15 năm Internet VN: Hành trình thuyết phục ròng rã

Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn
thông, chia sẻ rằng mỗi ngày thấy chị bán rau, anh xe ôm...
trước nhà cũng có điện thoại, cũng bàn chuyện trên Internet,
ông lại xúc động và thấy may mắn vì đã mạnh dạn vận
động mở cửa Internet.

<div class="special_quote"><strong>Tin liên quan:</strong>

<ul>
<li><a
href="http://sohoa.vnexpress.net/tin-tuc/doi-song-so/thi-viet-ve-internet-thay-doi-cuoc-song-cua-ban-the-nao-2248202.html">Thi
viết về 'Internet thay đổi cuộc sống của bạn thế
nào'</a></li>
</ul></div>

Được mệnh danh là người có ảnh hưởng số một đến
Internet Việt Nam và có tên trong danh sách <a
href="http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/10/vnexpress-cong-bo-50-nguoi-tien-phong/">50
Người Tiên phong do VnExpress.net tổ chức bầu chọn</a>, tiến
sĩ Mai Liêm Trực không giấu được sự bồi hồi khi nhớ lại
quãng thời gian không thể nào quên - những ngày đầu Việt Nam
hoà mạng Internet toàn cầu cách đây 15 năm (Internet mở cửa
từ 19/11/1997) và quá trình vận động nhằm thay đổi quan niệm
về quản lý Internet kéo dài xuyên qua hai thế kỷ.

<center><img
src="http://l.f5.img.vnexpress.net/2012/11/05/MLT-1-jpg-1352104126_500x0.jpg"
/></center>

<em>- Cách đây 15 năm, không phải ai cũng có thể hiểu được
tầm quan trọng của Internet. Trong hoàn cảnh nào ông đã nhận
thấy sự cần thiết phải triển khai Internet ở Việt Nam?</em>

- Năm 1991, tôi sang Mỹ dự hội nghị thông tin vệ tinh của
thế giới và bạn bè quốc tế giới thiệu với tôi về
Internet. Tôi cảm thấy rất hấp dẫn bởi khi đó chúng ta đã
có điện báo, điện thoại, fax nhưng cùng với Internet là sự
phát triển của thư điện tử. Cũng trong năm đó, World Wide Web
ra đời đã tiếp sức mạnh và làm tăng triển vọng của mạng
kết nối toàn cầu. Khi về nước, tôi cùng các nhà khoa học
công nghệ như ông Bạch Hưng Khang, Trần Bá Thái... hỗ trợ
nhau về viễn thông và công nghệ để làm sao kết nối Internet
ra nước ngoài. Những bức thư điện tử đầu tiên của các
lãnh đạo và chuyên gia Việt Nam với một số nước, như e-mail
của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi cho lãnh đạo Thụy
Điển chính là chất xúc tác lớn cho khát vọng của những
người làm khoa học công nghệ và viễn thông là sớm triển
khai Internet ở Việt Nam.

Chúng ta biết rằng, nhiều công nghệ đã xuất hiện muộn tại
Việt Nam như điện thoại chậm khoảng 50 năm, truyền hình
chậm 30 năm so với thế giới. Ngành viễn thông may mắn đã
được số hóa (hướng đi được giới chuyên môn đánh giá là
táo bạo vì lúc đó, đa số mạng viễn thông thế giới vẫn
là analog) song song với sự phát triển của Internet cuối những
năm 80 đầu 90 của thế kỷ trước. Cho nên chúng tôi quyết
tâm rằng cùng với sự hiện đại hóa của viễn thông, Internet
sẽ là nhu cầu, sức ép của thời đại mới.

<em>- Ông và các chuyên gia gặp khó khăn gì khi thuyết phục các
nhà lãnh đạo?</em>

- Khi lãnh đạo Đảng và Chính phủ lắng nghe đề xuất đầu
tiên, nhiều lo ngại được đề cập như nguy cơ lộ bí mật
Nhà nước hay liệu có quản được thông tin độc hại trên
Internet không. Những lo ngại đó hoàn toàn chính đáng. Chúng ta
đã hy sinh, mất mát quá lớn trong chiến tranh nên phải thận
trọng. Nhưng chúng tôi đặt vấn đề là không kết nối
Internet thì Việt Nam không thể hội nhập. Thế giới đang
bước vào thời kỳ mà Internet sẽ đóng vai trò rất quan
trọng. Khi Việt Nam tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
năm 1995, người ta đã bắt đầu nói đến ASEAN điện tử.
Việt Nam không mở Internet thì làm sao gia nhập được ASEAN
điện tử. Đây là vấn đề cấp bách, không làm không được,
không làm thì Việt Nam bị cô lập và lạc hậu.

<em>- Vậy ông và các chuyên gia đã làm thế nào để "trấn an"
cấp trên và đâu là cú hích khiến Internet được mở
cửa?</em>

- Trong nhiều năm, Tổng cục Bưu điện (tiền thân của Bộ Bưu
chính Viễn thông Việt Nam) nơi tôi làm Tổng cục trưởng
được lãnh đạo Đảng và Nhà nước yêu cầu làm sao để báo
chí Việt Nam, như Nhân Dân, Quân Đội và các báo kinh tế có
thể tuyên truyền ra nước ngoài. Tuy nhiên, chi phí một cân báo
gửi tới châu Âu hoặc châu Mỹ mất khoảng 10 USD, chưa kể sau
khi chuyển lại không có ai đi phân phối. Internet chính là câu
trả lời cho vướng mắc đó. Đây là một trong những yếu tố
khiến các nhà lãnh đạo đồng ý mở Internet, nhưng tôi nghĩ,
tác động mạnh nhất tới quyết định cuối cùng chính là sự
tin cậy vào những con người trực tiếp triển khai.

Chúng tôi cũng học hỏi kinh nghiệm nhiều nước đồng thời
áp dụng biện pháp riêng để ngăn ngừa mặt tiêu cực như
triển khai tường lửa hay ký thông tư liên tịch giữa Tổng
cục Bưu điện và Bộ Công an... Thế nhưng, ở giai đoạn sơ
khai với nhiều nhạy cảm, các nhà lãnh đạo đã ra quyết
định rằng quản lý Internet được đến đâu thì mở đến
đó. Tuy không ủng hộ quan điểm này, tôi cho rằng đó là
điều hợp lý trong thời kỳ đầu của Internet.

<em>- Cảm xúc của ông thế nào vào thời khắc Internet được
mở cửa?</em>

- Thở phào nhẹ nhõm. Trước đó, tôi cùng một số chuyên gia
đã có cuộc gặp gỡ tại nhà riêng của Thủ tướng Phan Văn
Khải. Khi về, Thủ tướng vỗ vai tôi nhắn nhủ: "Trực ơi,
quản lý cho tốt vào nhé". Tôi bỗng hiểu rằng, đó vừa là
lời động viên, là sự thể hiện quyết tâm chính trị của
lãnh đạo trong thời mở cửa và hội nhập nhưng cũng vừa là
lời nhắc nhở về trách nhiệm của mình, rằng mình cần thận
trọng, theo dõi sát sao khi Internet ra đời.

Ngày 19/11, lễ ấn nút mở cửa Internet đã diễn ra. Mở cửa
Internet không chỉ mang lại lợi ích cho đất nước mà còn tác
động lớn đến niềm tin của các nước rằng chúng ta đang
tích cực hội nhập. Nhưng sau khoảng 6 tháng, trong cuộc họp
của ban chỉ đạo quốc gia, một vài cơ quan chức năng đề
cập đến một loạt bài viết có nội dung tiêu cực trên
mạng. Lắng nghe báo cáo, tôi giật mình nhớ tới câu nói của
Thủ tướng Phan Văn Khải rằng nếu mở Internet ra rồi mà còn
đóng lại thì không biết ăn nói thế nào. Làm sao yên lòng
tiếp tục tham gia, tiếp tục phát triển trên Internet? Lại
phải thuyết phục thôi. Tôi nói báo chí quê hương đã lên
mạng, người ta nói sai thì Internet mang đến cho mình cơ hội
nói lại. Nếu chúng ta không có Internet, người ta vẫn nói
những điều không đúng và cả thế giới vẫn đọc được
trong khi mình không có điều kiện phản bác. Thời đó, các báo
chính thống như Nhân Dân, Quân Đội, truyền hình... đều không
tiếp cận được hoặc tiếp cận rất hạn chế với đồng
bào ở nước ngoài. Internet không chỉ giúp chúng ta phản biện
trên mạng mà còn khiến Việt Nam không bị cô lập về mặt
thông tin.

<em>- Mở Internet đã khó, thay đổi quan điểm "quản đến đâu
mở đến đó" còn khó hơn. Ông và các chuyên gia đã làm thế
nào để thuyết phục các nhà lãnh đạo?</em>

- Với quan điểm quản đến đâu mở đến đó, Việt Nam chưa
có đại lý Internet nên số người sử dụng rất hạn chế.
Giới khoa học và chuyên gia tiếp tục thực hiện cuộc vận
động mới với mong muốn có nghị định mới về Internet. Rào
cản lớn nhất là sự độc quyền viễn thông - Internet. Cố
Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ năm 1995 đã có chủ trương mở
cửa thị trường viễn thông nhưng nhiều năm không thực hiện
được vì cái gọi là "sự độc quyền tự nhiên". Đây là
vấn đề nhạy cảm, khó thực hiện ở hầu hết tất cả các
nước chứ không riêng gì Việt Nam. Như Mỹ, Australia cũng mất
đến 10 năm mới có thể phá bỏ độc quyền.

Từ năm 1997 đến năm 1999, Việt Nam bắt đầu các phiên đàm
phán hiệp định thương mại Việt - Mỹ, trong đó có lộ trình
mở cửa thị trường viễn thông. Đến giờ chót, trước khi
ông Vũ Khoan, khi đó là Bộ trưởng Bộ Thương mại, đặt bút
ký Hiệp định tại Washington (Mỹ) vào năm 2001, Ban Thường vụ
Bộ chính trị đã gọi trực tiếp cho tôi và ông Lê Đức
Thúy, Thống đốc ngân hàng, yêu cầu giải trình lần cuối
để cân nhắc có gọi sang cho Vũ Khoan ký hay không. Nói vậy
để thấy quyết định mở cửa viễn thông nhạy cảm tới
mức nào. Mở Internet chủ yếu là thuyết phục cấp trên nhưng
với viễn thông thì còn là sự thuyết phục ngay bên trong nội
bộ. Tôi động viên mọi người rằng mình cạnh tranh sòng
phẳng thì thành tích của mình mới xứng đáng, chứ độc
quyền thì sẽ liên tục bị xã hội lên án. Như hiện nay
người ta kêu ngành điện lực thu nhập cao thế sao cứ kêu
lỗ, người làm điện lực hẳn thấy tự ái, nếu là tôi thì
tôi cũng cảm thấy tự ái. Nhưng nếu cạnh tranh bình đẳng,
anh có thu nhập cao anh sẽ càng tự hào. Quan trọng hơn, nó tạo
ra sức ép trong nội bộ, còn không tư duy bao cấp, ỷ lại sẽ
còn tồn tại mãi.

Chúng tôi may mắn được phối hợp với đồng chí Đặng Hữu,
khi đó là Trưởng Ban khoa giáo Trung ương, người rất ủng hộ
cho Internet phát triển. Chúng tôi cương quyết thay đổi quan
niệm, không phải quản đến đâu mở đến đấy mà là quản
lý phải theo kịp sự phát triển. Vì thế, khi Nghị định 55
về quản lý Internet được ban hành năm 2001, các đại lý
Internet, như thể bấy lâu bức bí không thoát ra được, nở
rộ như nấm mọc sau mưa. Cũng chỉ sau một năm có quyết
định cho phép doanh nghiệp cùng cạnh tranh Internet, FPT đã
chiếm được 30% thị phần. Tôi rất mừng và thở phào bởi
từ lúc này, không ai có thể đóng Internet vì cả xã hội đã
thấy được sức mạnh quá lớn của nó. Nhiều doanh nghiệp
cảm ơn Tổng cục Bưu điện và tôi, nhưng tôi mới phải cảm
ơn lại FPT, Viettel vì nếu họ không thành công tức là chính
sách của tôi thất bại. VNPT có công rất lớn trong quá trình
số hóa, nhưng phá bỏ độc quyền nghĩa là chúng ta không cản
trở sự phát triển của đất nước.

Sau 15 năm nhìn lại, có thể khẳng định Việt Nam đã thành
công khi có thị trường viễn thông - Internet vào loại hàng
đầu của khu vực và thế giới trên ba tiêu chí. Thứ nhất,
công nghệ của chúng ta tương đồng không thua nước nào từ
cáp quang, 3G và sắp tới là 4G. Đứng về giá cả, cước phí
dịch vụ trong nước thấp hơn so với nhiều quốc gia khác.
Nhiều người đi nước ngoài về nói Internet Việt Nam là "thiên
đường". Thứ ba là về mức độ phổ cập, Internet hiện
chiếm hơn 30%, thuê bao di động chiếm 130% trên tổng số dân.

<em>- Chứng kiến Internet ngày càng phát triển, cảm xúc của
ông - người số một của Internet Việt Nam - như thế nào?</em>

- Tôi rất vui vì mình đã đóng góp cho sự phát triển của
Internet và được xã hội tôn vinh, nhưng đó chỉ là một
phần. Điều tôi mừng nhất là khi chứng kiến công nghệ và
Internet đang thay đổi cuộc sống xung quanh. Mỗi ngày nhìn ra
cửa thấy mọi người từ già đến trẻ đều cầm điện
thoại bấm bấm, thấy chị bán rau, bác đồng nát cũng bàn
chuyện mới diễn ra trên mạng, mình xúc động lắm chứ. Và
trên hết, tôi thấy may mắn vì Việt Nam đã không chậm chân
trước con tàu Internet, bởi nếu lúc đó chúng ta không mạnh
dạn mở cửa với lý do an ninh, nhạy cảm... thì giờ sẽ cảm
thấy có lỗi với dân vì đã cản trở sự phát triển của
đất nước.

<em>- Ông cảm thấy thế nào khi giới trẻ dành quá nhiều thời
gian trên mạng xã hội và diễn đàn hiện nay?</em>

- Diễn đàn, mạng xã hội không chỉ là nơi giới trẻ yêu
thích mà ở đó, người tham gia tự điều chỉnh những cái
lệch lạc. Những quan điểm vô văn hóa sẽ bị "ném đá", có
người tưởng mình giỏi, mình hay nhưng khi đưa quan điểm lên
mạng, được góp ý, phân tích thì hóa ra mình sai, mình ngộ
nhận. Chính những phản ứng xã hội trên mạng giúp nâng cao
dân trí. Vì thế, chúng ta nên tích cực trao đổi và đối
thoại. Giới trẻ lọc thông tin rất tốt. Tôi rất cảm động
khi chứng kiến mọi người chung tay giúp đỡ các hoàn cảnh
khó khăn được chia sẻ trên mạng. Tôi cũng rất vui khi thấy
mọi người cùng phản đối những câu nói vô cảm trên diễn
đàn.

Ở đâu cũng có mặt hạn chế, tiêu cực, phải coi đó là
chuyện không thể tránh. Nếu thấy thông tin sai thì các nhà lý
luận chính trị - xã hội... có thể lên mạng xã hội để
đối thoại một cách quang minh chính đại chứ không nhất
thiết phải lên tiếng trên mặt báo hay các kênh chính thống.
Chúng ta không nên lo ngại mà cần tăng cường trao đổi (tôi
không thích dùng từ tuyên truyền) để hướng đến giá trị
chân chính.

Với sự phổ biến của smartphone, tablet, băng rộng..., chắc
chắn Internet còn tác động mạnh hơn nữa đến con người.
Rồi đây, ranh giới giữa cuộc sống online và offline sẽ bị
xóa nhòa. Người ta hay nhắc đến cuộc sống ảo nhưng không
phải, đó là cuộc sống thật. Thực ra, cuộc sống online còn
thật hơn offline vì người ta có thể thẳng thắn nêu quan
điểm mà chưa chắc đã dám nói khi đối mặt.

<em>- Đang làm giám khảo của cuộc thi "Internet thay đổi cuộc
sống của bạn như thế nào", ông có thể chia sẻ Internet đã
thay đổi cuộc sống của gia đình ông ra sao?</em>

- Thế hệ trẻ ngày nay coi Internet như một nỗi đam mê. Tôi có
4 đứa cháu (17 tuổi, 12 tuổi, 8 tuổi và 3 tuổi) đều lên
mạng cả. Bé nhỏ nhất cũng đã biết tự mở FaceTime (dịch
vụ chat hình trên iPhone và iPad) để gọi về cho ông và đôi
khi tôi bị đánh thức lúc 1h đêm vì cháu đang ở nước ngoài
và chưa hiểu về chênh lệch múi giờ.

Tôi đi du học ở Đức lúc 17-18 tuổi, ấn radio còn sợ điện
giật. Thế mà giờ một em bé cũng có thể sử dụng thiết bị
thành thạo. Trước tôi cũng lo lắng sợ mấy đứa trẻ trong
nhà nghiện chơi game vì mình bận rộn công việc còn bọn trẻ
lại thiếu không gian chơi nên chỉ có thể tiêu khiển bằng xem
phim hoạt hình và vào mạng. Thống kê những năm đầu cho thấy
30-40% lưu lượng Internet đến từ game nên tôi cũng sốt ruột
nhưng hóa ra, nhiều nước khác thời kỳ đầu cũng na ná như
vậy. Bên cạnh đó, tiếng Anh của các cháu khá hơn hẳn, rèn
luyện trí thông minh và quen làm việc tốc độ cao. Cháu tôi
lúc 10 tuổi lần đầu đi trại hè quốc tế nhưng nhập cuộc
rất nhanh. Ngôn ngữ có thể bất đồng nhưng chỉ cần vào
mạng hay dùng chung iPad là chúng hiểu nhau ngay, không có Internet
thì làm sao được như vậy?

Hiện mỗi ngày tôi vẫn online ít nhất là 3 tiếng. Từ bé tôi
đã mê đọc nên giờ tôi tải rất nhiều sách trong iPad. Tôi
vẫn trò chuyện với con cháu qua FaceTime và giờ không còn đọc
báo giấy.

<strong>Bài và ảnh:</strong> Châu A

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20121106/15-nam-internet-vn-hanh-trinh-thuyet-phuc-rong-ra),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét