị gãy trở
lại nên chị hay đau. Chị nói với tôi rằng chị đã được
gặp gia đình một lần vì chị đề nghị họ cho gặp cháu
Đức con chị và các chị gái để ủy nhiệm quyền nuôi
dưỡng cháu Đức. Tôi cũng nói qua cho chị biết hoàn cảnh
của tôi trong buồng giam và cho tới thời điểm đó tôi vẫn
chưa được gặp gia đình.

Tới Cơ quan An ninh điều tra, họ tách chị Khương lên gác 2,
còn tôi thì ngồi dưới tầng trệt. Hôm đó người làm việc
với tôi là Trung tá Trần Hữu Văn và Trung úy Huy, người làm
việc với chị Khương là Trung tá Văn Bá Thu và mấy kỹ thuật
viên cùng kiểm sát viên tên Ngân. Họ lại đưa những thứ đã
thu giữ tại nhà chị Khương ra để tiến hành khai thác. Một
lúc sau họ mang xuống chỗ tôi một chiếc máy ảnh của tôi,
một USB, của tôi và 2 điện thoại di động. Họ tiến hành
mở USB của tôi ra kiểm tra, nhưng trong đó không có gì ngoài
danh sách các hội thánh tại Thanh hoa do tôi phụ trách và một
số bài giáo lý của đạo Tin Lành. Máy ảnh của tôi cũng
chẳng có hình ảnh gì quan trọng ngoài những hình ảnh tôi
chụp chuồng heo nhà cô em gái. Hai điện thoại của tôi một
cái không chứa danh bạ và danh sách liên hệ, một cái hết pin,
mà không có loại cục xạc nào của An ninh cắm vào được.
Họ định đi lấy xạc đa năng để cắm, tôi bảo họ không
phải cắm sạc vào điện thoại đó nữa, vì đó là, một cái
điện thoại hư của con trai tôi, nhờ tôi mang đi sửa. Thấy
tôi nói vậy họ cũng thôi, không kiểm tra nữa. Không biết họ
khai thác được gì từ chị Khương không, nhưng tôi tin chắc
những vật dụng của chị Khương cũng chẳng có gì trong đó.
Họ loay hoay mãi nhưng chẳng lấy được thêm gì từ các
phương tiện đã thu giữ của chúng tôi tại nhà chị Khương.
Gần trưa thấy một nữ công an cầm một tời giấy do chị
Khương viết cho tôi. Nữ công an này nói: Con Khương nó bảo anh
viết cho nó bài học gì đó về đạo.

Tôi cầm tờ giấy đó thì thấy chị Khương viết rằng: Nhờ
mục sư chỉ lại cho Bích Khương phải làm thế nào để
hướng dẫn và cầu nguyện cho một người tiếp nhận Chúa
trong tù để họ chịu Báp Têm (tương tự phép Rửa của đạo
Công giáo). Tôi viết vào giấy mấy nguyên tắc cơ bản về
vấn đề mà chị hỏi rồi đưa cho nữ công an này cầm lên cho
chị Khương. Một lát sau cô này lại chạy xuống nói: Anh Tôn
ơi con Khương bảo không phải nó hỏi cái này. Cô lại đưa cho
tôi một miếng giấy trong đó chị Khương lại hỏi tôi là
phải làm sao cho các tù nhân nhận rõ tội lỗi và ăn năn để
được cứu rỗi. Tôi lại viết hướng dẫn gửi lên. Một lát
sau nữ công an kia lại chạy xuống đưa tôi một miếng giấy
khác: Anh xem con Khương nó hỏi anh cái gì này. Tôi cầm giấy
xem, lần này chị Khương lại hỏi tôi, làm sao để một tử
tù có thể nhận biết Chúa?

Lần này thì Trung Tá Văn nỗi dận với nữ công an kia: Mày là
con ngây hả? Sao cứ để cái con Khương điên đó sai vặt vậy?
Mày đi làm việc hay tới đây cho con Khương biến may thành con
rồi vậy?

Nữ công an kia bật khóc và xị mặt xuống nói: Thì con Khương
nó bảo, nếu không hỏi được những việc đó thì nó không
chịu ký. Chú Thu bảo cháu làm thì cháu làm chứ, sao chú lại
chửi cháu?

Trung tá Văn bắt đầu lên lớp cho nữ công an trẻ một bài:
Mày đi làm lâu rồi mà ngu thế hả? Mắc lừa cả cái con
Khương điên, nó lừa mày cho hết thời gian, nó biến mày thành
con rối. Nó ký thì ký, không ký thì thôi, việc gì phải làm
đầy tớ cho nó.

Thời gian nhanh chóng trôi đi, 11h trưa họ nghỉ ăn cơm trưa.
Họ dẫn tôi xuống nhà ăn của đơn vị, ngồi ăn cùng mâm
với tất cả các thành viên của họ, còn chị Khương thì họ
đưa vào một phòng khác cho một nữ công an canh gác rồi đưa
cơm tới cho chị. Trong bữa ăn kiểm sát viên tên Ngân gắp
thức ăn bỏ vào bát cho tôi, vừa ăn họ vừa nói chuyện.
Kiểm sát viên nói với tôi: Anh Tôn là mục sư, sao lại đi theo
con Khương làm gì? Thôi lỡ lần này thôi, anh thành khẩn khai
báo, vụ này ra tòa chúng tôi sẽ đề nghị xử anh án treo cho
anh về. Thật tôi nghiệp cho vợ anh. Một tay nuôi 3 đưa con
nhỏ, trong đó một đưa bệnh tật, một đưa học cấp 3 con
một đưa mới 2 tuổi, lại thêm bố mẹ anh đã hơn 80 tuổi
cả rồi. Có mấy chị em gái thì họ ở xa. Tôi nghe vợ anh nói
chuyện mà thương cô ấy quá. Nếu anh thành khẩn khai báo,
nhận tội và xin khoan hồng thì anh sẽ được thả về sơm,
bởi vị gia đình anh là gia đình liệt sỹ, hơn nữa anh cũng
chỉ bị con Khương lôi kéo thôi.

Tôi trả lời: Cám ơn chị đã quan tâm tới hoàn cảnh gia đình
tôi! Đúng là vợ tôi rất vất vả, nhưng nói thật với chị
thì tôi đâu có tội gì đâu. Tôi chỉ viết mấy bài phê phán
sự bất công trong xã hội, chứ có làm gì nên tội. Ở một
đất nước tự do thì những việc làm của tôi phải được
khuyến khích. Tôi cũng chẳng còn gì để khai cả, bới có gì
tôi đã nói hết từ ban đầu. Ba bài viết đó là do tôi viết
và phổ biến trên mạng, ngoài ra chẳng còn gì khác. (Nếu các
anh các chị thương vợ tôi thật sự thì hãy cho vợ chồng tôi
được gặp nhau. Sao đã hơn 3 tháng rồi các anh các chị không
cho vợ tôi vào thăm tôi?)

Kiêm sát Ngân nói: Thì anh cứ thành khẩn khai báo, sớm có kết
luận điều tra thì anh sẽ được gặp gia đình.

Ăn cơm xong, tôi ngồi uống nước một mình trong nhà ăn, nhìn
về phía buồng họ đang giữ chị Khương, thấy cô nữ công an
đang đứng canh trước cửa buồng trong khi chị đang ngồi ăn.
Chị vừa ăn xong, nữ công an mang bát đĩa đi, cửa khép lại.
Chị Khương đẩy cửa bước ra. Phía trước phòng đó có một
cây xoài rất sai quả, có một số quả gần chín. Chị Khương
bước tới bứt 5 hay 6 quả. Cô nữ công an vội chạy tới lôi
chị Khương ra khỏi cây xoài và nói: Chị Khương ơi! Tôi xin
chị đấy, chị làm thế này thì xếp Hợi về chửi tôi chết
mất, cả cơ quan đâu có ai dám đụng tới cây xoài này. Chị
đi vào đi, đừng lấy nữa!

Chị Khương nói: Tôi ở tù lâu ngày, thấy trái cây thì thèm
nên muốn ăn, có đây mà không ăn thì dại, các cô ở ngoài
muốn ăn gì chẳng có, việc gì phải thèm như chúng tôi. Trái
cây trồng để ăn chứ có phải làm cảnh đâu mà giữ.

Chị Khương bóc xoài ăn và gọi tôi: Mục sư có ăn không?

Tôi lắc đầu. Nữ công an đẩy chị Khương vào phòng và đóng
cửa lại. Họ đưa tôi vào một căn phòng nhỏ, cho một công an
tới ngồi canh cửa. Tôi bảo cậu gác cửa rằng: Chú nằm
nghỉ đi cho khỏe, anh nằm ngã lưng ngủ một giấc đã. Tôi
bật quạt điện và lên giường năm ngủ một giấc dài. (Đã
lâu không được năm giường và bật quạt điện nên tôi ngủ
rất ngon). Khoảng 14h chiều họ đánh thức tôi dậy để làm
việc tiếp. Chiều hôm đó tôi không có gì để khai báo thêm,
vì những thứ đồ mà họ thu giữ của tôi không có thêm thông
tin gì để họ khai thác.

Không biết họ thẩm vấn chị Khương những gì, nhưng khoảng
15h30' họ đưa chúng tôi về trại giam. Chị Khương còn cầm
theo về trại hai quả xoài lớn, chỉ bảo tôi mục sư có ăn
thì cầm một quả mà ăn. Tôi không lấy, chị cầm vào cổng
trại, các cán bộ kiểm tra người, nhưng họ không thu hai quả
xoài của chị (nếu là bị can khác thì họ đã thu). Chị cầm
hai quả xoài vừa đi vừa hát bài hát "Này lũ cướp nước ,
người giải phóng cho ai…"

Trực trại đưa chị về nhà giam B4a ( nhà giam nhốt các bị can
nữ). Tôi trở về nhà A1a. Nhìn bầu trời trong xanh không một
gợn mây, hai bên lối đi, những chồi non trên những cành cây
trơ trụi hôm đầu tôi vào trại, bây giờ đã trở thành
những tán lá che mát lối đi. Lòng tôi miên man nghĩ tới gia
đình, Hội thánh và bạn bè; nhớ nhất là đứa con 2 tuổi
của tôi, cháu tên Nguyễn Trung Khải Hoàn. Không biết bây giờ
con tôi đã gọi bố thạo chưa? Tôi thầm nghĩ tới ngày đất
nước có tự do, nghĩ tới Khải Hoàn của tôi sẽ nhờ sự hy
sinh của tôi và những người đi trước hôm nay mà được
hưởng một cuộc đời tươi sáng. Tôi thấy vui và tự hào về
những gì mình đã, đang và tiếp tục làm cho tương lai đất
nước, trong đó có gia đình tôi.

Thanh Hóa ngày 11/07/2014
Nguyễn Trung Tôn
ĐT: 0162.8387.716
Email: nguyentrungtonth@gmail.com

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140728/nguyen-trung-ton-nhung-bai-hoc-trong-chon-lao-tu-11),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét