Nguyễn Hồng Nhung - JESSE

<h2><center>JESSE – 1</center></h2>

Bình minh của tháng Mười khác xa bình minh của mùa hạ.

Kéo rèm cửa sổ, không nhìn thấy gì hết, như thể vẫn đang
là đêm. Tối om, buốt giá, lặng ngắt.

Quay lại bàn, cô bật laptop, chăm chú nhìn màn hình sáng lóa.
Đọc.

Bỗng nghe bên cửa sổ khe khẽ cất lên một tiếng chim rất
mảnh mai, nhẹ như tiếng xào xạc của gió lùa lăn đi một
chiếc lá khô, thì thầm như lúc linh hồn lướt tạm rời thân
xác…

Cô lắng nghe. Lại im lặng.

Cô chăm chú đọc tiếp.

Bỗng, màn đêm bên cửa sổ nhạt hẳn, như thể người ta
chợt vẩy thêm nước, pha loãng khối màu đen đặc của không
gian bao quanh lúc nãy, để từ từ cảnh vật lộ ra đường nét
những hình hài: thấp thoáng tán lá cây vả lòa xòa ngang bên
song sắt, một dải trắng li ti cành hoa leo ngập ngừng quấn
quanh bụi cây xa xa, mờ mờ viền mái ngói đen kịt của tòa
nhà cũ kỹ lấp ló sau cây dẻ dại lốm đốm lá vàng điểm
thờ ơ trên những cành nâu cong cong…

Tiếng chim rụt rè lại se sẽ cất lên, lần này ngân dài hơn,
tỉnh táo hơn, loang ra trong bao la lặng ngắt bình minh tháng
Mười, khác hẳn tiếng chim ríu rít, nồng nàn, tung tẩy những
bình minh hè tháng Năm.

Trong một tích tắc, trời đột ngột sáng, để lộ toàn bộ
cảnh vật hiện rõ mồn một sau lần kính cửa sổ, bức tranh
xanh xao của cây lá, nhà cửa đứng im phăng phắc, không tư
lự, chẳng buồn rầu, không ngái ngủ, cũng chẳng lo âu. Chỉ
im lìm. Ngắt lạnh.

Tháng Mười như nốt piano dứt đoạn nhấn khúc sonata Beethoven
ngắn ngủi - cái gì sẽ đến, sẽ xảy ra, trong những ngày còn
lại của năm? - con người sau nửa đời kinh ngạc, cuối cùng
chợt thấu hiểu lời nhắn nhủ từ giã của đoạn cuối sự
vật, trong đó có sự ra đi của chính mình.

Cô nhớ đôi mắt của Jesse.

Đôi mắt nâu trong veo, tỏa cái nhìn thẳng tắp như tia ánh
sáng mặt trời chiếu thẳng, lấp lánh bao nỗi tò mò không
thể cưỡng lại của long lanh ánh khúc xạ, đôi mắt mênh mang
hồ thu kèm theo nụ cười dịu dàng hé nở trên khuôn mặt thanh
tú, trẻ trung, Jesse khiến người ta nhớ đến hình vẽ một
chú hươu non thập thò nghe ngóng, muốn băng qua khoảng trống
giữa hai cánh rừng rậm bí hiểm.

Khi bình minh êm ả của tháng Mười từ từ lộ diện bên khung
cửa sổ, cô bỗng nhiên nghĩ tới đôi mắt trong veo và nụ
cười hiền dịu dàng của chàng trai.

Dù phút này hình ảnh chàng lại đột ngột xa tắp, tắt lịm
như tiếng chim mảnh mai vài giây trước, cáo từ giã biệt màn
đêm…

Băng qua cánh cửa sắt mở rộng, theo con đường đá nhỏ dẫn
thẳng tới bậc tam cấp, cô ngạc nhiên, thích thú ngắm ngôi
nhà thân thiết trước mặt như chưa bao giờ cô xa nó.

Khóm hồng bên tay trái, cạnh cây cột đá mốc meo còn sót lại
(vẫn đỏ rực trong trí nhớ của cô những đóa hồng nhung
cánh dày mượt) giờ đây nặng trĩu cành những chùm quả phơn
phớt hồng, tròn trĩnh.

Hai cây mận đứng cạnh nhau, mùa hè chen chúc khoe một bên
ngập ối quả đỏ, một bên trĩu căng quả vàng, chim từ đâu
đến mổ ăn tíu tít, giờ đây chìa những cành lặng lẽ gầy
guộc, lác đác lá vàng xen vòm lá xanh, rủ xuống chiếc bàn
tròn nhựa trắng buồn rầu úp mặt vào những chiếc ghế cũng
nhựa trắng quây úp xung quanh.

Cạnh bậc tam cấp dẫn bước lên nhà, mùa hè luôn luôn có ba
bốn chiếc xe đạp khóa xích vào nhau, giờ chỏng chơ một
đống lá nâu ướt đẫm vun lại từ bao giờ.

Bước lên bậc tam cấp, cô âu yếm nhìn hai dãy bàn gỗ hai bên
hiên, được vít chặt cùng hàng ghế gỗ viền xung quanh, giữa
bàn vẫn đặt một đĩa gỗ nho nhỏ bày vài quả thông khô,
giờ vun thêm một nắm hạt dẻ dại nâu bóng. Ở bàn phía bên
trái, một chiếc gạt tàn úp xuống, bên cạnh bơ vơ một cốc
nến trắng nhỏ cháy dở…

Đây là khu vực dành cho những con cú mèo (cô gọi lũ bạn
dịch giả của mình như thế) đêm đêm lập lòe hút thuốc và
ngắm sao trời, hoặc trăng, nếu có.

Mở cửa bước vào phòng khách, cô gặp ngay nụ cười thân
thiết của Zsuzsa, người quét dọn, chăm sóc ngôi nhà đang
ngồi chờ cô đến. Ôm hôn cô thắm thiết, rồi chắp đôi tay
trước ngực, Zsuzsa dịu dàng lên tiếng:

- Chúa phù hộ chị đến đây lần nữa. Ôi, mới có một năm
mà đã bao nhiêu chuyện xảy ra với chị! Nhưng biết làm sao? ai
biết trước số phận sẽ nói gì với chúng ta?

Rồi, lại như một năm trước, Zsuzsa dẫn cô đến trước cửa
một căn phòng nhỏ, lần này là căn phòng đối diện với căn
phòng năm ngoái, đưa cô chùm chìa khóa:

- Đây là phòng của chị. Chúc chị những ngày tốt lành tại
đây.

Cô nhẹ nhàng khép cánh cửa sau lưng mình rồi tiến về phía
cửa sổ, kéo rèm.

Nắng chan hòa lùa vào phòng. Bên cửa sổ rung rinh tán lá xòe
rộng của bụi vả trĩu quả. Cô đứng lặng trong ánh sáng
nóng rực, mê mải ngắm mấy chú ong vàng loanh quanh vờn bên
những quả vả chín nặng trĩu, lũ kiến nâu óng ánh bò lăng
xăng trên các nhánh cành, và gió vui vẻ quật đi quật lại
những chiếc lá nũng nịu nổi hằn từng vệt gân xanh.

Cô khóa cửa, thong thả đi ra hồ, vùng biển hồ đẹp nhất
của quốc gia này, cách ngôi biệt thự khoảng nửa cây số. Con
đường đá ngoằn ngoèo dẫn bước chân người chúc xuống,
mỗi lúc cần bước mỗi nhanh hơn, con đường rợp lá vàng từ
hai hàng cây tỏa xum xuê dẫn thẳng đến tận hồ. Ôi,tháng
Mười!

Cô nhớ tới tháng mười cách đây một năm, cô cũng xuống
ngôi nhà này để làm việc. Đây là biệt thự của một nhà
văn nổi tiếng cuối thế kỷ trước, thời đó là nơi tụ
họp của đám văn nghệ sĩ đương thời, sau khi chủ nhân mất
đi, theo di chúc, ngôi biệt thự trở thành điểm gặp gỡ nghỉ
ngơi, làm việc của các dịch giả đến từ các quốc gia khác
nhau với chung một mục đích: chuyển ý nghĩa, văn phong từ các
tác phẩm văn học của đất nước chủ nhân ra nhiều ngôn
ngữ khác nhau.

Cũng vẫn trên con đường đá dẫn ra hồ ngợp lá vàng xao xác
này, cô từng lang thang hết phố nọ đến phố kia, lòng vô
cùng buồn bã, vô cùng câm lặng. Mãi sau này, sau tất cả
những sự kiện bất ngờ xảy ra với mình, cô mới hiểu con
người luôn bị cầm tù bởi sự nhắc nhở của vô thức, về
những điều trái ngược hẳn với thực tại đòi tỉnh táo
của cuộc sống hàng ngày.

Tâm hồn người luôn bị biến thành một bãi chiến trường
phân xử những nghịch lý hoàn cảnh sống nào đó một cách
trơ trụi ngơ ngác, bởi nó chỉ kịp hiểu, sau khi mọi việc
đã xảy ra, cho dù hiểu hay không đều đã quá muộn mằn,
không gì xảy ra đúng như thế thêm lần nữa trong đời.

Cô đã viết những đoạn văn buồn bã, tuyệt vọng ở nơi
đây, như kẻ viết di chúc trong đêm cuối cùng đợi một sớm
mai hành hình. Giờ đây đọc lại, cô ngạc nhiên, té ra đấy
cũng là mình ư? là cô, kẻ phút này chẳng cảm thấy gì hết,
kẻ bình thản, như mặt nước hồ chưa vèo một chiếc lá rơi
và khuấy động…

Té ra con người cần phải sống hết thời gian của nó vì
thế, vì mỗi tâm trạng thượng đế chỉ cho một lần nếm
trải, để nhấm nháp mùi vị vô hạn của một kiếp hư vô.
Tại sao lại gọi là hư vô? chỉ hư vô khi ta chưa trải qua
thôi, chưa đặt nổi tên và chưa nhận biết tại sao nó lại
như thế với ta. Còn khi ta đã gõ nó thành chữ, gọi nó ra
đặt tên bằng khái niệm, lúc đó phải chăng cái hư vô đã
biến thành một ta cụ thể…Kiểm chứng được hay không? Để
làm gì cơ chứ?

Cô nghĩ lung bung như vậy khi đứng lặng bên hồ, ngắm lũ hải
âu eo éc léo nhéo chao cánh, tranh ăn với lũ vịt trời béo tròn
quây nhau mổ lấy mổ để những mẩu bánh mỳ do một người
đàn ông liệng xuống tới tấp, để từ xa xa, mấy ả thiên
nga trắng phốp pháp vội vã lướt tới, xua đuổi, cướp giật
thô bạo với lũ vịt lau nhau.

Cô rời hồ nước với cảm giác bực bội lũ thiên nga. Chúng
chỉ đẹp khi biến thành các nàng thiếu nữ trong vở ba lê
của Traicopxki, chỉ trong đó thôi và chỉ trong đêm rừng thẳm.
Ngoài đời, chúng thô kệch, trắng toát vô hồn và điệu
đà…

Hừ!...khát vọng nhìn thấy cái Đẹp của con người! - cô nghĩ
thầm.
Trở về ngôi biệt thự, cô chạm trán Jesse ở phòng khách.

Một chàng trai cao vút (như cái thang gỗ bắc đứng lên để
lấy sách-cô nghĩ thầm) mái tóc loăn xoăn, vẻ mặt sáng sủa,
cô lập tức thầm nhận xét: anh chàng này có gì giống chú
người gỗ Pinocchio, đôi tay hơi lòng khòng, hay đôi vai gù gù?

Nhưng đôi mắt của cậu khiến cô hơi giật mình: đôi mắt
nâu to nhìn thẳng,trong veo, lại sâu thẳm, ánh sâu thẳm của
đôi mắt này là khoảng không gian bát ngát của những cánh
rừng già lặng thinh, phản chiếu xuống mặt nước hồ thu sẫm
bóng ưu tư chuyển màu khi hoàng hôn xuống. Đôi mắt chiếu cái
nhìn vào ta, là không thể quên được nữa. Như một xác định
hiện hữu (của cái gì đây? ràng buộc sự sống giữa những
kẻ cùng loài?)

Trái ngược với tiêu chuẩn để đến đây làm việc, Jesse
biết rất ít tiếng bản xứ, còn cô không biết tiếng của
cậu, thế là họ nói với nhau bằng hai ngôn ngữ riêng của
mỗi người.

Sau một hồi diễn tả thế nào đấy, cả hai hiểu tóm tắt
tình thế hiện tại đôi bên như sau:

1. Cậu đến từ châu Mỹ với nhiệm vụ phải viết cho được
một vở kịch dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng của một nhà
văn nổi tiếng của nước chủ nhà

2. Cô đến từ châu Á với nhiệm vụ phải dịch cho xong một
cuốn tiểu luận triết học của một nhà văn, nhà triết học
nổi tiếng của nước chủ nhà.

Hết.

Từ mai trở đi chúng ta mỗi người một nhiệm vụ, có thể
vẫy tay chào nhau lúc gặp. Đủ. Cho đến ngày chia hai ngả về
hai nhà. Vì không hiểu ngôn ngữ của nhau.

Bữa tối, cả hai gặp nhau trong bếp, lịch sự ra hiệu với hai
cái nhìn cười cười để biết thêm một điều: trong ngôi
biệt thự rộng mênh mông này, nơi bình thường luôn chứa
chấp sáu bảy dịch giả đến từ sáu bảy quốc gia, lần này
chỉ có đúng hai kẻ ngoại quốc bất hạnh không biết ngôn
ngữ của nhau.

Cô nhăn trán: Jesse, tại sao viết là e lại đọc là y? tao không
hiểu?

Nụ cười làm lành giải thích ngoài lề: Tên mày rất dễ
nhớ, Rose.

Cậu làm động tác rút nhẫn khỏi ngón tay áp ngón út và nhắc
lại: rose.

À, từng có cái nhẫn cưới tên Hoa Hồng. Cô gật.

Ngày đầu tiên trôi qua bình yên trong ngôi biệt thự bỏ quên
gần cái hồ tuyệt đẹp viền hàng cây vàng óng ánh, như trong
một bưu ảnh mùa thu chính cống.

Hai cư dân dở câm dở điếc, giơ tay mỉm cười chào nhau như
hai chính khách lịch sự lúc cần tạm biệt: Jesse leo lên gác,
ở cùng tầng với phòng thư viện, còn cô từ phòng khách rẽ
trái về bán đảo riêng của mình.

Mở laptop vào sáng hôm sau, cô không tin ở mắt mình: người ta
báo tin một bạn gái thân của cô đang hôn mê trong bệnh viện.
Nơi quê nhà.

Trống ngực đập thình thình, mặt mũi xây xẩm, cô vội vã
mặc quần áo, đi ra hồ, bởi một nỗi đau đớn như thắt
lấy tim trào đến. Quá quen thuộc, cảm giác này. Trong đời,
bao nhiêu lần con người rèn luyện để làm quen với những
cảm giác đớn đau ngày càng quen thuộc, trước khi thượng
đế cho phép ra đi vĩnh viễn? Đấy có phải những bài học
vỡ lòng về chia xẻ để ta mang đến kiếp mai sau?

Bên hồ, có tiếng chuông gõ leng keng, cô nhìn lên: trước mặt,
một chiếc tàu hỏa du lịch đầy ắp khách sắp chuyển bánh.
Tan nát cả cõi lòng, cô vội vã trèo lên hàng ghế cuối cùng
bỏ trống, trước khi cái tàu hỏa lại leng keng gõ chuông,
nặng nề chuyển bánh dạo một vòng quanh thành phố. Cô ngắm
quang cảnh thành phố du lịch xinh đẹp trong nỗi buồn khổ
rưng rưng. Nhưng không đủ can đảm tự thừa nhận mình rất
muốn xuống ngay từ khi chiếc tàu hỏa chuyển bánh.

Một tiếng sau, cô trở về ngôi biệt thự, ngồi đối diện
với cái laptop, nhìn nó xác nhận: bạn gái cô đã vĩnh viễn ra
đi.

Nghẹn ngào, mắt mờ nước, cô gõ phím.

Những giọt nước mắt xoáy tròn trong lồng ngực tạo thành
các chữ cái nhảy nhót, như khi ta xoay đất trên trục gốm từ
từ tạo chiếc cốc, đớn đau hay không, mặc, không biết, chỉ
biết phải trút bỏ, trút bỏ cảm giác biết Chết là gì, là
sẽ tiếp tục Sống, dù chỉ còn lại mỗi mình ta trên cõi
đời.

Cô viết những lời tha thiết cuối cùng cho bạn trong tâm
trạng hoàn toàn bay bổng trên trời cùng các thiên thần, không
liên quan gì đến vị trí địa lý hiện tại. Cứ như thể
những chữ cái là sợi dây liên hệ cuối cùng của hai linh
hồn thân thiết vĩnh biệt chào nhau.

Sụt sịt, cô xuống bếp tìm nước uống. Jesse đang ngồi bên
bàn ăn ngẩng đầu nhìn cô, sửng sốt. Đôi mắt nâu mở to dò
hỏi.

Cô khe khẽ lắc đầu, mở trang cuối cuốn sách đang cắp nách
cô chỉ vào một cái tên. Đột nhiên, nghĩ ra cô chạy ra giá
sách lấy cuốn từ điển, rồi vừa sụt sịt cô vừa chỉ
chữ: bạn gái. Người bạn gái đã biên tập cuốn truyện
ngắn này của cô.

Jesse đứng dậy dang hai tay, tiến về phía cô, đứng sát, giơ
ngực ra, cô gục đầu vào đấy, khóc nức nở. Jesse đứng im
không nhúc nhích, cô chỉ nghe thấy tiếng trái tim cậu đập
khẽ khàng, lúc sau tan ra hòa lẫn vào tiếng khóc vỡ thổn
thức của cô.

Có tiếng gõ. Cô mở cửa phòng: Jesse đứng trước mặt, cặp
mắt nâu cười cười long lanh ra hiệu: ra đây Rose, ăn!

Trong phòng ăn, hai cái loa tép xếp cạnh nhau trong một góc. Tối
hôm qua cô đã mang chúng ra đây, cả laptop cả sách, rồi vừa
nấu, sau đó vừa ăn, cô vừa mở nhạc, những bài hát tha
thiết cô yêu, cứa vào từng góc vụn của một trái tim đang
buồn bã.

Hôm qua Jesse không có nhà. Cô nghe nhạc, đọc, gõ phím đến
quá nửa đêm, rồi mắt sưng húp, đầu đau như búa bổ, cô đi
nằm.

Sẩm tối ngày hôm qua, cô ra hồ sau một ngày khóc chán chê.
Mặt nước hồ lúc đó đang ngả sang màu ghi sẫm, hàng cây
vàng úa quanh hồ như tóp lại, những tán lá cụp xuống thờ
thẫn khi chấp chới những vòng lượn của lũ hải âu dường
như mỗi lúc một thấp hơn, sà sát mặt nước hơn, lũ vịt
trời bắt đầu túm tụm gật gù đứng một chân trên phiến
đá xì xụp bọt nước đập vào…

Cô nằm trên một chiếc ghế gỗ thường dùng để phơi nắng
ban ngày, ngả đầu ngắm xiên xiên toàn bộ cảnh mây trời,
nước, cánh chim chao, cây viền mặt hồ cong cong xa xa trong màu
ghi xám hoàng hôn tháng mười, không hiểu gì hết, thấy mình
đã biến mất, còn lại mỗi một cái gì đó nhức nhối, buốt
thét gào không ngưng nghỉ trong lồng ngực, trong trái tim...

Cô ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Tỉnh dậy, thấy rét run, cô nhỏm ngồi lên, lê bước về nhà.

Đang nhấm nháp một ngụm nước trà nóng, ngẩng lên, cô thấy
đôi mắt nâu mở to buồn bã của Jesse ẩn hiện sau cánh cửa
phòng ăn. Đôi bên gật đầu chào nhau. Rồi cậu mở cửa phòng
khách đi ra ngoài, lẫn vào màn đêm.

Khi cô cắm xong loa vào laptop, tìm một bản sonata của Bethoven
bật lên, Jesse đã bày xong bàn ăn. Cậu xúc thức ăn cho cô
trước, rồi cho cậu sau, cả hai lặng lẽ ăn. Ăn xong, Jesse
cất dọn, mặc cô giơ tay ngăn lại.

Cậu mỉm cười, nụ cười hiền luôn luôn nở trên môi, lúc
cả hai nâng cốc vang đỏ nhìn nhau - uống - lúc cả hai vội vã
tìm hai cuốn từ điển nhỏ bằng bàn tay - mở - lúc cả hai
chụm đầu xem một giải thích trên laptop, lúc cả hai tìm
giấy, bút chì, vẽ, gạch, ghi ký hiệu, lại mở từ điển,
lại chụm đầu…cười, giải thích, ai nói ngôn ngữ của kẻ
ấy, trong tiếng nhạc lúc êm đềm lúc tươi vui, trong tiếng
lách tách cốc chén, tiếng phát âm khó nhọc từng từ của
cậu và tiếng khúc khích của cô.

Như một khung ảnh, một đoạn văn, một cảnh phim khép kín:
Ngôi biệt thự bỏ quên bên hồ, ba lần cửa khóa, trong cái
phòng ăn rộng mênh mông, cạnh cây đèn đứng hắt ánh sáng
trắng như một cây nấm khổng lồ,hai kẻ lạ mặt lần đầu
tiên gặp nhau, tiếp xúc với nhau, không biết ngôn ngữ nhau.
Nụ cười bắt đầu thay thế cho tất cả. Hai kẻ rừng rú
ngẫu nhiên thượng đế sắp đặt bên nhau, kẻ nọ nhìn kẻ
kia và muốn hiểu: mày đang ở tâm trạng như thế nào đấy?
cạnh tao?

Ngôi biệt thự ngập từ trần xuống đất là từ điển, xếp
kín trên những giá sách bằng sắt. Cạnh cái lò sưởi nhiều
chục tuổi trong phòng khách, trước tấm chân dung cười hiền
hậu của phu nhân chủ nhân cũng ngồn ngộn sách là sách, báo,
tạp chí, những bức tranh không tuổi treo trên tường cạnh
cầu thang dẫn lên gác.

Và đèn, các loại đèn chùm, đèn đứng, đèn treo, đèn gắn,
đủ loại ánh sáng vàng, trắng, xanh nhạt chiếu sáng cho mọi
gáy sách, ở đây, ở kia, trên gác, dưới nhà, với tay là
chạm đến sách, sách dẫn đôi chân đến gặp sách, phủ ngập
các giá sắt xếp ngay ngắn trong thư viện trên gian gác áp mái,
nơi chính giữa là một cái bàn xếp ngay ngắn bốn góc bốn
chiếc ghế.

Nơi vào ngày thứ ba của buổi gặp gỡ ngẫu nhiên giữa hai
kẻ từ trên trời rơi xuống, cứ đầu giờ chiều bắt đầu
lảng vảng dưới phòng ăn để gặp gỡ lẫn nhau.

Nụ cười hiền dịu luôn nở trên môi của Jesse từ từ lan
tới cô, cô bắt đầu đáp trả lại bằng những nụ cười
cũng dịu dàng và nhẹ nhàng như thế, y như cô bị thôi miên
và bắt chước làm theo kẻ đang dạy mình . Đôi mắt nâu mở
to tỏa cái nhìn âu yếm với người đối diện như thể muốn
truyền cho người khác ấn tượng yên bình dịu dàng cậu gim
giữ trong người.

Một cảm giác êm đềm vô cùng dễ chịu, cùng lúc hết sức
lạ lẫm truyền khắp người cô, rồi sau đấy tỏa khắp cả
gian phòng, như thể chấp chới đâu đây một bà tiên bay ngang,
vung vẩy đũa thần rắc một mùi hương vô hình khiến lòng
người dịu xuống, muốn cười, và ước trở nên tha thiết…

Ôi, cái gì thế nhỉ, sự lan tỏa này? tình người chăng? Jesse!

Jesse rửa xong bát đĩa, ngồi xuống bên cạnh bàn, thấy cô mở
cuốn từ điển, cậu nhìn cô, chợt nhớ ra:

- Mày đã đọc cuốn tiểu thuyết này chưa, Rose?- lao ba bước
chân dài ngoẵng như chân cò lên phòng( cô nhìn theo, nghĩ thầm)
cậu tha xuống một cuốn sách.

- Chưa - cô trả lời, không nhìn cuốn sách vì mải nhìn vào
laptop - hay không? nói về cái gì vậy?

- Đây là một cuốn tiểu thuyết đạo đức - Jesse trả lời
bằng cách chỉ một từ trong từ điển. Cô nhìn:

- Đạo đức? thời nào?

cô vừa hỏi vừa dò dẫm trên màn hình.

- Mày nghe bài hát này chưa? - cô bấm và quay màn hình sang chỉ
cho cậu - này nhé, cùng một bài, ba người hát, mày thích ai
hát hơn?

Jesse nghe chăm chú, đôi mắt nâu cười cười dịu dàng nhìn cô
đang nghiêng nghiêng lắng nghe bên cạnh. Có một cái gì đấy
êm đềm như dòng sông thiêm thiếp trôi ngang lúc nửa tỉnh
nửa mơ ngả lưng trên triền cỏ bên bờ… đấy là gì vậy
Pinocchio?

Jesse nghe hết ba bài rồi bấm phím.

- Thật à? ca sĩ này hát hay nhất? thế còn bài này?- Cô bấm
phím.

Có tiếng chim xao xác, tiếng sóng vỗ bờ, tiếng piano rơi từng
giọt và một giọng hát êm ái cất lên" Bay đi cánh chim biển
hiền lành. Chẳng còn giấc mơ nào để giữ đôi chân em.
Chẳng còn tiếng nói nào để trách cứ em, khi mặt trời đậu
trên đôi cánh vỗ…"

Liệu Jesse có nhận ra khắc khoải tâm trạng của kẻ ra đi
trong bài hát này, ra đi không bao giờ trở lại, chỉ còn sóng,
trùng dương mênh mang trước mắt…

Cô vớ cuốn từ điển, lật, chỉ, rồi chạy ra chỗ máy in
lấy giấy và bút. Cô vẽ. Cậu gật gật, cặp mắt nâu ghé
xuống, đọc:

- "Emigráns"

Nụ cười dịu dàng nhắc lại:

- Emigráns - Lưu vong

- Đúng, những kẻ lưu vong, thế kỷ này là thế kỷ lưu vong.
Những bài hát lưu vong, con người lưu vong - cô mơ màng - Tao
đây. Kẻ lưu vong. Mày thấy cậu ca sĩ Hàn Quốc hát hay này
không? Chết rồi. Tự tử. Vì tâm hồn nó là tâm hồn của kẻ
lưu vong.

Jesse lại ghé vào màn hình, tìm kiếm, gõ.

Một điệu jazz vang lên non nỉ tiếng violon và bập bùng đập
nhẹ tiếng ghi ta hòa theo. Rồi tanh tách búng, cất lên tiếng
ghi ta mê hoặc. Cô đọc:

- Django Reinhardt

- Aha! Đúng! - Jesse gật, mắt nâu ánh lên vui vẻ - một chàng Di
gan đi từ xứ sở Rumani, nếu tao không lầm gia đình chàng gốc
Hung, đất nước của chủ nhà đây. Một thiên tài ghi ta nhạc
jazz, với hai ngón tay cuối của bàn tay bị hỏng vì tai nạn -
Jesse chỉ lên màn hình: một bàn tay trái bấm ghi ta không cần
hai ngón cuối.

- Lưu vong - thiên tài - toàn cầu. – cô lẩm bẩm.

Jesse cười dịu dàng, đứng lên rót một cốc nước, ra hiệu
cho cô: uống không?

- Không, cảm ơn, tao không uống. Còn nạn Do thái nữa. – cô
bảo - Mày đọc Kertész Imre chưa? - Cô ghi ra giấy.

- Rồi. Tao đọc Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không
ra đời- Jesse nói

- Tao dịch cuốn đấy ra tiếng Việt rồi- cô bảo - Jesse, mày
phải đến nhà thờ Do thái ở Budapest, nhà thờ Do thái lớn
nhất châu Âu đấy. - cô chỉ trên màn hình.

Jesse xoay người trên ghế quay lại phía cô, chỉ vào ngực
mình:

- Rose, người Do thái đây. Đúng, tao sống ở nước Mỹ, nhưng
gia đình bố mẹ tao người Do thái. Nhưng tao không theo đạo Do
thái lẫn đạo Thiên chúa đâu, tao đi khắp thế giới để
thăm viếng nhà thờ, nhà chùa của các đạo thôi.

Chai vang đỏ đã hết.

Từ điển và sách gạt sang một bên. Cô bấm phím, lần tìm
các bản nhạc, Jesse lắng nghe, rồi đến lượt cậu bấm phím.
Điệu nhạc này nhảy cóc sang điệu nhạc kia, các giọng hát
khác nhau vang lên, khi xoe xóe như xé vải, lúc lại chậm rãi
khoan thai như nước vỗ mạn thuyền. Cả hai cười khúc khích,
má đỏ bừng vì rượu, cả hai giành nhau xoay màn hình, bấm…

- Jesse, đây là kinh kịch Trung Quốc

- A-ha, Hoa Hồng - cậu lẩm bẩm một câu hát.

- Ơ, mày biết tiếng Trung?

- Ừ-hư! một chút! - đôi mắt nâu cười dịu dàng.

- Để tao mở cái này cho mày xem. Đoán đi nào.

- Nhạc dân tộc. Folklor.

- Thế còn đây?

Jesse ghé mắt vào màn hình, rồi quay sang cô, một tay giơ cao,
tay kia hạ thấp xuống làm cử chỉ kéo ngang:

- Rose, tao sang Vietnam rồi, đây …tên là gì nhỉ? mày bảo gì?
cái - nhị. - cậu méo xệch mồm bắt chước một từ vừa rơi
khỏi miệng cô.

- Jesse, thế nhạc này là nhạc gì?

Trên màn hình, mấy cô phụ nữ vấn khăn, yếm đào áo tứ
thân ngồi giữa chiếu, mấy ông áo the khăn xếp ngồi cạnh gõ
nhịp cầm canh. Trên màn hình ghi dòng chữ: Ca trù.

- Rose, nghĩa là gì?

- Jazz Vietnam

Cô cười phá lên. Jesse cũng cười, nhoai người, bấm phím,
cậu đi tìm trang dịch google.

Jesse, mày có biết hoa anh đào tại sao nở hồng rực cả một
cánh rừng, đẹp như thể toàn bộ mây hồng trên bầu trời bay
sà xuống đất Japán, trong một sớm ban mai bừng lên chỉ một
sắc hồng anh đào tuyệt mỹ…?

tại sao Rose?

Để sáng hôm sau, qua một đêm tất cả những cánh hoa hồng
nhạt ấy rụng toàn bộ xuống đất, ướt đẫm dưới làn mưa
đêm, và hết một đời hoa, ngắn ngủi, rực rỡ…

Rose…

Ừ, đấy là cuộc sống!

Quá nửa đêm, hai đứa mơ màng dựa hai bên thành ghế nhìn
nhau, bên cái laptop đỏ rực màn hình hoa anh đào và một giọng
nữ trầm tha thiết ca bài ca rỏ máu của rừng anh đào xứ
Phù-Tang…

Cô gặp Jesse trong phòng ăn ngày hôm sau với một vẻ băn khoăn.
Dưới đôi mắt nâu mở to, hai quầng thâm nhạt xuất hiện.

- Tao không viết được tiếp nữa. Vở kịch không hình thành.

- Sao thế?

- Các nhân vật rắc rối quá. – Jesse chạy lên gác, mang cuốn
sách xuống.- Mày hiểu từ này không? trong bản dịch, dịch
giả đặt nó trong ngoặc kép, nhưng tao nghĩ nó có nghĩa khác.

Hai đứa lại chuẩn bị ăn tối. Jesse bày đĩa, dĩa và cốc,
trong khi đó, cô lướt vội vã tren net, đọc lời bình luận
về cuốn sách. Ăn xong, dọn dẹp đâu đó, cả hai lôi từ
điển, giấy bút, bắt đầu trò chuyện.

- Jesse, tao nghĩ mày quẳng cuốn tiểu thuyết ấy đi. Dù sao nó
cũng được viết từ những năm 60, vấn đề của nó chắc cũ
rồi. Thời đó Hungary đang là nước cộng sản.

- Đúng, nhưng đây là những vấn đề đạo đức.

Cậu hý hoáy mở từ điển: vấn đề tổng quát.

- Biết rồi - cô khăng khăng - nhưng nước Hung ngày nay không
gặp những vấn đề này nữa. Thời cộng sản, không có tự do
để lựa chọn. Nhưng bây giờ hết thời cộng sản, nước Hung
cũng không biết lựa chọn đằng nào, vì nhiều tự do quá. Mày
tìm đọc tác giả này đi.
Cô đứng phắt dậy, đi trước, Jesse theo sau, hai đứa hùng hổ
trèo lên gác, bật tất cả đèn trong phòng thư viện, tìm
kiếm, bò dưới đất, ngồi xổm, lăn tròn trên sàn, trèo thang,
với tay tìm các ngách giá sách. Không có.

Cả hai lọc cọc chạy xuống phòng ăn, khư khư giấy bút và
từ điển. Cô bắt đầu vẽ:

- Jesse nhìn đây: một cậu bé lớn lên cùng người mẹ là
diễn viên

- A, tao biết từ này: diễn viên

- Ừ, vì mày là đạo diễn nhà hát. Người mẹ từng nổi
tiếng trong vai Cleonpatra trước thế chiến, nhưng đến thời
nước Hung cộng sản, bà ấy bị đuổi việc vì có cô con gái
lưu vong „emigráns"

Đôi mắt nâu tuyệt đẹp gật gật:

- Tên nhà văn là gì? tên cuốn sách?

- Bartis Atilla, tiểu thuyết: Bình yên

Hai cuốn từ điển mở sột soạt, cả hai chúi đầu tìm, từ
hai cái loa tép tiếng ghita jazz cất lên thư thả, duyên dáng,
tiếng violon… Jesse nghiêng đầu nghe, gật gù, cô cười theo"
này, đây là nét nhạc "Digan" Jesse gật: "Digan" rồi lật
đật mở từ điển, cậu tìm tiếp và chỉ cho cô đọc: "Nhạc
quán rượu Hung"

- Rose, một dàn nhạc Hungary bên Mỹ, một dàn nhạc dân tộc
mang cùng tên với tác giả cuốn tiểu thuyết tao đang chuyển
thể thành kịch: Sánta Ferenc, mày xem đây này…

Cậu bỏ từ điển, dò trên màn hình, bấm.

Một quán ăn, những người khách cầm dao dĩa, vừa cắt thịt
trong đĩa, vừa chốc chốc ngẩng lên cười với một người
đàn ông to béo, mặc quần áo dân tộc thêu sặc sỡ, ghé sát
violon cạnh vai khách ăn kéo một điệu nhạc vui tươi…

Cô cười tươi tỉnh, nhận ngay ra nét nhạc Hungary quen thuộc
phấn khích, gợi nhớ những ngày dạ hội làng Hungary tưng
bừng, nơi các cô gái mặc áo thêu, váy thêu nhiều tầng sặc
sỡ, tóc tết bím đuôi buộc chiếc khăn tay đỏ, các chàng trai
khoác áo ghi lê da đen, đi ủng cao, họ nhảy quanh các cô gái,
đập tay vào ủng bôm bốp, hòa với tiếng violon tha thiết, là
giọng hát cao vút, thậm chí hơi the thé,thô mộc tiếng địa
phương của các cô gái.

Cô chỉ vào chai rượu mận trắng nhỏ xíu đặt trên bàn:

- Dưới gốc mận, các chàng trai Hung và các cô gái Hung hẹn hò
nhau…

Cô cười khúc khích, Jesse cười dịu dàng, cả hai chạm cốc.
Nhìn nhau.

Có lẽ lâu lắm rồi, đám mây bình yên của niềm vui thầm
lặng không cần khao khát mới bay trở lại bầu trời tâm hồn
nhiều u ám của cô. Có lẽ cảm giác này chỉ từng có thuở
niên thiếu, khi ta mới chỉ là một sinh linh bé bỏng, non nớt,
chưa nhận biết gì, chưa thu thập chút gì kinh nghiệm mỗi ngày
sống mệt mỏi của đời người. Linh hồn con người lúc đó
trong trẻo, không chờ đợi, chỉ thưởng thức ngày lại ngày
trôi qua bằng một bình an vui vẻ, trực tiếp và nhẹ nhõm làm
sao, trong sáng làm sao.

Cái gì gây ấn tượng mạnh cho nhau thế nhỉ? khi cả hai chỉ
nhìn nhau cười là chính? hay khoảng cách ngôn ngữ hạn chế
giữa đôi bên chính là một bình an hiện diện, như thể sự
tĩnh lặng của tâm hồn chỉ là một khoảnh khắc thiếu vật
vã, thiếu suy tưởng trầm ngâm, thiếu đớn đau chịu đựng,
thiếu vắng lời than van mà thôi?

Cô nhận ra, cảm giác chìm xuống đáy vực âm sau những cái
chết đau buồn của nhiều người thân cùng lúc gây ra cho cô,
lần đầu tiên sau bao tháng ngày, bỗng trồi nổi lên lang thang
trong lòng, như những tảng băng trắng toát hiện diện, trôi
theo dòng nước, muốn xả xuống bờ vực mở toang khi mùa xuân
đến…

Lần đầu tiên, sau bao ngày buốt giá tâm hồn, cô như nhìn
thấy tia nắng mảnh dẻ của mặt trời ấm áp chiếu rọi
xuống một dòng nước đầy những tảng băng đang muốn cuồn
cuộn trôi đi, chạm vào bờ một thoáng, trước khi tan ra, hòa
vào những dòng nước khác, từ những con sông khác, để mơ
ước được trôi ra biển…

Jesse rót tiếp mỗi đứa một ly rượu mận.

Nhìn nhau, chạm ly, má đỏ hồng, mắt nâu long lanh, cười. Tràn
ngập âm thanh ghi ta, piano trong không gian tĩnh lặng như vô tận
của đêm.

Có quên không, khoảnh khắc này, trái tim?

Cô kể tiếp, tay không ngừng lật từ điển:

- Jesse, người mẹ bị đuổi việc ở nhà hát, bà trở về nhà
và không bao giờ bước ra ngoài nữa, cho đến khi chết. Cậu
bé con trai bà, sau này trở thành nhà văn, gánh vác cuộc sống
của mình và của cả bà mẹ luôn, cùng lúc…

- Sao lại của bà mẹ nữa, Rose?

- Vì từ phút ấy trở đi vị trí của thực tại thay đổi:
đời bà trở thành cái sân khấu, xảy ra trong nhà, nơi đôi khi
bà mặc quần áo của vai diễn Cleopatra đi lại, tự diễn, để
tự tiêu khiển, sống tiếp,dù khán giả chỉ là cậu con trai,
kẻ cùng lúc phải đóng vai đời thật trong giao tiếp với mẹ,
cùng lúc là một diễn viên trên sân khấu luôn - như mẹ cậu -
khi giả vờ nét chữ của chị gái gửi thư cho mẹ…

- Sao thế? cậu em viết thư thay cho bà chị?

- Vì những bức thư lưu vong theo năm tháng sẽ lưu vong như
những kẻ lưu vong, chỉ còn lại những món tiền gửi về…
người đàn ông, nhà văn trong tiểu thuyết Bình yên sắm vai
người khác với mẹ mình, người mẹ sắm vai một nhân vật
lịch sử, người chị gái ẩn nấp sau những món tiền không
cần giải thích…Tất cả đều khoác một mặt nạ.

Cô loay hoay lục từ điển, Jesse ghé mắt nhìn:

- Mask

- ư-hưm! mask! mặt nạ!

- Rose, tao và mày có đeo mặt nạ không?

Đôi mắt nâu cười cười, ánh mắt âu yếm và dịu dàng.

Vài ngày cuối cùng bên cạnh nhau trong cái biệt thự châu Âu
tháng mười bị bỏ quên, cô đọc cho cậu nghe một câu tuyệt
vời của Hamvas Béla - nhà triết học tâm linh Hungary ưa thích
của cô "tất cả các vai diễn - như chữ đã hạ bút - đòi
hỏi một cam kết cá nhân, đòi hỏi con người trở thành một
công cụ khiêm nhường của chữ đã viết ra, của biểu tượng
(logos) và tỏa sáng sau tấm mặt nạ cuộc đời."

Cô đọc bằng tiếng Hung (mặc kệ cậu hiểu hay không) để
cậu lại lặn lội tìm trang dịch google.

Jesse, con người tạo ra lịch sử của chính mình, chịu trách
nhiệm về quá trình lịch sử ấy bằng các tư thế tham dự cá
nhân khác nhau. Đúng không? Hamvas muốn nói thế.

- Sao nữa, mày tiếp đi, Rose, gì nữa?

- Ừ, sau đó bà mẹ chết, cậu con trai hoàn toàn tự do, cũng
như cái xã hội đổi thế chế chính trị của nó hoàn toàn
tự do, ai cũng có thể lộ nguyên hình là mình…

Jesse nhìn cô chăm chú.

- Nhân vật chính trở thành nhà văn, trong quá trình tìm cách
xuất bản tác phẩm của mình, cậu bất ngờ đối diện với
những uẩn khúc vẫn giấu kín của quá khứ cha cậu, cũng là
một trí thức, một nhà văn, cậu bất ngờ đụng phải những
di sản tồi tệ để lại của thế hệ trước, và bất lực,
vỡ mộng, cậu lang thang vô hướng trong thành phố vì nhận ra
rằng: thế hệ cậu được giao trả một tự do rỗng tuếch …

Đôi mắt nâu âu yếm nhìn dò hỏi:

- Đúng thế, Jesse! đất nước Hungary không biết làm gì với
thứ tự do không nội dung của nó sau ngày chủ nghĩa cộng sản
sụp đổ, sau nửa thế kỷ độc tài ngự trị nơi đây.

- Cuốn tiểu thuyết kết thúc bằng cảnh người đàn ông làm
quen với một cô gái cũng đang lang thang vô hướng trên một
chiếc cầu trong thành phố đêm, cô gái người Rumani, quay lại
quê cũ của mình tìm tương lai, gặp một người đàn ông
Hungary đang đối mặt với quá khứ của mình, một thứ quá
khứ cụ thể như một phần quê hương đã trở thành một
phần đất của quốc gia khác, như trở thành đất Rumani, nhưng
đồng thời vô hình, vì các thành viên của nó không bắt gặp
hình bóng mình ở điểm nào của quá khứ?

Đôi mắt nâu đọng lại một chút trên khuôn mặt cô, rồi cúi
xuống lục lọi từ điển:

- Tuyệt! Hoa Hồng, chủ nghĩa cộng sản - komunizmus - với các
quốc gia khác nhau, với các diễn biến hậu quả khác nhau, với
các biến thể văn hóa khác nhau…

- Chưa hết đâu- cô hạ giọng, lắc đầu - chủ nghĩa cộng
sản toàn trị chưa chấm hết. Tao vẫn chưa nhìn thấy cái
biến thể kết cục ở châu Á.

Jesse chăm chú:

- Mày muốn nhìn thấy cái kết cục gì?

- Tao không biết! Tao làm sao biết trước ? Nó vẫn đang diễn
biến mà.

- Chính vì thế, Rose, mày phải đọc cuốn tiểu thuyết này đi,
cuốn sách tao định chuyển thành vở kịch ấy, nó nói về
bản chất của con người trong mọi hình thái chế độ. Bằng
sự lựa chọn đạo đức. Bằng tư cách sống.

Cô ngẩn ra nhìn cậu:

- Thế không phải mày định viết một vở kịch về châu Âu
hiện tại? sau chủ nghĩa cộng sản? Một châu Âu hôm nay cụ
thể rối bòng bong đến nỗi không biết vấn đề hôm qua của
nó nặng nề hơn hay hiện tại của nó nặng nề hơn? không cụ
thể mày không viết nổi, Jesse

- Rose, mày không hiểu. Trong kịch, trong văn hóa của châu Âu và
của Mỹ chủ nghĩa cộng sản được nhắc đến theo cách hiểu
khác nhau, với những thời điểm khác nhau, đấy là sự cụ
thể. Ví dụ:

Cậu lấy bút chì, hý hoáy ghi ra giấy: ở Mỹ: 1935-1960, ở
châu Âu: 1958-1999

- Tao muốn dựng một vở kịch từ cuốn tiểu thuyết rất
tượng trưng cho thời đại này, với một vấn đề con người
luôn luôn mới ở tất cả các thập kỷ: đạo đức làm
người. Một vở kịch nói về sự lựa chọn đạo đức làm
người.

Ngồi thừ nhìn đống giấy đặc chữ, ký hiệu, vòng tròn,
gạch ngang, nghiêng ngửa, cô nghĩ một chút rồi bảo:

- Jesse, hay mày đọc một tác giả khác nữa đi, hiện tượng
đặc biệt của văn học Hung

- Ai vậy, Rose?

- Csáth Géza. Tao đã dịch hai mươi truyện ngắn của ông.

Vớ lấy cuốn từ điển, hai đứa lại bắt đầu trình bày ý
tưởng cho nhau. Jesse có vẻ thích thú. Còn cô đặc biệt hưng
phấn.

- Tao cho rằng thế giới của Csáth chuyển thành kịch thì
tuyệt. Một thế giới nửa thực nửa hư, nửa âm nửa dương,
cùng lúc không hiểu mình đang tiếp xúc với kẻ dương thế hay
âm thế tồn tại cạnh mình, cùng lúc không hiểu phần nào
trong tâm hồn mình đã chết, phần nào bắt đầu hồi
sinh…Đấy là cuộc sống, Jesse

Đôi mắt nâu cười cười nhìn cô không phản ứng

- Hay mày viết một vở kịch có cả nước Hung trong quá khứ
và hiện tại đi. Quá khứ nền là tác phẩm của Csáth Géza,
hiện tại nền là tiểu thuyết của Bartis Atilla? Mày nghĩ thế
nào?

- Đây nhé - cô vẽ ba hình tròn trên giấy- mày viết một vở
kịch modern (hiện đại) như thế này: Jesse ngồi đây, đèn sân
khấu bật sáng từ góc này, góc xã hội châu Âu trước thế
chiến với những chuẩn mực đạo đức của xã hội tư sản
phát triển, lúc sau đèn từ góc này tắt đi để đèn góc kia
bật sáng, đấy là Đông Âu những năm tháng của chủ nghĩa xã
hội và cộng sản. Góc thứ ba chính là mày, người kể
chuyện, Jesse…

Đôi mắt nâu vẫn chỉ cười cười, không muốn trình bày ý
kiến.

Cô chợt hiểu, chàng Pinocchio này không hiền lành tý nào, vẻ
dịu dàng kia là biểu hiện của tinh tế văn minh đối xử
người với người mà thôi, lay chuyển được ý định của
chàng đâu có dễ.

Nghĩ vậy cô không nói tiếp nữa mà ngả người ra thành ghế
nghe nhạc, nhắm mắt lại, rồi lại mở he hé mắt, Jess đang
cười cười nhìn cô, thấy thế lập tức ra hiệu: "uống cafe
không?" cô cũng cười, lắc đầu: "đồ quỷ! nó hiểu
hết!"

Đã quá nửa đêm thì phải, Jesse pha cafe.

Đầu giờ chiều hôm sau, khi gặp lại nhau, cả hai chỉ đồng
hồ ra hiệu "Tao hôm qua một rưỡi mới ngủ. Còn mày?" Cặp
mắt nâu thâm quầng, sưng mọng: "Tao ba giờ rưỡi."

Quái gở, gần một giờ sáng chia tay nhau, ai về phòng nấy,
rồi như bị lương tâm cắn rứt vì dính vào nhau ngay từ đầu
giờ chiều, hình như cả hai nguyện thức thâu đêm, dịch viết
bù lại thời gian đã mất, để hôm sau lại ngay đầu giờ
chiều gật gù lảng vảng tìm cách chạm trán nhau dưới phòng
ăn.

Thời gian trôi qua trong những ngày này không hình dáng, không
mùi vị, không chứa bất kỳ dấu hiệu gì của một đời
người có đủ quá khứ, hiện tại và sẽ có tương lai. Chỉ
một cảm giác duy nhất hiển hiện giữa hai kẻ xa lạ vừa quen
nhau tình cờ: sự vui sướng. Vui sướng vì ở bên nhau dễ
chịu quá. Một cách hết sức tự nhiên. Như không khí trong
lành của sự sống, chẳng ai tạo ra mà cũng chẳng ai lấy đi
nổi. Thứ trong lành của vũ trụ thượng đế đôi khi chỉ
dành cho con người vào những khoảnh khắc nó ít chờ đợi
nhất trong một kiếp nhân gian.

Jesse cầm lăm lăm cuốn sách trong tay, mặt căng thẳng. Cô đưa
mắt dò hỏi.

Cậu tìm từ điển:

- Rose, theo mày, cuốn tiểu thuyết này thật sự hay?

Cô suy nghĩ một chút rồi bảo:

- Đâu? bản gốc tiếng Hung đâu? tao chưa đọc truyện này. Cho
tao mượn được không?

Cả hai huỳnh huỵch chạy lên gác, Jesse mở cửa phòng, lấy
cuốn sách để bên cạnh máy tính, đưa cho cô, không quên thích
thú chỉ vào bàn phím: những mẩu giấy trắng được cậu xếp
thành hàng theo tên các nhân vật để gõ cho dễ và nhanh.

Cậu đưa cho cô cuốn tiểu thuyết nguyên bản:

- Chờ tao một ngày để tao đọc hết cuốn sách nhé?

Cô nhìn Jesse năn nỉ. Đôi mắt nâu dịu dàng cười.

Jesse chui vào phòng gõ phím tiếp.

Cô lấy chiếc chăn len quấn quanh lưng như mặc một chiếc váy
dài lượt thượt, khoác áo choàng, cổ quàng kín khăn, rồi mở
cửa phòng khách bước ra ngoài hiên, ngồi lên ghế dài cạnh
chiếc bàn gỗ, cô bắt đầu đọc.

Khác hẳn với không khí được sưởi ấm rực trong phòng,
không khí ngoài hiên nhà lạnh ngắt, chưa đến mức buốt giá
nhưng lạnh, hơi lạnh ẩm của đất thiếu nắng và của lá
rụng đã lâu dưới đất.

Cô để tâm trí hoàn toàn vào cuốn sách, có lúc loay hoay quấn
lại chăn dưới chân thò dưới gầm bàn, có lúc đổi tư thế
ngồi, nhưng cô không để ý đến điều gì hết, các nhân vật
của cuốn tiểu thuyết bắt đầu cuốn hút cô.

Một nội dung xã hội Đông Âu trong những tháng ngày sát đoạn
kết của cuộc thế chiến thứ hai, những ngày tung hoành cuối
cùng của chủ nghĩa phát xít với đôi cánh đen ghê rợn của
quỷ sứ bay lượn, trùm khắp bầu trời châu Âu bắt đầu mở
ra trước mắt cô. Con người - như những ngọn cỏ trơ trọi
không nhận được bất cứ sự che chở nào trên mặt đất
trần trụi - co dúm lại với nhau và tìm cách tự vệ. Để
tiếp tục sống sót.

Cuốn tiểu thuyết mở màn bằng cuộc họp mặt thường lệ
của một nhóm bạn hữu bốn người thân quen trong một cái
quán, sau đó thêm một khách lạ nhập bọn. Mỗi nhân vật mang
vào câu chuyện bên bàn rượu một dáng vẻ bất hạnh khác nhau
của con người phải sống trong một hoàn cảnh xã hội bấp
bênh, không đoán trước nổi tương lai, và hiện tại cũng mờ
mịt đen tối bởi những gì xảy ra hàng ngày đều hãi hùng và
ghê rợn bí ẩn.

Cô đọc, đôi lúc bật cười vì giọng văn trực tiếp, rất
hài hước và sống động của tác giả khi sử dụng thứ ngôn
ngữ có một không hai trên thế giới, tiếng Hungary, để diễn
tả thứ tính cách hết sức cô đọng về chất văn hóa phát
triển cao trong quan niệm và ứng xử của dân tộc này. Một
dân tộc quá thông minh, một dân tộc thiên tài.

Từ từ, một cách mơ hồ, cô cảm nhận không khí nghẹn thở
của những mẩu chuyện bế tắc, không đâu vào đâu, vớ vẩn
ngược xuôi của các nhân vật, sau rốt vẫn buộc phải chạm
đến chủ đề con người, thái độ làm người như thế nào,
trong cái thực trạng không tránh khỏi của họ: đối đầu
với sự tàn bạo dường như thắng thế của chủ nghĩa phát
xít phi nhân tính lúc đó

Cô đặt sách xuống bàn, mơ màng suy nghĩ một lúc lâu.

Năm nhân vật, năm nghề nghiệp, năm lối suy nghĩ, năm đời
sống riêng khác hẳn nhau bắt đầu chụm lại thành một tâm
điểm khi một nhân vật chính của tiểu thuyết đặt ra câu
hỏi: này anh hãy lựa chọn đi, giả thử được phép, anh sẽ
chui vào bộ da của một kẻ độc tài hay của kẻ bị chà
đạp, kẻ có tên gọi nạn nhân?

Gyurica, anh chàng chữa đồng hồ mang tính cách đặc biệt nhất
trong số các nhân vật giả định một tình huống: nói đi,
nếu chúng ta một lần nữa tái sinh, ai sẽ chọn số phận của
kẻ nào? Số phận của tên lãnh chúa cai trị có tên gọi
Tomoceuszkatatiki, kẻ không hề cảm thấy mình đang gây tội ác,
khi hành hạ đám nô lệ, hay số phận của kẻ nô lệ có tên
gọi Gyugyu, kẻ luôn bị chủ mình hành hạ ngược đãi, nhưng
bình tâm chịu đựng vì những giá trị đạo đức nào đó tự
bào chữa, an ủi trong con người anh ta….

Trong năm kẻ nhâm nhi bên bàn rượu, chỉ một kẻ duy nhất –
người khách lạ đến nhập bọn tự nhận sắm vai tên nô lệ,
và chả ai tin kẻ này, kẻ sau những cơn tự gặm nhấm thương
thân, thương những giá trị tự thân giả dối tự đặt ra cho
mình, gã đã đi tố cáo toàn bộ đám bạn nhậu, để một màn
kịch mới mở màn trong khuôn khổ nhà tù, màn kịch các nhân
vật của cuốn sách cần sắm vai trong hành động chứ không
chỉ trong một giả định bâng quơ nữa.

Trong nhà tù, một trong số những tên phát xít Hung có mặt ở
đó đưa ra "sáng kiến": sẽ thả bốn người bị bắt ra với
điều kiện họ phải tát vào mặt một tù nhân cộng sản hấp
hối đang bị treo trước mặt họ. Ba trong số bốn người bạn
- tuy lúc tranh luận đều mập mờ, mơ hồ trong lập trường
lựa chọn thái độ sống - lúc này, trong phút cao trào bi hùng
nhất của hành động - đều từ chối gây "tội ác" đều
giữ vững chút phẩm chất người cuối cùng của bản thân, dù
cái giá phải trả là chết rục trong tù.

Chỉ có một người duy nhất, nhân vật đặc biệt nhất của
cuốn tiểu thuyết. Gyurica - người thợ sửa chữa đồng hồ
là hành động như bọn phát xít mong muốn: tát vào mặt người
tù cộng sản hấp hối, và được thả ra về ….

Có lẽ ít khi cô đọc tập trung đến thế, cuốn truyện chiếm
lĩnh toàn bộ tâm hồn cô, loay hoay mãi đôi chân bị quấn chăn
dưới gầm bàn, cuối cùng bực mình,cô gác luôn cả đôi chân
lên chiếc bàn gỗ, ngả người ra dựa ra sau, đưa sách lên
ngang mắt, cô không để ý Jesse đã mở cửa bước ra đứng
trước mặt mình. Cậu mặc chiếc áo thun ngắn tay, cô ngẩng
lên, ra hiệu:

- Mày không lạnh à?

- Không, chỗ tao ở lạnh lắm, ở đây ấm - Jesse nhún vai,
cười.

Cô chợt nhớ tối hôm qua cậu lướt net chỉ thành phố quê
hương của cậu cho cô xem, rồi cậu bấm phím tìm theo bản
đồ, một bàn tay xòe trên màn hình chỉ ngôi nhà cậu đang ở
với cha mẹ và "một người anh em là con nuôi", và chiếc xe
hơi đậu ngoài phố của cậu. Cả hai đã cười rúc rích khi
cô ra hiệu: "tao sang chỗ mày chơi nhé?", Jesse gật đầu: "ừ,
mày sang nhé" Cô trả lời: "không, tao không sang đâu, tao không
biết tiếng Anh" Jesse vội vàng: "đừng lo, bên đấy rất
nhiều người Việt và người Hung." Rồi cậu nói thêm: "mày
học tiếng Anh, tao học tiếng Hung. Nhé?" cô tìm từ điển:
"không được đâu, tao Tối Dạ lắm, Ngu" cô cười khúc khích
khi thấy Jesse lắc đầu quầy quậy. Rồi vớ lấy từ điển,
cậu chỉ vào ngực rồi chỉ vào từ điển: "tao cũng Ngu
lắm". Cả hai đều cười.

Jesse quay vào bếp mang ra hai tách trà, hai cuốn từ điển
nhỏ,rồi ngồi xuống ghế, đối diện với đôi chân bó trong
chăn, vẫn đặt trên bàn của cô, cậu vừa uống trà vừa ra
hiệu:

- Thế nào, cuốn sách có hay không?

- Jesse, ngay nhan đề của cuốn tiểu thuyết đã không hề bình
thường: CON DẤU THỨ NĂM. Mày có biết ẩn tích của nó không?
Lấy từ một tích trong Biblia, mày biết từ này không?

- Biblia - Jesse gật đầu - Kinh thánh.

- Cuốn sách hay, tao không nghĩ là nó hay thế. À cái từ hôm
nọ mày hỏi ấy mà, một lối nói riễu, kéo dài giọng như
một con vẹt bắt chước, kiểu: "Đúng… là… châu Âu!",
đọc đến đây thì tao hiểu rồi.

Jesse cười, gật gù: "tao cũng nghĩ thế".

Từ hôm đó trở đi, thỉnh thoảng cậu kéo dài giọng, trêu
cô: "Đúng… là…. châu Âu!"

Hai đứa ngồi hồi lâu ngoài hiên, không mở từ điển nữa,
bắt đầu ngắm lá rơi lả tả từ những cành cây, xoáy tròn
rơi xuống gốc. Dọc con đường rải sỏi những ngọn đèn ẩn
hiện dưới những khóm cỏ hoa bật sáng, khu vườn tranh tối
tranh sáng trông như một bức tranh mùa thu thật lớn đặt xa
xa…

Rồi cô mở cửa, xuýt xoa chạy vào phòng, Jesse đi sau, khóa hai
lần cửa.

Mày có biết, dưới một mái nhà chung cái gì sưởi ấm nhiều
nhất cho trái tim những kẻ cùng tồn tại một khắc với nhau
không?

Sự ưng thuận. Nhất là trong cùng một hành động. Trong cùng
một đam mê.

Tao và mày mê mải tìm cách diễn đạt cho nhau hiểu về thứ
cả hai cùng thích: văn chương, âm nhạc, nhà hát, và…cả
rượu nữa.

- Rose, mày uống khá lắm

- Jesse, mày cũng thế.

- Hôm qua mày bảo rượu mận Hung ngon hơn, hôm nay tao mua rượu
quả hỗn hợp đây: táo lê, nho, uống thử nhé.

- Không, rượu mận ngon hơn - cô nói

- Rose, khi còn nhỏ một lần tao nhận được một món quà là
một cái bảng tròn có nam châm ở dưới. Hồi đó tao đã ước
lớn lên tao sẽ làm một cái sân khấu có nam châm. Và tao trở
thành đạo diễn.

- Jesse, bố tao là đạo diễn sân khấu, tao đã ngủ nhiều lần
bên cánh gà, và có những đoạn kịch tao thuộc lòng.

Tối hôm đó cả hai chia tay nhau rất sớm để trở về phòng
riêng, đứa nào cũng bận bịu một mưu toan kế hoạch cần
thực hiện nào đấy, tuyệt nhiên không hề nghĩ đến sự xum
họp ngắn ngủi này sắp chấm dứt, bởi mọi sự xảy ra giữa
cả hai đều hoàn toàn tự nhiên, không hề theo sự sắp đặt
nào. Như hai đứa trẻ thời thơ ấu, bận bịu quan tâm đến
trò chơi hơn là bạn chơi, bởi vì, trò chơi mới cuốn hút
chúng làm sao.

Đầu giờ chiều hôm sau, cô đọc xong cuốn tiểu thuyết.

Lảo đảo bước vào phòng ăn, cô ngồi thừ suy nghĩ, không nói
không rằng. Jesse sải những bước dài từ trên gác xuống cầu
thang, cặp mắt nâu chăm chú nhìn cô:

- Sao? mày thấy cuốn sách thế nào?

- Jesse, tao thật xấu hổ là đến tận bây giờ tao mới đọc
cuốn tiểu thuyết này. Hay kinh khủng. Ấn tượng thật khủng
khiếp. Tao bị ám ảnh nhất chính ở đoạn cuối.

Cô mở hai trang cuối cùng, chỉ cho cậu xem, Jesse gật.

- Rose, hôm qua mày nói đến Kinh thánh, Biblia…

Cô gật, Jesse nói tiếp:

- Tao đọc lời giới thiệu, con dấu thứ năm nằm trong một
tích nói về sự phá vỡ các con dấu đóng lên sách Khải
huyền của Thánh John.

Trong những ngày Jesse đi vắng, cô tìm đọc lại sự tích về
con dấu thứ năm, về cuốn sách cổ viết bằng tiếng Hy lạp
được coi như sách của thánh John viết trong thể kỷ I. sau
Công nguyên. Cuốn sách này được khóa bằng bảy con dấu, mỗi
lần một con dấu bị phá vỡ, cuốn sách lại giải phóng một
sự kiện nào đấy của nhân loại. Con dấu thứ năm bị phá
vỡ, giải phóng cho những linh hồn đã chết vì Lời, vì biểu
tượng của Chúa.

- Kịch tính của tác phẩm rất cao - Jesse loay hoay mở từ
điển - bắt đầu ngay từ những chuyện tầm phào trong quán
rượu. Những câu chuyện vớ vẩn chứa đựng sự căng thẳng
của đời thường căng thẳng. Không hề bình thường tý nào.

- Đúng, và mang phong cách rất Hung, thậm chí rất hài hước,
tao phì cười nhiều lần vì nhận ra đúng chất dân Hung.

- Người đọc nghẹn thở dần vì những nội dung câu chuyện
bốn kẻ trong quán rượu trao đổi với nhau. Rose, mày thích
nhân vật nào?

Cô lấy giấy bút và cả hai bắt đầu hý hoáy viết tên:

- Một gã chủ quán, một gã thợ mộc, một gã bán sách, một
gã thợ ảnh, một gã sửa chữa đồng hồ.- cô đếm.

- Tao để ý nhiều tới nhân vật Gyurica, thợ sửa chữa đồng
hồ. Chính nhân vật này đưa ra một hoàn cảnh điển hình và
đề nghị các bạn rượu của ông ta phát biểu ý kiến, lựa
chọn vai sắm cho mình – Jesse bảo.

Cô mở cuốn tiểu thuyết nguyên bản để cạnh cuốn bằng
tiếng Anh của Jesse, rồi tìm các trang so sánh:

- Jesse những trang viết về sự lựa chọn này thật tàn bạo:
trên một hòn đảo mang tên Lucs - Lucs có một kẻ nô lệ tầm
thường Gyugyu, sống dưới ách cai trị của một lãnh chúa
độc tài tên gọi Tomoceuszkakatiti, hưởng lần lượt các "ân
huệ" của sự chà đạp. Đầu tiên bị cắt lưỡi vì dám
cười một mình, sau đó lần bị tước đoạt mọi sở hữu:
con gái, con trai gã bị cướp đoạt, giết chết, vợ bị hành
hạ, chưa đủ, gã phải chứng kiến số phận chung giống hwans
của các nô lệ sống cạnh, và sau cùng, chính gã phải nằm ra
đất để ông chủ dẫm đạp đi qua người như chùi chân lên
một tấm giẻ.

- Rose, tàn bạo nhất là Gyugyu chịu đựng tất cả bằng một
thái độ thản nhiên vì gã nghĩ: chúng đã dùng mọi thủ
đoạn man rợ đối với ta, vậy mà ta không gây lại tội ác
với chúng! chỉ có chúng gây tội ác với ta thôi. Ta đã không
thèm làm điều chúng làm với ta, tâm hồn ta vẫn trong sạch,
đấy mới là điều vĩ đại. Và gã luôn luôn dùng ý nghĩ này
để tự an ủi mình.

- Còn tên bạo chúa, kẻ độc tài Tomoceuszkakatiti thì sao, Jesse,
tên này tuyệt đối không hề cảm thấy cái gọi là lương tâm
cắn rứt khi chà đạp, tiêu diệt người khác. Vì hắn lớn
lên,nhìn thấy những cảnh, những hành động ấy xung quanh
mình, và sau đó hắn chỉ việc lặp lại một cách tất nhiên,
hắn đã cho rằng hắn đang hành động theo lương tâm của
thời đại, hắn trừng trị và lớn tiếng dạy dỗ người
khác, vì hắn tin rằng hắn đang làm theo lương tri của thời
đại

- Những câu chuyện trong quán rượu có vẻ rất viển vông,
tầm phào nhưng đời sống chính trị của xã hội trong cuốn
truyện này lúc ấy không tầm phào tý nào.

- Đúng, lúc đó chủ nghĩa phát xít thống trị.

- Và các nhân vật chán ngấy của cái đời sống đầy chuyện
tầm phào chán ngấy này bắt buộc phải dúng vào chính trị,
làm chính trị.

- Dù chỉ bằng mồm, chỉ tranh luận, cãi vã.

- Và loanh quanh, vì chẳng ai muốn nói ra chính kiến của mình.
Hai cuốn từ điển tới tấp lật, cả cô và cậu đều hùng
hồn, mỗi đứa nói bằng ngôn ngữ của chính đứa ấy, nhưng
hình như đều hiểu nhau chính xác, chỉ vì những chén rượu
lại nâng lên đặt xuống, nhạc jazz lại thư thả duỗi dài
ngân bên tai và bốn đôi mắt cứ nhìn nhau khúc khích khi hai
mái đầu gật lấy gật để đồng tình?

- Mày thấy không? khi trình bày những vấn đề không động
chạm tới cá nhân ai hết, người ta rất hùng hồn. Nhưng khi
phải lựa chọn thế đứng của chính mình, không ai muốn rành
rọt. Người ta bắt đầu loanh quanh.

- Rose, tao thích nhân vật thợ chữa đồng hồ. Ông ta thách
thức tất cả những người khác bằng những câu hỏi không tha
ai cả. Nghĩa là với sự thật chính trị của hoàn cảnh, không
ai bỏ đi đâu được cả. Nhân vật này rất kỳ lạ, bí ẩn,
vì ít trình bày mình nhất.

- Jesse, tao kinh ngạc vì sự khốn nạn của nhân vật thợ ảnh.
Một thứ đạo đức quần chúng nhân đạo rất ích kỷ, nấp
dưới sự giả tạo của các giá trị nhân văn chung chung, và
tất yếu dẫn đến sự phản bội khi uất hận về mặt cá
nhân. Tên thợ ảnh này đã đi tố cáo đám bạn nhậu khi hắn
tự ái, khi cái bản chất giả dối của hắn xui hắn phản
lại người khác, một cách tất yếu: không tự an ủi được
thì đạp đổ tất cả.

Jesse có lối tranh luận rất dịu dàng, mặc sự nhiệt thành
sôi nổi của cô trào lên toàn thân, muốn thuyết phục cậu
bằng mọi giá, cậu chỉ từ tốn lắng nghe và cười cười
bằng đôi mắt nâu có cái nhìn trong trẻo. Đợi mạch diễn
thuyết của cô lắng xuống, cậu bắt đầu giãi bày, dịu
dàng, chậm rãi, nhưng khăng khăng giữ vững ý kiến.

Cô loay hoay tìm trên màn hình laptop rồi bấm phím:

- Jesse, nhìn đây, đây là một bài viết về tác phẩm đạo lý
làm người này, rất hay, viết rất chính xác và thuyết phục
về chủ đề tư tưởng của tác phẩm:

<em>"đằng sau sự miêu tả một thực tế xã hội là những
chủ đề tư tưởng triết học sâu sắc, nằm trong chính những
mâu thuẫn sâu sắc của cuộc sống. Tác giả phân tích một
thế gian đầy rẫy những con người nghèo khổ và chịu đựng,
phân tích sự đối đầu bắt buộc của họ với quyền lực
đè nén, phân tích sự chịu đựng oằn oại của dân thường
đói khát, rách rưới với các thế lực cai trị chuyên quyền
tàn bạo, những con người luôn cố gắng giữ gìn chút phẩm
chất trong sạch cuối cùng còn lại trong con người họ. Bi
kịch của họ nằm chính ở chỗ đó: nhân dân vô ích chống
lại số phận, phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn,
vì một xã hội công minh hơn, nhưng những lý tưởng này trong
thực tế cuộc sống của con người vẫn chỉ là một hiện
thực xa vời không với tới. Con người không nắm trong tay sự
thay đổi số phận của mình: không thể trở nên hạnh
phúc…"</em>

Jesse nghe cô đọc một thôi một hồi, bèn giành lấy màn hình,
bấm trang dịch google, cậu đọc lướt qua rồi nhăn mặt.

Theo rõi nét mặt cậu, cô vội vã xoay màn hình về phía mình,
bấm copy đoạn cậu đang đọc, đưa vào dịch ngược, cô
đọc, phá ra cười.

Trời ơi, chả khác gì dân thiểu số nước tao nói tiếng Kinh
khi xuống núi, Jesse!

Không có gì hài hước hơn nhờ máy dịch hộ ngôn ngữ người,
Jesse ơi tao buồn cười đến chết mất.

Jesse cũng cười rất vui vẻ, cậu ra hiệu bảo cô gửi bài
viết này vào mail của cậu rồi cả hai lại chúi mũi lật từ
điển.

- Jesse, mày xem phim dựng từ cuốn tiểu thuyết này chưa? hồi
sinh viên tao xem rồi nhưng không hiểu lắm.

- Tao xem rồi, rất hay, bộ phim cũng rất thành công. Đoạn
cuối, khi nhân vật điển hình nhất của câu chuyện – người
thợ sửa chữa đồng hồ Gyurica Miklós buộc phải hành động
trái ngược với tất cả các nhân vật đồng hành với anh ta:
phải tát vào mặt người tù cộng sản đã hấp hối mới
được tha về nhà, anh ta đã tát.

- Jesse, mày nhớ cái cảnh anh ta giang đôi tay đã tát người
tù, cứ giang tay như thế đi về nhà…

- Như Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự, Rose…

- Jesse, tao thấy truyện hay hơn phim, phim làm tao kinh hoàng, nhưng
truyện làm tao ứa nước mắt, ở đúng mấy câu cuối truyện:
Anh ta gục đầu vào cánh tay bám lấy tường và bắt đầu
khóc, lúc đầu khe khẽ, dần dần nức nở...

- Rose, vì những đứa trẻ Do thái anh ta đang cất giấu…Đúng
thế, không một ai biết điều này: những đứa trẻ Do thái bơ
vơ đang ẩn nấp tại nhà người thợ sửa đồng hồ Gyurica…

- Jesse, tao nghẹn thở…

Hai đứa đưa mắt nhìn nhau, không nói không rằng. Chỉ nhìn
nhau.

Vì ấn tượng của cuốn tiểu thuyết được đọc một cách
khác nhau bằng hai ngôn ngữ khác nhau, nhưng để lại dấu ấn
như nhau trong hai trái tim đến từ hai xứ sở khác nhau? hay
chính cuốn tiểu thuyết ấy bắc cầu cho những nhịp đập
trái tim từ muôn nẻo tụ lại?

Đôi mắt nâu đầy âu yếm, khiến cô nhớ đến cảm giác lúc
gục đầu vào ngực cậu khóc nức nở.

ôi cái cử chỉ ấy, có phải nó tạo thành một Jesse duy nhất
trên đời?

và quan trọng nhất, sau cái ôm xẻ chia ấy, mọi việc bắt
đầu như cần phải có- không thể khác- Thượng đế ơi! con
người tiếp tục khám phá ra nhau để chia xẻ những điều
cần xẻ chia khác trong cuộc đời.

Hai đứa tiếp tục nhìn nhau, không nói năng gì, bỗng cô ngồi
thẳng dậy, lắc lắc đầu mấy cái và vươn vai làm vài động
tác thể dục một cách vô thức.

- Joga? - Jesse cười cười.

- Mày có biết tập joga không? - cô hỏi

- Không - Jesse trả lời- mày biết?

- Ừ, đúng rồi, tao dậy mày tập joga! cho lưng mày hết còng -
cô reo lên.

Cô đứng phắt dậy, nghĩ một tý rồi chạy vào phòng lấy
một chiếc chăn len, huỳnh huỵch chạy lên gác, Jesse cười vui
vẻ theo sau chân cô, cả hai vào phòng thư viện.

Cô trải chăn len ra nằm xuống, Jesse nằm ngay cạnh cô, cô bắt
đầu làm động tác thứ nhất: giơ cao đôi chân sát tận mặt
nhỏm đầu dậy, thở.

- Lạy Chúa! - Jesse kêu lên, đôi chân khòng khòng như hai cẳng
cò cong cong giơ lên.

Căn gác bằng gỗ kêu cót két, khi cả hai hỳ hục tập hết
động tác này đến động tác khác

- Mày phải nằm thấp xuống - cô cười lăn khi thấy Jesse đầu
chui vào gầm bàn.

- Mày phải ngồi đối diện mới nhìn thấy tao chứ

Cái chăn len bị vứt sang một góc, mỗi đứa lăn lộn một góc
sàn.

- Jesse, khi nào xương sống của mày mềm ra như con mèo ấy là
được. Hừ! mày có biết từ con mèo là gì không?

Jesse định nhỏm dậy tìm từ điển. Cô kêu lên, vừa vặn
lưng một cách mềm mại:

- Meo-meo-meo!

Jesse cười lăn, bắt chước cô vặn lưng, rồi bắt chước cô
lộn tiếp mấy vòng trên nền gỗ.

Cô quỳ gối mặt đỏ bừng, tóc tung xõa trên vai, thở hổn
hển. Đằng kia Jesse cũng quỳ gối, mặt đỏ bừng, thở hổn
hển. Hai đứa quỳ hai đầu sàn, mặt đối mặt, nhìn nhau
cười, đôi mắt nâu vô cùng âu yếm và dịu dàng. Cô cảm
thấy vô cùng bình yên và vui sướng. Cô nhảy phắt dậy, đến
bên Jesse và khẽ thì thào:

- Chúc ngủ ngon, Pinocchio

Cô chạy xuống gác, trở về phòng mình.

Những ngày ấy, nụ cười hiện trên môi cô ngay cả trong giấc
mơ.
Sau này, cô kể lại những ngày kỳ lạ với chàng trai người
Mỹ trong cái biệt thự bỏ quên bên hồ cho một người bạn
gái thân nghe, cô bạn rên xiết: "ối zời ơi! tưởng phải làm
tình chứ lại đi tập joga! zời ơi!"

Ừ, mà tại sao thế nhỉ?

đã bảo rồi, giống hai đứa trẻ say mê tham gia vào một trò
chơi quên luôn cả bản thân lẫn bạn chơi, lúc đó chỉ trò
chơi là ly kỳ nhất. Đúng không Jesse?

Hôm sau, buổi trưa, cậu báo cho cô biết cậu phải đi vắng
bốn ngày.

- Nhưng tao sẽ về ngay. - cậu an ủi - bây giờ chúng mình đi
mua rượu đi, hay bia, Rose? hay cả hai?

Hai đứa bước ra đường, Jesse cẩn thận xoay chìa khóa cổng
rồi cho vào túi, mỉm cười nhìn cô lon ton đi bên cạnh như
một đứa trẻ, cậu cúi xuống khi cô hỏi điều gì đó "Jesse,
sao mày cao thế, tao cứ phải nhìn thấy trời xanh khi nhìn
mày" Quả thật, trên đầu Jesse bầu trời đêm tháng mười
xanh sẫm, lấp lánh vài ngôi sao, cô chỉ cho Jesse một vệt sáng
chạy dài phía chân trời xa xa, nơi ẩn hiện những đám mây
đậm nhạt. Đi qua những hàng rào đầy dây leo đỏ úa, Jesse
đọc tên những loài hoa dại bé xíu nằm lẫn trong cỏ, trong
lá, bắt cô nhắc lại, hai đứa cười vang khi cô lắc đầu
quầy quậy. Đứng dưới cột đen đỏ, Jesse ra hiệu:

- Chạy sang đi!

- Không! đang đèn đỏ mày không nhìn thấy à? Jesse

- Hi, bên Mỹ là tao sang bên kia đường rồi, Rose, "đúng…
là… châu Âu!"

Tối hôm đó, hai đứa lại nấu chung, ăn chung và lại cùng
…nâng cốc.

- Jesse, quay lại đây! - cô gọi

Cậu quay lại. Cười rạng rỡ. Cô bấm máy

- Jesse, mày làm gì thế? tấm ảnh này tao phải chụp xoay máy
mới được, cho mày có đủ chân, máy lúi húi cái gì ở đấy
thế?

Jesse hỳ hục một góc, lát sau quay lại giơ cho cô xem một bình
thủy tinh đựng gần đầy một chất gì đó màu nâu nhạt:

- Rose, đây sẽ là xúp kiều mạch. Nhưng phải để mấy hôm,
hôm này quay về tao sẽ nấu cho mày ăn.

Hôm sau, cô dậy sớm, ra bến xe buýt và mua vé sang vùng bên kia
hồ đi chơi. Trước khi đi, cô thả vào giày của Jesse một
mẩu giấy "Chúc lên đường bình an" và một thỏi inoc trong
đựng một đôi đũa kim loại gập rời bốn mảnh.

Cô đi chơi lang thang đến quá đầu giờ chiều mới trở về,
lúc biết chắc chắn chuyến tàu chở Jesse đã đi xa.

Trở về nhà, cô gặp Zsuzsa, người quản lý ngôi biệt thự,
và kinh hãi biết rằng: Zsuzsa đã đổ cái bình thủy tinh cô và
Jesse dấu kín sau đống làn cói trên nóc tủ lạnh. Zsuzsa
tưởng đấy là thức ăn đã thiu.

Giờ đây cái món xúp kiều mạch ấy chỉ còn lưu lại trong
tấm ảnh cô chụp, khi Jesse đang hý hoáy trong một góc bếp.
Ôi, Jesse, tội nghiệp mày và món xúp Mỹ của chúng ta!

Bốn ngày sau, cô đang quay lưng đọc một cuốn sách trên phòng
thư viện, bỗng nghe một tiếng nói khẽ khàng vang sau lưng:

- Hello!

- Jesse!- cô quay phắt lại.

Chàng trai cao hơn mét tám hiện ra trước mặt cô, nụ cười
mệt mỏi nhưng dịu dàng nở trên khuôn mặt thanh tú, đôi mắt
nâu âu yếm nhìn cô, cậu để nguyên cái ba lô to tướng trên
vai, dang rộng đôi tay.

Cô gục đầu vào ngực cậu: "tao thấy tim mày đập trên đỉnh
đầu tao, Jesse"

cả hai đứng hồi lâu như thế, cô buông tay, ngước lên nhìn
cậu: "mỗi lần muốn nhìn thấy mày tao lại phải nhìn thấy
trời xanh"

Rồi lại ôm lấy nhau. Đứng hồi lâu như thế.

Đôi khi thượng đế gây những cơn tức ngực, để chúng ta
phải bật ho khù khụ và nhớ tới những phút giây được hít
thở căng phổi thứ không khí trong lành tuyệt diệu của sức
sống hồn nhiên. Đôi khi ta bỗng nhiên thở dài - cũng vì thế.

- Rose, hai năm nữa tao phải hoàn thành xong vở kịch này, cả
viết lẫn dựng trong nhà hát.

- Mày có chắc mày làm xong không?

- Chắc chắn.

- Tao không tin. Đánh cuộc nào?

- Ừ, đánh cuộc nhé, mày cuộc bằng cái gì nào Rose?

- Một bản dịch ra tiếng Việt cuốn tiểu thuyết này. Được
chưa?

- Đồng ý: một vở kịch và một tiểu thuyết dịch, từ một
tác phẩm Hungary

- Rose…

- Jesse…

Jesse quay lại ngôi biệt thự một ngày sau đến lượt cô lên
đường.

Ngày cô ra đi mưa rơi nặng hạt, bầu trời tháng mười âm u,
đẫm nước.

Khi cả hai bước ra khỏi rặng cây um tùm phủ kín hàng rào,
cậu hý húi khóa cổng. Quay lại, cậu giành đeo chiếc ba lô và
giơ tay cho cô khoác, cả hai lặng lẽ bước đi trên con đường
ướt sũng, thỉnh thoảng quay sang nhìn nhau mỉm cười. Đôi
mắt nâu tươi tỉnh long lanh thứ ánh sáng trong sạch, dịu
dàng, tựa hồ đấy là những tia sáng trong lành phản chiếu
từ những hạt mưa đọng trên từng phiến lá đẫm nước …
Ôi Jesse!

Cậu tiễn cô ra bến xe, nơi có một cây liễu gốc trắng, cành
mềm mại cúi đầu rủ những tán lá dài thon thon như những
ngón tay lạnh, ướt, không biết dấu đi đâu vị buốt của
chia ly.

Tạm biệt - tháng Mười!

<strong>Nguyễn Hồng Nhung</strong>

(Balatonfüred. 2010.11.19)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/13227), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét