Người Buôn Gió - Khi cờ thế lập dưới thời cộng sản.

Dạo này mỗi khi đêm xuống, nỗi nhớ nhà dằn vặt. Càng
ngồi máy tính lướt mạng đọc tin quê hương, càng thấy nhớ
nhà, nhớ con trai nhỏ bé đến ứa nước mắt. Ước mơ được
nằm ôm con, thơm lên đôi má núng nính. Thấy chân con gác lên
người mình. Đầu con trai gối lên tay mình như khóa chặt không
để bố đi.

Thằng bé có tư thế ngủ kỳ lạ, nỗi sợ bố đi mất hiện
cả trong tư thế ngủ. Khi thức, mỗi lần Tí Hớn đang chơi hay
làm gì, thấy bố mặc quần áo là bỏ đồ chơi hoặc sách vở
hốt hoảng hỏi bố đi đâu, bố đi bao giờ về. Bố nhớ về
trước lúc con ngủ nhé, bố nhớ mai về để đón con bố
nhé....

Nhiều khi tôi thấy mình tàn nhẫn với gia đình, bởi nhiều
lần tôi bước chân ra khỏi nhà. Cho dù chẳng mang hành trang
gì, độc bộ quần áo trên người. Nhưng ngày về hay giờ về
không dám hẹn. Chẳng thể nào biết được , chỗ tôi đến là
những nơi nhiều người khác họ không muốn đến. Mà chỗ như
thế thì lành dữ ít nhiều.

Nhưng tôi vẫn dứt tay đứa con trai nhỏ bé đang bám vạt áo
mình để đi. Chẳng phải vì chí tang bồng hay giang hồ con mẹ
gì nữa, tôi qua cái tuổi đấy lâu rồi. Cũng chẳng phải vì
cơm áo gạo tiền gì, tôi đủ tài năng và điều kiện để
tạo một kinh tế khá ổn định cho mình nếu như tôi chú tâm.
Tôi đi đến đó vì những điều mà tôi thấy phải đến. Thế
thôi.

Lần này tôi đi rất xa, tôi đã không về như lời hẹn với
con trai. Bố sẽ về trước sinh nhật con ngày..tháng 10.

Ở đây trời đã lạnh, rồi còn mưa tuyết, băng giá sắp
đến nữa. Tôi phải học ngoại ngữ thêm thời gian dài, rồi
không chừng tôi phải học cả kinh tế nữa ( chẳng biết học
kinh tế làm gì nữa !). Những người muốn tôi học đều là
những người rất già, hầu hết họ đều qua tuổi 70, ở họ
cái chết đều đã cận kề đến nỗi được nhắc đến trong
câu chuyện như điều tất nhiên nay mai. Tiền bạc, danh vọng
với họ không còn ý nghĩa nữa. Nhưng cái mong muốn được
nhìn thấy tôi học hành đến nơi đến chốn dường như cháy
bỏng trong họ hàng ngày. Tôi, một thằng vô lại xuất thân
từ một nơi xó xỉnh của ngóc ngách Hà Nội, chẳng họ hàng
gì với họ, chẳng dây mơ rễ má gì với họ. Bỗng nhiên họ
coi tôi còn hơn con ruột, em ruột.

Xin đừng nghĩ họ lợi dụng điều gì đó ở tôi. Họ chẳng
còn hy vọng sống đến ngày tôi học xong, đừng nói họ mong
tôi học xong làm gì cho họ. Đôi khi cuộc đời có những con
người kỳ lạ như vậy, có lẽ khi nào tôi và các bạn ở
tuổi gần đất xa trời như họ, chúng ta mới hiểu được vì
lẽ gì họ làm vậy.

Tôi muốn bỏ về lắm, nhưng ít ra tôi cũng phải học xong
ngoại ngữ để đáp lại tấm lòng của những người tôi mến
trọng. Ít nhất phải là vậy.

Bây giờ tôi chỉ có hai mối bận tâm, đó là việc học và
nỗi nhớ nhà.

Nỗi nhớ nhà, nhớ con thật khủng khiếp. Nó day dứt bất cứ
lúc nào, khi nấu món ăn, khi nhìn áng mây, nhìn ngọn cây vàng
lá, nhìn mái nhà ai hao hao giống nét quê nhà. Nỗi nhớ hiện
về trong đêm lạnh khi quờ tay không thấy con trai mình nằm
cạnh. Nỗi nhớ khiến kẻ bao lần tù ngục, bao nhiêu vết sẹo
trên người phải lấy mép chăn lau nước mắt.

Những đêm như thế, tôi chọn suy nghĩ gì thật khốc liệt
để quên đi. Nếu không ngẫm nghĩ về thế sự, thường tôi
sẽ chọn những ván cờ thế để giải. Tập trung suy nghĩ
giải một thế cờ, đòi hỏi tư duy liên tục, trí nhớ và trí
tưởng tượng hình dung những biến động sau mỗi nước đi,
thậm chí là đến 7 hay 10 nước đi. Có những ván cờ thế
nước giải quyết thật hóc hiểm, có những nước giải thật
ngộ nghĩnh. Tôi thích nhất những ván cờ mà cách giải thật
khôi hài, kiểu như cù nhầy cù nhằng hay kiểu đột biến ở
những tình huống bất ngờ. Từ những ván cờ giải xong, tôi
lại nghĩ về những người soạn ra ván cờ. Dần dần tôi nhìn
thế cờ đoán được cả tính nết của người soạn. Đêm nay
đến ván cờ thứ 191 tôi suýt bật cười vì cái tên thế cờ.

<strong>Bài Ca Tổ Quốc.</strong>

Cái tên thật lạ, thường thì cờ thế người ta đặt tên hoa
mỹ theo tiếng Hán. Ví dụ như Bát Tiên Quá Hải, Nhị Pháo
Tranh Tiên, Truy Trọng Tắc Đồ... đó là những thế cờ cổ
xưa.

Thế cờ Bài Ca Tổ Quốc, riêng cái tên của nó khiến tôi suy
nghĩ. Tôi đoán nó được soạn dưới thời cộng sản. Thưởng
chỉ có cộng sản người ta mới chọn cái tên thế, để mừng
ngày quốc khách, mừng Xuân, mừng Đảng. Tôi thử tìm tông
tích thì đúng nó được soạn năm 1995 ở một nước cộng
sản nắm quyền. Tôi phải bật cười suýt sặc vì thấy mình
đoán bừa lại đúng.

Lúc này tôi mới nhìn rõ vào bàn cờ, thật nực cười, quân
hai bên trùng trùng điệp điệp. Thường thì cờ thế soạn
không nhiều quân. Và chỉ có quân nào hữu dụng mới có mặt
trên bàn cờ. Người xưa soạn cờ không soạn những con cờ vô
dụng. Thế mà ván cờ này đầy rẫy những quân mà những
người biết chơi nhìn một lúc là hiểu, chẳng bao giờ dùng
đến. Thế cờ Bài Ca Tổ Quốc dưới đây.


<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-frc1/1383819_597273136997650_1156945285_n.jpg"
/></center>


Thế cờ này chỉ có pháo, mã đưa đẩy nhau kéo dài mấy chục
nước đi đến kết thúc. Nó không có nhiều nước đi đặc
sắc. Nhưng cái đặc sắc là những nước lặp đi lặp lại
bền bỉ, lâu dài mới giải quyết xong ván cờ. Cái nữa là có
quá nhiều quân cờ vô dụng được bày ra không biết là để
hoa mắt người chơi hay là thỏa lòng người soạn cờ, hoặc
người soạn cờ có ẩn ý gì gửi gắm.

Tôi loại trừ khả năng người soạn bày ra nhiều quân cờ vô
dụng để thỏa lòng tham là cứ có chỗ nào xếp được quân
cứ xếp cho nhiều. Một thế cờ dằng dai quá 50 nước đi,
chứng tỏ người soạn cờ có một nội lực trí tuệ rất
sâu, người như thế không tham lam làm gì.

Tôi cũng loại trừ khả năng làm hoa mắt, bởi người biết
chơi chút ít họ thấy ngay rằng quân cờ nào hữu dụng và
quân cờ nào vô dụng. Người soạn chả làm thế để mong
người giải rối trí bởi điều đơn giản ấy.

Vậy người soạn có ẩn ý gì gửi gắm từ ngay cái tên thế
cờ cho đến cách bày la liệt những quân cờ vô dụng.? Làm
mất thời giờ, làm rối rắm bàn cờ.

Biết đâu người soạn cố tình soạn những quân cờ vô dụng,
trùng trùng điệp điệp tốn đất, tốn chỗ trên bàn cờ.
Rồi đặt cái tên Bài Ca Tổ Quốc để gửi thông điệp minh
họa rằng cái thế tổ quốc dưới thời cộng sản là như
thế đấy. Đầy những cái vô dụng chả dùng vào việc gì,
nhưng nó vẫn chiếm chỗ, vẫn án ngữ, hiện hữu trên đời.
Và muốn giải quyết được bàn cờ, phải bỏ qua chúng, đừng
chú tâm vào chúng. Phải chọn những con cờ hữu ích, có những
nước đi chính xác, phải bền bỉ tư duy để theo một cuộc
giải quyết rất trường kỳ.

Chẳng biết tôi tư duy có đúng không, nhưng sự suy ngẫm ấy
làm tôi vui và quên nỗi nhớ nhà. Nhìn lại thế cờ Bài Ca Tổ
Quốc đầy rối rắm, phức tạp và đầy rẫy quân cờ vô
dụng. Phải chăng thế cờ dưới thời cộng sản lập ra, nó
là phải có tên như thế, phải có sự rối rắm như thế.
Phải vậy , như thế mới là đặc sắc của cờ thế lập
dưới thời cộng sản nhỉ.?

Bỗng nỗi nhớ nhà lại day dứt trở về.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20131019/nguoi-buon-gio-khi-co-the-lap-duoi-thoi-cong-san),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét