Lương Hoài Nam - Không nghiên cứu, làm sao phát triển?

Khi bảo vệ một vấn đề, chính sách, quy định ở chốn nghị
trường hay trên các phương tiện truyền thông, tác giả của
chúng rất hay sử dụng các cụm từ "trên thế giới", "ở
nhiều nước", "qua kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế".
Chúng làm cho người đọc yên tâm về "chất lượng quốc tế"
của các công việc đó.

Thực tế không hẳn như vậy.

"Trên thế giới" là thế giới nào? "Ở nhiều nước" cụ thể
là những nước nào? "Kinh nghiệm quốc tế" cụ thể là của
ai? Nguồn thông tin đâu? Rất ít khi tìm được câu trả lời
đầy đủ, thuyết phục cho các câu hỏi này.

Hầu hết lĩnh vực của chúng ta đều lạc hậu, hầu hết cách
làm, thủ tục của chúng ta kém hiệu quả kinh khủng so với
nhiều nước khác trong ASEAN (trừ Lào, Campuchia, Myanmar), chưa
nói đến việc so sánh với các nước công nghiệp phát triển
ở các khu vực khác. Nhưng các cụm từ yêu thích nêu trên có
thể tìm thấy dễ dàng trong các văn bản của bất kỳ lĩnh
vực nào. Số đoàn ra nước ngoài khảo sát, học hỏi kinh
nghiệm không phải ít. Thế nhưng, chỉ xem cách đào tạo, cấp
bằng lái xe, hay hệ thống biển báo giao thông ở Việt Nam đã
thấy ngay một sự thật là chúng ta chẳng hề nghiên cứu,
tiếp thu tử tế kiến thức nhân loại. Nhiều lĩnh vực ở
trong tình trạng như thế. Chúng ta thường nghiên cứu và hiểu
biết thế giới hời hợt, phiến diện, nhưng lại tưởng là
biết hết, hiểu hết.

Nhưng thôi, hãy lướt qua một số con số biết nói về cái
gọi là "nghiên cứu" ở nước ta và của các nước khác trong
lĩnh vực "Nghiên cứu & Phát triển" ("R&D").

Các thước đo chính về tiềm lực R&D của một quốc gia là
tổng chi cho R&D và tổng số các bằng sáng chế được đăng
ký bảo hộ.

Mỹ là nước chi nhiều tiền nhất cho R&D, ở mức 2,8% GDP. Năm
ngoái, Mỹ chi 450 tỷ USD, năm nay dự kiến chi 465 tỷ USD cho R&D.
Mỹ chiếm nhiều nhất bằng sáng chế PCT (Patent Cooperation
Treaty) thuộc Tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO), cụ
thể là 57.239 trên tổng số 205.300 bằng trong năm 2013.

Người Việt Nam chúng ta thường nghĩ là Trung Quốc chỉ giỏi
ăn cắp công nghệ và làm hàng nhái chứ tài giỏi gì! Xem ra,
cái chúng ta biết là nông thôn Trung Quốc, chứ không phải cả
nước Trung Quốc. Trung Quốc chính là nước đang chi nhiều
tiền thứ nhì cho R&D (2013: 258 tỷ USD, 2014: khoảng 284 tỷ USD).
Theo dự báo, chi R&D của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2022.
Trung Quốc chiếm thứ ba số bằng sáng chế PCT: 21.516 bằng
trong năm 2013, sau Mỹ và Nhật Bản. Năm 2013, Việt Nam ta có 17
bằng PCT (2012 có 13 bằng).

Mà thôi, không so số lượng bằng sáng chế PCT với các cường
quốc như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc nữa, so với các nước
nhỏ hơn vậy. Hàn Quốc: 12.386, Singapore: 837, Malaysia: 310...

Israel là một quốc gia nhỏ trên sa mạc cằn cỗi, nhưng lại
là nước xuất khẩu lớn các hàng hóa nông sản. Họ rất
mạnh trong các lĩnh vực công nghệ tin học, hàng không, quốc
phòng... Mỗi năm Israel chi 4,3% GDP cho R&D. Năm 2014, họ có 1.611
bằng sáng chế PCT.

Tóm lại là không nên so sánh chúng ta với các nước về số
bằng sáng chế PCT mà bi quan. Chúng ta làm ra chưa bằng con số
lẻ của thiên hạ. Nhưng chúng ta có thể tự hào là chúng ta
có không ít cơ sở, trung tâm R&D. Theo số liệu cập nhật đến
hết năm 2011, cả nước có khoảng 700 đơn vị R&D cấp trung
ương (thuộc các Bộ) và hơn 1.000 đơn vị R&D cấp địa
phương hoặc doanh nghiệp. Số đơn vị R&D cấp trung ương như
vậy là nhiều. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp Việt Nam có các
hoạt động và chi phí R&D.

Ngần đấy cơ sở, trung tâm R&D mà mỗi năm chỉ sản sinh
được một vài chục sáng chế đăng ký PCT thì lạ nhỉ?

Tôi không hiểu các viện, các trung tâm R&D thuộc các cơ quan,
doanh nghiệp làm những việc gì và chi bao nhiêu tiền, nhưng
mỗi lần bước chân vào các siêu thị điện máy Nguyễn Kim,
Phan Khang, các siêu thị ăn uống và đồ gia dụng Maximark, Co-op,
tôi không nhìn thấy các sản phẩm của "R&D Việt". Trên thị
trường máy móc xây dựng, phương tiện giao thông - vận tải,
máy móc nông nghiệp... cũng không thấy.

Tôi thấy bảo là trong tương lai Việt Nam sẽ xuất khẩu ôtô.
Tôi nghĩ, đây chắc là ôtô với thiết kế, thương hiệu
ngoại, lắp ráp tại Việt Nam, có một vài chục phần trăm linh
kiện sản xuất tại Việt Nam. Tôi nghĩ thế vì đến cái ấm
điện, bếp điện, tủ lạnh, lò nướng, máy giặt, máy hút
bụi... ta còn chưa thiết kế, sản xuất được cho ra hồn, thì
làm sao thiết kế, sản xuất được ôtô có tính cạnh tranh
về chất lượng, giá cả?

R&D là điểm khởi đầu của bất kỳ sản phẩm hàng hoá nào
có hàm lượng chất xám, dù trong công nghiệp, nông nghiệp, y
dược... Từ R&D đến thiết kế, từ thiết kế đến sản
xuất, từ sản xuất đến tiêu thụ - đó là chuỗi giá trị
các sản phẩm. Ta không chú trọng và làm tốt ở ngay khâu
đầu tiên, làm gì có sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu
Việt Nam đi vào các hệ thống phân phối toàn cầu?

Đã đến lúc phải nghiêm túc trả lời câu hỏi: các cơ sở,
trung tâm R&D của nước ta có năng lực R&D hay không?

<em><strong>Lương Hoài Nam</strong></em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140730/luong-hoai-nam-khong-nghien-cuu-lam-sao-phat-trien),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét