Alan Phan - Không Phải Biển Đông, Mà Là Baghdad…

<center><img
src="http://www.gocnhinalan.com/wp-content/uploads/2014/06/oil-iraq.jpg"
width="580"/></center>
Vì quê hương đang phải đối phó với khủng hoảng Việt-Trung,
nhiều người Việt nghĩ rằng tình hình Biển Đông sẽ tạo
sóng lớn cho nền kinh tế toàn cầu, hay ít nhất là Đông Á.
Gần như 70% các tin chính trong tháng vừa qua của các báo lề
phải cũng như của mạng lề trái đều liên quan đến vụ giàn
khoan và những phản ứng khác nhau của các lãnh đạo Việt.

Không một chuyên gia kinh tế độc lập nào của Âu Mỹ Nhật
quan tâm về cuộc tranh chấp trên vì thực ra GDP của Việt Nam
trên tổng số GDP của toàn cầu (85 ngàn tỷ USD vào 2012) nằm
dưới 1.1 phần ngàn. Ngay cả với Trung Quốc, dù xẩy ra tình
huống nào, ảnh hưởng của vụ tranh chấp cũng sẽ rất giới
hạn.

Trong khi đó, cả thế giới đang theo dõi tình hình chuyển
động tại Iraq và sự tồn tại của chánh phủ Maliki. Iraq đang
cung cấp khoảng 2. 4 triệu b/d hay khoảng 15 % tổng sản lượng
dầu của OPEC. Một cuộc nội chiến lâu dài giữa phe Shia và
phe Sunni sẽ giảm sâu nguồn cung cấp và giá dầu sẽ tăng
mạnh trong vài năm tới.

Dù Mỹ đang năng nổ nhất trong việc can thiệp vào Iraq để
giữ cân bằng cho địa chính trỉ, kinh tế Mỹ sẽ vượt thoát
dễ dàng các thử thách mới này. Ba lý do: Mỹ đã trở thành
nhà cung cấp khí đốt số 1 của thế giới, đã gia tăng
lượng sản xuất dầu lên vị trí thứ 3 thế giới (nhờ công
nghệ shale oil); và đang giảm thiểu lượng tiêu thụ dầu đáng
kể nhờ công nghệ mới về năng lượng như mặt trời,
hygrogen…

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn thêm vì nhu cầu tiêu
thụ dầu của Trung Quốc đã tăng lên đến 1.5 triệu b/d. Hiện
nay, Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được các vấn đề kinh
tế khác đang đe doạ một hard landing: nợ xấu, bong bóng tài
sản, lợi thế cạnh tranh…

Những vấn nạn này có thể bắt Trung Quốc phải điều chỉnh
lại các chiến lược về chính trị toàn cầu kể cả có cuộc
tranh chấp ở Biển Đông. Tuỳ vào những phân tích dài hạn hay
ngắn hạn, Trung Quốc có thể mạnh bạo hơn về chuyện khai
thác dầu; hay có thể hoà hoãn hơn để mua thời gian. Tình
huống xấu nhất là phải tạo ra một cuộc chiến tranh giới
hạn để người dân Trung Quốc tạm quên đi những đòi hỏi
về sinh hoạt kinh tế hay chánh trị.

<strong>Alan Phan</strong>

PS: Để có một góc nhìn sâu hơn về cuộc bạo loạn tại Iraq,
xin mời các bạn đọc bài phân tích của một BCA và là một
chuyên viên Trung Á của Đại Học Amsterdam.

<center><img
src="http://www.gocnhinalan.com/wp-content/uploads/2014/06/ISIS-Iraq.jpg"
width="580" /></center>

<h1>Tham vọng của ISIS</h1>

Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai, Đại học Khoa học Ứng dụng
Amsterdam

Thế giới hơn một tuần qua trở nên náo động, thậm chí
những trận World Cup cũng không thể làm tạt đi những luồng
tin dữ từ Iraq. Tổ chức khủng bố ISIS chiếm được Molsul
trong một trận tấn công làm tê liệt quân đội chính quyền,
mở rộng vùng chiếm đóng đến tận gót chân thủ đô Baghdad,
cướp nhà băng và nhét túi 425 triệu đôla.

Nhiều bản tin vẫn tiếp tục gọi ISIS là một nhánh hoặc một
tổ chức trung thành của khủng bố Al-Qaeda. Điều này không
những sai mà còn nguy hiểm.

<h2>ISIS là ai?</h2>

ISIS khởi đầu được thành lập với tên ISI (Islamic State of
Iraq – Quốc gia Hồi giáo Iraq) để chống lại chính phủ Iraq
theo Hồi giáo Shia và thân Mỹ. Sau rất nhiều chật vật, cuộc
khủng hoảng ở Syria nổ ra khiến ISI đổi hướng quyết định
tham chiến ở đây, một mũi tên trúng hai đích: vừa tiếp tục
được lý tưởng thống nhất cộng đồng Hồi giáo (Sunni)
khắp thế giới dưới một thể chế chung, vừa "hợp pháp
hóa" chiến tranh vì kẻ thù mới không phải là Mỹ nữa mà
là chính quyền phe Hồi giáo Shia của Syria. Cùng với sự
chuyển hướng này, tên của ISI đổi thành ISIS (Islamic State of
Iraq and Syria – Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria).

Rất ít người biết rằng ISI đã tự động nhập với nhánh
Al-Qaida ở Syria mà không hề được phép của người đứng
đầu tổ chức Al-Qaida là Al-Zawahiri. Sau một tháng giữ im
lặng, Al-Zawahiri đề nghị ISIS rời tổ chức. Lãnh đạo ISIS
là Al-Baghdadi không thèm quan tâm, thậm chí ra tay giết luôn
người đại diện đàm phán. Cực chẳng đã, vào đầu tháng 2
năm nay, Al-Qaida tuyên bố cắt lìa ISIS khỏi gốc, với lý do
được cho là ISIS quá sức man rợ, đến mức một tổ chức
khủng bố như Al-Qaida cũng không thể nuốt trôi.

Tuy nhiên, đây chỉ là một lý do. Al-Qaida đương nhiên không
thích bị một nhánh đàn em vượt mặt. Thêm nữa, Al-Qaida không
muốn ISIS dính mũi vào miếng bánh Syria, giữa tổ chức mẹ và
nhánh con có khá nhiều mâu thuẫn về vùng chiếm đóng.

Một điều Al-Qaida không ngờ là khi ISIS tách ra, 65% jihadist
(chiến binh của Thượng Đế) của Al-Qaida cũng bỏ đi theo ISIS.
Trong mắt những kẻ cầm súng vì một lý tưởng tôn giáo
thống trị và hợp nhất toàn cầu, ISIS từ một nhánh khủng
bố nhỏ bé đã vượt lên trên cơ Al-Qaida và trở thành kẻ
cầm cờ tiên phong trong cuộc thánh chiến.

<h2>ISIS nguy hiểm như thế nào?</h2>

Trước nhất, ISIS hành xử rất hung bạo. Những cuộc xả súng
không khoan nhượng vào người đối lập tay không và người
dân vô tội khiến ai cũng rùng mình. Là một tổ chức theo Hồi
giáo Sunni, ISIS khiến cộng đồng Shia ở Iraq khiếp đảm và
tháo chạy. Chủ trương của ISIS với những người chống đối
là: "ISIS hay là chết!"

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khiến ISIS trở nên vô cùng
nguy hiểm chính là việc tổ chức này không chỉ đơn giản là
một nhóm khủng bố thánh chiến với tham vọng toàn cầu như
Al-Qaida. ISIS không đánh rồi rút. ISIS đánh và lập nên nhà
nước của riêng mình. Điều này khiến cả thế giới bất
ngờ vì các tổ chức khủng bố hầu như không có tiền lệ
lập quốc. Việc xuất hiện một "quốc gia khủng bố"
<em>jihadist state</em> (quốc gia của các chiến binh thánh chiến)
là cơn ác mộng không được dự đoán trước.

Nguy hiểm hơn, quốc gia khủng bố này không nằm trong sa mạc
mà bao trùm những hố dầu béo bở. Khởi đầu, ISIS chỉ nhận
viện trợ từ những quốc gia dầu lửa dòng Hồi Sunni muốn
lật đổ chính quyền Syria dòng Hồi Shia. Khi quân đội chính
phủ bỏ chạy, ISIS tiếp quản luôn hàng triệu đôla vũ khi
tối tân của Mỹ viện trợ. Thử làm một phép so sánh, khi
tấn công Tháp Đôi, Al-Qaida là một tổ chức với 30 triệu đô
la tiền quỹ, và được coi là giàu có. Hiện nay, túi của ISIS
nặng 2 tỷ đôla

Một điều Al-Qaida không ngờ là khi ISIS tách ra, 65% jihadist
(chiến binh của Thượng Đế) của Al-Qaida cũng bỏ đi theo ISIS.
Trong mắt những kẻ cầm súng vì một lý tưởng tôn giáo
thống trị và hợp nhất toàn cầu, ISIS từ một nhánh khủng
bố nhỏ bé đã vượt lên trên cơ Al-Qaida và trở thành kẻ
cầm cờ tiên phong trong cuộc thánh chiến.

Trong tình hình nội chiến căng thẳng, ISIS nhận được sự
ủng hộ của một phần dân chúng dòng Hồi Sunni khi tạo
được sự yên ổn nhất định. Sự cực đoan tôn giáo của
ISIS ít nhất cũng có một điểm cộng là thể hiện sự công
bằng, điều mà chính quyền độc tài tham nhũng không làm
được.

Sự ổn định, công bằng, trong một quốc gia mới yên bình
giữa bốn bề khủng hoảng, dù có hạn chế và tạm thời,
chính là điều khiến ISIS hoàn toàn khác với các tổ chức
khủng bố khác. Sự cực đoan man rợ và việc thành lập quốc
gia riêng khiến ISIS trở nên bội phần nguy hiểm.

<h2>ISIS sẽ được xử lý thế nào?</h2>

Sự lớn mạnh không ngờ của ISIS khiến các kết nối đồng
minh bất ngờ thay đổi.

Hiện nay, rất nhiều ánh mắt đổ dồn vào người Kurd. Là
một dân tộc dũng mãnh nhưng chịu mất nước, người Kurd sau
thế chiến thứ nhất không được thực dân Anh cho lập quốc
như đã hứa, mà lãnh thổ bị chia sẻ nằm trải ra trên năm
quốc gia khác nhau, trong đó có Iraq. Vùng tự trị của người
Kurd luôn an toàn và phát triển, khác hẳn với phần còn lại
của Iraq. Những chiến binh người Kurd nổi tiếng thiện chiến
với danh hiệu "peshmerga" (kẻ đối đầu với cái chết).

Để thuyết phục người Kurd tham chiến, chính phủ Iraq chắc
chắn sẽ phải nhân nhượng các hợp đồng bán dầu, nhất là
việc xem xét nhượng lại cho người Kurd thành phố dầu lửa
Kirkuk từ xưa vẫn đang tranh chấp.

Tuy nhiên, sự hợp tác đồng minh bất ngờ nhất có lẽ sẽ
đến từ hai kẻ từ xưa tưởng không đội trời chung: Mỹ và
Iran.

Iran là quốc gia đầu đàn của Hồi giáo Shia, đồng minh không
lay chuyển của độc tài Assad dòng Hồi Shia tại Syria, đương
nhiên cũng là đồng minh của chính quyền dòng Hồi Shia tại
Iraq.

Mỹ với phương châm không tham chiến, nhưng trong cuộc khủng
hoảng ở Syria đã luôn phản ứng tương đối chậm chạm với
các diễn biến leo thang quá nhanh tại khu vực. Syria từ một
mồi lửa dân chủ kiểu Mùa Xuân Ả Rập đã trở thành địa
ngục với sự tham gia và thắng thế của các nhóm khủng bố
toàn cầu, đe dọa cả sự an toàn của Mỹ một khi Syria sụp
đổ.

Với ISIS, Mỹ và Iran giờ có một kẻ thù chung để bắt tay.
Đây sẽ không phải là lần đầu tiên họ hợp tác. Một kẻ
thù chung trong quá khứ, Taliban, cũng đã khiến Iran cộng tác
với Mỹ vào năm 2002.

Lợi ích quốc gia là bàn đẩy để bản đồ đồng minh thay
đổi, cùng chống lại ISIS với tư cách là một thế hệ khủng
bố hoàn toàn mới và nguy hiểm gấp nhiều lần.

<em>Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả,
hiện đang giảng dạy môn Trung Đông Học tại Đại học Khoa
học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan và là tác giả cuốn Con Đường
Hồi Giáo viết về 12 quốc gia Trung Đông thời hậu Mùa Xuân
Ả Rập</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/node/27422), một số đường liên kết và
hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận
để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn
tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt
tường lửa tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc
ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét