Mai Xuân Dũng - Biểu tình: Viết trước cơn giông

<center><img
src="https://encrypted-tbn3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcR_6UvVifVNzE_I_9iqoIDApZjadnuFDouFAa-5RxgMUR95aUvWEg"
/></center>
<center><em>Ảnh: Internet</em></center>

Mấy ngày qua,một vài trang mạng xã hội như Facebook, vài blog
ẩn danh đã lên tiếng kêu gọi người dân Việt Nam ở Hà Nội
và TP/HCM xuống đường biểu tình chống Trung Quốc vào ngày
Chủ Nhật này và được các trang mạng khác đăng lại.

Mục đích của cuộc biểu tình được nêu ra là để "phản
đối Trung Quốc gây hấn và xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên
biển Đông". Kể từ mùa hè 2011, dư luận đã quen với những
hoạt động như vậy. Đặc biệt, chủ đề "Biểu tình"
trở nên rất nóng, thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế khi
những người biểu tình bị chính quyền, công an nhìn nhận như
những cuộc "gây rối" và đã có những hành động bắt
bớ, trấn áp mạnh mẽ. Những việc đó thực tế đã làm quan
hệ của nhân dân và nhà cầm quyền vốn đã có mâu thuẫn sâu
sắc nay càng trở nên tồi tệ hơn.

Chắc chắn về phía nhà nước đã có nhiều cuộc họp bàn
để đưa ra những giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, như
đã thấy, có vẻ những quyết định trên thượng tầng tỏ ra
thiếu sáng suốt hoặc bị chi phối bởi những "sức mạnh ý
thức hệ" từ bên ngoài. Theo dư luận là để làm vừa lòng
ông bạn khổng lồ Trung hoa để đổi lại sự "che chở"cho
chế độ hoặc hứa hẹn hậu thuẫn những vị trí then chốt
trong bộ máy lãnh đạo đảng cộng sản.

Sự chỉ đạo từ cấp trên theo đường hướng đó dẫn đến
biện pháp khống chế các cuộc biểu tình ôn hòa của chính
quyền tại hai thành phố là khá thô bạo.

Thực tế cho thấy các cuộc biểu tình nói trên được lực
lượng công an "quan tâm đặc biệt". Chính quyền hai thành
phố Hà nội và Sài gòn tích cực ngăn chặn từ khi diễn tiến
biểu tình chuẩn bị xảy ra và bao vây giải tán khi những
người biểu tình tập trung xuống đường tuần hành. Việc
"dọn dẹp" này thường được nhà nước giải thích là
để "ngăn chặn các vụ gây rối trật tự công cộng".
Những người tích cực tham gia bị công an bắt tại chỗ đưa
đi giam giữ tại trại Lộc Hà,nơi từng được biết đến là
trại cải tạo dành cho những người dính đến các tệ nạn
xã hội-một hàm ý nhục mạ họ.

Để giải thích cho những hành động bất khoan dung và trái
hiến pháp của cơ quan công quyền, truyền thông nhà nước đưa
ra một số lý do biện hộ thiếu thuyết phục theo kiểu cách
nói trên. Điều đó làm tình hình chính trị phức tạp thêm,
mâu thuẫn giữa chính quyền và phía người biểu tình lớn
hơn, sự bất bình trong dư luận dân chúng lan rộng nhiều thêm.

Một que diêm có thể thổi bùng lên thành các đám cháy lớn.
Sự cảnh giác đối phó của nhà nước là dễ hiểu. Phía lãnh
đạo đảng cộng sản nhận thức rõ về các nguy cơ bất ổn
xã hội có thể dẫn đến sự chuyển biến xã hội, thúc
đẩy, làm tan rã thể chế một cách khó lường như tại các
nước đông Âu, Bắc Phi, Ả rập trong thập niên qua. Nhưng
chính cách thức ứng xử thô bạo với các cuộc biểu tình
tuần hành của phía nhà cầm quyền luôn là nguyên nhân chính
tạo ra cú hích quyết định đối với sự bùng phát bất ổn,
bạo loạn.

Việc kiểm soát các cuộc biểu tình ở bất cứ quốc gia nào
để duy trì, vãn hồi trật tự là điều cần thiết. Ở Mỹ,
Anh, Thụy điển…là những nước có truyền thống tự do dân
chủ, tôn trọng quyền tự do cá nhân nhưng cảnh sát vẫn có
thể ra tay "dọn dẹp" bằng vòi rồng, thậm chí hơi cay.
Chuyện bắt giữ còng tay các công dân quá khích vẫn xảy ra.
Dĩ nhiên, những việc đó là cần thiết khi các phần tử cực
đoan lợi dụng việc biểu tình để đập phá các cửa
hàng,đốt cháy ô tô, gây náo loạn trật tự xã hội. Ở các
nước đó, hành động của cảnh sát trong những vụ việc như
vậy thường được dư luận dân chúng và công luận nhìn nhận
là cần thiết. Nhưng rõ ràng, không thể so sánh bản chất và
diễn tiến của các cuộc biểu tình chống Trung quốc bành
trướng ở các thành phố tại Việt nam với các cuộc biểu
tình phản đối chính phủ trong chính sách an sinh xã hội hoặc
chính sách đối ngoại…của những chính phủ như bên Anh
quốc, Mỹ... Mặt khác, những người tham gia các cuộc biểu
tình ở Hà nội, Sài gòn biểu thị sự phản kháng trước các
hành động xâm lược, gây hấn hiển nhiên của nhà cầm quyền
Bắc kinh là những trí thức có tên tuổi mà sự cống hiến
của họ cho đất nước, cho chính thể chế này là điều không
thể phủ nhận. Họ là những công dân thực sự tử tế,lương
thiện. Chính phủ cũng thừa biết chẳng có "thế lực thù
địch" nào lôi kéo họ xuống đường chống nhà nước. Chính
phủ cũng biết rõ họ chẳng hề "gây rối trật tự công
cộng". Họ cũng chẳng hề có ý định "lật đổ chính
quyền" như sự giải thích, tuyên truyền của các cơ quan
truyền thông mà sự tồn tại là bởi ngân sách chính phủ. Dù
rằng mong muốn thay đổi một thể chế xã hội bất công,
đầy rẫy những "con sâu" đục khoét đất nước, làm băng
hoại các giá trị đạo đức như hiện nay là có thật. Nhưng
điều đó không thể kết tội họ, không thể chụp lên đầu
những người biểu tình cái mũ "phản động" được. Chủ
trương đàn áp cùng lối hành xử thô bạo, kém văn hóa của
những người thực thi pháp luật và truyền thông "bú sữa"
quen vu vạ chỉ làm cho những người biểu tình ôn hòa và dư
luận xã hội nghiêng về quan điểm cho rằng một bộ phận
chủ chốt trong đảng cộng sản đã thi hành một chính sách
"phản động" thờ phụng ngoại bang đi ngược lại tiến
trình dân chủ đất nước.

Sự mâu thuẫn giữa nhân dân và nhà cầm quyền là rõ ràng.
Sự chán ghét, bất mãn trước thực trạn tham nhũng lan tràn ở
các cấp cao trong đảng cộng sản là hiển nhiên. Sự mất
niềm tin trước cung cách điều hành chính sách vĩ mô của nhân
dân là điều có thật. Các nhà lãnh đạo đảng cũng đã thấy
rõ và tỏ ra lúng túng trong sự đối phó với vấn đề biểu
tình. Mâu thuẫn nội bộ trong cách giải quyết vấn đề biểu
tình cũng đã phát sinh và còn phát triển. Những biểu hiện
cứng rắn khi đối phó với các cuộc biểu tình ôn hòa nói
lên thái độ của chính quyền với "vấn đề Trung quốc"
là nhịn nhục đến cùng, đối với người biểu tình là cứng
rắn đến cùng để đảm bảo "an toàn chế độ". Có lẽ
đó là lối tư duy vị đảng bất vị dân tộc của những
người lãnh đạo tầm vĩ mô nhưng quá bảo thủ, vị kỷ.

Sự bảo thủ, vị kỷ của đảng lại một lần nữa bộc lộ
khi mới đây tại Quốc hội, những tranh luận về việc có hay
không, nên "sớm đưa vào nghị trình luật biểu tình". Ủy
ban thường vụ Quốc hội tỏ ra quyết tâm trì hoãn bằng
được việc đòi hỏi phải sớm đưa ra dự thảo luật biểu
tình.

Trả lời phóng viên Tuần Việt Nam: "Vừa qua khi thảo luận
tổ về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, có một số đại biểu
cho rằng nếu vẫn chưa soạn các dự án luật như Luật Biểu
tình, Luật trưng cầu dân ý thì Hiến pháp dù có thông qua vẫn
chỉ là một bản Hiến pháp treo?" ĐBQH TP Hồ Chí Minh, luật
sư Trương Trọng Nghĩa, người vừa "đăng ký" nhận soạn Luật
Biểu tình cho Quốc hội chia sẻ: "<em>Theo tinh thần Hiến pháp
hiện hành thì Quốc hội còn đang nợ nhân dân những luật
rất cấp thiết như Luật biểu tình, Luật trưng cầu dân ý mà
món nợ về Luật biểu tình là món nợ ít nhất là từ năm
1959 cho đến nay.</em>

<em>Vào tháng 9/1945 Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 31 ngày
13/9 yêu cầu giữ quyền biểu tình của người dân, hồi đó
gọi là quyền tự do hội họp. Chỉ yêu cầu báo trước 24
tiếng đồng hồ.</em>

<em>Bây giờ cơ quan chức năng phải trả lời là sắc lệnh này
của Hồ Chí Minh có bị hủy bỏ chưa. Điều đáng nói là trong
bối cảnh chính quyền còn non trẻ, thù trong giặc ngoài, dân
trí còn thấp mà Hồ Chủ tịch không hủy bỏ quyền đó. Vậy
không có lý do gì mà thời điểm ngày nay lại không tiếp tục
thể chế hóa quyền đó của người dân.Hơn nữa, chính Thủ
tướng cũng đã đề nghị ban hành luật này từ kỳ họp
trước.</em>"

Ấn tượng nhất có lẽ là đề xuất đưa Luật Biểu tình vào
chương trình năm sau của đại biểu quốc hội thành phố Hà
Nội Nguyễn Đức Chung. Ông Chung hiện là Giám đốc công an Hà
Nội. Và Hà Nội là một trong hai thành phố từng có nhiều
cuộc biểu tình tự phát chống bành trướng Trung quốc. Tại
sao phải trì hoãn đưa ra thảo luận và xây dựng luật biểu
tình?

Cũng có dư luận đây đó từ cấp lãnh đạo đảng là "biểu
tình chống Trung quốc chỉ là cái cớ mà thực chất là chống
chế độ" hoặc "biểu tình là theo lệnh của các thế lực
thù địch từ bên ngoài".

Chuyện biểu tình là hoạt động xã hội bình thường ở tất
cả các quốc gia trên thế giới từ rất lâu và là một trong
những quyền hợp pháp của công dân. Ở Việt nam, quyền biểu
tình được ghi trong Hiến pháp tại điều 69. Hiến pháp năm
1946 chỉ qui định công dân Việt Nam có quyền tự do tổ chức
và hội họp. Nhưng từ Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 đều qui
định công dân Việt Nam có quyền biểu tình.

Tất nhiên bất cứ các cuộc tập hợp có nhiều người tham gia
đều chứa đựng những yếu tố có thể dẫn tới bạo lực.
Bạo lực có thể nổ ra khi căng thẳng lên cao hoặc do cảnh
sát hay quân đội đàn áp. Nhưng một thể chế tốt sẽ chỉ
tốt hơn lên sau các cuộc biểu tình. Và một thể chế tồi
nếu biết nhìn nhận về biểu tình bằng con mắt khoa học và
ít vong bản sẽ trở nên lành mạnh hơn.

Biểu tình thực chất là biểu hiện của một cơ thể xã hội
lành mạnh. Biểu tình giúp chính phủ nhìn ra những khyếm
khuyết tất yếu trong quá trình điều hành vĩ mô. Giải quyết
vấn đề biểu tình như thế nào luôn là thứ "nhiệt kế"
đo sự hiểu biết xã hội, trình độ quản lý nhà nước và
khẳng định bản chất tiến bộ hoặc phản động của những
người cầm quyền.

MXD

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130601/mai-xuan-dung-bieu-tinh-viet-truoc-con-giong),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét