Dư A Liên - Nước Mỹ: Chủ nghĩa cá nhân và tinh thần thượng tôn pháp luật

<blockquote><strong>Dân Luận:</strong> Tác giả bài viết, chị Dư A
Liên, là vợ của anh Nguyễn Văn Thạnh. Vì viết bài về tự
do, dân chủ và quyền con người, hai vợ chồng đã liên tục
bị chính quyền Đà Nẵng o ép, đẩy ra khỏi nhà thuê. Hiện
tại chủ nhà, dưới áp lực của công an, đang đòi cắt hợp
đồng thuê nhà với gia đình anh chị. Chủ nhà không chấp
nhận giàn xếp, gọi điện lực tới cắt điện khu nhà cho
thuê để đuổi gia đình đi, dù đã ký hợp đồng 1 năm:
<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/t1.0-9/10376161_10202355703028894_7328857037052924895_n.jpg"
width="500" /></center>
<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/t1.0-9/p320x320/10302037_422537594554405_3690314313999047159_n.jpg"
width="400" /></center></blockquote>
Khi xem phim Mỹ có lẽ mọi người cũng thường thấy ngạc
nhiên vì một số nét văn hóa mới mẻ. Qua văn hóa, hiểu hơn
về chính trị Mỹ.

Qua phim thấy: người Mỹ luôn lịch thiệp và tỏ ra tử tế;
họ dễ gần, nhưng rất khó thân. Đặc biệt ngôn ngữ thường
có chất trí tuệ, hóm hỉnh rất duyên dáng thể hiện một
tính cách lạc quan, sẵn sàng đương đầu, tinh thần "face to
face" mạnh mẽ, bản lĩnh.

Người Mỹ dường như rất khó tin người khác, mặc dù họ
luôn đề cao lòng tốt và sự tử tế. Bởi sự thừa nhận
chủ nghĩa cá nhân mà người Mỹ thừa nhận tính tư lợi, tham
ái. Tính ái vật, ái danh, ái dục của các cá thể được nhìn
nhận như là 1 điều tự nhiên, mang tính bản chất và họ
không kì thị điều đó. Người Mỹ thực dụng nhất quả
đất. OK, mày luôn nghĩ chuyện làm lợi cho mày, tao tính chuyện
làm lợi cho tao (tất nhiên) miễn là cái lợi của mày đừng
ảnh hưởng đến tao. Cái gì quyết định ranh giới đó? Pháp
luật. Vậy nên dễ hiểu tinh thần thượng tôn pháp luật của
Mỹ luôn được đề cao tuyệt đối. Ta thấy người Mỹ luôn
muốn dùng lý trí kiểm soát vấn đề, đánh giá đối tượng
trong mọi tình huống. Khi nào không thể kiểm soát được nữa,
họ mới dựa vào trực giác - một yếu tố xem như có dính
dáng ít nhiều cảm tính. Và khi họ đã tin thì cũng không có
nghĩa là họ dừng kiểm soát. Một thế giới mà ở đó mọi
người sơ, thân vẫn nghi ngờ nhau và kiểm soát nhau nhưng lại
không hề thiếu chất nhân văn trong cuộc sống của họ. Thậm
chí là chất nhân văn rất đậm vị, vì sao lại như vậy? Vì
họ nhìn con người dưới góc nhìn duy lý, họ quá hiểu con
người. Họ hiểu con người có thể xấu xa ra sao nên họ cũng
hiểu nó có thể tốt đẹp như thế nào. Cũng vì họ hiểu rõ
các giá trị bản thể, theo quy luật tự nhiên nên không khí
của phim không ủy mị, không lên gân thuyết giáo, không đạo
đức giả, nó chân thực và đẹp cái đẹp lý trí. Cái tốt
trong phim Mỹ thường nó không bị ép. Nó đến đơn thuần và
tự nhiên, cho cảm giác thỏa mãn tựa như đó là sự lựa
chọn của nhân vật chứ không phải của đạo diễn, vậy nên
tình cảm trong phim Mỹ nó không sến (theo tôi là vậy).

Bạn có thể chiêm nghiệm được nhiều điều tuyệt vời qua 1
bộ phim Mỹ 120 phút: "To Kill a Mockingbird". Ở đó, bạn bắt
gặp lòng tốt của luật sư da trắng Atticus bảo vệ cho người
da đen Tom, Atticus đã chấp nhận đương đầu với khó khăn,
với những định kiến điển hình, xem điều đó như một bổn
phận nghề nghiệp của mình, anh chấp nhận nó không phải vì
tính cách máu lửa anh hùng mà vì đó là điều cần phải làm,
quá khứ anh đã làm như vậy, hiện tại và tương lai điều
đó sẽ không thay đổi gì. Atticus làm những điều thuộc về
chân giá trị mà anh hướng tới trước giờ, đơn thuần là
vì: "thật không gì để giáo dục bọn trẻ tốt hơn là làm
gương cho chúng". Người Mỹ thực dụng nhưng không hề hời
hợt, nhiều giá trị được họ khai thác: trẻ em sinh ra vốn
mang bản chất hướng thiện, coi trọng sự công bằng, chúng
chỉ hấp thu những thành kiến xã hội trong quá trình lớn lên
giữa cộng đồng. Trẻ em được dạy bài học về lòng trắc
ẩn và biết tôn trọng những cái khác biệt: "Con chim nhại
chẳng làm gì nên tội, chúng chỉ hót cho chúng ta những giai
điệu đẹp. Không phá phách vườn tược, không hại đến hoa
màu, chúng chỉ dâng hiến cho chúng ta những lời hát từ trái
tim. Đó là lý do vì sao, giết con chim nhại là một tội ác".
Hình ảnh người da đen tốt bụng Tom và anh chàng lập dị quái
gỡ Bob là những hình ảnh của con chim nhại. Họ sống cuộc
sống của họ, có thể là kiếp đời lập dị, khác biệt
nhưng họ không làm gì hại ai, thậm chí là họ âm thầm tốt
đẹp hơn những con người còn lại. Thông điệp được gửi
đi là: những cá thể khác biệt có quyền nhận được sự
đối xử công bình, không định kiến. Chắc chắn rằng một
trong những lời dạy dành cho Scout tại bàn ăn là lời dạy có
ý nghĩa nhất trong cuộc đời cô bé-bài học về sự công
bằng: "Nếu con học được một cách thức đơn giản, con có
thể sống thoải mái hơn nhiều với đủ loại người. Tuy
vậy, con không bao giờ thực sự hiểu một con người cho đến
khi con xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó".
Cảnh phim lần theo dòng trần thuật của Scout, người xem chắc
chắn rằng cô bé sẽ không bao giờ giết con chim nhại hoặc
trở thành một kẻ phân biệt chủng tộc.

Tất nhiên, xem phim của nước nào cũng thấy cái xấu xa song
hành bên cái tốt đẹp; có lưu manh, bỉ ổi mới có anh hùng,
tuy nhiên cái khác nhau rõ rệt nhất giữa văn hóa Mỹ so với
các văn hóa khác là cái cách họ nhìn nhận cái gọi là xấu
xa. Có những cái xấu xa trong văn hóa khác nhưng lại không xấu
xa, lại là cái hợp lí trong văn hóa Mỹ vì ở đó bản năng
con người được nhìn nhận một cách sâu sắc nhất, theo đó
Chủ nghĩa cá nhân và sự tự do mang một giá trị đặc biệt.

Phim Brokeback Mountain là bộ phim về tình yêu đồng giới đầu
tiên làm xúc động tôi. Jack và Ennis (2 gã chăn cừu) đã bén
duyên khi hai đàn cừu chạy lẫn vào nhau trên ngọn đồi ở
Wyoming và họ đã tạo nên một câu chuyện tình yêu vừa thô
ráp, vừa tinh tế và mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc. Hai gã trai
trẻ thất học, cục súc, thiếu hiểu biết nhưng biết yêu
bằng những rung cảm chân thành, đắm say tha thiết, có cả
đắng cay và những bi kịch đau đớn… Người Mỹ gửi thông
điệp gì? Rút cuộc thì vì sao họ lại không thể yêu nhau khi
chúng ta có thể? Đồng tính thì sao? Họ cũng là con người,
họ có quyền yêu và được yêu theo cách mà bản thân họ
muốn, đừng bắt ai đó phải yêu theo cách nào đó! Tình yêu
là Quyền Con Người, tình yêu là tự do, con người có thể chia
rẽ tình yêu nhưng không thể giết chết tình yêu, vậy thì cái
gì thuộc về ai, hãy để cho nó được là như thế…

Qua nhiều phim Mỹ thấy rằng những giá trị về Quyền Con
Người được nhìn nhận, tôn trọng trước hết và trên hết,
soi ánh sáng vào sự phán xét các hành động. Tại nơi nào trên
trái đất mà Quyền Con Người được tôn trọng thì nơi đó
có tự do. Nếu mệnh đề "có tự do là có sáng tạo" là
hợp lí thì dễ hiểu vì sao nước Mỹ lại là nơi của những
phát minh lớn của nhân loại.

Đề cao chủ nghĩa cá nhân nhưng dân Mỹ không thần tượng cá
nhân. Họ tôn vinh cá nhân xuất sắc nhưng không thần thánh
hóa. Mỗi cá nhân là một sự khác biệt và tất cả mọi cá
nhân đều bình đẳng với các Quyền Con Người cơ bản. Chủ
nghĩa cá nhân không mâu thuẫn với xu hướng làm việc theo tổ
chức, làm việc nhóm, vì trong nhóm, một cá nhân luôn được
tạo điều kiện để phát huy hết khả năng. Họ biết tổng
hợp sức mạnh, nhóm như một bước đệm để cái lò xo cá
nhân bật lên. Họ cũng hiểu giá trị của sự cạnh tranh lành
mạnh và điểm yếu của cạnh tranh là có thể dẫn đến
chiến tranh nên họ có một hệ thống luật chi phối, điều
chỉnh. (Điều này tương tự như trong chính trị, sự phân
quyền giữa các nhánh không hề ngăn cản sự hợp tác, không
làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của hệ thống, tất cả
đều dưới hiến pháp và theo hiến pháp). Họ đề cao tính
hiệu quả, làm theo năng lực, hưởng theo năng lực, đó là sự
công bằng (vậy làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu có phải
là công bằng không hay là cào bằng?)

Xem phim Mỹ nếu để ý sẽ thấy nhiều cái thú vị của chính
trị Mỹ. Nước Mỹ với thể chế tổng thống được tổ
chức dựa trên nguyên tắc phân quyền, một trong những đặc
điểm của cơ chế này là nguyên tắc tam quyền phân lập,
giữa ba cơ quan ngang bằng là lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Triết lí chính trị của đặc điểm này là nhằm giảm thiểu
khả năng độc tài hoặc chuyên chế kể cả về mặt thể chế
lẫn con người. Ở đó nhà nước (hành pháp) không có quyền
động vào sự quyết định của toà án (tư pháp). Các thẩm
phán sẽ độc lập quyết định điều họ cho là đúng - mà
không hề sợ bị bất cứ thế lực nào, kể cả tổng thống -
bởi họ được bầu ra từ chính nhân dân một cách đích
thực, họ chỉ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân thông
qua hiến pháp cho quyết định của họ. Họ công minh, không bị
nhà nước điều khiển. (Họ hoàn toàn có thể truy tố xử cả
tổng thống như người dân bình thường, nếu họ cho rằng
tổng thống có tội, ví dụ như trường hợp của tổng thống
Richard Nixon. Trong phim Prison Break ở phân đoạn khi Lincohn sắp
bị lên ghế điện sau khi cả team đã làm đủ mọi cách để
hoãn xử tử, kể cả gọi cho thống đốc bang thì 1 cú điện
thoại đến, và cuộc xử tử được hoãn lại. Đó là cú
điện thoại của quan toà Kessler, ông muốn hoãn xử án để xem
xét lại 1 số tình tiết của vụ án. Tại sao đến thống
đốc bang, một người rất quyền lực, cũng không thể làm gì,
mà 1 quan toà rất bình thường lại có thể ngăn cản vụ xử
tử đã được cả một bộ máy quyền lực điều khiển?). Đó
là do có sự phân chia quyền lực như đã nói trên một cách rõ
ràng minh bạch, nơi mà nhà nước (hành pháp) không có quyền
động vào sự quyết định của toà án (tư pháp). Nói tóm lại
tất cả đều theo hiến pháp là pháp lệnh tối cao, không có
sự tập trung quyền lực và chi phối hàng dọc trong hệ thống
chính trị.

Nước Mỹ với những giá trị tự do, dân chủ, chủ nghĩa cá
nhân được nhận thức đúng và tinh thần thượng tôn pháp
luật là những giá trị cốt lõi làm nên vị thế dẫn đầu
trên thế giới và còn gây cảm hứng cho nhân loại lâu dài…
Nước Mỹ cũng có những vấn đề của nó, vừa rồi việc
Quốc hội Mỹ không ngăn nổi một vụ tạm đóng cửa bộ máy
công quyền liên bang khiến thế giới giật mình. Một sự phơi
bày đúng chất Mỹ. Theo kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa kết
luận thì: "Nước Mỹ cứ công khai phơi bày những phê phán
về sự tiêu cực của mình, kể cả lời tiên đoán về sự suy
tàn của quốc gia, nhưng đấy cũng là cơ hội thật sự tự
phê để tự thắng mà nhiều xứ khác không có được". Tự
phê kiểu Mỹ có khác, đó là kiểu "face to face" rất Mỹ,
chấp nhận phơi bày sự thật và trả giá để thay đổi và
thăng tiến.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140613/du-a-lien-nuoc-my-chu-nghia-ca-nhan-va-tinh-than-thuong-ton-phap-luat),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét