Chu Hảo - Phan Châu Trinh, Nelson Mandela, San Suu Kyi với Văn hóa và Giáo dục

<em>Phan Châu Trinh, Nelson Mandela và Aung San Suu Kyi là những biểu
tượng sáng ngời của những dân tộc với những hoàn cảnh
lịch sử khác nhau nhưng cùng có số phận bi thương trong thời
hiện đại, đều đã có chung một lý tưởng: đấu tranh vì
dân quyền và nhân quyền cho đất nước mình bằng phương pháp
ôn hòa, bất bạo động, dựa trên nền tảng văn hóa và giáo
dục...</em>

Người còn sống duy nhất trong ba nhân cách lớn ấy là bà San
Suu Kyi, người vẫn đang kiên trì theo đuổi sự nghiệp của
mình ở Myanmar - đất nước vừa mới thoát khỏi chế độ
quân phiệt, đang thực hiện những cải cách dân chủ ngoạn
mục, là kết quả của sự hòa giải đầy nhân tính giữa một
bên là phong trào chính trị đối lập do bà lãnh đạo và một
bên là phe cấp tiến của Tổng thống đương nhiệm Thien Sein.
Bà đã góp phần quan trọng nhất trong việc mở ra một kỷ
nguyên mới, tuy còn rất nhiều thách thức, nhưng đầy triển
vọng cho đất nước có nền Phật giáo truyền thống này. Bà
từng nói: thể chế chính trị của Myanmar đã và sẽ còn có
thể thăng trầm, nhưng nền văn hóa Phật giáo của Myanmar vẫn
còn đó và vì vậy đất nước này sẽ tiếp tục đi lên.

San Suu Kyi sinh năm 1945 trong một gia đình trí thức có nền học
vấn Anh quốc. Năm 1990, đảng Liên minh quốc gia vì Dân chủ
của bà thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử nghị viện.
Nhưng thay vì nhậm chức Thủ tướng như quy định của Hiến
pháp, bà lại bị thế lực quân phiệt áp đặt quản thúc trong
khoảng 15 năm. Được trả tự do tháng 11-2010, tháng 4-2012 bà
thắng cử dân biểu Hạ viện, năm 2013 bà tuyên bố tranh cử
Tổng thống vào năm 2015.

Khi quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 cho San Suu Kyi,
Ủy ban Nobel Na Uy tuyên bố "… muốn vinh danh người phụ nữ
này bởi những nỗ lực không mệt mỏi của bà và để thể
hiện sự ủng hộ của Ủy ban đến những người trên thế
giới đang đấu tranh để đạt đến dân chủ, nhân quyền và
hòa giải bằng những phương tiện bất bạo động". Phương
tiện bất bạo động chủ yếu của bà là giáo dục tình yêu
thương và quý trọng con người".

Nelson Mandela – vị anh hùng dân tộc của nhân dân Nam Phi, mới
về nơi vĩnh hằng ngày 5-12 vừa qua, thọ 95 tuổi. Ông sinh ra
trong một gia đình quý tộc thuộc một trong những bộ tộc
lớn ở Nam Phi, từng là luật sư kiên trì đấu tranh chống
chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, kể cả bằng phương pháp vũ
trang. Người chiến sĩ quả cảm ấy đinh ninh rằng: "Người
dũng cảm nhất không phải là người không biết sợ mà là
người chinh phục được nỗi sợ hãi", để hăng hái lao vào
những nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi với tâm thế
"Mọi thứ luôn trông có vẻ bất khả thi cho đến khi bạn
hoàn thành nó".

Bị kết án tù chung thân, nhưng được trả lại tự do vào năm
1990, dưới sức ép của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công
lý trên toàn thế giới, sau 27 năm bị biệt giam. Bước ra khỏi
nhà tù ông thức tỉnh: "Khi tôi bước khỏi cánh cửa về
phía dẫn đến tự do, tôi biết rằng nếu không bỏ lại nỗi
đau và sự căm thù lại phía sau thì tôi vẫn ở lại trong
tù". Và quyết chí đi theo con đường hòa giải hòa hợp để
cứu nguy dân tộc với niềm tin: "Không ai sinh ra đã có lòng
thù hằn với người khác bởi màu da, địa vị hay tôn giáo.
Điều đó được hình thành qua giáo dục. Và nếu họ có thể
học được thù ghét thì họ cũng có thể học yêu thương, mà
tình yêu thì luôn tìm đến trái tim một cách tự nhiên hơn thù
hận".

Là biểu tượng của tinh thần hòa giải yêu thương, ông
được nhận giải Nobel Hòa bình năm 1993. Năm sau ông trở thành
Tổng thống dân cử đầu tiên của Nhà nước Nam Phi dân chủ.
Ông kiên quyết rút khỏi công vụ khi kết thúc nhiệm kỳ vào
năm 1999, lúc đang còn ở đỉnh cao quyền lực với uy tín
tuyệt đối trong chính trường. Ở trên đỉnh cao quyền lực
ấy ông từng tuyên bố: "<strong>Giáo dục là vũ khí mạnh
nhất để thay đổi thế giới!</strong>".

Trước Mandela gần một thế kỷ, có một người Việt Nam
đồng chí hướng với chủ trương <strong>Khai dân trí - Chấn
dân khí – Hậu dân sinh</strong>, chí sĩ cách mạng theo đường
lối cải cách ôn hòa Phan Châu Trinh (1872-1926). Ngay từ thuở
thiếu niên đã nuôi chí lớn, nhưng rồi ông cũng phải quyết
một lần đua chen khoa bảng và danh phận ở chốn quan trường
(đỗ cử nhân năm 1900, phó bảng năm 1901, hậu bổ năm 1902,
rồi thừa biện năm 1903) để có vị thế ban đầu bước vào
con đường vì dân, vì nước riêng của mình. May thay, vào thời
gian ấy, một luồng sách báo khai sáng (gọi là Tân thư) đã
được một số nhà nho yêu nước như Thân Trọng Huề, Đào
Nguyên Phổ... bí mật mang từ bên Tàu về Trường Quốc học
Huế. Đó là những tác phẩm kinh điển về tự do, dân chủ,
quyền con người... của phương Tây đã được các học giả
Nhật Bản dịch sang tiếng Nhật từ thời Minh Trị thiên hoàng
cuối thế kỷ 19; và đầu thế kỷ 20 các nhà duy tân Trung Hoa
dịch sang tiếng Hán. Phan Châu Trinh và các nhà nho yêu nước
khác như Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... đã
từng rơi những giọt nước mắt ngỡ ngàng và sung sướng trên
những trang sách này để càng nung nấu ý chí cách mạng giải
phóng dân tộc.

Thế nhưng, theo học giả Hoàng Xuân Hãn, có lẽ chỉ có một
mình Phan Châu Trinh nhận thức được rằng vào thời điểm đó
dân tộc ta đã lạc hậu hẳn một thời đại văn minh so với
kẻ cai trị từ phương Tây tới. Ông đau xót thấy ra là dân
tộc mình dù đã không chịu khuất phục trước dã tâm đồng
hóa của các thế lực bá quyền từ phương Bắc (có thể vì
vẫn cùng chung với kẻ thù truyền kiếp ấy một ý thức hệ
quân chủ - Nho giáo) nhưng lại tỏ ra bạc nhược chịu kiếp
lầm than trước kẻ cai trị mới tới từ nền Dân chủ - Nhân
quyền. Từ quân chủ đến dân chủ là cả một thời đại văn
minh kèm theo sự vượt trội về vật chất kỹ thuật và các
thiết chế văn hóa-xã hội. Phan Châu Trinh tin rằng, để san
bằng khoảng ngăn cách thời đại ấy không gì hơn là phải
bắt đầu từ canh tân văn hóa và giáo dục với lời kêu gọi
thống thiết: "Quốc dân đồng bào ơi! Chớ nên ỷ lại nơi
người, ỷ lại nơi người tất ngu. Chớ nên ỷ mình mà bạo
động, bạo động tất bại. Chi bằng học!".

<strong>"Chi bằng học!". Học để khai dân trí. Dân được
hiểu biết, được giác ngộ mới chấn hưng được dân khí
để vùng lên phá bỏ gông xiềng và xây dựng đời sống
mới.</strong><em>Khai dân trí rồi mới chấn dân khí là tầm
nhìn vượt trội của Phan Châu Trinh: thấy trước rằng nếu
lực lượng nòng cốt của một cuộc cách mạng là vô học thì
chỉ có thể dùng bạo lực để lật đổ, phá bỏ cái cũ,
chứ không thể xây dựng được một xã hội mới công bằng,
văn minh và thịnh vượng</em>. Ông đã không mệt mỏi hô hào
đả phá những tục lệ thô lậu và lối học hủ nho nô dịch
bằng các phong trào canh tân văn hóa và thực học-thực nghiệp.
Chỉ có mấy năm trời mà khí thế đổi mới đã bừng bừng
sôi động, lan truyền khắp nơi từ Trung ra Bắc, vào Nam, khiến
chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp hoảng sợ và đàn áp
dã man.

Một thế kỷ đã trôi qua nhưng tinh thần Khai dân trí-Chấn dân
khí của Phan Châu Trinh vẫn còn sống mãi, và chúng ta vẫn đang
tiếp bước người xưa...

Vọng về phương trời xa chúng ta tiếc thương tiễn đưa
người con bất khuất của nhân dân Nam Phi - Nelson Mandela về
nơi an nghỉ cuối cùng, và mừng cho đất nước của ông thoát
khỏi nạn phân biệt chủng tộc để những người dân khác
màu da mãi mãi cùng sống trong yên hòa.
Ngó sang nước láng giềng Myanmar, chúng ta chào đón những
bước đi vững chãi của nền dân chủ non trẻ mà bà Aung San
Suu Kyi xứng danh là đại diện.

<strong>Nguồn:</strong> <a target="_blank" rel="nofollow"
href="//baodanang.vn/bao-da-nang-xuan-2014/201401/phan-chau-trinh-nelson-mandela-san-suu-kyi-voi-van-hoa-va-giao-duc-2303923/">Báo
Đà Nẵng Xuân 2014</a>



***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140623/chu-hao-phan-chau-trinh-nelson-mandela-san-suu-kyi-voi-van-hoa-va-giao-duc),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét