Phan Văn Song - Giàn khoan 981 không nằm trong vùng biển Việt Nam?

Ngày 08/06/2014, trang web của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đăng bài
<em>"Giàn khoan 981 tiến hành hoạt động tác nghiệp:
Hành vi khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung
Quốc"</em> <sup>1</sup> nhằm biện hộ cho hành động ngang
ngược của mình đồng thời vu cáo Việt Nam trước công luận
thế giới. Bài viết đó đưa ra nhiều luận điểm sai trái,
nhưng trước mắt chúng tôi chỉ tập trung phân tích luận
điểm chính trong mục III cho rằng khu vực đặt giàn khoan không
thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS)
của Việt Nam.

Cụ thể là theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc <em>"Giữa quần
đảo Tây Sa của Trung Quốc và bờ biển Việt Nam tồn
tại vấn đề phân định ranh giới, cho đến thời điểm
này, hai bên vẫn chưa phân định ranh giới vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa tại vùng biển này. Hai
bên đều có quyền đưa ra chủ trương về vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên Hợp
Quốc về Luật Biển năm 1982. Song, bất cứ phân định
ranh giới theo nguyên tắc gì, vùng biển này đều không
thể trở thành vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa của Việt Nam."</em>

Mặc dù Việt Nam có nhiều bằng chứng lịch sử và pháp lí
để chứng minh chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (mà
Trung Quốc gọi là Tây Sa) nhưng để thấy lập luận của Bộ
Ngoại giao Trung Quốc sai trái, bất chấp luật pháp và tập
quán quốc tế đến mức nào tạm thời thử giả định quần
đảo Hoàng Sa (HS) là của Trung Quốc như họ nói. Sau đó, thử
xét việc phân giới giữa Hoàng Sa và bờ biển Việt Nam theo
luật lệ quốc tế xem có đúng là dù <em>"phân định ranh
giới theo nguyên tắc gì, vùng biển này đều không thể
trở thành vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
của Việt Nam"</em> hay không.

Cơ sở cho việc phân định sẽ là các điều khoản liên quan
trong Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và
Việt Nam đều là thành viên cũng như các án lệ quốc tế có
liên quan.

Cơ sở từ UNCLOS là Điều 74 [83], đoạn 1 quy định:

<blockquote>"Việc phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh
tế [thềm lục địa] giữa các quốc gia có bờ biển tiếp
liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường
thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở
Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải
pháp công bằng (người viết nhấn mạnh)."</blockquote>

Để đi đến một giải pháp công bằng theo quy định này phải
xét đến nhiều yếu tố, điều kiện cụ thể liên quan đến
độ dài và hình dạng bờ biển, vị trí và tính chất các
đảo, vấn đề kinh tế-xã hội, an ninh, tài nguyên… Tập quán
quốc tế và nhiều án lệ từ trước tới nay thường dùng
độ dài bờ biển tương ứng làm tiêu chuẩn chính để kiểm
tra và điều chỉnh cho tính công bằng. Theo đó, đường phân
giới thường là trung tuyến [cách đều] có điều chỉnh theo
tỉ lệ thích hợp dựa trên độ dài hai bờ biển tương ứng
(tỉ lệ khoảng cách từ điểm trên đường phân giới tới
điểm cơ sở của đảo và tới điểm cơ sở của bờ biển
đất liền bằng tỉ lệ điều chỉnh) và sau đó có thể tinh
chỉnh theo các yếu tố thích đáng khác hay đơn giản hoá cho
dễ thực hiện. Do độ dài bờ biển đất liền nói chung lớn
nhiều lần so với độ dài bờ biển các đảo nhỏ nên tỉ
lệ này thường nghiêng về bờ biển đất liền.

Thông lệ quốc tế cho ta nhiều ví dụ về việc điều này
(các đảo chỉ được cho một phần hiệu lực hoặc thậm chí
không có được hiệu lực) trong các hiệp định phân giới
biển giữa Indonesia và Singapore, Iran và Qatar, Bahrain và Saudi
Arabia, Iran và the United Arab Emirates, Canada và Denmark (Greenland)
<sup>2</sup>. Đặc biệt, hiệp định phân giới vịnh Bắc Bộ
năm 2000, chính Trung Quốc cũng thoả thuận với Việt Nam chỉ
cho đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam một phần tư hiệu lực.
(Xem H.1)

<img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgEoRyodKF4SLkiWoxMpdopwculq94QCIoUI2hOYHxXytsMPIN3rLgqAuBS80rNL_sKRWea3FVIfUZdowjyLsX_jiZHlDk93kmn-7jg0ndj72VuvktVHwZ_QDHJIEIkPmpGjFigxTZhHifo/w737-h565-no/BachLongVi.JPG"
width="600" />

<em><center>H.1: Đảo Bạch Long Vĩ được hưởng khoảng ¼ hiệu
lực (tỉ lệ 15 hl:55hl ≈ 1:3,7)</center></em>

Đối với các vụ đã đưa ra toà án quốc tế xảy ra trước
UNCLOS hoặc trước khi UNCLOS có hiệu lực thì cũng cho ta nhiều
ví dụ. Vụ Tunisia - Libya năm 1982 thì đảo Kerkennah (180 km², 15
000 dân) chỉ được cho một phần hiệu lực do có kích thước
nhỏ so với bờ biển của Lybya. Vụ Libya - Malta năm 1985, đảo
chính của Malta (122 km², 350 000 dân) cũng chỉ được cho nửa
hiệu lực. Vụ Pháp - Anh năm 1977, trong 48 đảo/đá của quần
đảo Scilly thì trọng tài chỉ cho 6 đảo có người ở phân
nửa hiệu lực và đặc biệt là các đảo/đá nằm sai phía
của trung tuyến không ảnh hưởng đến việc phân giới...
Đặc biệt, vụ Nicaragua - Colombia sau khi UNCLOS có hiệu lực,
mới được phân xử vào năm 2012 khá tương tự với trường
hợp Hoàng Sa của Việt Nam thì Toà trọng tài dùng tỉ lệ 1:3
<sup>3</sup> (xem H.2). Tuy nhiên, trước nhất lưu ý rằng trong vụ
này quần đảo <em>San Andrés, Providencia và Santa</em> hoàn toàn
thuộc Colombia, không có vấn đề tranh chấp chủ quyền. Hơn
nữa, đó là một quần đảo lớn có diện tích đất tổng
cộng khoảng 52,5 km² và cư dân tại chỗ hơn 75 ngàn người
<sup>4</sup>. Dù vậy, chỉ các đảo lớn thoả đúng định nghĩa
ở điều 121 UNCLOS như Providencia/Santa Catalina (18 km²), San Andrés
(26 km²), Albuquerque mới được Toà trọng tài xem xét tới EEZ
với tư cách từng đảo riêng. Các điểm cơ sở đều nằm
trên các đảo này, không có điểm cơ sở nào trên các thể
địa lí không phải là đảo theo nghĩa của UNCLOS <sup>5</sup>
như bãi Quitasueño hoặc đảo [đá] Serrana… Hoàn toàn không có
đường cơ sở thẳng chung lạ lùng như Trung Quốc tự vẽ cho
HS để làm cơ sở cho việc phân định ranh giới biển. Ngay cả
trong vụ Qatar – Bahrain năm 2002, dù Bahrain trên thực tế là
một quần đảo vốn được phép có đường cơ sở thẳng theo
UNCLOS nhưng toà vẫn không chấp nhập đường cơ sở thẳng
nối các điểm ngoài cùng của các đảo đá của quần đảo.
Lí do là vì Bahrain đã không đưa vào hồ sơ của mình.

Trong khi đó, Hoàng Sa có chủ quyền đang tranh chấp (thuộc
Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc kiểm soát) chỉ gồm những
đảo/đá nhỏ rải rác với diện tích đất tổng cộng chỉ
khoảng 7,75 km² (bé hơn quần đảo San Andrés, Providencia và Santa
khoảng 7 lần) còn cư dân thì chỉ độ 1 000 người do Trung
Quốc đưa tới để thể hiện chủ quyền như chính Tiểu Kiệt
(Xiao Jie), Thị trưởng Tam Sa thú nhận <em>"Ở đây không có
đất trồng trọt. Mục tiêu chính là để bảo vệ chủ quyền
trên biển của đất nước chúng tôi."</em> <sup>6</sup> Đặc
biệt lưu ý rằng Trung Quốc không phải là nước quần đảo
và trong quần đảo Hoàng Sa may ra chỉ có đảo Phú Lâm mới có
thể là đảo không phải đảo đá theo điều 121 UNCLOS
<sup>7</sup>. Như vậy, ngay cả khi giả định Trung Quốc có chủ
quyền đối với Hoàng Sa là đúng thì so với những điều vừa
trình bày, khó có thể có toà án quốc tế nào chấp nhận
đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tự vẽ cho Hoàng Sa. Do đó,
dù vị trí giàn khoan có gần với đường đó bao nhiêu cũng
đều vô nghĩa.

<img
src="https://lh3.googleusercontent.com/-sRpK3NZzJC4/U559gSUHaII/AAAAAAAAAj4/-Pr0JneZ6-k/w784-h565-no/Nicaragua+v+ColombiaF1.jpg"
width="600" />

<center><em>H. 2: Đường phân giới (màu đỏ) giữa quần đảo
San Andrés, Providencia và Santa và Nicaragua được điều chỉnh
theo tỉ lệ 1:3 và được đơn giản hoá chứ không phải là
trung tuyến [cách đều]
Hai đảo [đá] Quitasueño và Serrana chỉ được hưởng lãnh hải
12 hải lí</em></center>

Nếu vận dụng luật pháp và thông lệ quốc tế như vừa trình
bày vào từng đảo cụ thể thì cũng chẳng cải thiện thêm
điều gì về giá trị của tuyên bố nói trên của Trung Quốc.
Trước nhất, hãy xét đảo Tri Tôn là đảo gần giàn khoan
nhất. Theo những nghiên cứu về địa pháp lí thì đảo Tri Tôn
không thể là một đảo theo điều 121 UNCLOS mà chỉ là đảo
đá. Do đó, nó chỉ có lãnh hải 12 hải lí, không được
hưởng EEZ lẫn thềm lục địa. Do đó, dù giàn khoan 981 ở
gần đảo Tri Tôn (17 hải lí và 25 hải lí), nó vẫn nằm ngoài
vùng biển mà đảo này có thể được hưởng theo UNCLOS, tức
là vẫn nằm trong EEZ của Việt Nam (xem H.3)

Ngoài đảo này ra, trong quần đảo Hoàng Sa chỉ có đảo Phú
Lâm với diện tích khoảng 2,13 km² (tính luôn phần Trung Quốc
mới mở rộng thêm) là có khả năng tạm coi là một đảo theo
UNCLOS như đã nêu. Tuy nhiên, nếu chú ý tới tỉ lệ khoảng
cách từ vị trí giàn khoan 981 tới bờ biển Việt Nam và tới
đảo này là 103 hl:132 hl (≈1:1,3) và 88 hl:153 hl (≈1:1,74) thì
hai tỉ lệ này quá lớn so với tỉ lệ 1:3 trong vụ Nicaragua và
Colombia vừa nêu. Đặc biệt 2 tỉ lệ này cũng lớn hơn nhiều
so tỉ lệ điều chỉnh 15 hl:55 hl (≈1:3.7) <sup>8</sup> dành cho
đảo Bạch Long Vĩ (có diện tích tương đương với Phú Lâm và
nhất là thoả mản chế độ đảo của theo điều 121 UNCLOS) mà
Việt Nam và Trung Quốc đã thoả thuận năm 2000 <sup>9</sup>.
Ngoài ra, đáng lưu ý rằng đảo Phú Lâm không có nước ngọt,
phải nhờ vào việc tích trữ nước mưa và nước ngọt đưa
từ Hải Nam tới để sinh hoạt <sup>10</sup> cùng với điều
kiện đất trồng thiếu thốn và cư dân tạm bợ như thị
trưởng Tam Sa thú nhận như đã nêu. Do đó, khó có cơ sở để
cho rằng nó có thể <em>'duy trì được sự cư trú của con
người và có đời sống kinh tế riêng'</em> để được
hưởng quy chế đảo như quy định trong điều 121 UNCLOS như
chúng ta giả định. Như vậy, khá chắn chắn để nói rằng
theo UNCLOS, tập quán và các án lệ quốc tế thì chỗ Trung
Quốc đặt giàn khoan 981 (trước và sau) đều nằm trong EEZ của
Việt Nam.

<img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiiHp7A4X1zJaB8OW47NLDSM9RGTRe0GANqnjTut8o2R5XFw8hkPQ0Y9HL_6IN4NMV5jhCvkbKmgT_dD3SwDXpzp6VnH39UaDShrnpHPONGJPpIx_pQcXkfNvLHydV8rqLUba5nMhX2T6VT/w803-h565-no/HD+981new.JPG"
width="600" />
<em><center>H.3: tỉ lệ khoảng cách từ 981 đến Phú Lâm và
đến bờ biển đất liền Việt Nam 88:153 (hay tới đảo Lí
Sơn 88:141) khó cho phép giàn khoan nằm trong EEZ, nếu có của
đảo Phú Lâm.</center></em>

Theo phân tích trên, rõ ràng Trung Quốc đã hết sức hồ đồ
khi nói rằng dù <em>"phân định ranh giới theo nguyên tắc
gì, vùng biển này đều không thể trở thành vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt
Nam."</em> Họ đã hoàn toàn phớt lờ luật pháp, thông lệ
quốc tế và ngay cả luật pháp của chính họ <sup>11</sup>. Nếu
Trung Quốc tin chắc rằng câu phát biểu này là đúng thì hãy
rút lại tuyên bố ngày 25/8/2006 vể việc không chấp nhận các
thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của điều 298
UNCLOS <sup>12</sup>, gác vấn đề chủ quyền để giải quyết sau
và cùng Việt Nam ra toà án quốc tế nhờ phân xử về hiệu
lực của quần đảo Hoàng Sa để làm sáng tỏ <em>'chính
nghĩa'</em> của mình. Liệu Trung Quốc có dám thực hiện
điều này không?

<strong>Phan Văn Song (CTV Quỹ NCBĐ)</strong>

<em>Bài viết được sự góp ý của Dương Danh Huy (TV Quỹ
NCBĐ)</em>

___________________________________________



<sup>1</sup> Xem BNG Trung Quốc (tiếng Anh):
http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1163264.shtml

hoặc Tiếng hát hữu nghị (tiếng Việt):

http://vietnamese.cri.cn/481/2014/06/09/1s199588.htm

<sup>2</sup> Xem Jayewardene, Hiran W. The Regime of Islands in International
Law, Dordrecht: Martinus Nijhoff (1990).

<sup> 3</sup> Tỉ lệ độ dài bờ biển tương ứng là 65 km:531 km
≈ 1:8,2. Các thể địa lí ở Hoàng Sa đều nhỏ hơn nhiều và
chỉ có một số ít có thể được tính nên tỉ lệ bờ biển
của Hoàng Sa với độ dài bờ biển Việt Nam tương ứng có
nhiều khả năng cũng không chênh lệch lớn với tỉ lệ này.

<sup>4</sup> Xem thêm:

http://en.wikipedia.org/wiki/Archipelago_of_San_Andr%C3%A9s,_Providencia_and_Santa_Catalina.

<sup>5</sup> Theo điều 47 UNCLOS thì các quốc gia quần đảo như
Philippines, Indonesia… có thể vẽ đường cơ sở thẳng cho
quần đảo.

<sup>6</sup> Xem Geoff A. Dyer, <em>"A line with nine dashes"</em>:

http://www.viet-studies.info/kinhte/LineWithNineDashes_Dyer.htm

Bản dịch tiếng Việt ở đây:

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=7384

<sup>7</sup> Điều 121 Công ước LHQ về Luật biển quy định về
Chế độ đảo như sau:

<ul>
<li>1. Đảo (island) là một vùng đất hình thành tự nhiên có
nước bao bọc xung quanh, nổi trên mặt nước khi triều cao.</li>
</ul>
<ul>
<li>2. Ngoại trừ [trường hợp] như quy định trong điểm 3,
lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa của đảo được xác định theo đúng các
quy định trong Công ước cho lãnh thổ đất liền khác.</li>
</ul>
<ul>
<li>3. Đảo đá (rock) không thích hợp cho việc cư trú của con
người và không có đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa..</li>
</ul>

<sup>8</sup> Theo các thông tin chính thức đảo Bạch Long Vĩ
được 25% hiệu lực hay tỉ lệ điều chỉnh là 1:3 (có thể do
đo đạc chưa thật chính xác hoặc muốn cho thấy rằng thoả
thuận này là khá công bằng).

<sup>9</sup> Nếu dùng khoảng cách từ giàn khoan tới đảo Lí
Sơn (như trong vụ Nicaragua và Colombia) thì các tỉ lệ có
được còn lớn hơn nhiều nữa (103 hl:119 hl ≈ 1:1,15 và .88
hl:141 hl ≈ 1:1,6).

<sup>10</sup> Xem (phần Ecology and resources):

http://en.wikipedia.org/wiki/Woody_Island_(South_China_Sea)

<sup>11</sup> Đoạn 3 Điều 2 của luật trong luật về EEZ và CS
của Trung Quốc năm 1998 nêu:

<blockquote>"Các yêu sách mâu thuẫn liên quan đến vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa Nhân
dân Trung Hoa và các nước có bờ biển đối diện hoặc liền
kề sẽ được giải quyết, trên cơ sở luật pháp quốc tế
và phù hợp với các nguyên tắc công bằng (người viết nhấn
mạnh), bởi một hiệp định phân định cho các khu vực yêu
sách đó."</blockquote>

<sup>12</sup> Xem:

http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_declarations.htm#China
Upon ratification


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140618/phan-van-song-gian-khoan-981-khong-nam-trong-vung-bien-viet-nam),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét