Tranh luận: Tư tưởng Phan Chu Trinh là cải lương hay cách mạng?

<blockquote><strong>Dân Luận:</strong> Chương trình Reading Circle
tháng 6 có cuộc trao đổi tại Hà Nội với chủ đề "Tư
tưởng Phan Chu Trinh và Việt Nam năm 2014", xem phụ lục để
biết thêm chi tiết. Trước khi cuộc tọa đàm diễn ra, trên
Facebook đã có một cuộc tranh luận nho nhỏ về vấn đề "tư
tưởng Phan Chu Trinh là cải lương hay cách mạng". Dân Luận xin
trích giới thiệu với độc giả:</blockquote>

<strong>Bé Wii Ngày Xưa:</strong> Không phải nhận định của
mình, mà bắt gặp một bạn nhận xét trên Facebook, mình copy
lại ở đây, coi như một vấn đề thảo luận về giá trị,
tính thời đại của tư tương Phan Châu Trinh:

"tư tưởng này [của Phan Châu Trinh] đã thất bại trong lịch
sử và chẳng thể cứu được đất nước thoát khỏi ách nô
lệ trong thời Pháp thuộc. Đặc biệt tư tưởng của PCT là 1
tư tưởng cải lương, không phải là 1 tư tưởng cách mạng".

<center>* * *</center>

<strong>Đỗ Thanh Huyền Từ:</strong> "cải lương" dường như bị
sử dụng để ám chỉ 'sự lạc điệu', hay 'sự mới mẻ tới
mức mà xã hội lúc đó không thể tiếp nhận được'? Sẽ
rất thú vị nếu ai đó giải thích được "tư tưởng cải
lương" khác với "tư tưởng cách mạng" như thế nào! Và thêm
nữa, tư tưởng của cụ Phan trên thực tế đã được đưa
vào thực tiễn trong thời gian đó chưa, khi cụ chỉ giới
thiệu vào Việt Nam (miền Nam) hồi đó được vỏn vẹn 9 năm?

<center>* * *</center>

<strong>Le Nguyen Duy Hau:</strong> Đúng là không ai có thể biết
được ai là người đầu tiên gọi quan điểm của Phan Chu Trinh
là cải lương, cũng như các quan điểm của các đảng phái
lập hiến sau này là cải lương.

Nhưng cải lương là gì thì có lẽ Hà Huy Tập đã cắt nghĩa
rất rõ trong tiểu luận: "Đảng Cộng sản Đông Dương đứng
trước chủ nghĩa cải lương quốc gia" (1932), mình đưa ra đây
một đoạn để mọi người tham khảo. Link toàn bài ở:

http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/vankiendang/details.asp?topic=191&subtopic=7&leader_topic&id=BT1860337108

"Chúng ta phải biết rằng, chủ nghĩa cải lương quốc gia
dưới hình thức này hay hình thức khác - dưới hình thức tích
cực hợp tác với chủ nghĩa đế quốc hay dưới hình thức
đối lập một cách cơ hội chủ nghĩa và cải lương - luôn
luôn là rất nguy hiểm đối với nhân dân, rằng ảnh hưởng
của nó đối với quần chúng sẽ ngăn cản cách mạng dân tộc
tiến tới thắng lợi. Chủ nghĩa cải lương quốc gia không
phải là một lực lượng phản đế, có thể - dưới hình
thức đối lập cơ hội chủ nghĩa và cải lương của nó, -
ngăn cản và làm chậm sự phát triển của phong trào nhân dân,
theo mức độ ảnh hưởng của nó đối với quần chúng. Bọn
quốc gia cải lương tranh đấu để hoà giải nhân dân bị áp
bức với chủ nghĩa đế quốc áp bức, để hoà giải giai cấp
nông dân với bọn địa chủ, cho nên Đảng Cộng sản Đông
Dương chúng ta hiện nay phải chĩa những đòn tấn công của
mình chủ yếu chống lại chủ nghĩa cải lương quốc gia trong
nước, chúng ta phải cô lập chúng khỏi quần chúng, nếu không
Đảng ta sẽ không thể tổ chức giai cấp vô sản và dẫn dắt
giai cấp nông dân, thắng lợi của cách mạng vì vậy sẽ không
có khả năng."

<center>* * *</center>

<strong>Chi Quoc Dat:</strong> Định nghĩa về chủ nghĩa cải lương
mình có được trong từ điển chính trị của Liên Xô xuất
bản t6/1962. Mình trích toàn bộ để các bạn có thể nắm
được toàn cảnh:

"Chủ nghĩa cải lương: Trào lưu chính trị trong phong trào công
nhân nhằm đấu tranh giành những cải cách nhỏ bé, không
động đến cơ sở của chế độ bóc lột, thay thế cho đấu
tranh của giai cấp công nhân chống chủ nghĩa tư bản, giành
chuyên chính vô sản và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa cải lương là một trong các hình thức của chủ
nghĩa cơ hội. Chủ nghĩa cải lương ra đời vào khoảng nửa
sau TK 19, nó đã lan ra khắp các nước tư sản. cơ sở xã hội
của nó là tầng lớp trên của giai cấp công nhân "công nhân
quý tộc". Quốc tế thứ 2 đã trở thành tổ chức quốc tế
của chủ nghĩa cải lương. Những người Bôn-sê-vích đã luôn
luôn và kiên quyết đấu tranh chống mọi hình thức của chủ
nghĩa cải lương, chống mọi đại biểu cụ thể của nó ở
tất cả các nước: Bọn Béc-stanh và Causky ở Đức, "phái kinh
tế" và men-sê-vích ở Nga, bọn "mác-xít Áo" ở Áo... Trong
điều kiện hiện nay, bọn xã hội cánh hữu thừa kế tư
tưởng của bọn cải lương. Để đối lập với học thuyết
đấu tranh giai cấp của CN Mác-Lenin vạch cho giai cấp vô sản
con đường duy nhất đúng đắn để thủ tiêu chế độ nô lệ
tư bản chủ nghĩa, bọn cải lương đưa ra "lý luận" hợp tác
giai cấp hòng đem giai cấp vô sản phục tùng giai cấp tư sản.
Họ đem "lý luận" Chủ nghĩa xã hội dân chủ, tức là nhập
CNTB vào CNXH, để đối lập với học thuyết cải tạo xã hội
bằng cách mạng.

CN Mác- Lenin đã bóc trần bản chất tư sản của các thứ lí
luận cải lương và hoạt động của bọn cải lương như là
những trò lừa bịp giai cấp công nhân. CN Mác-Lenin không phủ
nhận rằng dưới chế độ TBCN, đảng vô sản cần phải đấu
tranh giành những cải cách để cải thiện tình hình kinh tế,
chính trị và văn hóa của công nhân, nhưng CN Mác- Lenin chỉ coi
những cải cách ấy là kết quả phụ của đấu tranh giai cấp
mà mục đích cơ bản là: thay thế CNTB bằng chế độ XHCN".

Các bạn đọc và cố gắng xem xét lại tất cả (nếu có thể)
toàn bộ hoạt động và tư tưởng của Phan Châu Trinh xem nó
đúng đến đâu trong phần nói ở trên. Và sử dụng những
điều đó cho điều gì và như thế nào trong thực tế của
mỗi người hiện nay.

<center>* * *</center>

<strong>Nguyễn Duy Tùng:</strong> Tư tưởng của cụ PCT là tư
tưởng Chi Bằng Học, tức khai sáng dân tộc để ánh sáng văn
minh rọi đến vùng An Nam, và đó là cách duy nhất để loài
người vươn đến văn minh và phát triển. Nhìn lại chặng
đường thăng trầm của dân tộc trong mấy chục năm qua thì
chúng ta làm được gì? Đúng là đồ sống vật chất, tinh
thần của nhân dân đã thay đổi rõ rệt, nhưng nếu chỉ trông
sang Singapore thôi thì đủ thấy nó như một khóm hoa héo khô so
với vườn hoa rực rỡ mà Sing đã tạo ra. Về dân trí, thể
chế, tư tưởng, kinh tế, xã hội, ý thức hệ... hay nói như
cụ Phan là dân trí và dân khí thì chúng ta chỉ dẫm chân tại
chỗ nếu so sánh với họ, những cái hạt nhân cho phát triển
đấy không có nội lực thì đất nước trì trệ, đạo đức
suy đồi như hiện nay là tất yếu. Xét lại thì thấy, từ tư
tưởng phong kiến nữa thực dân sang tư tưởng cộng sản không
tưởng cũng chỉ như rượu cũ bình mới.

<center>* * *</center>

<strong>Minh Le:</strong> Tư tưởng của cụ Phan không phải là tư
tưởng cách mạng, mà là tư tưởng tiến hóa. Bạo lực cách
mạng có thể thay đổi người cầm quyền, nhưng không thể
giúp 1 dân tộc kém phát triển đùng 1 phát đứng dậy sáng lòa
được. Kết quả thì xã hội VN sau 100 năm vẫn gặp đúng
những vấn đề thời Pháp, loay hoay chẳng có lối ra. Em nghĩ
chẳng qua cụ Phan không gặp thời mà thôi.

<center>* * *</center>

<strong>Huan C. Nguyen:</strong> Về hành động mà nói, còn đường
của cụ Phan nghe đúng là có vẻ cải lượng :D Nhưng về mặt
tư tưởng thì nó là một cuộc cách mạng thực sự. Nó nhìn
lại những khuyết điểm của dân tộc mình và tìm các thay
đổi tận gốc rễ vấn đề. Các cuộc cách mạng trước đó
không tạo ra thay đổi gốc rễ nên sau đó các chế độ
được dựng lên lại tiếp tục đối mặt với độc tài, lạm
quyền và nguy cơ bị nước ngoài xâm lược. Người dân không
có tự do và hạnh phúc thực sự, những người vừa giải
phóng nhân dân lại biến thành ông chủ mới của nhân dân.

<center>* * *</center>

<h2>Reading Circle Tháng 6: Tư tưởng Phan Chu Trinh và Việt Nam năm
2014</h2>

☛ Link đăng kí tham gia: http://readingcircle.sukien.io/
☛ Thời gian đăng ký đại biểu: 13:30 ngày 19/06/2014
☛ Thời gian bắt đầu: 14h00 - 16h30 thứ 5 ngày 19/06/2014
☛ Địa điểm: Tầng 4, Trường Đại học British University
Vietnam (BUV), 193 Bà Triệu, Hà Nội

❖ Diễn giả: Nhà văn - nhà báo Nguyên Ngọc
❖ Dẫn chương trình: TS. Đặng Hoàng Giang (CECODES)

-------------------------------------------------

"Thương hại thay trong hai nghìn năm các nhà vua chẳng ngó chi
đến lợi hại dân tộc, chỉ lo tính toán để đè nén cái trí
dân, để mà giữ chặt cái chìa khóa tủ sắt ngôi Thiên Tử
cho con cháu mình. Nhưng mà có hay đâu, dân đã ngu thì nước
phải yếu, vua quan lại nghênh ngang tham nhũng nữa, như thế
tất loạn, loạn thì ngôi vua mất. Nếu dân ngu quá, yếu quá
không đủ dấy loạn được, thì các nước khác nó tràn vào,
ấy là cái lẽ tự nhiên, làm gì thế nào cũng không khỏi
mất." (Phan Châu Trinh, "Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ
nghĩa", 1925)

Tuy hoạt động ái quốc của Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc
có những lúc giao nhau, (năm 1919, hai ông ở cùng trong nhóm thảo
bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi Hội nghị Versailles),
tư tưởng giải phóng dân tộc của họ không thể khác nhau
hơn. Trong khi Nguyễn Ái Quốc tìm đến phong trào Cộng sản
Quốc tế và đấu tranh vũ trang, thì Phan Châu Trinh chủ trương
phải thay đổi từ gốc rễ là con người, khai dân trí, thức
tỉnh tinh thần tự lực, người dân giác ngộ được quyền
lợi và nghĩa vụ của mình, và phát triển kinh tế qua các
hoạt động công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ.

Điểm cơ bản của Phong trào Duy Tân do ông khởi xướng là
bất bạo động và công khai hoạt động, nhắm tới cải tổ
xã hội, giáo dục tinh thần tự do, xây dựng những cá nhân
độc lập và có trách nhiệm, phổ biến các giá trị văn minh
phương Tây như pháp quyền và dân quyền.

Vào đầu thế kỷ 21, khi các tương quan địa chính trị toàn
cầu đang tiếp tục dịch chuyển, các cường quốc kinh tế
đổi ngôi, các liên minh chính trị đang trong quá trình tan rã
và tái thiết lập, và Việt Nam tiếp tục nằm trong một vị
thế khó khăn, triết lý của Phan Châu Trinh có còn có ý nghĩa
với chúng ta?

Mời các bạn và quý vị tới dự buổi toạ đàm về tư
tưởng của Phan Châu Trinh và chỗ đứng của tư tường này ở
Việt Nam năm 2014, thông qua bộ sách 2 tập "Phan Châu Trinh qua
những tư liệu mới", của tác gỉa Lê Thị Kinh (tức Phan
Thị Minh, cháu ngoại Phan Châu Trinh), Nhà xuất bản Đà Nẵng
phát hành 2001-03.

Giới thiệu diễn giả:

Nhà văn – nhà báo Nguyên Ngọc, nguyên Phó Tổng thư ký Hội
nhà văn Việt Nam, nguyên Tổng biên tập báo Văn nghệ, nổi
tiếng với những tác phẩm kinh điển "Đất nước đứng
lên", "Rừng xà nu" và "Đường chúng ta đi". Còn được
biết đến như một nhà nghiên cứu văn hóa và cải cách giáo
dục, ông đồng sáng lập Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Giải
thưởng văn hóa Phan Châu Trình, nhằm tôn vinh các cá nhân có
cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu văn
hóa, Việt Nam học và dịch thuật. Hiện nay ông là Chủ tịch
Hội đồng khoa học của Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh,
và Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường đại học Phan
Châu Trinh ở Hội An.

-------------------------------------------------

READING CIRCLE là chương trình phi lợi nhuận, với sứ mệnh lan
tỏa tri thức, thúc đẩy tư duy và thay đổi hành vi, thông qua
các buổi giới thiệu sách để thảo luận về những vấn đề
xã hội.

❖ Ghi chú:

- Rất mong Quý vị và các bạn đến lúc 13h30 để kịp tổ
chức chương trình.

- Địa điểm gửi xe đạp, xe máy: Đầu đường Lê Đại Hành
gần tòa nhà của trường Đại học British University Vietnam (BUV)
(giá gửi xe: 5000đ/xe).

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ Ban Tổ chức tại:
➲ Hotline: 0966 582 864 (Ms. Tình)
➲ Fanpage: www.facebook.com/readingcircle.vn
✉ Email: readingcirclevn@gmail.com

Rất mong được đón tiếp Quý vị và các bạn!

Reading Circle Việt Nam

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140613/tranh-luan-tu-tuong-phan-chu-trinh-la-cai-luong-hay-cach-mang),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét