Book Hunter Club - Photocopy tài liệu học tập có vi phạm luật bản quyền?

Gần đây, trên báo chí xuất hiện những thông tin về việc
học sinh, sinh viên sắp phải trả một khoản tiền để có
thể thoải mái photo tài liệu học tập mà không bị coi là vi
phạm bản quyền. Cụ thể theo bài báo đăng trên Tiền Phong
ngày 17 tháng 4 có đoạn

<em>"Luật Sở hữu trí tuệ quy định rõ, chỉ miễn trừ chi
trả tác quyền sao chép đối với cá nhân có mục đích giảng
dạy, nghiên cứu. Như vậy, gần 20 triệu học sinh, sinh viên
Việt Nam bị đẩy vào tình trạng vi phạm luật, vì mục đích
phô tô tài liệu học tập."</em>

Câu hỏi được đặt ra ở đây là : Việc photocopy tài liệu
học tập có thật sự vi phạm luật bản quyền và sở hữu
trí tuệ hay không? Câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi trên là
không. Nhưng điều nguy hiểm hơn không phải là mỗi học sinh
sinh viên sẽ phải đóng thêm vài chục ngàn một năm mà là
những quan niệm sai lầm về vấn đề bản quyền và vi phạm
bản quyền, đẩy chúng ta rơi vào vùng của những kẻ vi phạm
pháp luật hay nặng nề hơn là những kẻ cắp. Kiểu tư duy này
nhất thiết cần được làm rõ và điều chỉnh lại, tốt
nhất thông qua cách tìm hiểu đặt nghi vấn về bản chất và
ý nghĩa thực sự của luật bản quyền và sở hữu trí tuệ
hiện nay.

<strong>Photocopy là dùng hợp lý (fair use)?</strong>

Trong luật bản quyền và sở hữu trí tuệ các nước luôn có
một điều khoản được gọi là Dùng hợp lý (fair use ở Mỹ,
fair practice ở EU) cho phép người sử dụng được dùng các tác
phẩm trong một số tình huống nhất định mà không cần trả
tiền hay xin phép tác giả. Trong Luật dân sự Việt Nam năm 1995
ở điều 760, 761 tương ứng với Điều 5 khoản 1 của Luật
sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 có đề cập sơ qua về
điều khoản này nhưng không diễn giải cụ thể ra trong
trường hợp nào thì sẽ được coi là dùng hợp lý và trong
trường hợp nào thì không. Thế nhưng thật sự là luật của
Việt Nam có nền tảng giống với Công ước Berne và Luật bản
quyền Mỹ. Trong mục 107 điều 17 Luật bản quyền Mỹ có chỉ
ra 4 yếu tố để đánh giá xem một hành động có được coi
là dùng hợp lý hay không :

1) Mục đích của việc sử dụng tài liệu là vì yếu tố
thương mại hay mục đích học tập giáo dục? Nếu dùng cho
mục đích học tập và sử dụng cá nhân, không sao chép hàng
loạt và đem đi kinh doanh như các cơ sở photocopy thì không vi
phạm điều khoản này.

2) Tác phẩm có phải là một tác phẩm có tính sáng tạo cao
không, hay chủ yếu dùng những dữ kiện thực tế (fact)? SGK
Việt Nam chủ yếu có vai trò truyền tải những thông tin, dữ
kiện thực tế chứ không thể coi là một tác phẩm có tính
sáng tạo cao được.

3) Bản copy sao chép bao nhiêu % của tác phẩm gốc? Thông
thường để trích dẫn thì chỉ được phép sao chép khoảng 20%
nội dung gốc.

4) Ảnh hưởng của việc sao chép đó tới khả năng kinh
doanh của tác phẩm đó? Câu hỏi này thật ra là việc sao chép
đó sẽ phương hại lợi ích của tác giả và nhà sản xuất
ở mức độ nào."

Có thể thấy trong trường hợp trên hai yếu tố 3 và 4 sẽ
quyết định cho việc photocopy có bị coi là vi phạm bản quyền
hay không. Lý thuyết thì là vậy, còn trên thực tế thì yếu
tố 4, tức là tiền, sẽ là yếu tố quan trọng nhất và
được quan tâm nhất. Tuy nhiên theo cách photocopy hiện nay thì
nếu học sinh sinh viên không tìm cách kinh doanh các bản copy đó
mà chỉ dùng nó vào mục đích học tập cá nhân thì tính ra
họ chỉ phải chịu trách nhiệm về việc gây phương hại lợi
ích ở mức độ 1 bản copy. Yếu tố 4 này thường hay được
dùng để đánh giá những hành vi của một cá nhân hay tổ
chức tìm cách tạo bản sao và phát tán nó với số lượng
lớn như chia sẻ rộng rãi lên Internet hay photocopy với số
lượng lớn. Như vậy nếu với mỗi cá nhân chỉ tạo 1 bản
sao với mục đích học tập và tìm hiểu cá nhân và không tìm
cách bán hay nhân bản bản sao đó lên thì trường hợp này có
thể được coi là dùng hợp lý.

Các quan điểm phổ biến trên truyền thông đại chúng hiện nay
về vấn đề bản quyền thường để lại những ấn tượng
sai lầm rằng : sao chép và không được phép của tác giả
dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào chắc chắn dẫn
đến vi phạm luật và bị coi là một hành vi phạm tội, hay
nặng hơn là coi đó là trộm cắp. Nếu sự thật như vậy thì
mỗi khi có một nhà khoa học hay phê bình muốn đánh giá hay
phê bình về một tác phẩm nào đó hẳn họ sẽ phải đi xin
phép tác giả tác phẩm đó rằng "Cho phép tôi đánh giá tác
phẩm của ông nhé?" Thực tế giới học thuật và nghệ
thuật chưa bao giờ vận hành theo cách như vậy và xã hội cũng
không nên vận hành theo cách như vậy, vì nó sẽ tạo ra một
thứ văn hóa gọi là "văn hóa xin phép" và hạn chế rất
nhiều khả năng sáng tạo và phát triển của xã hội.

Luật pháp nói chung hay luật bản quyền nói riêng không phải
cố định và không vận hành theo kiểu tư duy trắng đen rõ
ràng có hoặc không, mà luôn cần có sự thỏa hiệp. Do đó
để có một thái độ và quan điểm đúng đắn về vấn đề
này chúng ta cần hiểu thêm về nguồn gốc ra đời và hiện
trạng của luật bản quyền hiện nay.

<strong>Luật bản quyền thực sự vì lợi ích của ai?</strong>

Theo cảm nhận thông thường thì các loại sách, tài liệu học
tập được coi như là một loại tài sản. Từ "sở hữu"
trong sở hữu trí tuệ (intellectual property) nói lên điều này.
Khi bạn mua một ấn bản hợp pháp của sách/tài liệu đó, nó
trở thành tài sản thuộc sở hữu của bạn và bạn có toàn
quyền trong việc quyết định số phận của nó : đọc, bán
lại, cho mượn, trao tặng, scan nó, đốt nó hay photocopy và chia
sẻ nó. Theo chủ nghĩa tự do phổ biến hiện nay thì bạn có
thể làm mọi thứ mình thích với tài sản của mình, miễn là
không gây hại tới quyền lợi chính đáng của người khác.
Điều khiến quyền chia sẻ trở thành một quyền nhạy cảm vì
nó có thể dẫn đến phương hại quyền lợi, thường là
quyền lợi về kinh tế, của tác giả và nơi xuất bản và
phát hành chúng. Theo logic thì hệ thống sẽ vận hành tốt nếu
những điều luật sinh ra tìm được cách dung hòa và đảm bảo
tốt nhất quyền lợi cho các bên : tác giả, nhà xuất bản và
người đọc. Hay nói theo phát biểu năm 1975 của Potter Stewart,
Thẩm phán tòa án tối cao Hoa Kỳ thì "Hệ quả đầu tiên
của luật bản quyền là có thể đảm bảo phần lợi ích
chính đáng từ các công trình sáng tạo của các tác giả.
Nhưng mục đích cuối cùng của nó phải là khuyến khích sáng
tạo phục vụ lợi ích của công chúng". Thật vậy, Đạo
luật Anne, văn bản luật bản quyền đầu tiên trên thế giới
ra đời ở nước Anh năm 1710 cũng như Luật bản quyền đầu
tiên tại Mỹ có tiêu đề "Đạo luật nhằm khuyến khích
việc học tập".

Nói một cách đơn giản thì tinh thần chủ đạo của Luật
bản quyền là nhằm thúc đẩy việc học tập sáng tạo vì
lợi ích của xã hội bằng cách cân bằng lợi ích tư của tác
giả và nhà xuất bản với nhu cầu tự do thể hiện của công
chúng. Điều kiện quyết định để sự cân bằng đó có thể
diễn ra thực ra lại quy về vấn đề kiếm và phân chia tiền
bạc. Khi tác giả kiếm đủ tiền để có một cuộc sống
đầy đủ và các nhà xuất bản kiếm được khoản tiền đủ
để bù đắp được khoản đầu tư ban đầu rồi thì người
dùng có thể sử dụng tác phẩm đó thoải mái theo cách mình
muốn. Thế nhưng hiện trạng thực tế hiện nay của luật bản
quyền, trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam lại
khác xa viễn cảnh đó.

Trên thực tế về lịch sử thì luật bản quyền được xây
dựng để nhằm bảo vệ lợi ích cho các nhà xuất bản/sản
xuất là chính. Lịch sử ra đời của luật bản quyền cho ta
thấy rõ ảnh hưởng của các đơn vị xuất bản : bắt tay
với chính phủ để kiểm duyệt thông tin và độc quyền in ấn
vào thế kỷ 16, lobby chính phủ để cho ra đời luật bản
quyền đầu tiên tại Anh, hay ví dụ mới đây nhất là năm 1998
tập đoàn Disney lobby để gia hạn thời gian bảo hộ bản
quyền cho chuột Mickey khiến thời hạn bảo hộ bản quyền
tại Mỹ tăng từ 50 năm lên thành 70 năm sau ngày tác giả
chết. Luật bản quyền chưa bao giờ đứng về phía quyền lợi
của người mua/người đọc hay tác giả. Lịch sử đã chỉ ra
chỉ có một số rất ít những nghệ sĩ nổi tiếng, những
người lại ít cần đến việc bảo vệ quyền lợi nhất, mới
là người được hưởng lợi nhiều nhất từ luật bản quyền
còn với đại đa số các tác giả từ trước đến nay là
không thể sống được bằng chính nghề sáng tác của mình.
Những điều luật mới nhằm thực thi luật bản quyền trên
môi trường Internet và nội dung số như DMCA hay gần đây nhất
là dự thảo SOPA lại càng cho thấy rõ nét về việc luật bản
quyền xâm hại đến những quyền chính đáng của người dùng
thế nào. Với DMCA, nếu bạn mua 1 quyển ebook trên Amazon thì
bạn sẽ không thể đọc nó trên iPad, và hành vi convert và
chuyển file đó lên iPad được coi là vi phạm bản quyền.
Những điều luật kiểu như vậy đẩy người dùng vào tình
thế luôn phải vi phạm luật pháp, không ít thì nhiều. Nói
ngắn gọn theo cách của người đứng đầu Cục bản quyền Hoa
Kỳ về hiện trạng của luật bản quyền thì "Quốc Hội
cần một tư duy mới đi kèm với "một nỗ lực, cam kết phi
thường trong 20 năm" mới mong thay đổi được hiện trạng
hiện nay.

Một đại diện cho tư duy lệch lạc về bản quyền ở Việt
Nam

Câu chuyện về chống sao chép sách và tài liệu chẳng phải
mới mẻ gì. Hiệp hội quyền sao chép VN (VIETRRO) cách đây 6
năm đã tìm một số phương án để thu một khoản phí từ
những người sở hữu máy photocopy. Sau 6 năm thì câu chuyện
biến thành thu một khoản cố định từ học sinh sinh viên,
bất chấp họ có sử dụng sách photo hay không và nguy hiểm hơn
là reo rắc một quan điểm cho rằng họ đang vi phạm pháp luật
và xứng đáng là người phải chi ra để bù vào các khoản
tiền bị hao hụt. Tuy nhiên cuối cùng, từ một đề xuất
đúng đắn nhưng khó thực hiện, nó đã chuyển sang thành một
đề xuất vô lý nhưng dễ thực hiện hơn với các cơ quan
quản lý.

Thực tế thì hiện nay in ấn và xuất bản sách giáo khoa và
tham khảo đang là một miếng bánh lớn nhất và màu mỡ nhất
của ngành in Việt Nam. Theo số liệu của Báo cáo ngành in năm
2012 thì trong 3 năm từ 2008-2010 số lượng bản in của sách
giáo khoa, sách tham khảo và sách giành cho giáo viên tổng cộng
là 698 triệu trên tổng số 820 triệu bản in của tất cả các
loại sách (85%). NXB Giáo dục, đơn vị độc quyền in và phát
hành sách giáo khoa trong năm 2013 công bố ra bên ngoài khoản lãi
lên tới 8024 tỷ đồng, vượt xa con số của các NXB khác (~20
tỷ). Tôi đã lâu không cập nhật về tình hình giáo dục nên
không biết chính xác con số mà các tác giả viết sách giáo
khoa được chi trả thời điểm hiện tại là bao nhiêu, nhưng
tôi đoán là không đáng kể gì so với con số lợi nhuận
khổng lồ từ in và phát hành sách giáo khoa kể trên. Trong
những phản biện về con số 34 nghìn tỷ đồng để soạn
thảo sách giáo khoa mới, ta có thể giới hạn và áng chừng
một con số vào khoảng vài chục tỷ. Còn chắc có lẽ không
cần phải nói thêm về thu nhập của người Việt và khả năng
chi trả cho giáo dục của học sinh sinh viên nói riêng và
người dân nói chung. Thêm nữa, tiền viết sách giáo khoa lấy
từ ngân sách nhà nước, vậy nhưng học sinh sinh viên lại
phải chi trả thêm một lần thứ hai một khoản tiền để bù
đắp cho thiệt hại về bản quyền, một vấn đề mà lỗi
không phải do họ gây nên. Càng vô lý hơn nữa nếu bên cạnh
khoản phí cố định đó, học sinh sinh viên vẫn phải tự trả
tiền cho các cửa hàng photocopy mà họ có thể sẽ sử dụng.

Những dự thảo, luật vô lý tồn tại và được ra đời ở VN
có lẽ chẳng phải chuyện xa lạ gì. Tôi không biết và có lẽ
cũng sẽ không quan tâm đến lý do và mục đích thực sự
đằng sau của các chính sách đó hay số tiền thu về đó sẽ
được dùng vào việc gì. Như đã nói ở đầu bài, điều mà
tôi quan tâm đó chính là cách thức những dự thảo này gây ra
những ấn tượng sai lầm và nguy hiểm cho người dân, đặc
biệt là tầng lớp thanh thiếu niên về những vấn đề quan
trọng như bản quyền, chia sẻ ý tưởng và sáng tạo. Xa hơn
nữa nó có thể tạo thành những kiểu tư duy lệch lạc và sai
lầm về những vấn đề nền tảng như văn hóa đọc hay sáng
tạo. Bạn có thể đọc thêm một bài viết khác để thấy
rằng ở nước Mỹ, các tập đoàn đang xây dựng những giáo
trình tiêm nhiễm cho trẻ em từ cấp mẫu giáo một quan niệm
rằng <a
href="http://bookhunterclub.com/download-la-doc-ac-theo-giao-trinh-ma-cac-tap-doan-soan-cho-tre-em-my/">"Chia
sẻ là một tội ác"</a> Đáng lo ngại là trong khi các nước
phát triển, người dân bắt đầu nhận thức được những
yếu kém, hạn chế của hệ thống luật bản quyền và sở
hữu trí tuệ và ảnh hưởng của nó lên văn hóa hay kinh tế
tri thức và tìm cách thay đổi nó thì chúng ta lại có xu
hướng đi theo cách của họ đã đi cách đây hơn 20 năm. Viễn
cảnh này hoàn toàn có thể tránh được nếu chúng ta bắt
đầu nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề bản quyền và lan
tỏa một thái độ và quan điểm đúng đắn đến số đông
mọi người.

<a href="http://bookhunterclub.com/"><div class="rightalign">Book
Hunter</div></a>
<div class="rightalign">http://bookhunterclub.com/</div>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140712/book-hunter-club-photocopy-tai-lieu-hoc-tap-co-vi-pham-luat-ban-quyen),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét