Lại Văn Sâm - Tuổi trẻ nghĩ mọi việc đơn giản quá!

<blockquote><strong>Dân Luận:</strong> Bài viết dưới đây được
đăng trên FB dưới tên Lại Văn Sâm, không rõ có phải của
ông Lại Văn Sâm - nhà báo, người dẫn chương trình truyền
hình, biên tập viên của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) - hay
không? Thấy nó được khá nhiều người like và share, nhưng
nội dung chứa đựng cả thông điệp đúng và sai, Dân Luận xin
được đăng lại với những câu hỏi của riêng mình để
độc giả tham khảo.</blockquote>

Hôm nay tôi nói chuyện với các bạn trẻ tức là tôi nói với
tôi 40 năm về trước. Khi nói chuyện với các bạn trẻ thì
tôi nhớ lại rằng khi tôi 20 tuổi, tôi nghĩ như thế nào, tình
cờ theo cách gì, tôi đọc sách báo, nghe thầy/cô giảng thì
tôi nghĩ gì? Hôm nay có một bước lùi 40 năm của đời tôi,
nói chuyện với các bạn khiến tôi phải hình dung như tôi nói
với chính tôi trước đây 40 năm. Nói như thế thì mình khởi
đầu hơi xa một chút, bởi nếu không thế các bạn trẻ sẽ
không hiểu được khi đọc cuốn "Tư duy kinh tế" của tôi.
Những người lớn hiểu, các bạn trẻ tôi chắc sẽ chưa hiểu
được mục đích là tại sao thế hệ trước lại có nhiều
cái huý kỵ như thế, lại sùng bái một số lý thuyết như kế
hoạch hoá tập trung, công hữu xã hội chủ nghĩa, tại sao các
cụ già mình lẩm cẩm thế, các bạn sẽ đặt câu hỏi là
công xã mình tồi quá nhỉ? Tôi muốn nói để các bạn hiểu
thế hệ đó không tồi và nếu không có người giải thích,
các bạn trẻ sẽ hiểu mấy ông già này cuồng tín quá.

Phải trở lại với chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế
quốc; năm 1945, người Pháp đô hộ Việt Nam một cách tàn bạo
vô nhân đạo khiến nền kinh tế của ta gần như không phát
triển, chỉ có cướp bóc và cướp bóc. 80 năm để cho dân
nước ta mù chữ, để dân phải đói khát, thiếu thốn, rách
rưới, một năm giỏi lắm được 3 tháng ăn cơm còn lại ăn
cháo, ăn sắn, ăn ngô… Cái nền thống trị của thực dân
Pháp mà để cho nền kinh tế Việt Nam như thế à? Tuy nhiên, có
như thế mới nảy sinh ra Nguyễn Ái Quốc, mới có những chàng
thanh niên tuấn tú, kiên cường đi tìm con đường để giải
phóng đất nước. Nếu nước Pháp đối xử với Việt Nam như
bây giờ thì ai đi giải phóng đất nước làm gì. Và trong cái
bế tắc ấy thì rất nhiều người đi tìm các con đường khác
nhau. Phong trào Cần Vương là muốn khôi phục lại triều đại
phong kiến, hay phong trào Duy Tân thì muốn học Tây, học Nhật
cũng đều không thành công. Rồi đến Quốc Dân Đảng của
Nguyễn Thái Học đi kiếm mấy khẩu súng sau đó định đi
cướp đồn địch, vẫn không có kết quả. [<em>Dân Luận: Tác
giả quên mất hoặc không biết tới các con đường khác, trong
đó có con đường do Phan Chu Trinh đề ra. Vì không liệt kê
được hết các con đường giải phóng đất nước nên kết
luận ở đoạn sau trở nên... trật trìa.</em>]

Có một đội ngũ duy nhất, đông đảo tài giỏi nhất đi tìm
đến với chủ nghĩa Mác-Liên Xô, đó là con đường giải
phóng Việt Nam. Tôi muốn nói kỹ về việc đó để các bạn
trẻ hiểu rằng, thế hệ đó không dại dột. Đó là lớp
người thông minh và kiên cường nhất Việt Nam thời kỳ đó.
Và sự lựa chọn hữu ý ấy có cái lý của nó. Liên Xô khi
đó đánh bại phát xít Đức, trở thành một cường quốc, đó
là một tấm gương. Lựa chọn Lênin, chủ nghĩa xã hội là
lựa chọn của đại đa số người dân thông minh nhất Việt
Nam khi đó. Tôi muốn các bạn trẻ hiểu được điều đó để
kính trọng những người đi trước kể cả những sai lầm của
họ [<em>Dân Luận: Đã thông minh nhất Việt Nam thời đó mà
vẫn sai lầm là sao?</em>]. Phải hiểu những sai lầm ấy là sự
trả giá cho những cái đúng. Cái cơ bản là chúng ta huy động
được toàn dân để giải phóng đất nước này, dành độc
lập cho nước Việt Nam. Việt Nam có thể tự hào với thế
giới vì chiến thắng Điện Biên Phủ, với đại thắng mùa
xuân…

Thứ hai, cũng liên quan tới các bạn, các bạn rồi cũng sẽ
như tôi thì hãy cảnh giác. Có khi tuổi trẻ làm được những
điều rất tốt nhưng đến một giai đoạn nào đó, tình thế
đổi mới, mọi thứ khác đi mà mình vẫn dùng theo phương pháp
cũ thì không được. Điều đó đã xảy ra với thế hệ của
chúng tôi trước đây, tôi tin tưởng những lý thuyết đó là
đúng và nó đúng, tuy nhiên trong lịch sử loài người không có
bất cứ lý thuyết nào là đúng tuyệt đối với mọi thời
đại cả, nó đúng ở lúc này ở chỗ này nhưng vào chỗ khác
chưa chắc đúng.

Chiến thắng của chúng ta năm 1975 giúp một thế hệ rất đông
trong đó có tôi nghĩ rằng mình có thể trở thành một cường
quốc trên thế giới. Đi tiếp về con đường đó nhưng chúng
tôi đã vấp, mô hình kinh tế đó vào thời bình không thích
ứng và gây ra ách tắc như tôi đã nói. Cái ách tắc đó tôi
không đổ lỗi cho riêng ai, đó là lỗi của thời đại. Có
điều đáng tiếc là lúc đó chúng ta bị ám ảnh quá nhiều
bởi những nguyên tắc cũ kỹ mà lẽ ra sẽ tỉnh ngộ sau 1-2
năm thì chúng ta mất 10 năm, điều đó làm chậm bước đi của
chúng ta [<em>Dân Luận: Một lần nữa những người thông minh
nhất Việt Nam lại không phát hiện ra sai lầm và không thể
sửa chữa sai lầm đó một cách nhanh chóng, thực là lạ?</em>].
Tôi nghĩ rằng cái đó là bài học cho thế hệ mai sau. Đến khi
30 tuổi thì chớ có nghĩ và làm như khi mình 20 tuổi mà phải
làm khác đi, đừng có chủ quan và duy ý chí. Đó là một bài
học giá trị.

Thứ ba, tôi muốn nói với các bạn rằng bắt đầu đổi mới
kinh tế Việt Nam thì có một sự đổi mới về "nhân
dụng". Thế hệ trước chúng tôi, những người trẻ gần như
không có bao nhiêu vị trí. Thế hệ mà khi những nhà lãnh đạo
trong Bộ Chính trị đã 60-70 tuổi thì 40 tuổi vẫn cứ bị coi
là trẻ con, trong khi ngoài 40 tuổi người ta có thể làm Tổng
thống Mỹ được. Có một giai đoạn người trẻ không được
trọng dụng. Tôi nhớ thời tôi có một câu hát rất thấm thía
với thế hệ trẻ:

Khi người ta cần già thì mình còn trẻ,
khi mình còn trẻ thì người ta lại cần già.
Khi người ta cần đàn bà thì mình lạ là đàn ông.
Trải qua bao xuân hạ thu đông,
đến khi cần trẻ thì ông đã già.

Đó là cái chua chát của thế hệ chúng tôi [<em>Dân Luận: Thế
hệ thông minh nhất lại không biết dùng người?</em>].

Thế hệ các bạn trẻ từ sau đổi mới thì có thêm một sự
đổi mới nữa về nhân lực. Có rất nhiều chuyên gia trẻ
tuổi tạo dựng được một chỗ đứng do chính năng lực của
họ. Những em đã học ở nước ngoài về rất có bài bản,
ngoại ngữ rất tốt, đọc sách rất nhiều, các cụ già trợn
mắt: Ừ, thằng này giỏi, cãi nó không được. Đó là sức
mạnh của các bạn, của trí tuệ và sự thật. Những thế hệ
chúng tôi có học đến như thế cũng không được vì
điềukiện của người ta phải là ở nhà tù Côn đảo, phải
tham gia chiến tranh, phải có bao nhiêu huân huy chương cơ. Thế
hệ bây giờ thì không, kiến thức là cái quyết định. Các
bạn đang làm một cuộc cách mạng, từ ngày Đổi mới các
bạn trẻ (mà bây giờ cũng sắp thành các cụ già rồi) đã
đem lại những đóng góp rất quan trọng vào công cuộc chuyển
đổi của đất nước.

Bấy giờ giới trẻ có thể làm rất nhiều việc, tôi càng
ngày càng thấy giới trẻ vượt qua mình. Tôi rất thích dùng
người trẻ: Nói chuyện thì với cụ già, nhưng làm việc thì
phải cùng người trẻ. Ở nhà này, trong đội ngũ của tôi,
làm việc là tôi dùng người trẻ vì đem lại hiệu quả rất
cao và điều quan trọng là họ không kênh kiệu về thành tích
của mình. Cho nên tôi bảo, họ nghe tôi rất nghiêm chỉnh, và
tôi có chỗ nào không đúng thì họ cũng sẵn sàng góp ý.

Thế hệ trẻ bây giờ có những vận hội rất lớn, các bạn
không bị ngăn chặn bởi một cái hiện tượng mà tiếng Tây
có nghĩa là "kính lão". Vẫn kính lão vì các bạn đến nhà
tôi, kính trọng tôi vì tôi lớn tuổi, đi xe bus ở nước ngoài
thì người ta nhường ghế cho tôi. Kính theo mức ấy thôi chứ
không phải là kính theo kiểu ông bảo gì tôi cũng phải nghe.
Họ có suy nghĩ và quan điểm của mình, có cách giải quyết
của mình. Tôi đánh giá như thế là một cách kính lão hiện
đại.

Điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn là: Tuổi trẻ có
cơ hội để thâu nạp cho mình rất nhiều kiến thức. Tự tìm
cho mình một chỗ đứng không cần dựa giẫm vào ai, không cần
xin xỏ, bon chen. Nếu thực sự có năng lực thì sẽ có chỗ
đứng trong xã hội. Cái chỗ đứng là của cá nhân, điều quan
trọng hơn là góp một phần nào đó cho sự phát triển của xã
hội thì các bạn cũng hoàn toàn làm được. Điều tôi muốn
khuyên các bạn là phải luôn biết cảnh giác với bản thân
mình.

Nhiều khi nói chuyện với rất nhiều bạn trẻ tôi phải thành
thật nói rằng chúng tôi cãi nhau rất nhiều, tuổi trẻ nghĩ
mọi việc đơn giản quá. Nhiều người muốn cải cách đất
nước. Tôi hỏi: Em sẽ cải cách bằng cách nào thì họ im
lặng. Con đường để đưa nước Việt Nam thành một quốc gia
phát triển không đơn giản như các bạn nghĩ [<em>Dân Luận: Con
đường để thay đổi đất nước có thể không đơn giản như
những bạn trẻ nghĩ. Nhưng những thế hệ lớn tuổi, cho rằng
đã nhìn ra những sai lầm ngày xưa như tác giả có dám đứng
thẳng và nói lên những sai lầm đó hay không? Muốn thay đổi,
chúng ta phải biết chúng ta đã từng sai ở đâu chứ, đó là
một điểm khởi đầu rất tốt</em>]. Cải biến một xã hội
không phải là quét một cái nhà, không phải là khiêng một cái
bàn với mấy cái ghế, muốn chuyển biến điều đó cần có
sự chuyển biến của hàng triệu triệu con người. Muốn là
một chuyện, được hay không lại là chuyện khác. Muốn mà
không được thì sinh ra tức tối, chán nản. Đó là điều mà
tôi khuyên các bạn nên tránh. Phải kiên nhẫn và cố gắng
để hiểu xã hội này. Phải nhìn xã hội như thực thể của
gần 90 triệu con người chứ không phải đơn giản. Mình có ý
kiến như thế này, người khác lại không nghĩ thế. Làm thế
nào mà có thể bắt người ta theo mình được? Chính vì vậy,
ngoài mở mang kiến thức các bạn còn phải suy nghĩ rất sâu
sắc.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140711/lai-van-sam-tuoi-tre-nghi-moi-viec-don-gian-qua),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét