<div class="boxleft320"><img
src="http://daotuanddk.files.wordpress.com/2013/03/tien.jpg?w=300&h=151"
/></div>
Tháng 11 năm ngoái, trước Quốc hội, không ít hùng hồn, Bộ
trưởng Kim Tiến tuyên chiến với những cái phong bì: "Bệnh
nhân và người nhà dứt khoát không đưa phong bì. Nếu thấy
bác sĩ, điều dưỡng nào nhận phong bì cứ chụp ảnh gửi cho
tôi".
Bà Bộ trưởng thậm chí bấy giờ còn so sánh chuyện cái phong
bì với "cuộc đấu tranh thiện ác".
Nói thế là phải quá. Trong chính buổi chất vấn, ĐBQH Trần
Thị Dung chẳng phải đã ta thán tham nhũng vặt, lót tay đã là
"chuyện thường ngày" đến nỗi "viện phí chỉ bằng nửa
lệ phí". Hơn nữa, câu chuyện 10 ngàn để mũi tiêm bớt đau,
hay khoản hối lộ "bằng cốc trà đá" để đổi một nụ
cười, không chỉ đơn thuần là chuyện tiền. Cũng không phải
chỉ thản nhiên nói là chuyện y đức. Đó là cái ác của
những người vẫn được tôn vinh mà "mẹ hiền", là thầy
thuốc nhân dân- với những "con bệnh", với nhân dân của
mình.
Tất nhiên, chuyện chụp ảnh bác sĩ nhận phong bì giống y
chuyện phát hiện UFO. Đơn giản: Bác sĩ không nhận phong bì
ngoài ngã tư.
Ấy thế mà đến hôm qua, cũng vẫn là bà Bộ trưởng, cũng
vẫn không ít hùng hồn, nhưng lần này lại là chuyện "cam
kết cán bộ y tế không nhận quà biếu trước và trong quá
trình điều trị". Tức là sau điều trị thì phong bì thoải
mái.
Giải thích cho lý do không cấm bác sĩ nhận quà sau điều trị,
Bộ trưởng Kim Tiến nhấn mạnh: "Văn hóa Việt Nam… việc
đưa quà biếu sau điều trị đó là tấm lòng của người
bệnh".
Bọn "khoai tây" nghe chuyện phong bì này hẳn phải cười
đến trẹo quai hàm khi không thể hiểu được làm sao người
dân phải cảm ơn những người lãnh lương từ tiền thuế
thực hiện nhiệm vụ dẫu là cao cả của mình. Hơn nữa, lời
giải thích giống với lời thanh minh của một bác sĩ chót
nhận phong bì, hơn là của một chính khách làm chính sách đối
với các bác sĩ. Và cái tâm thế, giống của một thôn nữ sau
lũy tre làng hơn là một bộ trưởng.
Một câu hỏi không thể không đặt ra: Văn hóa Việt Nam trong
trường hợp này là gì?
Câu trả lời đúng nhất: Là một thứ lệ làng.
Phải chăng việc bật đèn xanh cho thứ "lệ làng" không thể
nói khác hơn chính là nhân nhượng, nếu như không nói là thỏa
hiệp, thậm chí "đầu hàng"- với cái tệ phong bì đã, đang
và sẽ làm khổ không ít dân chúng.
Trên Dân Việt, một Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào
tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), đơn vị được giao phản
biện các chính sách của ngành y tế nhận xét: "Đưa phong bì
là hậu quả của sự mất kiểm soát của Nhà nước với hệ
thống y tế, đe dọa mục tiêu phát triển công bằng và hiệu
quả trong chăm sóc y tế". RTCCD cho biết thường thì bệnh
nhân chẳng bao giờ dám "mặc cả".
Trên một diễn đàn phụ nữ, khi đọc những lời lẽ của nữ
Bộ trưởng, rằng "Chúng ta quyết thay đổi diện mạo ngành y
tế Việt Nam, chân dung của nhân viên y tế trong mắt người
dân". Chị em, một cách tinh tế và không ít hài hước phát
hiện ra rằng phát biểu của Bộ trưởng thiếu một chữ
"liệt", sau chữ "quyết" (quyết liệt), cho phù hợp với
"Xờ tai đương đại".
Bởi biết đâu đấy, với việc thiếu một chữ liệt và sự
thỏa hiệp với những cái lệ làng, cuộc chiến chống tiêu
cực của ngành y tế lại chẳng "liệt" hẳn khi ngay cả
nhân viên ngành y tế, sau khi nghe Bộ trưởng phát biểu, cũng
băn khoăn rằng làm sao phân biệt cái phong bì nào là trước,
cái phong bì nào là sau, khi mà cái phong bì nào cũng là đựng
tiền và chẳng ai có thể chui vào phòng bác sĩ để một tay
đưa phong bì, một tay lăm lăm máy ảnh.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130328/dao-tuan-nu-bo-truong-le-lang-va-dau-hang),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét