George Friedman - Bầu cử, ghế tổng thống và chính sách đối ngoại Hoa Kỳ

Chiếc ghế tổng thống Mỹ được thiết kế để mang lại
thất vọng. Mỗi ứng viên phải hứa hẹn đem lại cho người
dân những điều vượt quá quyền lực của mình. Chẳng ai
tưởng tượng được một ứng cử viên có thể trúng cử
bằng cách nhấn mạnh rằng nội các của mình có quá ít quyền
lực, và vì thế người đi bầu đừng trông đợi nhiều ở
ông ta. Và như thế các ứng cử viên luôn hứa hẹn những
chương trình tuyệt vời và mang tính thay đổi toàn diện.
Những gì người chiến thắng có thể cung cấp thực sự phụ
thuộc vào các thể chế khác, các quốc gia khác và thực tế
cho phép ông ta. Mặc dù khoảng cách giữa lời hứa và thực
tế sẽ phá hủy những ứng cử viên ba hoa, đó là điều mà
những nhà lập quốc của chúng ta tin rằng sẽ bảo vệ nền
cộng hòa. Họ không tin vào chính phủ nói chung và văn phòng
thủ tướng nói riêng.

Tất cả các thể chế như Quốc hội, Tòa án tối cao và Hội
đồng Dự trữ Liên bang đều có khả năng hạn chế quyền
lực của tổng thống trong nước. Điều này cộng với quyền
tự chủ của mỗi bang đã trói tay trói chân tổng thống rất
chặt, đúng như những nhà lập quốc của chúng ta mong muốn.
Để đạt được bất cứ điều gì đáng kể, tổng thống
phải tạo ra một liên minh quyền lợi chính trị trong các ngành
khác của chính phủ để đưa ra quyết định. Ấy thế mà cùng
một lúc – đây chính là một nghịch lý chính của văn hóa
chính trị Mỹ - ghế tổng thống được coi là một thể chế
mang tính quyết định và người nắm giữ văn phòng tổng
thống được coi là người giữ vị trí quan trọng hơn cả.

<h2>Những hạn chế trong vũ đài Đối Ngoại</h2>

Tổng thống có quyền nhiều hơn đối với chính sách đối
ngoại, nhưng chỉ hơn chút thôi. Ông ta bị mắc kẹt bởi dư
luận xã hội, bởi sự can thiệp của Quốc hội, và trên tất
cả, bởi thực tế của địa chính trị. Vì lý do đó, trong khi
tổng thống George W. Bush tranh luận chống lại chính sách "xây
dựng đất nước" (nation-building) trong chiến dịch tranh cử
năm 2000, đến khi ngồi vào ghế tổng thống, ông ta lại chỉ
làm mỗi việc này (và lãnh nhận chính xác hậu quả mà ông
đã cảnh báo trong chiến dịch tranh cử). Và bất chấp ông cố
gắng mô hình hóa chính sách ngoại giao của mình trong chiến
dịch tranh cử thứ nhất thế nào, sự kiện 9/11 đã thay đổi
hoàn toàn các dự định này của tổng thống.

Tương tự như vậy, Barack Obama vận động tranh cử bằng lời
hứa tái xác định mối quan hệ của Mỹ với cả châu Âu và
thế giới Hồi giáo. Cả hai thứ này đều không xảy ra. Mọi
người đều thấy và ghi nhận rằng chính sách ngoại giao thời
Obama chả khác mấy so với thời George W. Bush. Điều này không
có nghĩa là Obama không có ý định thực hiện một chính sách
đối ngoại khác, mà đơn giản là những gì tổng thống muốn
và những gì thực sự xảy ra là việc rất khác nhau.

Sức mạnh thường được gán cho vị trí tổng thống Mỹ bị
thổi phồng. Nhưng ngay cả như vậy, mọi người - bao gồm cả
các nhà lãnh đạo - trên toàn thế giới vẫn tin vào sức mạnh
đó một cách nghiêm túc. Họ muốn tin rằng một người nào
đó kiểm soát những gì đang xảy ra. Cảm giác rằng không ai
có thể kiểm soát được một thứ to lớn như một quốc gia,
hay một thế giới, là một cảm giác đáng sợ. Lý thuyết âm
mưu giúp người ta giải tỏa cảm giác khó chịu này, bởi
người ta cho rằng một khi những kẻ xấu đang điều hành thế
giới, thì chí ít là thế giới vẫn có ai đó điều hành. Tất
nhiên, còn có một quan điểm thay thế khác, đó là trong khi
không ai điều hành thế giới, thì các hành vi của nó vẫn có
thể dự đoán được, miễn là bạn hiểu được các lực
lượng phi cá nhân hướng dẫn nó. Đây là một khái niệm khó
chịu và không thể chấp nhận được cho những người muốn
tạo sự khác biệt trên thế giới. Đối với những người
như vậy, cuộc đua tổng thống - như tranh chấp chính trị trên
toàn thế giới - có ý nghĩa lớn.

Nói cho cùng, tổng thống không có khả năng thay đổi chính
sách đối ngoại của Mỹ. Thay vào đó, lợi ích của nước
Mỹ, cấu trúc của thế giới và các giới hạn của quyền
lực là động lực xác định chính sách đối ngoại.

Xét theo nghĩa rộng nhất, chính sách đối ngoại hiện tại
của Mỹ đã được định hình và sử dụng từ khoảng một
thế kỷ nay. Trong thời gian đó, Hoa Kỳ đã tìm cách để cân
bằng và tái cân bằng hệ thống quốc tế để kiềm chế các
mối đe dọa tiềm năng ở bán cầu phía Đông, vốn đã bị
tàn phá bởi chiến tranh. Nửa tây bán cầu nói chung, và Bắc
Mỹ nói riêng, không chịu ảnh hưởng. Không có tổng thống
nào dám nhận rủi roc ho phép xung đột đến Bắc Mỹ.

Ở một mức độ, quyết định của tổng thống là có giá
trị: Những chiến lược mà họ theo đuổi nhằm giữ cho nửa
tây bán cầu khỏi bị xung đột là có giá trị. Trong Thế
chiến lần thứ nhất, Hoa Kỳ đã can thiệp khi quân Đức bắt
đầu đe dọa đường hàng hải qua Atlantic, và chỉ vài tuần
sau sự sụp đổ của Nga Hoàng. Vào thời điểm này của cuộc
chiến, hệ thống Châu Âu dường như đã mất cân bằng, và
Đức trở thành lực lượng thống trị. Vào Thế chiến lần
thứ hai, Hoa Kỳ cũng theo đuổi một chiến lược tương tự,
cho phép cả Châu Âu lẫn Châu Á trở nên bất ổn trước khi
can thiệp. Điều này được gọi là chủ nghĩa biệt lập
(isolationism), nhưng đó là một mô tả đơn giản của chiến
lược dựa vào sự cân bằng quyền lực để tự điều chỉnh
và chỉ can thiệp khi đó là giải pháp cuối cùng.

Trong cuộc chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã đón nhận chiến lược
ngược lại, đó là chủ động duy trì cân bằng quyền lực ở
bán cầu phía Đông qua tiến trình can thiệp liên tục. Chúng ta
cần nhớ rằng số lính Mỹ chết dưới thời chiến tranh lạnh
là 100 ngàn (bao gồm Việt Nam, Triều Tiên và một số vùng xung
đột nhỏ khác), một con số không kém so với 116 ngàn lính Mỹ
chết trong Thế chiến lần thứ nhất, điều này cho thấy
chiến tranh lạnh thực ra không lạnh, mà là một cuộc đối
đầu đầy bạo lực.

Quyết định chủ động duy trì cân bằng quyền lực là một
phản ứng trước những thất bại về chính sách ghi nhận ở
Thế chiến lần thứ hai. Lập luận rằng can thiệp sớm có lẽ
có thể ngăn cản sự sụp đổ cân bằng quyền lực ở Châu
Âu, có lẽ đã chặn được chính sách phiu lưu của Nhật Bản,
và cuối cùng là ít người chết hơn là con số 400 ngàn người
Mỹ bị tổn thương trong cuộc chiến. Một đồng thuận sau
thế chiến lần thứ hai rằng chủ động cân bằng quyền lực
theo hướng "chủ nghĩa quốc tế" là biện pháp tốt hơn so
với việc phó mặc cho tự nhiên tự cân bằng chính mình.
Cuộc chiến tranh lạnh đã được chiến đấu theo chiến lược
này.

<h2>Đồng thuận Chiến tranh Lạnh tan vỡ</h2>

Giữa năm 1948 và chiến tranh Việt Nam, sự đồng thuận này
được duy trì. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, tuy nhiên,
một quan điểm nổi lên trong Đảng Dân chủ rằng chính chiến
lược chủ động cân bằng quyền lực đã đem lại mất ổn
định ở bán cầu phía Đông, gây ra xung đột không cần thiết
và do đó nước Mỹ bị các quốc gia khác xa lánh. Quan điểm
này cho rằng chủ động cân bằng tăng khả năng xung đột, làm
cho các liên minh chống Mỹ hình thành, và quan trọng nhất,
cường điệu hóa nguy cơ mất cân bằng của hệ thống cũng
như hậu quả của sự mất cân bằng này. Việt Nam được đưa
ra như là một ví dụ về cân bằng quá mức.

Ý kiến phản biện cho rằng trong khi chiến lược chủ động
cân bằng có thể tạo ra một số xung đột, thế chiến lần
thứ nhất và lần thứ hai là minh chứng cho hậu quả của
việc để mặc cho cán cân quyền lực tự đi theo con đường
của mình. Quan điểm này cho rằng thất bại của Hoa Kỳ trong
việc tham gia một cách chủ động, thậm chí là dùng vũ lực,
để cân bằng với Liên Xô sẽ làm tăng khả năng xung đột
trên những phương diện tồi tệ nhất cho Hoa Kỳ. Như thế,
ngay cả trong trường hợp Việt Nam, chủ động can thiệp sẽ
tránh được hậu quả tồi tệ nhất. Tranh luận giữa những
người muốn hệ thống quốc tế tự điều chỉnh và những
người muốn Hoa Kỳ phải chủ động điều khiển sự cân
bằng đã diễn ra từ thời George McGovern tranh cử với Richard
Nixon vào năm 1972.

Nếu chúng ta xem xét cẩn thận các phát biểu của Obama trong
chiến dịch tranh cử 2008 và những nỗ lực của ông khi ngồi
ở tòa Bạch Ốc, chúng ta có thể thấy ông đang cố gắng
dịch chuyển chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ra khỏi hướng
chủ động can thiệp, và mong muốn để các cán cân quyền lực
trong khu vực tự duy trì bản thân. Ông ta đã không di chuyển
đột ngột sang chính sách này, như nhiều người ủng hộ ông
trông đợi. Thay vào đó, ông ta từ từ tiến tới nó, đồng
thời gia tăng nỗ lực của Hoa Kỳ ở Afghanistan, trong khi giảm
bớt sự can thiệp ở các khu vực khác ở trong giới hạn mà
hệ thống chính trị của Mỹ và các tiến trình toàn cầu cho
phép.

Những nỗ lực của Obama để di chuyển ra khỏi chiến lược
chủ động cân bằng đã được nhìn thấy ở châu Âu, nơi ông
chỉ có những nỗ lực nhỏ để ổn định tình hình kinh tế,
và ở vùng Viễn Đông, nơi mà không có nhiều thay đổi ngoại
trừ một số tái định vị quân sự nhỏ lẻ. Syria cũng là
nơi thể hiện xu hướng để cho cán cân quyền lực trong khu
vực tự điều chỉnh của Obama. Sự tồn tại của chế độ
tổng thống Syria Bashar al Assad sẽ gây ra mất cân bằng trong khu
vực, tạo ra một không gian ảnh hưởng lớn hơn đáng kể cho
Iran. Chiến lược của Obama là không can thiệp ngoài cung cấp
hỗ trợ hậu cần hạn chế cho phe đối lập, nhưng để cho
sự cân bằng trong khu vực tự đối phó với vấn đề này.
Obama đã trông đợi ở Ảrập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn
chặn Iran bằng cách làm suy yếu al Assad, không phải vì Hoa Kỳ
yêu cầu họ làm như vậy, mà bởi lợi ích của chính họ.

Quan điểm của Obama được xây dựng dựa trên những chỉ
trích đối với chiến lược chủ động cân bằng thời chiến
tranh lạnh, những người cho rằng khi không có một cường
quốc lớn ở lục địa Âu Á đe dọa hòa bình của nửa bán
cầu này, sự can thiệp của Hoa Kỳ chỉ đem lại những liên
minh chống Hoa Kỳ và đó chính là mối lo ngại của Hoa Kỳ khi
nó quyết định chủ động cân bằng quyền lực. Nói cách
khác, Obama không tin rằng các bài học kinh nghiệm từ thế
chiến lần thứ nhất và lần thứ hai có thể áp dụng cho hệ
thống toàn cầu hiện nay, và như ở Syria, quyền lực toàn cầu
phải để mặc cho quyền lực trong khu vực tự cân bằng.

<h2>Romney và chủ động cân bằng</h2>

Romney có quan điểm cho rằng chủ động cân bằng là cần
thiết. Trong trường hợp của Syria, Romney tranh luận rằng bằng
cách cho phép hệ thống tự xử lý vấn đề, Obama đã cho phép
Iran thăm dò và rút lui mà không phải đón nhận hậu quả nào,
và không cung cấp một giải pháp thực sự cho vấn đề cốt
lõi. Vấn đề cốt lõi là Mỹ rút quân khỏi Iraq đã để lại
một khoảng trống cho Iran - hoặc sự hỗn loạn – nảy nở,
và rằng tình hình sẽ sớm trở nên đe doạn và bất ổn đến
mức Hoa Kỳ sẽ phải can thiệp. Để khắc phục điều này,
Romney đòi hỏi trong chuyến thăm Israel một giải pháp quyết
định cho vấn đề Iran, không chỉ đơn thuần là kiềm chế
Iran.

Romney cũng không đồng ý với quan điểm của Obama rằng không
tồn tại một thế lực bá quyền đáng kể ở lục địa Á-Âu
đáng để Hoa Kỳ phải lo lắng. Romney đã nêu lên sự nổi lên
của nước Nga như là một mối đe dọa tiềm năng đối với
lợi ích của Mỹ đòi hỏi hành động của Mỹ trên một quy
mô đáng kể. Ông cũng lập luận rằng trong trường hợp Hoa
Kỳ bỗng dưng xác định rằng Trung Quốc đại diện cho một
mối đe dọa, thì mức độ lực lượng hiện tại được sử
dụng để cân bằng nó sẽ là không đủ. Đối với Romney,
những bài học của thế chiến lần thứ nhất và lần thứ hai
và chiến tranh lạnh rất khớp nhau. Để cho cân bằng quyền
lực tự đi con đường của nó sẽ chỉ trì hoãn sự can thiệp
của Hoa Kỳ, và đem lại một giá đắt hơn. Theo ông, chiến
tranh lạnh kết thúc như nó đã kết thúc chính là bởi có sự
can thiệp chủ động của Hoa Kỳ, bao gồm cả tham chiến khi
cần thiết. Nếu không có sự chủ động này, chiến tranh lạnh
có thể đã kết thúc khác đi và cái giá mà Hoa Kỳ phải trả
có thể đã cao hơn.

Tôi cũng có cảm giác rằng Romney ít nhạy cảm với dư luận
toàn cầu hơn so với Obama. Romney sẽ lưu ý mọi người rằng
Obam đã thất bại trong việc gây ảnh hưởng lên dư luận toàn
cầu, mặc dù có những trông đợi rất lớn trên thế giới
vào nhiệm kỳ tổng thống của Obama. Theo Romney thì đó là bởi
đáp ứng mong muốn của thế giới sẽ là điều không thể, vì
chúng là mâu thuẫn. Ví dụ, trước khi thế chiến lần thứ
hai, dư luận thế giới bên ngoài khối Trục lên án Hoa Kỳ vì
đã không can thiệp. Nhưng đến thời chiến tranh lạnh và cuộc
chiến tranh thánh chiến, họ lại lên án Hoa Kỳ vì đã can
thiệp. Đối với Romney, sự lên án của thế giới không thể
là một hướng dẫn cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong
khi Obama sẽ tranh luận rằng tinh thần chống Mỹ của thế
giới là nhiên liệu cho chủ nghĩa khủng bố và các liên minh
chống Mỹ, Romney đáp lại rằng ý thức hệ và lợi ích, chứ
không phải tinh thần, sẽ khiến bất kỳ quốc gia nào chống
lại quyền lực hàng đầu của thế giới. Cố gắng xoa dịu
tình cảm do đó sẽ chuyển hướng chính sách của Mỹ ra xa con
đường thực tế.

<h2>Hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử và thực tế</h2>

Tôi đã cố gắng đưa ra những lập luận mà hai bên sẽ sử
dụng nếu họ phải đối mặt trong một chiến dịch tranh cử,
nơi mà mục tiêu của họ không phải là để lựa chọn một
chính sách ngoại giao mạch lạc, mà đơn giản chỉ để làm
bẽ mặt đối phương và kiếm phiếu. Trong khi không có gì cho
thấy đây là một con đường thiếu hiệu quả của một ứng
cử viên tổng thống, nó buộc chúng ta phải tìm kiếm các hành
động và gợi ý để xác định vị trí thực tế của họ.
Căn cứ vào hành động và gợi ý đó, tôi sẽ lập luận rằng
những bất đồng của hai ứng cử viên về chính sách đối
ngoại cuối cùng chỉ là "dựa vào cân bằng khu vực" hay
"chủ động cân bằng".

Nhưng không có nghĩa tôi kết luận rằng đây là lựa chọn mà
đất nước chúng ta phải đối mặt với. Như tôi đã tranh
luận ngay từ đầu, tổng thống Mỹ là thể chế yếu kém,
bất chấp uy tín rất lớn của nó. Nó bị hạn chế bởi hiến
pháp, bởi chính trị và bởi các hành động của người khác.
Nếu Nhật Bản không tấn công Hoa Kỳ, người ta không chắc
rằng Franklin Roosevelt đã có sự tự do để làm những gì ông
đã làm. Nếu al Qaeda không tấn công vụ 9/11, tôi nghĩ rằng
nhiệm kỳ tổng thống của George W. Bush sẽ rất khác.

Thế giới hình thành chính sách đối ngoại của Mỹ. Thế
giới càng tích cực hơn, thì càng ít lựa chọn hơn cho vị trí
tổng thống, cũng như những lựa chọn này càng nhỏ bé hơn.
Obama đã tìm cách để tạo ra một không gian cho Hoa Kỳ có thể
thoái lui khỏi chiến lược chủ động cân bằng. Làm như thế
nằm trong quền lực hợp hiến của ông, và cho đến nay vẫn
được hệ thống chính trị chấp nhận. Nhưng liệu thể chế
quốc tế có cho phép ông đi tiếp con đường này hay không là
cả một câu hỏi ngỏ. Jimmy Carter đã có một tầm nhìn tương
tự, nhưng cuộc Cách mạng Iran và cuộc xâm lược của Liên
Xô ở Afghanistan đã làm đắm nó. George W. Bush đã nhìn thấy
sự phản đối của mình với chính sách xây dựng đất nước
bị sự kiện 9/11 nhấn chìm, và nhiệm kỳ tổng thống của
ông bị nghiền nát dưới sức nặng của thứ mà ông muốn
tránh.

Tổng thống làm nên lịch sử, nhưng không phải dựa vào ý chí
của họ. Họ bị ràng buộc và xô đẩy bởi thực tiễn. Khi
chọn lựa một vị tổng thống, cần nhớ rằng các ứng cử
viên sẽ nói tất cả những gì cần nói để được bầu lên,
nhưng ngay cả khi họ nói thật mong muốn của mình, thì cũng
chưa chắc họ có quyền lực để thực hiện chúng. Lựa chọn
không nằm trong tay họ. Có hai đường lối ngoại giao khá rõ
trong cuộc bầu cử lần này. Thế nhưng mức độ ảnh hưởng
của đường lối chiến thắng lại không rõ ràng, mặc dù
biết khuynh hướng của các ứng cử viên tổng thống, cho dù
họ có hay không có khả năng thực hiện chúng, cũng có một
số giá trị nhất định.

Xét cho cùng, vị trí tổng thống Mỹ được thiết kế để
hạn chế quyền lực điều hành của ông ta. Ông ta có thể
nhiều nhất là dẫn dắt, và nhiều khi ngay cả dẫn dắt cũng
bị hạn chế. Đặt vị trí tổng thống trong góc nhìn này cho
phép chúng ta duy trì cuộc tranh luận của mình trong đúng bối
cảnh của nó.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/13607), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét