<em><strong>Xin vote cho Alan Phan, dù ông là ai, khi ông khuyên các
bộ trưởng "cứ đừng làm gì cả". Bởi biết đâu đó
với việc, giả vờ cũng được, kê cao gối mà ngủ, các vị
chả mang lại niềm vui cho ối người, dù chỉ là trong những
cơn mơ.</strong></em>
<div class="boxleft300"><img
src="http://daotuanddk.files.wordpress.com/2013/04/mu.jpg?w=292&h=300"
/></div>
Ở trong một thành phố rất to, có một con ngõ rất nhỏ. Trong
cái ngõ nhỏ đó, có một khu tập thể không to. Trong khu tập
thể không to, được xây từ năm 1978, vài lần suýt đổ, nhàu
như một miếng giẻ, xấu như một con cóc đó có một căn hộ
rất nhỏ. Và trong căn hộ rất nhỏ đó, có một gia đình rất
to.
Một buổi sáng nào đó, người thương binh bậc 3/4, bệnh binh
bậc 2/3 đạp một chiếc xe "thời Điện Biên" ra ngã tư
ngồi chống cằm ước ao sẽ gặp ngay một chiếc xe thủng
lốp. Bà vợ, nguyên thanh niên xung phong, bệnh binh, y tá hưu trí
sau khi chăm sóc cho lũ cháu lít nhít với một nồi "cơm thợ
cày" nấu sớm, bắt đầu thói quen ngồi bó gối và thở dài.
2 vợ chồng cả huân huy chương lẫn thương tích đầy mình đó
đang ở trong một căn hộ 14m2. Một năm nào đó, bí quá, ông
dẹp bỏ cái danh thương binh cách mạng, cơi nới khoảng không
gian vốn dĩ dành cho xe cứu hỏa để được thêm 1 căn phòng
4m2. Vị chi là 18m2. Cho một gia đình 11 người, 3 thế hệ.
Các bạn ạ. Trong một căn phòng tập thể 18 người, nó
"buồn" đến nỗi mỗi sáng, tất cả phải đi đi lại lại
như chó ngộ để ngăn "nỗi buồn" ập đến, trong khi chờ
người khác giải quyết "nỗi buồn". Có bận, anh con trai
thứ 2 buồn nôn. Anh xông thẳng vào cái góc bé teo được gọi
là nhà wc và, không bụm miệng được, anh "huệ" một phát
vào đúng người thương binh đang vừa tắm, vừa hát bài kinh
điển của ông "Cuộc đời vẫn đẹp sao". Khi người con
trai cả lấy vợ, anh mua ván quây thành một căn phòng bằng
vừa đúng chiếc giường. Thật kinh ngạc, sau mấy năm, anh sinh
ra được 2 thằng cu trên đúng căn phòng tin hin trong căn nhà ti
hi đó. Trong căn nhà 18m2, người ta bỗng dưng phải liên tục
hắng giọng, hoặc ho, để đánh động. Người thương binh,
một hôm bỗng phát hiện ra mình mắc thêm chứng ho mãn tính.
Còn cựu nữ y tá không hát "cuộc đời vẫn đẹp sao
được". Suốt ngày bà thở dài thườn thượt nhìn ông con út
tối tối nằm ngồng ngỗng giữa nhà, đeo tai nghe đi ngủ. Anh
này đã "băm mấy nhát" rồi mà chưa lấy được vợ. Xin
chị em tha lỗi. Không người phụ nữ nào muốn thành người
thứ 12 trong một căn nhà mà trẻ con người lớn, bố chồng,
nàng dâu nằm úp thìa như xếp cá hộp hết cả.
Các bạn sẽ hỏi tôi sao những người anh không đi thuê nhà.
Có đấy. Người con thứ 2 đã đi thuê nhà. Chẳng hiểu khu
Nghĩa Tân nó "đầu rồng" thế nào, giá một căn nhà 24m2 cho
thuê những 5 triệu đồng, bằng đúng lương chị vợ. Thế là
để muốn nhiễm chứng ho, hay e hèm kinh niên, người chồng
trong gia đình nhỏ đó một tay nuôi đủ 4 người.
Cuộc đời nó tệ đến nỗi một đứa bé lên 9, lên 10, đã
bị buộc phải mơ ước có một ngôi nhà. "Bố mẹ cháu gọi
cháu là Bo. Bo có nghĩa là phải ki bo, phải tiết kiệm để có
tiền mua nhà. Cháu tiết kiệm tiền mừng tuổi 4 năm rồi.
Nhưng toàn tiền lẻ"-Cậu bé có lần tâm sự.
Xã hội không thể công bằng với tất cả mọi người. Có
người sẽ nói dẫu sao, người thương binh nọ vẫn còn có
chỗ mà đút chân, dù vào gậm giường. Nhưng ước mơ thoát
khỏi cảnh giường chiếu hẹp là ước mơ chính đáng và không
thể cấm đoán của người thương binh nọ, của những người
đồng đội, của hàng xóm, của không ít trong số đồng bào
ông.
Trong sách Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và đột phá, vị
tướng CA, nay là đương nhiệm Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, TS
Hoàng Minh Chính đưa ra một ví dụ tuyệt vời về những cơn
sốt giá.
Năm 1988, giá một lô đất khu vực đường Láng Thượng là 2
chỉ vàng. Năm 1990, tức là chỉ 2 năm sau, giá khu đất đó
tăng lên 7 cây vàng. Gấp 35 lần. Tới giữa năm 1993, giá khu
đất được rao, các bạn có thể tưởng tượng được không-
với giá 120 cây vàng. Tức là 6 chỉ vàng/m2. Gấp 17 lần so
với 3 năm trước và gấp 600 lần 5 năm trước. Trong 5 năm đó,
chẳng hạn học bổng của sinh viên giữ nguyên mức 49.500
đồng. Nếu phải update cho thời sự thì 120 cây vàng vào thời
điểm dù là "đóng băng" bây giờ chỉ có thể mua được
6m2 đất ở Láng Thượng.
Những thương binh 3/4, quá khứ đổi máu xương lấy lương hưu,
hiện tại chổng mông bơm xe có lẽ cả đời cũng chẳng bao
giờ thỏa mãn giấc mơ một giấc ngủ không phải thủ thế,
vì sợ người khác giẫm phải.
Thật éo le, những người phải thủ thế trong giấc ngủ,
những đứa bé chưa kịp lớn đã phải ước mơ ngôi nhà, trong
xã hội tươi đẹp của chúng ta không phải là ít. Và trong
một hiện thực là với 3 cơn sốt, giá nhà đất ở Việt Nam
đã tăng hơn 100 lần trong chỉ 20 năm. Cái giá, nói như một
vị thứ trưởng là "đang vi vu đâu đó ở trên giời".
Hôm qua, lão thương binh, vừa qua tuổi thất thập bỗng nhiên
giơ cái bơm xe, ngoắc tôi lại và hỏi rằng: Thấy có ông gì
bảo giá nhà đất sẽ rớt đáy thêm năm chục phần trăm?
Và người viết bài này bỗng giật mình nhận ra, rằng: Hóa ra,
ngay cả những người bơm xe ngoài đường cũng quan tâm đến
giá BĐS. Có khi chỉ để tối nay, những giấc mơ có thêm chút
gia vị.
Tại sao chúng ta lại phải cứu số ít các đại gia BĐS khi mà
vô khối trong số cần lao đêm đêm trằn trọc, thủ thế, và
thở dài thườn thượt ngay cả trong những giấc mơ?
Xin vote cho Alan Phan, dù ông là ai, khi ông khuyên rằng cứ để
giá bất động sản rớt thêm 30-50% nữa, cứ để một nửa
số ngân hàng phá sản. Và các bộ trưởng, những nhà hoạch
định chính sách "cứ đừng làm gì cả". Bởi biết đâu
đó với việc, giả vờ cũng được, kê cao gối mà ngủ, các
vị chả mang lại niềm vui cho ối người, dù chỉ là trong
những cơn mơ.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130402/dao-tuan-thua-bo-truong-ong-cu-gia-vo-ke-cao-goi-ma-ngu-quen),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét