Marianne Brown - Quan ngại về kinh tế Việt Nam gia tăng

<center><img
src="http://gdb.voanews.eu/B3B94460-0A17-487B-B268-7696AE3CA624_w640_r1_s_cx0_cy2_cw0.jpg"
width="550px" /></center>

HÀ NỘI — Việt Nam dự định mở cửa thêm thị trường cho
những công ty chứng khoán do các nhà đầu tư nước ngoài làm
chủ. Kế hoạch này là một phần của một nỗ lực rộng lớn
hơn nhằm tư nhân hóa các công ty quốc doanh và thu hút thêm
đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên một loạt những vụ án tham
nhũng lớn và vấn đề vật giá leo thang đang làm cho nhiều
người Việt Nam cảm thấy lo âu. Từ Hà Nội, thông tín viên
Marianne Brown của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật sau
đây.

Sau một thập niên có tỉ lệ tăng trưởng cao, kinh tế Việt
Nam đã trở nên u ám đi nhiều trong vài năm qua. Những ngân
hàng có nhiều nợ xấu, các doanh nghiệp nhà nước đầy dẫy
tham ô và quản lý yếu kém, và tỉ lệ lạm phát cao đã mang
lại những hậu quả tai hại.

Trong lúc các doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc
vay vốn làm ăn và số người thất nghiệp mỗi ngày một
nhiều, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội đã hứa hẹn thay đổi.
Tháng 7 vừa qua, chính phủ loan báo tái cấu trúc các tập đoàn
lớn do nhà nước làm chủ, kể cả Tập đoàn Dầu khí Việt
Nam. Tuy nhiên, vụ bắt giữ tỉ phú ngành ngân hàng Nguyễn
Đức Kiên hồi tháng trước vì những tội phạm kinh tế chưa
được tiết lộ đã làm lay động niềm tin của giới đầu tư
và thị trường chứng khoán đã giảm giá mạnh.

Hồi đầu tháng này, trong một hành động mà một số nhà quan
sát cho là để vực dậy thị trường chứng khoán, các giới
chức chính phủ loan báo một nghị định cho phép các ngân
hàng, các công ty chứng khoán và các công ty bảo hiểm nước
ngoài hoạt động ở Việt Nam được mua 100% phần hùn của các
công ty chứng khoán hiện có. Các nhà kinh tế học hoan nghênh
kế hoạch này. Họ nói rằng kế hoạch này tạo điều kiện
thuận lợi cho quá trình tư nhân hóa bằng cách khuyến khích
cạnh tranh và tạo ra một sân chơi bằng phẳng hơn.

Kinh tế gia Vương Quân Hoàng, của Đại học Brussels, đang làm
việc tại Hà Nội, cho biết đây là một bước tiến quan
trọng cho tương lai của nền kinh tế.

Ông Hoàng cho biết: "Tôi nghĩ rằng đây là một việc tốt cho
các công ty chứng khoán nước ngoài. Mặc dù tình hình ngay lúc
này không được tốt cho lắm nhưng chúng ta không nên loại
trừ khả năng là trong tương lai không xa sẽ có thể có một
làn sóng đầu tư mới."

Tuy nhiên, ông Hoàng nói thêm rằng ảnh hưởng của nghị định
này phải mất 12 tháng nữa mới trở nên rõ ràng, khi nền kinh
tế ổn định hơn. Ông cho biết vẫn còn nhiều việc cần
phải làm và tình hình có thể còn tệ hại hơn.

Ông Hoàng nói: "Ngay lúc này chúng ta có những vấn đề lớn
về thị trường nhà đất và sự liên hệ giữa thị trường
nhà đất với thị trường chứng khoán và hệ thống ngân
hàng. Những gì mà quí vị chứng kiến trong vài tuần qua chỉ
là bề mặt của tảng băng."

Những dấu hiệu về sự bất bình của công chúng về tình
hình kinh tế đang mỗi ngày một nhiều.

Đầu tuần này, một nhóm khoảng 20 sinh viên đã biểu tình bên
ngoài các đại công ty dầu khí quốc doanh Petrolimex và
PetroVietnam để phản đối việc tăng giá xăng dầu.

Anh Hoàng, một sinh viên ngành kinh tế, năm nay 23 tuổi, là một
trong những người biểu tình. Anh cho rằng tham ô là một vấn
nạn rất lớn.

Anh Hoàng nói: "Nếu một người vào bệnh viện không có tiền
đưa cho bác sĩ thì sẽ rất khó để được bác sĩ quan tâm
chăm sóc cho mình. Một sinh viên -- em từng là sinh viên, nếu
sinh viên đến kỳ thi không có tiền đút lót cho giáo viên thì
người giáo viên sẽ gây khó dễ cho sinh viên."

Anh Hoàng nói rằng việc tăng giá xăng dầu làm cho dân nghèo
điêu đứng.

Anh Hoàng nói thêm: "Khi xăng đã leo thang thì tất cả mọi mặt
hàng tiêu dùng nhỏ nhất cũng tăng cao và leo thang. Đâm ra
người dân, từ tầng lớp những người bán hàng rong, rất là
nhiều, đến tầng lớp sinh viên như bọn em, đến những
người giáo viên hoặc những người công chức cũng cảm thấy
rất là điêu đứng vì nền kinh tế."

Trong một nước theo chủ nghĩa cộng sản, kinh tế và chính
trị dính liền với nhau. Tuy nhiên, trong lúc vấn đề cải cách
trở nên bức thiết hơn, một số các nhà quan sát lại dè dặt
hơn trong việc bày tỏ ý kiến của họ về nền kinh tế vì lo
ngại sẽ gặp khó khăn với nhà chức trách.

Phát biểu trước cuộc biểu tình hôm chủ nhật, cô Nguyễn
Thị Hợi, 24 tuổi, nói rằng cô không sợ hãi gì cả.

Cô Hợi nói: "Em nghĩ rằng nếu mình đi đúng và mình không làm
cái gì sai thì chắc chắn mình sẽ không sợ."

Các nhà quan sát hoan nghênh những nỗ lực cải cách của chính
phủ, nhưng kinh tế gia Vương Quân Hoàng nói rằng nếu không có
được một lộ đồ dài hạn, người dân sẽ tiếp tục lo âu
cho tương lai. Trong khi đó, áp lực đang tiếp tục gia tăng để
đòi các giới chức chính phủ vực dậy nền kinh tế và mang
lại hy vọng cho những người dân khốn khổ.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/tin-tuc/20120918/marianne-brown-quan-ngai-ve-kinh-te-viet-nam-gia-tang),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét