Thomas Fuller - Giám đốc kiểm duyệt của Myanmar đóng nắp cây bút đỏ

<center><img
src="http://graphics8.nytimes.com/images/2012/09/22/world/asia/22myanmar-span/22myanmar-span-articleLarge-v2.jpg"
width="550px" /></center>
<center>U Tint Swe là giám đốc kiểm duyệt cuối cùng của
Myanmar, lực lượng quan trọng phía sau bộ máy tuyên truyền
đáng nể của chính quyền quân đội.</center>

Văn phòng của ông trong thế chiến thứ hai đã từng là trung
tâm thẩm vấn của quân cảnh Nhật, một cơ quan khiến nhiều
người khiếp sợ. Và cũng từ đó mà U Tint có được biệt
danh của mình: <em>kẻ tra tấn văn chương</em>.

"Chúng tôi chẳng bắt bớ hay tra tấn ai cả, nhưng chúng tôi
phải tra tấn bài viết của họ," ông U Tint nói, vẻ mặt
nghiêm trang của ông chuyển sang một nụ cười nhỏ.

Ông U Tint là vị tổng giám đốc kiểm duyệt cuối cùng, vị
thẩm phán đã từng cân nhắc xem quần chúng được đọc
những điều gì, và những điều gì cần phải xóa bỏ khỏi
lịch sử chính thống.

Qua gần năm thập niên, chính phủ quân sự tại nước này đã
xem xét từng quyển sách, từng bài viết, từng ảnh minh hoạ,
ảnh chụp, hay từng bài thơ trước khi chúng được cho phép in
ấn. Đó là một công việc cực quan trọng đối với chính
quyền quân sự, người muốn kiểm soát hầu hết mọi khía
cạnh của đời sống người dân.

Văn phòng kiểm duyệt, được biết dưới chức danh mang phong
thái George Orwell, như là Phân Khu Kiểm Tra Và Giám Sát Báo Chí,
đã từng gây phẫn uất cho biết bao thế hệ các tác giả.
Những nhà kiểm duyệt đã trả lại bản thảo cho họ với bút
đỏ gạch bỏ nhiều đoạn văn. Họ cũng đã từng cấm đoán
rất nhiều quyển sách và bài viết khác. Và bất cứ một hơi
hướng bất đồng gì đối với chế độ quân sự hay một
gợi ý gì về sự thối nát tham nhũng của chính quyền đều
bị đục bỏ. Tên cũ của đất nước này là Miến Điện đã
bị đục bỏ để thay thế bằng Myanmar, là tên gọi được
ủy ban quân sự ưa chuộng.

Ngay cả những trang quảng cáo của cuốn sổ niên giám điện
thoại cũng phải qua kiểm duyệt.

Khoảng một trăm kiểm duyệt viên, phần đông là phụ nữ,
ngồi trên những ghế gỗ và miệt mài làm việc trước những
bàn giấy gỗ tếch cũ kỹ. Một số công việc được thực
hiện bằng máy điện toán, nhưng nhiều kiểm duyệt viên vẫn
còn giữ những cây bút đỏ trong ống bút của mình. Văn phòng
bừa bộn những chồng sách vở, báo chí, và bản thảo ẩm
mốc, và nhân viên cho biết họ phải thường xuyên xịt thuốc
trừ sâu để giết mọt sách.

Ngày nay văn phòng thật là im vắng. Cách đây một tháng ông
Tint Swe tập họp những nhà biên tập và xuất bản hàng đầu
trong nước lại cho biết một tuyên bố to tát: sau 48 năm và 14
ngày hoạt động, nền kiểm duyệt tại đây sẽ được đào
thải ra bãi rác của lịch sử.

Đối với thế giới bên ngoài, những thay đổi tại Myanmar,
tạm thời chỉ nêu ra vài ví dụ, như việc trả tự do cho
những người bất đồng chính kiến, lập ra quốc hội, nơi
đang có những cuộc tranh luận sôi sổi ngày nay, và những tự
do cho giới truyền thông báo chí, v.v... đã xảy ra vừa rất
đột ngột lại vừa không kém ngỡ ngàng. Ít có những
trường hợp nào trong lịch sử gần đây cho thấy những nền
độc tài quân phiệt lại từ bỏ quyền hành của mình mà
không qua bạo động hay đổ máu như vậy.
Câu chuyện đời của ông Tint Swe đã diễn biến theo những thay
đổi bên trong chính quyền và sự nhận thức dần dà của các
viên chức rằng chế độ cầm quyền quân sự không thể bền
vững mãi được. Ông và những quan chức khác trong Bộ Thông
Tin đã đặt lịch cho việc bãi bỏ kiểm duyệt vào năm ngoái,
chỉ một tháng sau khi chính quyền của tổng thống Thein Sein
lên nắm quyền.

"Công việc tôi từng làm không còn thích hợp với thế giới
và không hòa hợp với thực tế," ông Titn Swe phát biểu từ
văn phòng của mình, nơi những khẩu hiệu tuyên truyền cho
chính phủ vẫn còn đang treo trên các bức tường. "Chúng ta
không tránh né thay đổi được nữa," ông bảo, "toàn thể
đất nước mong muốn thay đổi."

Chính thức thì ông Tint Swe, năm nay 47 tuổi, đã từng là sức
mạnh chủ yếu đằng sau bộ máy tuyên truyền của chính quyền
quân sự. Tuy nhiên khi nhìn thấy những biểu hiện rõ ràng cho
thấy quyền hành của chế độ đã sụp đổ như thế nào trong
những năm tàn tạ cuối cùng của nó, thì vị tổng giám đốc
kiểm duyệt cũng đã có một cuộc đời hai mặt. Ông thú thực
trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi rằng mình đã từng là
một người viết văn đầy khát vọng. Vào ngày cuối tuần,
ông Tint Swe sáng tác những bài viết dài về lịch sử quân
sự, vũ khí, và các đề tài khác. Một trong những sách được
ông ưa thích nhất là lịch sử quân sự Hoa kỳ.

Ông đưa bài của mình lên Facebook, và đã khiến cho giới báo
chí đùa trêu mỉa mai rằng ngay cả ông tổng kiểm duyệt cũng
biết cách tránh né hội đồng kiểm duyệt.

Những cải tiến kỹ thuật đang thách đố chính quyền như
điện thoại cầm tay, truyền hình qua vệ tinh, và thế giới
xuất bản trên mạng kỹ thuật số (digital) vượt khỏi tầm
tay của các nhà kiểm duyệt đã là những thực tế rất hiển
nhiên cho những quan chức như ông Tint Swe. Chính họ và gia đình
họ cũng đang trải nghiệm những thay đổi đó.

Giới báo chí tại Myanmar cho rằng một cựu quân nhân như ông
Tint Swe đã trải qua một sự chuyển tiếp dần dà qua năm năm
rưỡi nắm quyền của cái gọi là kẻ tra tấn văn chương.
(Việc tra tấn chân tay áp dụng đối với tù chính trị tại
Myanmar do những ngành khác trong chính quyền đảm nhận.)

Thoạt đầu là một viên chức nghiêm khắc, nhẫn tâm, và không
khoan nhượng, một mô hình chính xác của một sĩ quan quân
đội, ông Tint Swe dần trở nên thân thiện và khoan dung hơn khi
ông nhận thức rằng kiểm duyện không thể bền vững được
trong thời đại Internet. Trong năm nay, ông đã tiến xa đến
độ giúp các nhà biên tập tổ chức một hội nghị về tương
lai của nền báo chí trong nước.

Ông Saw Lynn Aung, biên tập của tuần báo Naypyitaw Thời Báo,
hồi tưởng lại sự bực tức không kềm hãm của ông Tint Swe
cách đây năm năm khi ông ra lệnh đục bỏ một đoạn viết
kết tội tham nhũng tại một bộ nọ.

Ông Saw Lynn Aung nhớ lại ông Tint Swe đã hét lên, "Anh biết
luật mà! Tôi có thể đóng cửa báo anh đấy!"

Ông Tint Swe giữ chức vụ tổng giám đốc kiểm duyệt trong
những thời kỳ sóng gió nhất của chế độ quân phiệt,
điển hình là sự nổi dậy của các nhà sư mùa thu năm 2007 và
phản ứng bát nháo của chính quyền khi đối đầu với cơn
bão Nargis đã giết chết ít nhất là 130 nghìn người tháng năm
năm 2008. Ông cho biết trong những thời gian đó kiểm duyệt
cần thiết để giữ trật tự và ổn định.

Các nhà báo cho rằng sau khi trải qua những biến cố chấn
động đó ông Tint Swe bắt đầu tỏ ra uyển chuyển hơn.

Ông Saw Lynn Aung cho biết: "Ông Tint Swe bảo: 'Xin quí vị hãy
nhẫn nại, thay đổi sẽ đến với chúng ta!'. "Theo ý kiến
tôi, ông ta đã đi trước thời đại."

Ông Tint Swe cho biết cũng như mọi người khác, ông cẩn thận
quan sát những tín hiệu từ lãnh đạo tối cao. Ông theo sát
diễn văn nhậm chức của tổng thống Thein Sein năm rồi vốn
chú trọng đến vấn đề hoà giải vả giảm ngèo.

"Bài diễn văn cho tôi cảm tưởng rằng những thay đổi thực
sự đang bắt đầu đến." Ông Tint Swe cho biết.

Ba tháng sau khi tổng thống mới nhậm chức, trước khi những
quan sát viên bên ngoài có sự tin tưởng rằng cải tổ chân
chính là có thật, ông Tint Swe và những quan chức khác bắt
đầu những bước đầu tiên để ptháo gỡ hệ thống kiểm
duyệt. Tháng 6 năm 2011, những bài viết về giải trí, y tế,
thiếu nhi, và thể thao được miễn kiểm duyệt. Tiếp theo là
những đề tài khác, để rồi đến tháng rồi đạt đến
miễn việc kiểm duyệt các đề tài chính trị và tôn giáo, hai
đề tài cuối cùng được bãi bỏ kiểm duyệt.

Trong khi di sản của chế độ độc tài phai mờ dần vào quá
khứ thì vẫn còn có những nỗi lo sợ cầm canh rằng mọi sự
rồi sẽ tái diễn trở lại. Liệu những đại gia làm ra tiền
từ những kinh doanh độc quyền và những hợp đồng do chế
độ quân phiệt ban cho sẽ cản trở sự giải tỏa kinh tế hay
không? Liệu những kẻ cứng rắn rồi có kềm chế các cải
cách không?
Về vấn đề kiểm duyệt thì ông Tint Swe rất dứt khoát.

"Nhất định sẽ không có việc quay ngược lại," ông cho
biết.

Kyaw Min Swe, biên tập của tờ Tiếng Nói Hằng Tuần (The Voice
Weekly) một tờ báo tiên phong đã từng sáu lần bị chính
quyền buộc tạm ngưng xuất bản, cho rằng phá bỏ kiểm duyệt
vẫn chưa đủ. Ông tranh luận rằng toàn bộ Bộ Thông Tin phải
bị bãi bỏ.

"Hầu hết tất cả mọi Bộ Thông Tin đều phục vụ chế
độ độc tài," ông Kyaw Min Swe bảo.

Số phận của văn phòng kiểm duyệt và nhân viên vẫn còn đang
chờ quyết định, ông Tint Swe cho biết. Khoảng 100 nhân viên
kiểm duyệt thú nhận rằng họ đang rảnh rỗi vô cùng và trong
tương lại sẽ còn có ít việc để làm hơn nữa, vì trách
nhiệm đăng ký xuất bản hiện đang giao cho các tiểu bang đảm
nhiệm.

Ông Tint Swe nhìn quanh văn phòng của mình và cho biết ông cảm
thấy một nỗi mất mát nào đó.

"Tôi tự hào rằng tôi là người đã chấm dứt nó," ông
nói về vấn đề kiểm duyệt. "Tuy nhiên tôi cũng là con
người. Văn phòng của tôi trước đây tràn ngập nhà văn và
nhà xuất bản."

"Hiện giờ thì văn phòng tôi giống như một thành phố bị
bỏ hoang," ông bảo.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/tin-tuc/20120923/thomas-fuller-giam-doc-kiem-duyet-cua-myanmar-dong-nap-cay-but-do),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét