Nguyễn Vạn Phú - Các kiểu nợ xấu

Cũng là nợ xấu nhưng vấn đề nợ nước ngoài của Thái Lan
năm 1997, nợ dưới chuẩn của Mỹ và nợ xấu của hệ thống
ngân hàng Việt Nam có những đặc điểm khác nhau nên cách
giải quyết cũng khác nhau.

<h2>Khủng hoảng do nợ ở Thái Lan năm 1997</h2>

Cách đây hơn 15 năm, vào tháng 7-1997 tôi có dịp đi
công tác ở Thái Lan ngay đúng ngày chính phủ nước này quyết
định thả nổi đồng baht, khơi mào cho cuộc khủng hoảng tài
chính toàn châu Á. Lúc đó dĩ nhiên báo chí đưa tin rầm rộ,
phân tích đủ kiểu nhưng vẫn thiếu vắng một cái nhìn tỉnh
táo toàn diện vấn đề nợ của Thái Lan – một cái nhìn chỉ
vài năm sau mới lắng xuống thành lịch sử kinh tế. Thậm chí
lúc đó, tôi còn khá ngây thơ khi phỏng vấn Thủ tướng
đương nhiệm Chavalit Yongchaiyudh, "ông có thể tiên đoán gì
cho nền kinh tế Thái Lan trong sáu tháng tới?" Câu trả lời
của Chavalit cũng "ngây thơ" không kém: "Tại bất kỳ
nước nào, tình hình kinh tế không thể đảo ngược trong vòng
sáu tháng. Chúng ta không thể trông chờ sự phục hồi trong sáu
tháng. Nhưng các bạn sẽ thấy phép lạ xảy ra tại Thái Lan,
tôi tin thế".

Những tháng sau đó, đồng baht mất một nửa giá trị, nền
kinh tế Thái Lan suy sụp hoàn toàn, hàng loạt cao ốc, công
trình xây dựng bị đình trệ, nạn thất nghiệp tràn lan, hàng
loạt doanh nghiệp lớn phá sản, nhiều ngân hàng đóng cửa.
Chỉ một tháng sau tuyên bố của Chavalit, IMF phải nhảy vào và
bỏ ra 17,2 tỷ đô-la Mỹ để cứu nền kinh tế Thái Lan.

Bài học về nợ của Thái Lan là gì? Vấn đề nợ của Thái
Lan mang yếu tố nước ngoài. Trong nhiều năm liền GDP của Thái
Lan tăng bình quân đến 9% mỗi năm, lạm phát thấp, đồng baht
gắn cố định với đồng đô-la Mỹ (25 baht ăn 1 đô-la Mỹ)
nhưng lãi suất cao (khoảng 13,25% trước khủng hoảng) nên
người ta thay nhau vay tiền nước ngoài vô tội vạ. Vay tiền
về đổi ra đồng baht gởi vào ngân hàng cũng đã có lãi rồi
nên nợ nước ngoài của Thái Lan tăng nhanh, là nguyên nhân
chính gây khủng hoảng. Nhất là các khoản tiền này đổ vào
bất động sản, tạo ra tình trạng bong bóng hay đổ vào xây
dựng nhà máy xi măng, sắt, thép, hoá dầu để cuối cùng xảy
ra tình trạng dư thừa ở hầu hết các ngành cơ bản.

Đến năm 1997, nợ nước ngoài của Thái Lan vọt lên 109 tỷ
đô-la Mỹ, đa phần là vay ngắn hạn, cán cân vãng lai lại
thâm hụt trong nhiều năm liền. Giới đầu cơ nhận định
trước sau gì chính phủ Thái cũng phải phá giá đồng tiền
bèn nhảy vào đầu cơ đánh giá xuống. Họ vay tiền baht, đổi
ra tiền đô-la, khiến chính phủ Thái phải bỏ ra 24 tỷ đô-la
(gần hai phần ba dự trữ ngoại tệ) để bảo vệ cái tỷ giá
cố định trên và đến khi hết tiền, phải tuyên bố thả
nổi đồng baht. Từ 25 baht ăn 1 đô-la Mỹ chỉ trong vòng vài
tháng, giá trị đồng tiền này sụt xuống còn 56 baht/1 đô-la
Mỹ. Rõ ràng các khoản vay nợ nước ngoài tính bằng tiền baht
bỗng dưng tăng gấp đôi, làm nhiều ngân hàng phá sản vì con
nợ trong nước phá sản. Khủng hoảng xảy ra và chứng khoán
Thái Lan giảm từ đỉnh cao 1.753 điểm còn 207 điểm vào năm
1998. Phải mất 10 năm GDP Thái Lan tính theo đô-la mới phục
hồi về lại mức năm 1996. Một ghi chú nhỏ: Thủ tướng
Chavalit phải từ chức vào tháng 11-1997, không thể chờ phép
lạ xảy ra.

<h2>Nợ dưới chuẩn ở Mỹ</h2>

Năm 2004 khi qua Mỹ tiếp xúc với khá nhiều người trong cộng
đồng người Việt, tôi thấy nổi lên một xu hướng rất rõ:
vay tiền mua nhà, rồi dùng nhà đó vay tiền mua nhà tiếp, chờ
giá lên để bán hưởng lợi. Có người có đến 4 căn nhà to
đùng trong khi nhu cầu không có. Lúc đó, ai cũng "phấn
khởi" vì giá nhà vẫn đang lên, cao hơn so với giá mua khá
nhiều. Nhẩm tính tiền lãi, ai nấy cũng rộng tay chi xài nhiều
hơn thường lệ.

Thật vậy, sau này nhìn lại, người ta bảo lúc đó cho vay mua
nhà ở Mỹ khá dễ dàng, những tiêu chí về nguồn thu nhập
để trả nợ bị xem nhẹ - từ đó mới có từ "nợ dưới
chuẩn". Bong bóng bất động sản thu hút nhiều người tham gia
(đến 40% mua nhà để đầu tư chứ không phải để ở) chừng
nào giá nhà vẫn tăng đều đặn (tăng đến 124% từ năm 1997
đến năm 2006). Đến giữa năm 2006 lúc giá nhà đã lên đến
đỉnh và bắt đầu giảm nhanh, vấn đề nợ dưới chuẩn nổ
ra. Tiền vay mua nhà thường có lãi suất thả nổi và khi lãi
suất tăng mạnh, nhiều người mất khả năng chi trả tiền nhà
hàng tháng cho ngân hàng. Ngân hàng, trước đó, đã gói những
hợp đồng vay tiền mua nhà trả góp đó thành sản phẩm tài
chính, đem bán trên thị trường chứng khoán. Các tập đoàn
tài chính ôm lấy những loại chứng khoán không còn sinh lợi
này bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn, có nơi phá sản.
Khủng hoảng nổ ra mà hiệu ứng vẫn còn kéo dài cho đến
tận bây giờ.

Bài học nợ dưới chuẩn ở Mỹ là sự dễ dãi của giới
ngân hàng khi cho vay rồi sự lừa dối của nhiều bên liên quan
khi biến nợ thành sản phẩm chứng khoán, mua bán trên thị
trường làm lây lan một cuộc khủng hoảng lẽ ra chỉ giới
hạn trong lãnh vực bất động sản. Ở đây vấn đề tín
dụng rẻ, dễ dãi cũng là thủ phạm; tiền cũng chạy từ
nhiều nước vào Mỹ nên khủng hoảng quay ngược ảnh hưởng
trở lại nhiều nước. Tỷ lệ nợ dưới chuẩn tăng nhanh lên
đến 20% tổng dư nợ cho vay mua nhà và hậu quả là tháng
10-2007, tỷ lệ nợ xấu buộc phải tịch biên nhà lên 16%, tăng
lên 21% vào đầu năm 2008 và 25% vào tháng 5-2008.
Trở lại Mỹ vào năm 2010, gặp nhau, người ta không còn kể
chuyện mua nhà nữa mà là chuyện "kéo nhà", tức là nơi cho
vay tịch biên nhà, bán để thu hồi nợ. Người nào trước
đây mua càng nhiều nhà, giờ càng bạc tóc vì lo vì trở thành
con nợ không lối thoát.

<h2>Nợ xấu Việt Nam</h2>

Mới nhìn qua vấn đề nợ xấu Việt Nam cũng có những căn
nguyên tương tự: tín dụng dễ dãi, dư nợ tăng vọt, tiền
đổ vào nhiều, bất động sản nóng sốt, chứng khoán lên
ngôi, thúc đẩy nhiều dự án hoành tráng chỉ để làm tăng
giá trị cổ phiếu. Đến khi chứng khoán suy sụp, thị trường
bất động sản đóng băng và nhất là khi tín dụng bị siết
chặt, nợ xấu bùng phát.

Nhưng nợ xấu ở Việt Nam không giống ở Thái Lan thời thập
niên 1990 ở góc cạnh không phải là nợ nước ngoài. Dư nợ
của hệ thống ngân hàng Việt Nam chủ yếu là từ trong nước.
Cho đến nay áp lực của nợ xấu lên tỷ giá là chưa đáng
kể, nên không gây ra áp lực phá giá đồng tiền. Nợ nước
ngoài của Việt Nam tăng khá nhanh, từ 31,4% GDP năm 2006 lên 41,5%
GDP năm 2011 nhưng chủ yếu là các khoản vay dài hạn của Chính
phủ như vốn vay ODA chứ vay thương mại chỉ chiếm tỷ lệ
nhỏ. Giả thử có thêm vài ba khoản nợ xấu có nguồn gốc
nước ngoài như các khoản vay của Vinashin bị Elliott đòi như
vừa qua thì tình hình đã rối ren hơn nhiều.

Các gói nợ xấu của Việt Nam cũng chưa bị đóng gói thành
sản phẩm chứng khoán để đem ra bán nên tác động của nợ
xấu chưa mang tính lây lan mạnh như cuộc khủng hoảng ở Mỹ.

Tuy nhiên nợ xấu Việt Nam lại mang những đặc điểm đáng lo
ngại không kém. Đầu tiên là sự thiếu vắng những con số
chính xác, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem như chuyện bình
thường. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội,
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra hai con số: "Theo số liệu
báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 30-9 thì nợ
xấu là 4,93%. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thì con
số này nằm ở khoảng 8,82%". Các ngân hàng báo cáo một
đằng, đánh giá của NHNN một nẻo mà lại không có biện pháp
gì chấn chỉnh, ít nhất về mặt báo cáo số liệu là chuyện
khó chấp nhận. Muốn có những giải pháp tốt cho vấn đề
nợ xấu thì trước tiên phải có thông tin chính xác về nợ
xấu.

Thứ hai, nguồn gốc nợ xấu chủ yếu do doanh nghiệp nhà
nước hay chính quyền các cấp. Chỉ tính riêng tập đoàn
Vinashin, các khoản nợ đến hạn phải trả hàng năm từ lúc
nổ ra khủng hoảng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi
năm. Vinashin bất lực, không trả được, chúng đã biến thành
nợ xấu của các ngân hàng! Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước
như thế hiện là con nợ khó đòi. Theo một báo cáo, doanh
nghiệp nhà nước chiếm đến 70% tổng nợ xấu. Bên cạnh đó,
nợ đọng xây dựng cơ bản mà con nợ là các bộ, ngành và
chính quyền địa phương cũng làm nhiều nhà thầu trở thành
con nợ xấu của ngân hàng. Con số nợ đọng này lên đến
90.000 tỷ đồng nhưng bao nhiêu phần trăm biến thành nợ xấu
thì không có số liệu. Như thế, giải quyết nợ xấu trở
thành chuyện của nhà nước, phải tính đến chuyện khoanh nợ,
tái cấp vốn – tất cả sẽ đè nặng lên ngân sách vốn đã
eo hẹp. Nếu không, làm sao có chuyện ngân hàng phát mãi tài
sản thế chấp của doanh nghiệp nhà nước, có ai dám bán tài
sản của các doanh nghiệp này dưới giá sổ sách, đất đai
được cấp nay giải quyết làm sao?

Loại trừ khoản nợ xấu nói trên, phần còn lại thiết nghĩ
không khó giải quyết. Lúc đó bài học giải quyết nợ xấu
ở Thái Lan hay ở Mỹ sẽ rất hữu ích. Đó là mạnh dạn cho
đóng cửa những ngân hàng nào yếu kém, cho vay bất chấp rủi
ro, định giá tài sản thế chấp sai lầm, lại không chịu
trích lập dự phòng đầy đủ… Đó là sửa đổi Luật Phá
sản để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản
có lối thoát, tự nhiên giá cả sẽ quay về mức xã hội chấp
nhận được và một phần lớn nợ xấu sẽ được thu hồi.
Không lẽ chúng ta phải đợi những hệ quả của nợ xấu xảy
ra như phá giá đồng tiền ở Thái Lan, vỡ nợ tại nhiều ngân
hàng ở Mỹ… lúc đó mới chịu có biện pháp mạnh tay?


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130103/nguyen-van-phu-cac-kieu-no-xau), một
số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc
giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận
có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng
dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét