Đông A - Nỗi sợ hãi sự chuyên chế của đa số

Một trong những vấn đề được bàn luận nhiều trong đợt
góp ý sửa đổi Hiến pháp hiện nay là quyền phúc quyết Hiến
pháp của nhân dân. Bên cạnh những ý kiến kêu gọi đảm bảo
quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân, cũng đã xuất hiện
những ý kiến lo ngại về vấn đề phúc quyết Hiến pháp trong
hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam. Ý kiến lo ngại về vấn
đề phúc quyết có thể tóm lại ở hai vấn đề chính:

1. Vấn đề kỹ thuật: trưng cầu dân ý về Hiến pháp có
đảm bảo thật sự chuẩn mực, không có gian lận , thủ thuật
hay ngụy tạo kết quả.

2. Vấn đề bản chất: sự chuyên chế của đa số.

Vấn đề thứ nhất không phải là vấn đề mang tính nguyên
tắc, mặc dù trong nhiều trường hợp nó là vấn đề chính.
Nếu vấn đề thứ nhất nảy sinh thì chính bản thân tính
chính danh của Hiến pháp sẽ là một dấu hỏi, và sẽ tạo
thuận lợi cho các quá trình đấu tranh về Hiến pháp ở tương
lai.

Vấn đề thứ hai là vấn đề cơ bản. Sự chuyên chế của đa
số đã được các nhà tư tưởng về chính trị học nhận ra
từ lâu. Nước Đức với sự cầm quyền của Hitler qua con
đường bầu cử dân chủ là một ví dụ. Đa số rất dễ trở
thành một quyền lực chuyên chế lên những người thiểu số.
Để chống lại sự chuyên chế của đa số, bảo vệ những
người thiểu số, quyền tự do, quyền cơ bản của người dân
phải được bảo vệ, và nhà nước phải được phân quyền
để có thể kiểm soát lẫn nhau và tạo thế cân bằng.

Tình hình hiện tại của Việt Nam rõ ràng không đảm bảo hai
tiêu chí về phân quyền của nhà nước, và quyền cơ bản của
con người, để chống lại sự chuyên chế của đa số. Do vậy
sự lo ngại về vấn đề phúc quyết không phải là không có
cơ sở. Song tôi lại nghĩ rằng vấn đề của Việt Nam khác
với những vấn đề kinh điển về chuyên chế của đa số.
Ngay bản thân chính nhà cầm quyền hiện nay ở Việt Nam cũng
không chắc chắn rằng đa số dân chúng sẽ ủng hộ bản Hiến
pháp của họ, ủng hộ sự cầm quyền của họ. Thậm chí bản
dự thảo Hiến pháp vẫn không có quyền phúc quyết của nhân
dân một cách chắc chắn, và lập lờ vấn đề phúc quyết
để Quốc hội quyết định. Do vậy vấn đề phúc quyết vẫn
là vấn đề bỏ ngỏ. Thực tế, yêu sách đòi phúc quyết
Hiến pháp hay những yêu sách sửa đổi Hiến pháp khác so với
bản dự thảo Hiến pháp mới chỉ là những yêu cầu lý
thuyết, chưa chắc đã được đáp ứng. Không có nền tảng
kinh tế, chính trị hậu thuẫn cho những yêu sách đó, nên tất
cả phụ thuộc vào ý chí của nhà cầm quyền hiện nay. Những
yêu sách đó chỉ tạo ra những áp lực nhất định lên nhà
cầm quyền, và buộc họ phải có những phản ứng nhất
định. Phản ứng như thế nào thì chúng ta vẫn chưa biết. Do
vậy tôi nghĩ rằng yêu sách về phúc quyết Hiến pháp và
những yêu sách khác về Hiến pháp chỉ là những phép thử,
bước tập dượt cho tương lai. Nếu yêu sách về phúc quyết
Hiến pháp được đáp ứng, vấn đề kỹ thuật và vấn đề
bản chất của phúc quyết sẽ được soi xét kỹ hơn. Ngay cả
trong trường hợp nếu đa số dân chúng ủng hộ bản Hiến
pháp của nhà cầm quyền, bất kể do vấn đề kỹ thuật hay
vấn đề bản chất trong phúc quyết, thì đấy cũng không phải
là tổn thất, bởi vì không có phúc quyết thì bản Hiến pháp
của nhà cầm quyền vẫn được thi hành.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130224/dong-a-noi-so-hai-su-chuyen-che-cua-so),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét