Huỳnh Thục Vy - Lại nói về sự thỏa hiệp chính trị (tiếp theo)

Có lẽ tiêu đề trên không phù hợp lắm với nội dung mà tôi
muốn trình bày sau đây. Trong phần này, tôi chỉ muốn đưa ra
những giải thích tường minh cho quan điểm của mình - cái đã
theo tôi từ những ngày tôi cầm bút, viết những dòng đầu
tiên gởi đến quý độc giả.

Sau bài viết "Lại nói về sự thỏa hiệp chính trị", tôi
nhận được nhiều phản hồi tích cực, nhưng cũng không ít
những phản hồi bày tỏ sự nghi ngờ, cũng như cho rằng có
sự khó hiểu trong lý luận của tôi. Những điều đó làm tôi
suy nghĩ nhiều, và đón nhận với tất cả sự trân trọng. Tôi
biết rằng mình có trách nhiệm giải thích rõ mọi điều cho
độc giả, để đáp lại sự quan tâm và yêu mến của quý
vị. Lâu nay tôi luôn có thiên hướng đề cao sự minh bạch và
dứt khoát trong quan điểm cũng như cách thể hiện quan điểm.
Dù muốn hay không, đã là người viết, một bài viết tối
nghĩa sẽ không những gây hiểu lầm đáng tiếc đối với cá
nhân người viết, mà có thể còn gây bất lợi cho sự nhận
thức của công luận.

Có thể đề tài này là quá lớn so với khả năng của người
viết. Nhưng với những diễn biến chính trị gần đây: cuộc
chuyển hóa ở Miến Điện, việc ra đời gây nhiều tranh cãi
của Phong trào con đường Việt Nam, những lục đục nội bộ
trong Đảng cộng sản…, với tất cả những quan ngại non nớt
của một người trẻ, tôi muốn đưa ra những gợi mở cần
thiết về chuyện "thỏa hiệp" này để nhận được những
chỉ giáo hữu ích từ những bậc trưởng thượng. Quả nhiên,
tôi đã nhận được một số chỉ giáo hữu ích.

Trong bài viết trước, tôi không muốn bỏ qua câu chuyện
"thỏa hiệp" trên bình diện lý luận trung dung nên đã
khẳng định: khả năng thỏa hiệp là có. Quả thật, trong lý
thuyết đấu tranh chính trị luôn tồn tại khái niệm thỏa
hiệp; dù trong cuộc đấu tranh hiện tại, chúng ta có muốn
điều đó hay không. Lịch sử nhận loại đã chứng kiến
nhiều cuộc thỏa hiệp "động trời". Chúng ta gạt bỏ sự
tồn tại của thỏa hiệp là vô tình đã gạt bỏ luôn khả
năng gây hại của nó, cùng những đối phó cần thiết. Có
thể nói thỏa hiệp chính trị là một đề tài khá nhạy cảm
và gây tranh cãi ở Việt Nam nhưng không có nghĩa là nó không
rình rập ở đâu đó để chờ thời cơ lộ diện. Tôi đặt ra
vấn đề không phải để ủng hộ nó mà để cảnh giác nó.
Đối với tất cả những người thực sự có tâm huyết với
đất nước, xét những tội ác mà những người cộng sản đã
gây ra cho đất nước, cũng như nền văn hóa của sự Ác mà
họ đang cố gắng duy trì, đề cao sự thỏa hiệp với họ là
chúng ta đã tự biến mình thành đồng bọn của kẻ ác.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng tôi đặt ra vấn đề thỏa
hiệp vào lúc này là không cần thiết, xa lạ với thực tế.
Bản thân tôi cũng nhận thức như vậy và đã nói rõ trong bài
trước rằng: bàn luận về sự thỏa hiệp trong lúc lực
lượng dân chủ chưa đủ mạnh là thừa. Nhưng tôi có một
nỗi lo sợ rằng, dù đề tài nhạy cảm này chưa được nhiều
người đấu tranh trong nước bàn luận (về lý thuyết) một
cách nghiêm túc; nhưng ở đâu đó, trong hoạt động của nhóm
này nhóm kia, trong quan điểm của vài người phản kháng… vẫn
đặt sự thỏa hiệp như một khả năng quan yếu. Dù không
được nhắc đến nhiều trên giấy mực, sự thỏa hiệp vẫn
tồn tại trong xu hướng và chủ trương của họ. Nên thiết
nghĩ, thà chúng ta đặt ra để bàn luận, để tỏ tường sự
nguy hại của nó, còn hơn để sự việc được phát triển âm
thầm ngay trong hàng ngũ những người phản kháng.
Tôi không dám cho rằng mình có đủ tư cách để phê phán bất
cứ ai, hoặc bất cứ nhóm nào. Tôi cũng chưa có đủ thời gian
và phương tiện để tìm hiểu về Phong trào Con đường Việt
Nam một cách kỹ lưỡng nhưng tôi cho rằng trong thời đại
thông tin hôm nay những phát biểu hay văn bản có thể sẵn có
cho công luận kiểm chứng. Sau khi đọc những dòng nhà văn
Phạm Thị Hoài (một nữ văn sĩ có uy tín và kiến thức rộng)
viết về Phòng trào này, trong bài viết "Chọn đường" của
bà, nỗi lo sợ về một cạm bẫy khoác bộ áo "thỏa hiêp"
cứ mãi ám ảnh tôi. Tôi tin vào sự khả tín của những đoạn
văn bản được cho là của ông Trần Huỳnh Duy Thức, mà một
người có kiến văn như bà Phạm Thị Hoài, đưa ra. Vì thế
nên, xin quý độc giả hãy đọc bài viết này của bà và tìm
những dữ liệu khác để chia sẻ và thông cảm cho những lo
sợ của tôi.

Tôi đã nói: "<em>Một sự đấu tranh không có sự ngừng lại
và nhượng bộ sẽ là cứng nhắc mà không tận dụng những
điều kiện thuận lợi bên ngoài như một cây cao không biết
uốn mình trong gió bão sẽ khó có thể vươn cao, nếu không
muốn nói là sẽ bị bẻ gãy</em>" với tâm ý rằng: nếu trong
một tình huống cụ thể ngắn hạn phải thỏa hiệp thì có
thể thỏa hiệp, nhưng thỏa hiệp để giành phần lợi ích và
chiến thắng cho chúng ta, cho dân tộc chứ không phải thỏa
hiệp để đánh mất giá trị của mình. Bởi nếu chúng ta
thỏa hiệp để đánh lừa kẻ đối địch, để chiến thắng
họ thì sao chúng ta ngại thỏa hiệp? Và tôi phát biểu rằng
"<em>đối thoại hay thỏa hiệp là một trò chơi nguy hiểm
không dành cho những người thiếu tư duy chiến lược và thiếu
khả năng nhạy bén vượt trội về chính trị</em>"… chỉ
với một mục đích duy nhất là cảnh báo những ai có xu
hướng thỏa hiệp với chính quyền Cộng sản phải cảnh giác
và phải hành động thế nào để lợi ích thuộc về dân tộc,
nếu họ muốn chọn con đường nguy hiểm đó (mà không ai, kể
cả tôi dám chọn) thì nhất thiết họ phải đảm bảo mình có
tài trí vượt bậc để mang sự sáng suốt chính trị ra phục
vụ cho quyền lợi cốt lõi của quốc gia, chứ không phải vì
những tham vọng quyền lực mà bất chấp Công lý, hoặc ngây
thơ làm con rối cho Nhà cầm quyền cộng sản. Như chúng ta
thấy, trí tuệ để xây dựng đất nước người cộng sản
không có, họ có thể thua những Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công
Định… nhưng thủ đoạn gian xảo thì họ có thừa.

Như tôi đã nói trong bài trước: "<em>Công lý chưa được
thực thi, tội ác chưa bị trừng phạt, công lao chưa được
vinh danh, hòa giải chỉ là giả</em>". Vì thế, không thể bán
đứng Công lý cho những thỏa hiệp chính trị, cũng như không
nên đề cao thái quá tinh thần "ôn hòa" để bỏ qua cái
nhìn nghiêm khắc đối với Nhà cầm quyền này. Thỏa hiệp là
phương tiện, là bộ mặt giả để đạt được chiến thắng
(nếu đủ tỉnh táo, khôn ngoan ), nhưng Công lý mới là cứu
cánh, mới là giá trị tối hậu. Một phương tiện đối
nghịch về bản chất với cứu cánh thì không có khả năng
biện minh cho cứu cánh đó. Ai đó đã nói: "Thành tựu công
nghiệp là vì biết quên cái mình trọng để trọng cái mình
quên". Công lý là giá trị mà chúng ta không bao giờ được
lơ đãng. (Và đề tài Công lý này, xin được gởi đến quý
độc giả vào một dịp khác.)

Thành thật hy vọng những biện giải này sẽ góp phần hiệu
quả để giải tỏa những hồ nghi trong lòng quý độc giả
cũng như giải thích minh bạch những trình bày tối nghĩa trong
bài viết trước. Kính xin quý độc giả thông cảm cho một kẻ
hậu sinh mạo muội đưa ra những suy nghĩ quá tuổi, quá sức
mình, cũng chỉ bởi một tâm tình hướng về đất nước, về
tương lai dân tộc trong sự lo lắng khôn nguôi. Kính chúc quý
độc giả nhiều an lạc dù phải đối mặt với những diễn
biến thời cuộc rối ren gần đây.


Huỳnh Thục Vy
Buôn Hồ, ngày 18 tháng 9 năm 2012

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/tin-tuc/20120921/huynh-thuc-vy-lai-noi-ve-su-thoa-hiep-chinh-tri-tiep-theo),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét