Washington Post: Tổng thống Myanmar lần đầu trả lời phỏng vấn báo nước ngoài

Naypyidaw, Myanmar - Kể từ khi Thein Sein nhậm chức tổng thống
Burmar cách đây 9 tháng, nhà lãnh tụ nổi tiếng của phong trào
chống đối, bà Aung San Suu Kyi, đã thôi bị quản thúc, tù
chính trị được trả tự do và Mỹ thì đã bình thường hóa
quan hệ song phương với Burma, còn được gọi là Myanmar. Tuần
này, ông Sein đã dành cho phóng viên Lally Weymouth của Washington
Post buổi trả lời phỏng vấn đầu tiên với nhà báo nước
ngoài. Sau đây là một phần trích từ bài phỏng vấn đó.

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Hoan nghênh ông đến thủ đô
của chúng tôi. Tôi biết tờ Washington Post là một tờ báo nổi
tiếng ở Mỹ. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp gỡ báo
chí nước ngoài. Đây là bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng
thông tin và bộ trưởng lao động của chúng tôi.

<strong>Hỏi:</strong> <em>Phương Tây đã theo dõi những đổi thay
mà ông mang lại cho nước mình – trả tự do cho tù chính trị,
cho phép đảng của bà Aung San Suu Kyi được tranh cử trong cuộc
bầu cử tổng thống tháng 4 tới đây, và tuyên bố ngừng bắn
(đình chiến) với một số nhóm sắc tộc thiểu số. Ông đã
tiến hành những thay đổi phi thường trong một khoảng thời
gian ngắn. Điều gì khiến ông muốn thay đổi đất nước và
bắt đầu tiến trình cải cách này?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Về quá trình cải cách mà chúng
tôi đang tiến hành, thì có rất nhiều sự khuyến khích đến
từ nhân dân chúng tôi. Các biện pháp cải cách đang được
thực hiện dựa trên ý nguyện của nhân dân, [những người]
muốn đất nước tôi có hòa bình và ổn định cũng như phát
triển kinh tế. Để có hòa bình ổn định trong nước và tiến
bộ về kinh tế, thì điều rất quan trọng là phải có quan hệ
tốt với các đảng chính trị hiện có trong nước chúng tôi.
Đấy là lý do vì sao chúng tôi đã gặp gỡ trao đổi với bà
Daw Aung San Suu Kyi. Trong cuộc gặp của tôi với Daw Aung Sang Suu
Kyi, chúng tôi đã có thể đạt tới một sự hiểu biết lẫn
nhau giữa hai người.

Nhân dân muốn được hưởng hòa bình, ổn định, và đó là
lý do vì sao chúng tôi tiếp xúc với các nhóm thiểu số có vũ
trang. Đó là lý do tại sao tiến trình cải cách của chúng tôi
dựa trên ước muốn và ý nguyện của nhân dân.

<em>Nhân dân không thể có được cuộc cải cách này nếu không
có ông lãnh đạo. Ông đã quyết định trả tự do cho tù chính
trị, ông đã gặp bà Aung San Suu Kyi… Tiếp theo sẽ là gì? Ông
có tiếp tục tiến độ cải cách này không?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Về triển vọng tương lai, chúng
tôi muốn thấy xã hội minh bạch. Tôi hy vọng chúng tôi đã,
đang và sẽ có thể duy trì quan hệ thân thiện với các nước
trên thế giới.

<em>Ông có thể chia sẻ với chúng tôi bước tiếp theo trong
tiến trình cải cách không? Tầm nhìn của ông?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Tôi nghĩ anh cần biết các mục
tiêu của chúng tôi, các mục tiêu đó là có được hòa bình,
ổn định và phát triển kinh tế trong nước. Trong tương lai,
chúng tôi cần tiếp tục có những hành động cần thiết để
đạt các mục tiêu đó.

<em>Ông đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ông đã trả tự
do cho tù chính trị và đạt được thỏa thuận ngừng bắn
với một số nhóm thiểu số. Ông có một bước đi cụ thể
nào tiếp theo không?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Quốc hội cũng đã tiến hành
một số sửa đổi trong luật về ủy ban bầu cử để bà Aung
San Suu Kyi có thể tranh cử trong cuộc bầu cử phụ sắp tới
[ngày 1/4]. Hiện tại, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ – đảng
của bà, NLD – đã đăng ký làm một đảng chính trị, còn bà
sẽ tranh cử trong cuộc bầu cử phụ sắp tới. Nếu nhân dân
bỏ phiếu cho bà thì bà sẽ trúng cử và trở thành thành viên
quốc hội. Tôi tin chắc quốc hội sẽ nồng nhiệt chào đón
bà. Đó là kế hoạch của chúng tôi.

Một điều khác tôi muốn làm sáng tỏ ít nhiều là những nhóm
thiểu số có vũ trang trong nước tôi. Đầu tiên, chúng tôi
phải xây dựng lòng tin giữa đôi bên. Chúng tôi đã đạt
được thỏa thuận về một số việc nhất định. Điều này
đòi hỏi cả hai bên phải ký một hiệp định và quay trở
lại sử dụng luật pháp và không dùng vũ khí.

<em>Ông đã thoả thuận ngừng bắn với nhóm Karen.</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Có tổng cộng 11 nhóm vũ trang
trong nước tôi. Chúng tôi đã tiếp xúc với tất cả các nhóm
vũ trang. Chúng tôi cũng đã đạt thỏa thuận với một số
nhóm. Nhưng mọi sự chưa kết thúc. Chúng tôi vẫn đang tiếp
tục đàm phán.

<em>Ý ông là sao khi ông nói họ nên trở lại sử dụng luật
pháp? Có phải là sau khi đã đạt thỏa thuận với chính phủ
không?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Cái này là dựa trên hiệp
định ký giữa đôi bên. Chúng tôi sẽ sớm nỗ lực để đạt
được một nền hòa bình vĩnh cửu cho đất nước mình. Tuy
nhiên, việc đó đòi hỏi thời gian.

<em>Nếu bà Aung San Suu Kyi thể hiện tốt trong cuộc bầu cử
sắp tới, ông có nghĩ đến việc cho bà ấy một ghế trong
nội các không?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Việc đó tùy thuộc vào các
cuộc bầu cử và vào chuyện liệu bà ấy có được nhân dân
bỏ phiếu chọn hay không. Một khi bà ấy được lựa chọn thì
bà ấy sẽ trở thành thành viên quốc hội. Tất cả các bộ
trưởng trong nội các mà hiện chúng tôi đang có đều được
chỉ định theo một văn bản chấp thuận do quốc hội đưa ra.

<em>Ông có muốn thấy bà ấy trong cương vị một thành viên
nội các không?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Nếu ai đó được chỉ định
hoặc được quốc hội chấp thuận, thì chúng tôi sẽ phải
chấp nhận rằng người đó trở thành thành viên nội các.

<em>Tầm nhìn của ông như thế nào khi nói về quan hệ
Mỹ-Myanmar trong tương lai? Ông có hy vọng gì cho mối quan hệ
này và ông muốn thấy nó tiến triển ra sao?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Về quan hệ Mỹ-Myanmar, tôi
muốn đưa ra ba điểm. Thứ nhất, chúng tôi đã có những tiếp
xúc, giao thiệp với nước Mỹ. Ngoại trưởng [Hillary] Clinton
thăm Myanmar và với ngày hôm nay đây Thượng nghị sĩ Mitch
McConnell đã sang thăm chúng tôi. Thứ hai là chúng ta không có
đại diện [bởi các nhà ngoại giao ở] cấp đại sứ. Chúng
tôi hy vọng vấn đề đại diện có thể được cải thiện.
Điểm thứ ba tôi muốn nói là Mỹ và EU đã và đang cấm vận
nước tôi. Tới giờ cũng [được] gần 20 năm rồi. Tôi muốn
thấy lệnh cấm vận được dỡ giảm dần… và cuối cùng dỡ
bỏ…

<em>Tuần trước Ngoại trưởng Clinton có tuyên bố rằng quan
hệ sẽ được bình thường hóa, và Mỹ và Myanmar sẽ trao
đổi đại sứ.</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Vâng, tôi cũng có nghe tin đó.
Cho tới hôm nay, vẫn chưa có tuyên bố chỉ định đại sứ.

Các nước phương Tây có ba đòi hỏi mà họ muốn chúng tôi
thực hiện. Đầu tiên là trả tự do cho tù chính trị. Thứ hai
là tổ chức bầu cử [quốc hội]. Thứ ba, để cho Aung San Suu
Kyi và những người khác tham gia tiến trình chính trị của
chúng tôi. Tôi tin là chúng tôi đã làm được cả ba bước này
rồi. Bây giờ cái mà các nước phương Tây cần làm là họ
phải tiến hành phần việc của mình. Về việc thực hiện
những điểm tôi vừa nêu, chúng tôi đã làm không phải vì có
những người khác gây sức ép lên đất nước chúng tôi. Chúng
tôi làm vì chúng tôi thấy như thế là cần thiết cho đất
nước.

<em>Không phải là vì [Các cuộc cải cách của ông không xuất
phát từ] sức ép của lệnh cấm vận? Lệnh cấm vận có hiệu
quả không vậy?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Các lệnh cấm vận là nhằm làm
hại chính quyền Myanmar nhưng trên thực tế chúng lại làm tổn
hại đến lợi ích của nhân dân chúng tôi. Chúng cũng chẳng
ảnh hưởng gì tới chính phủ trước đây cả, thực ra, chúng
đặt ra các thủ tục để chính phủ đó có thể chuyển giao
một chế độ dân chủ cho đất nước chúng tôi.

<em>Ông đang nói về chương trình bảy bước được phác thảo
hồi năm 2004?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Chính quyền cũ đặt ra một
chương trình bảy bước nhằm để xây dựng một chế độ dân
chủ cho đất nước chúng tôi. Họ đã tiến hành các biện
pháp cần thiết, từng bước một.

<em>Họ đặt ra một chương trình để thực thi dân chủ?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Vâng, đúng vậy.

<em>Mọi người đang ngạc nhiên tự hỏi tại sao ông tiến hành
cải cách lúc này. Câu trả lời của ông là cải cách đã
được lên kế hoạch từ lâu và đã được thực thi theo từng
giai đoạn?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Khi một hệ thống cần chuyển
đổi, thì không thể làm việc đó chỉ trong một đêm. Một
số nước từng cố gắng chuyển đổi trong một đêm đều đã
đi xuống. Đó là lý do vì sao chúng tôi lập ra một lộ trình
bảy bước và tiến hành các biện pháp theo từng bước một.
Anh có thể thấy là chúng tôi đây là một chính phủ được
bầu chọn một cách dân chủ.

<em>Nhưng 25% chính phủ vẫn hoạt động trong quân đội, và
phần lớn thành viên chính phủ, kể cả ông, đều từng là
người trong quân đội. Dân chủ, đối với chúng tôi, nghĩa là
một chính quyền dân sự, có quyền lực trước quân đội.</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Quân đội không còn tham gia vào
cơ quan hành pháp nữa, ngay cả khi anh nhìn vào quốc hội của
chúng tôi và thấy một phần tư vẫn hoạt động trong quân
đội. Chúng tôi không thể vứt bỏ quân đội, vì chúng tôi
cần sự tham gia của họ vào việc phát triển đất nước
mình.

<em>Quan điểm của phía Mỹ là các ông phải có quân đội
mạnh nhưng khối dân sự phải nắm quyền. Tổng thống của
chúng tôi mạnh hơn tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Như
thế với chúng tôi là dân chủ. Vậy ông có thể tiến hành
cải cách xa tới mức nào?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Tôi hy vọng là anh đã nghiên
cứu hiến pháp của chúng tôi. [Theo đó] tổng thống cũng phải
chỉ định tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang đấy.

<em>Hoa Kỳ cũng lo ngại về quan hệ của ông với Bắc Triều
Tiên. Gần đây, Thượng nghị sĩ [Richard] Lugar nói rằng nước
ông có lẽ đang triển khai một chương trình hạt nhân với sự
trợ giúp của CHDCND Triều Tiên. Ông có thể bình luận về
điều này không? Ông có dự định cắt đứt quan hệ quân sự
với Bắc Triều Tiên không?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Chúng tôi có quan hệ ngoại giao
với CHDCND Triều Tiên [nhưng] chúng tôi không có mối quan hệ
nào liên quan đến chương trình hạt nhân hay là hợp tác về
quân sự cả. Đấy chỉ là những lời vu khống. Trên diễn
đàn quốc tế, đất nước của chúng tôi đứng trên lập
trường không phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đã luôn
luôn tuân thủ các nghị quyết của LHQ và chuyện kia chỉ là
những luận điệu vu khống. Chúng tôi không có hợp tác về
hạt nhân hay vũ khí nào với CHDCND Triều Tiên cả. CHDCND Triều
Tiên không ở trong điều kiện có thể giúp đỡ đất nước
chúng tôi, và chúng tôi không có phương tiện tài chính để
thực hiện một chương trình hạt nhân.

<em>Ông có sẵn sàng để cho các thanh tra của IAEA [Cơ quan Năng
lượng Nguyên tử Quốc tế] vào nước ông không?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Chúng tôi đang trong quá trình ký
kết nghị định thư bổ sung của IAEA. Việc này đòi hỏi
phải có nghiên cứu, nghiên cứu đó phải được trình lên
quốc hội chúng tôi phê chuản.

<em>Ông có điều gì muốn nói với độc giả Mỹ không?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Thông điệp của tôi là chúng
tôi đang đi trên con đường đúng để đến với dân chủ. Vì
đang đi đúng đường nên chúng tôi chỉ có thể tiến lên phía
trước, và chúng tôi không có ý định lùi bước. Chính quyền
của chúng tôi chỉ mới tồn tại được 9 tháng. Về kinh
nghiệm và thực tiễn thi hành dân chủ, chúng tôi vẫn còn rất
ít kinh nghiệm và thực tiễn thi hành. Tôi không nghĩ có thể
đem so chúng tôi với Hoa Kỳ – đất nước đã thực thi dân
chủ được hơn trăm năm. Để dân chủ có thể phát triển ở
đất nước chúng tôi, cần hai điều kiện chính. Thứ nhất là
phải có hòa bình và ổn định trong nước. Thứ hai là chúng
tôi cần phát triển kinh tế và chúng tôi đang tiến hành những
biện pháp cần thiết để nền kinh tế của chúng tôi phát
triển lên, để người dân được sống tốt hơn… Khoảng 3
triệu người dân đất nước chúng tôi đang làm việc ở các
nước khác. Chúng tôi có tỷ lệ nghèo đói khoảng 26%. Ấy là
vì lệnh cấm vận áp đặt lên đất nước chúng tôi đã hơn
20 năm. Lệnh cấm vận vẫn làm hại lợi ích của nhân dân
chúng tôi. Vì lý do đó mà ở nước chúng tôi không có cơ hội
việc làm. Nếu các ngài muốn thấy dân chủ nảy nở ở đất
nước chúng tôi, các ngài nên tiến hành những hành động cần
thiết để khuyến khích dân chủ, bằng cách giảm dần lệnh
cấm vận áp đặt lên đất nước chúng tôi.

<em>Nếu ông muốn xây dựng và phát triển nền kinh tế, thì
ông có sẵn lòng tư nhân hóa một số ngành và để cho các nhà
đầu tư nước ngoài vào nước ông không?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Chúng tôi hoan nghênh các nhà
đầu tư nước ngoài, và chúng tôi đã tiến hành những sửa
đổi cần thiết trong luật về đầu tư nước ngoài. Nhưng các
nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ đến đây một khi lệnh cấm
vận lên đất nước chúng tôi đã được giảm nhẹ.

<em>Nhưng giới đầu tư sẽ đòi hỏi phải có thượng tôn pháp
luật và tư pháp.</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Tôi không nghĩ có khó khăn gì
cho người nước ngoài đầu tư vào đất nước chúng tôi. Khó
khăn duy nhất [mà họ sẽ gặp] là cấm vận.

<em>Ông có sẵn sàng để cho báo chí được tự do ở đất
nước ông, sẵn sàng xóa bỏ luật truyền thông năm 1962, cho
phép xuất bản nhật báo và đồng thời cho phép có sở hữu
tư nhân về truyền thông không?</em>

<strong>Tổng thống Sein:</strong> Về tự do báo chí, anh có thể
thấy tình hình bây giờ không như trước kia. Chúng tôi có một
tờ nhật báo xuất bản trong nước và [báo giới] có thể tự
do biểu lộ trên mặt báo. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn cần
nhiều hoạt động dân chủ nữa. Giới truyền thông cần có
trách nhiệm và hành động phù hợp. Tự do báo chí sẽ phải
dựa trên trách nhiệm giải trình của họ.

Nguồn: <a
href="http://www.washingtonpost.com/opinions/burma-president-thein-sein-country-is-on-right-track-to-democracy/2012/01/19/gIQANeM5BQ_story.html">Washington
Post</a>

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11415), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét