Trường Lâm - Ở Bên Pháp Mặt Trời Quay Quanh Trái Đất

<center><img
src="http://guardianlv.com/wp-content/uploads/2014/02/sun-earth-orbit1.jpg"
width="600" /></center>
<h2>Paris, 2008</h2>

Henri cố gắng tập trung để suy nghĩ thật chín chắn trước
khi chọn câu trả lời đúng. Khác với các câu hỏi trước, mà
anh đã trả lời một cách dễ dàng, câu hỏi lần này rớt
xuống như như trời sập, như quả núi chắn ngang đường đi.

Henri bắt đầu suy nghĩ vẩn vơ: ở đời không có gì cho không
biếu không mãi cả, trò chơi đến đây có lẽ coi như là chấm
dứt, thật đáng tiếc! Tuy nhiên, cũng thật bất công, tại sao
họ lại đi hỏi về khoa học thiên văn, mình có phải là một
nhà thông thái đâu?

Giấc mộng làm giầu không dễ thực hiện chút nào cả, giấc
mơ trở thành triệu phú đang tan dần theo mây khói...

Henri chợt nhớ tới lá bùa cứu mạng: mình có quyền tham khảo
ý kiến của khán giả, được quyền hỏi xem họ nghĩ câu trả
lời nào là đúng, ngu thiệt, suýt nữa thì lại quên mất cái
vụ này!. Thế là theo yêu cầu của Henri, người điều khiển
chương trình bắt đầu gom góp các ý kiến của khán giả.

Hiện diện trong đám người đang theo dõi trực tiếp trò chơi
"Qui Veut Être Millionaire?" (Ai Muốn Thành Triệu Phú?) có Sophie,
cô bạn gái của Henri, đang xôn xao bồn chồn, đưa hai tay lên
che miệng thì thầm: "Vas-Y chéri, vas-y, c'est facile!" ("Anh cưng
ơi, trả lời đi anh, dễ lắm!")

Đây là câu hỏi trắc nghiệm để làm thầy hay làm thợ ấy:
<em><strong>"Cái gì quay quanh trái đất?"</strong></em>

Hãy chọn 1 trong 4 câu trả lời sau đây:

a. Mặt trăng
b. Mặt trời
c. Hỏa Tinh
d. Kim Tinh

Và đây là kết quả tổng kết số % ý kiến bình chọn của
khán giả sau khi họ được Henri yêu cầu giúp đỡ:

a. Mặt trăng 42%
b. Mặt trời 56%
c. Hỏa Tinh 2%
d. Kim Tinh 0%

Nét mặt Henri bỗng sáng rỡ lên như vùng bắc cực vừa mới
thoát khỏi màn đêm dài 6 tháng vắng bóng mặt trời. Không
một phút do dự, anh ta quyết định tự hòa đồng với trí
khôn của đại chúng và chọn câu trả lời: mặt trời.

Vận may của Henri, dĩ nhiên, chấm dứt tại đây. Vận may
thường chấm dứt sớm với đa số các người tham dự trò
chơi này, Henri đã kéo dài cuộc chơi được đến đây, kể ra
cũng không đến nỗi tệ lắm. Tuy nhiên, ở đây có điều gì
là lạ đã xảy ra, có một câu hỏi khiến ta phải tự đặt
ra: "Cái anh Hăng-ri Hăng-rết này sao kỳ quá vậy? Khán giả này
sao kỳ quá vậy?".

Nếu bảo Henri không phải là Galileo thì chưa thâu tóm được
hết cái phi lý của cuộc đời.

Chúng ta phải đi ngược thời gian và dò lại bài vở một chút
về lịch sử của thiên văn học.

<h2>Hy Lạp, 260 B.C.</h2>

Cách đây 2270 năm, tại Hy Lạp, Aristarchus, một triết gia đến
từ đảo Samos, đã đảo lộn cái ý tưởng đã được thiết
lập qua hàng chục ngàn năm sinh tồn, sáng đi săn, tối nằm
ngắm sao, của lòai người với thuyết "Nhật Tâm", theo đó
chính mặt trời, chứ không phải trái đất, mới là trung tâm
của vũ trụ.

Một giả thuyết táo bạo như vậy mà được nảy sinh ra cách
đây 2270 năm! Quả là một bước tiến nhảy vọt vĩ đại của
nhân loại.

Tuy nhiên, tiếc thay mọi chuyện bắt đầu tụt dốc từ đấy
trở đi.

Triết gia Aristote thiết lập ra khoa vật lý riêng của ông, và
lý luận rằng trái đất là trung tâm vũ trụ vì: 1/ Đấy là
chuyện hiển nhiên, 2/ Mọi vật có vẻ đứng yên, nếu trái
đất xoay vần thì tại sao không có gió thổi tạt ngược lại
chiều quay?

Vì thanh thế của Aristotle to tát, và vì cách lý luận của ông
thích hợp với lối tư duy dân dã, cũng như phù hợp với ý
thức hệ chính trị của giai cấp thống trị thời ấy, mô
hình "Địa Tâm" của Aristotle được chấp nhận và duy trì liên
tục suốt 1800 năm sau đó.

Đến giữa thế kỷ thứ 16, Copernicus khôi phục lại thuyết
Nhật Tâm với cuốn sách "Chuyển Động Quay Vòng Của Các Thiên
Thể" và trở thành người châm mồi cho ngọn đuốc khai sáng
kiến thức của thời đại Phục Hưng.

Đến thế kỷ 17, Galileo dùng kính viễn vọng kiểm chứng và
xác nhận lý thuyết của Copernicus. Kepler và Newton kế đó mô
tả qũy đạo của trái đất quay chung quanh mặt trời với các
định luật vật lý, chính xác đến độ người ta có thể
dựa vào ấy để phóng phi thuyền đến tiếp cận đám mây
của hành tinh Uranus, cách mặt trời đến gần 3 tỷ cây số.

Điều nhiển nhiên là sau hơn 300 năm, ánh sáng của cuộc cách
mạng thiên văn ấy vẫn chưa soi sáng hết được hết mọi nơi
trên mặt đất. Theo một thăm dò của Gallup năm 1999, 18% người
Mỹ và 19% người Anh vẫn còn tin là mặt trời xoay quanh trái
đất.

Nhưng trước khi vội kết luận là kiến thức khoa học của
người Pháp (xin nhớ lại cái tỷ lệ 56%) tệ hơn so với
người Mỹ hay người Anh, chúng ta hãy nghe lời giải thích của
các nhà tâm lý học Ori và Rom Brafman sau đây.

<h2>Có Ai Chê Tiền Không?</h2>

Brafman dẫn chứng ra các cuộc thí nghiệm nghiên cứu về ý
niệm công bình sòng phẳng của con người do Joseph Henrich thực
hiện tại Los Angeles: người tham dự được tặng $200 và
được cho biết là phải chia sẻ số tiền ấy với một
người lạ mà mình sẽ không bao giờ thấy mặt và gặp mặt
lại trong đời. Muốn chia sẻ ít hay nhiều tiền là hòan tòan
tùy thuộc lòng hảo tâm của người ấy, tuy nhiên có một
điều oái ăm là: nếu người lạ mặt kia mà từ chối phần
tiền của mình tặng thì cả hai đều mất hết, sẽ không ai
được đồng xu nào cả!

Henrich nhận thấy kết quả thường gặp nhất nhất (ở phương
Tây) là việc chia đồng đều 50/50, và cách chia sẻ theo kiểu
này luôn luôn được cả hai bên ưng thuận. Khi được hỏi,
tất cả mọi người đều đề cập đến chữ "sòng phẳng",
hay "công bình". Người phải chia tiền thường nói "nếu tôi cho
ít quá thì người kia có thể sẽ từ chối." Còn người
được nhận phần chia sẻ thì nói "Nếu sòng phẳng công bằng
thì tôi sẽ chấp thuận, tôi sẽ không bao giờ nhận tỷ lệ
80/20 hay ngay cả 60/40, thà trắng tay còn hơn!"

Các nhà kinh tế thường bàn cãi về quan niệm Homo economicus
(Economical Man), theo đó loài người thường biểu hiện mọi ý
nghĩ, hành vi và việc làm dựa trên lợi nhuận kinh tế, và
dựa vào thuyết đó để cắt nghĩa rất nhiều hiện tượng
từ chiến tranh đến sinh họat văn hóa. Tuy nhiên trên thực
tế, con người có vẻ giống như Homo emoverus (Emotional Man) thì
đúng hơn: cảm xúc, chứ không phải lý trí, là tâm tính nổi
bật nhất của lòai người.

Thật vậy, nếu chỉ dựa thuần túy vào lý trí thì lối phân
chia 80/20, 90/10 hay ngay cả 99/1 cũng vẫn còn mang lại lợi
nhuận kinh tế, thà có ít vẫn còn hơn là hoàn toàn trắng tay,
đặc biệt khi trò chơi ấy bảo đảm cả 2 người tham dự sẽ
không bao giờ gặp nhau trở lại, nghĩa là không có cách gì
để cải thiện chiến thuật kinh tế sao cho người có tính
"tham lam" ấy lần sau phải thay đổi thái độ nếu không muốn
bị mất tiêu $200. Đây là trò chơi "sống cho ngày hôm nay và
ngày mai không bao giờ đến".

Nói cách khác, người khước từ sự phân chia không đồng
đều đã làm việc ấy cốt để "trừng phạt" người kia trên
tinh thần, hay trên nguyên tắc mà thôi, chỉ cốt để sau đó
mình khỏi phải cảm thấy bực tức hay cảm thấy đã bị
đối đãi bất công thua thiệt.

Rất có thể là thính giả của trò chơi làm triệu phú bên
Pháp đã cảm thấy bực mình khi thấy một người có trí tuệ
cỡ Henri đã tham dự đố vui mà lại gặt hái được nhiều
tiền như thế. Họ nghĩ Henri không xứng đáng để trở thành
triệu phú, nên đã cố tình chọn câu trả lời sai để "phạt"
anh ta. Ý niệm về công bằng, chứ không phải sự thiếu sót
kiến thức thiên văn, là động lực đằng sau việc chọn lựa
câu trả lời "mặt trời quay quanh trái đất" với tỷ lệ 56%
nói trên.

Ban tổ chức quốc tế của chương trình "Ai Muốn Thành Triệu
Phú?" xác nhận là khán giả bên Pháp có thể làm lạc lối
người dự thi giống như ở trên nếu họ không hài lòng với
thành tích của thí sinh ấy. Tuy nhiên, nếu Henri mà đổi tên
thành Henry và sang dự trò chơi ấy bên Mỹ thì anh có nhiều hy
vọng thành triệu phú hơn vì cũng theo ban tổ chức, thống kê
cho thấy tại Mỹ chiêu bài "hỏi ý khán giả" thường dẫn
đến câu trả lời trúng trong 90% trường hợp. Đối với
người Mỹ, việc làm giàu mau chóng qua các trò chơi, ai thắng
được cũng đều là điều hay cả, họ sẵn sàng giúp đỡ
người dự cuộc. Còn ngược lại bên Nga, bạn không nên đi
theo với khán giả vì người Nga có thói quen cố tình "đánh
rớt" thí sinh trong trò chơi này, một cách thức mà dân Nga bộc
lộ thái độ đố kỵ, tị hiềm với những người làm giầu
một cách nhanh chóng tại xứ họ.

Brafman còn nhận xét thêm: "Ý niệm công bằng thay đổi tùy theo
văn hóa. Người sống tại các bộ lạc gần sông Amazon (Nam
Mỹ) quan niệm của ai lượm được người ấy giữ. Nay nếu
tự nhiên được người khác đề nghị cho không tiền bạc, dù
là 5% của tổng số tiền phải phân chia cũng vẫn là điều
đáng mừng, có còn hơn không. Tại phương Tây, công bằng có
nghĩa là 50/50 hay phải gần gần như vậy.

Quả là điều bất ngờ nếu chúng ta ngẫm lại rằng ý niệm
công bằng té ra lại là một động lực phi lý trí và phi kinh
tế. Hơn thế nữa, cái động lực ấy đã chi phối sâu đậm
các họat động tư duy, nhận thức, và, từ đằng sau bức màn
cảm tính vô thức, nó lèo lái giật dây lối suy nghĩ của
chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.

___________________

<h2>Tham Khảo:</h2>

- Ori Brafman & Rom Brafman - Sway: The Irresistible Pull Of Irrational
Behavior - Publisher: Doubleday, New York 2008.

- Steve Crabtree (July 6, 1999). "New Poll Gauges Americans' General
Knowledge Levels". Gallup.

- Video gốc: En France, le soleil tourne autour de la terre
http://www.tagtele.com/videos/voir/7042/

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20140415/truong-lam-o-ben-phap-mat-troi-quay-quanh-trai-dat),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét