Trịnh Kim Tiến - Khi tổ quốc gọi ta...

Ngày 05/06/2011 là một ngày đáng nhớ đối với những người
tham gia biểu tình yêu nước chống Trung Quốc và những ai căm
phẫn, sôi sục trước sự bành trướng ngang ngược của Trung
Quốc trên biển Đông. Tôi nghĩ, mỗi người đều có những
cảm xúc khác nhau về ngày này, riêng cá nhân tôi, một người
đã tham gia đoàn biểu tình, tôi thấy xao xuyến lắm. Khó mà
tả được cái cảm giác lâng lâng, nuối tiếc, thèm thuồng
và hy vọng.

Đã gần một năm qua đi kể từ ngày chung tay đều bước cất
lên tiếng ca Việt Nam quê hương ta, "này người anh em"…
đến hôm nay nhìn lại, bọn Tàu kia vẫn ngang nhiên cắt cáp
dầu khí, bắt giữ tàu đánh cá, ngư dân Việt Nam, tàu của
chúng tràn ngập biển Đông. Chúng tận lực khai thác ngay trên
biển đảo quê hương ta mà nói đó là điều rất đỗi bình
thường. Máu căm hờn ai thấy cũng sục sôi, hào khí xưa con
cháu Tiên Rồng, sự dồn nén, cam chịu khiến cho những người
con nhìn về Tổ quốc, nhìn về nơi hải đảo xa xôi Hoàng Sa
– Trường Sa yêu dấu trong nỗi uất nghẹn, đau buồn. Cảm
xúc ứ đọng thành những giọt nước mắt nặng hạt đong
đầy trong khóe mi cay.

Ngày này của năm trước, tôi không có can đảm viết và nói ra
như ngày hôm nay. Có lẽ cũng do biến cố gia đình khiến tôi
hiểu biết nhiều hơn. Nhưng rõ ràng là, nó không liên quan
đến những gì mà tôi đã làm, không liên quan đến bước chân
đồng hành trong đoàn biểu tình của những ngày hè oi ả,
nắng cháy hăng say một năm trước.

Cũng có thể có nhiều người ác ý hay cố tình đánh tráo khái
niệm cho rằng tôi đang mập mờ giữa hai chuyện đó. Nhưng họ
quên đi một điều đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Tôi
đã từng nói cũng như trả lời rất nhiều cuộc phỏng vấn
để thể hiện rõ quan điểm cá nhân:

- Tôi đòi công lý cho bố mình với tư cách là một
người con.

- Tôi tham gia biểu tình yêu nước với tư cách 1 người
công dân.

Xin đừng đánh đồng những điều đó với nhau.

Không thể nói tôi tham gia vào hoạt động yêu nước là tôi
phải vứt bỏ công việc của gia đình mình.

Càng không thể cho rằng tôi đấu tranh đòi sự công bằng minh
bạch cho cái chết của bố mình thì tôi không được quyền
yêu nước.

Và tôi cảm thấy rằng không ai có quyền chất vấn tôi khi
không trực diện, thẳng thắn mà phải ẩn mình thông qua những
người khác, những blog khác, bởi vì những gì tôi làm đều
là trách nhiệm mà tôi nghĩ phải làm. Tôi không nghĩ rằng mình
sẽ không bao giờ làm điều gì sai, bởi phàm là con người thì
khó có ai có thể tránh khỏi sai lầm. Nhưng tôi có thể chắc
chắn một điều rằng: Tôi chưa làm sai điều gì đối với
người khác, đối với gia đình, và đối với đất nước
của tôi.

Khi tôi bước chân xuống đường tôi chưa hề nghĩ đến một
ngày người ta biết tôi là ai, không nghĩ cuộc đời sẽ đưa
đẩy tôi đến với những người bạn nào. Khi đọc được
lời kêu gọi biểu tình yêu nước chống Trung Quốc trên mạng,
qua tìm hiểu trên Facebook, tôi biết được đất nước tôi,
quê hương tôi đang phải đối diện, trải qua những khó khăn,
sự đe dọa, rình rập, xâm lược của tên hàng xóm xấu bụng
mà báo chí vẫn gọi là "láng giềng tốt". Tôi đã quyết
định tham gia vào cuộc biểu tình khẳng định chủ quyền của
dân tộc mình, khẳng định quyền của một công dân trong một
đất nước độc lập với truyền thống yêu nước với bốn
ngàn năm lịch sử.

Nhưng ngày 05/06 năm ngoái, tôi không có xuống đường. Tôi
không bước từng bước, hô từng tiếng vang "Hoàng Sa-
Trường Sa là của Việt Nam", " Phản đối Trung Quốc xâm
lược". " Bảo vệ chủ quyền Việt Nam, bảo vệ toàn vẹn
lãnh thổ, bảo vệ ngư dân Việt Nam"…

Tôi có đi, tôi có đến chỗ mọi người biểu tình, có nhìn
thấy những đoàn người từ nhiều ngả trên đường phố hô
vang. Nhưng tôi đã không có can đảm bước xuống cùng họ. Tôi
không có biết là xuống đó biểu tình rồi có sao không nữa,
rồi có bị bắt, có bị xử phạt hay như thế nào đó không.
Tôi không có kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết nhiều trong
việc đó, trong khi tôi lại đi xe, không biết gửi sao cho tiện.
Tôi chỉ đi qua, dừng xe lại, cầm chiếc máy ảnh du lịch trên
tay và bấm lấy những bức hình. Qua Bờ Hồ rồi vòng lên
đường Hàng Bông, những đoàn người khác nhau, nhưng những
giọt mồ hôi trên khuôn mặt của những người tham gia biểu
tình như hoà cùng máu và nước mắt của cha ông đã đổ
xuống vì quê hương thân yêu. Những tiếng hát, lời ca như
bùng lên dữ dội trong sự kìm nén. Tôi nhìn họ bằng ánh mắt
thèm thuồng, bằng sự ham muốn tuột bậc, sự ham muốn được
"YÊU NƯỚC", chẳng có gì hơn, họ đã truyền cho tôi nghị
lực và sức mạnh của lòng dũng cảm. Và tôi quyết định,
một quyết định gan dạ và táo bạo, có thể nói như vậy
với lúc bấy giờ, vào khoảng thời gian đó của tôi, tôi
bước xuống đường, bước ra khỏi những lý thuyết của sự
sợ hãi, ngày 12/06 tôi đã xuống đường. Đó là sự kỳ diệu
đối với tôi, đúng vậy, nhận thức là cả một quá trình.
Vượt qua nỗi sợ hãi là cả một bài học.

Trong những buổi biểu tình, tôi có rất nhiều kỉ niệm, vui
có, sợ có, lo lắng có, hoài nghi có, thậm chí đau lòng cũng
có. Đau lòng là khi tôi chứng kiến, tôi nhìn thấy đồng bào
tôi, những người đáng lẽ ra phải đứng về phía chúng tôi,
bảo vệ chúng tôi, lại chĩa mũi nhọn, họng súng vào chúng
tôi mà ngăn cản. Có khi thì tôi thấy thương yêu, thương
những người mà tôi chưa gặp lần nào, khi họ bị bắt vì
cũng như tôi đi biểu tình yêu nước mà đến tối mịt vẫn
chưa được thả ra, đó là những anh chị em Sài Gòn ngày
17/07/2011 đã bị bắt, bị đánh. Tôi cũng thao thức như người
thân của họ ngóng chờ họ trở về. Về những cô chú, anh
chị em cùng tôi biểu tình ngoài Hà Nội thì rõ ràng tình cảm
đó là chắc chắn, sự lo lắng và yêu thương khi họ bị bắt
là không thể khác được với những nhịp đập hồi hộp của
trái tim tôi vì ngoài chí hướng đồng lòng của những con
người cùng nhiệt huyết, chúng tôi còn có tình cảm chân tay,
đồng đội mến thương, sẻ chia tiếp sức cho nhau trên con
đường nắng cháy. Còn đây, những người kia là những người
cách tôi cả ngàn cây số, tôi chưa bao giờ được tiếp xúc,
hay nắm tay hô vang cùng họ một lần, vậy mà sao khi họ bị
bắt đem đi, tôi lại thương lo họ đến vậy. Tất cả tình
thương mến thương đó giữa chúng tôi, không hề có sự vụ
lợi, toan tính hay nghĩ rằng mình làm để được gì cho bản
thân, tất cả đều xuất phát từ một điểm duy nhất, đó là
tình yêu quê hương đất nước, tình yêu máu thịt đồng bào.
Những con người không có trái tim và chỉ có những kẻ không
có trái tim và bộ óc thì mới chối bỏ dân tộc mình, anh em
mình, thì mới có thể nghĩ những giọt nước mắt, mồ hôi
đang chảy của đồng bào mình là gian dối, là toan tính.

Ngày cũ đã qua đi, nhưng ngày mới sẽ lại tới, tôi tin rằng
rồi một ngày, một ngày không xa ấy, tất cả chúng ta, những
con người Việt Nam, sẽ cùng " đứng chung đồng bào" để
"Đáp lời sông núi".

"<em>Làm sao ngăn được tình yêu với quê hương, đi trên
đường tay trong tay đều nhịp bước.</em>

<em>Để còn nhớ tiếng nói cha ông, giặc vào đây sẽ bại
vong, còn ghi dấu Bạch Đằng Giang cuộn sóng.</em>

<em>Để ngày sau nhớ hôm nay người Việt Nam tay cầm tay. Tình
yêu nước đến bên nhau đứng chung đồng bào.</em>

<em>Tổ Quốc gọi ta Hoàng Sa Trường Sa, rồi sẽ đến lúc
chúng ta giành lại.</em>

<em>Nổi sóng biển đông, con cháu Tiên Rồng.</em>

<em>Này người anh em, nắm tay cùng tôi !</em>"

<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-a.akamaihd.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/292591_426849980668575_100000307303806_1472443_1995815528_n.jpg"
/></center>

<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-a.akamaihd.net/hphotos-ak-ash3/s720x720/601545_426850250668548_601050483_n.jpg"
/></center>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/12793), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét