Trần Minh Thảo - Dân tộc, đất nước hay chế độ?

<h2>1/ Quy luật lịch sử… tất yếu?</h2>

Cách nói "quy luật tất yếu", "sứ mệnh lịch sử"…
thường gây tranh cãi về mặt học thuật không có hồi kết.
Nhưng sau hội nghị TƯ 4 của Đảng Cộng sản Việt Nam và
nhất là sau biến cố Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng
thì cách nói ấy theo thiển ý lại hợp thời. Vụ việc gây
chấn động dư luận, nhân tâm ở Tiên Lãng, Hải Phòng – tạm
gọi là biến cố Đoàn Văn Vươn – không gây ngạc nhiên vì
đã được cảnh báo từ rất lâu, từ khi cuộc "khởi nghĩa
nông dân" do các đảng cộng sản lãnh đạo giành được
thắng lợi: <span class="underlined-text">loại nhà nước nông dân
sẽ phải đối diện với các cuộc khởi nghĩa nông dân dù
thế lực cai trị có tàn bạo đến mức nào đi nữa</span>.
Biến cố ấy là qui luật tất yếu của mọi chế độ đẩy
người nông dân, người dân nói chung đến chỗ "không có
miếng đất cắm dùi" nhân danh công hữu, là biến cố hợp
với quy luật phát triển của lịch sử, của xã hội loài
người có áp bức.

Nói theo cách bình dân thì biến cố ấy đã được thấy
trước. Những lãnh tụ khởi nghĩa nông dân thành công như Lê
Lợi, Quang Trung… đã xây dựng một chế độ sản sinh ra
những nông dân có thể chưa thành công nhưng thành danh như Phan
Bá Vành, Nguyễn Hữu Cầu… và nay là Đoàn Văn Vươn. Người
này tạo ra người kia là qui luật của thứ chế độ chính
trị mà nhà văn Trung Hoa Lỗ Tấn đã cảnh báo: "người ăn
thịt người", có thể hiểu nhận định của nhà văn cả
nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sau sự biến Đoàn Văn Vươn, có dự
đoán rồi ra sẽ có một tên đường, một tên trường Đoàn
Văn Vươn như ở miền Nam sau 1975 đã từng có tên đường
Nguyễn Hữu Cầu thay cho tên đường Phạm Đình Trọng [1].

Bài viết này vốn để góp ý với Đảng về việc "chỉnh
đốn Đảng". Người viết chần chừ vì thấy có góp ý cũng
chẳng thay đổi được gì. Rồi lại bị thúc bách phải viết
vì có vụ Đoàn Văn Vươn – là hệ quả tất yếu của chế
độ chính trị hình thành sau thắng lợi của mỗi cuộc khởi
nghĩa nông dân, không chỉ là hệ quả của quan tham lại nhũng
vì quan tham lại nhũng tràn lan cũng là hệ quả tất yếu của
một thứ chế độ chính trị nào đó.

<h2>2/ Chỉnh đốn Đảng vì sự tồn vong của… chế độ là
thiếu bản lãnh chính trị, coi thường đảng viên, người
dân?</h2>

Câu hỏi trên được nêu ra ngay sau hội nghị Trung ương 4 khóa
XI bế mạc ngày 31/12/2011 do tính chất quyết liệt trong lời
khai mạc của <a
href="http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/54373/chinh-don-dang-vi-su-ton-vong-cua-che-do.html">Tổng
Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng</a>:

"<em>Chúng ta biết rằng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công
việc rất khó, rất phức tạp, vì nó liên quan đến xây dựng
tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, dễ
đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người.
Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh
của Đảng và sự tồn vong của chế độ</em>".

Trong tình hình liên minh quyền tiền cấu kết chặt chẽ với
nhau làm rối loạn kỷ cương, pháp luật, Đảng cai trị lại
hô hào chỉnh đốn Đảng vì sinh mệnh của Đảng và sự tồn
vong của chế độ thì có thức thời hay không? Sự hô hào đó
cho thấy bế tắc về tư tưởng, nhìn không xa, thiếu ý chí
chính trị: vừa lo sợ bạo loạn lật đổ vừa ra sức duy trì
chế độ chính trị thường trực đẻ ra bạo loạn lật đổ.
Có ý kiến cho chủ trương ấy là can đảm, sáng suốt, ý kiến
khác thì cho là do <a
href="http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/01/120102_party_meeting_analysis.shtml">Đảng
lo ngại một sự sụp đổ toàn diện</a> (BBC Việt ngữ). Ý
kiến khác nữa thì nói tâm tầm của ba triệu đảng viên chỉ
đến đó thì Tổng Bí thư cũng chỉ nói đến đó, những thứ
khác đành giao cho "mệnh trời"!

Một trăm năm trước, Việt Nam cũng trong tình trạng "vua không
ra vua, quan không ra quan; dân tình hoang mang, oán than; kỷ cương
nát bét; nước mất nhà tan"… đã xuất hiện nhiều giải
pháp chính trị xoay quanh ba dòng chính: <span
class="underlined-text">Duy tân, cách mạng, giữ nguyên hiện trạng
(chế độ nửa thực dân nửa phong kiến)</span>.

Ngắn gọn thì thế này: đầu thế kỷ 20, nhà Duy tân Phan Châu
Trinh và các đồng chí chủ trương cuộc vận động, nay gọi
là "diễn biến hòa bình", để giành độc lập dân tộc và
kiến tạo dân chủ, giàu mạnh cho Việt Nam. Cuộc vận động
ấy có tên là phong trào Duy Tân-Đông kinh nghĩa thục và cũng
bị nhà nước đương thời đàn áp khốc liệt. Cùng thời, nhà
cách mạng nông dân vô sản Hồ Chí Minh chủ trương dùng bạo
lực vũ trang để giành độc lập dân tộc và kiến tạo dân
chủ xã hội chủ nghĩa (cách mạng vô sản). Nhà nước thực
dân-phong kiến thì quyết giữ nguyên hiện trạng.

Phương thức "cướp của nhà giàu chia cho người nghèo",
"tước đoạt lại", "đấu tranh giai cấp" của Đảng
Cộng sản Việt Nam trong tình thế xã hội Việt Nam nửa phong
kiến nửa thực dân, phân hóa giàu nghèo khốc liệt "kẻ ăn
không hết, người lần không ra"… thu hút được sự hưởng
ứng của dân Việt nghèo đói, bị áp bức, bóc lột, chà
đạp. Do đó cuộc cách mạng, kháng chiến do Hồ Chí Minh khởi
xướng tập hợp được lực lượng, giành được thắng lợi.

Việt Nam hiện nay cũng lâm vào tình thế phân hóa giàu nghèo
khốc liệt, cá lớn nuốt cá bé, mất kỷ cương, vô chính
phủ, buộc phải chọn một trong ba giải pháp: duy tân-đổi
mới, cách mạng, duy trì nguyên trạng.

Chủ trương chỉnh đốn Đảng vì "sinh mệnh của Đảng và
sự tồn vong của chế độ" là chủ trương đổi mới (giải
pháp Phan Châu Trinh)? Hay cách mạng (giải pháp Hồ Chí Minh)? Hay
duy trì nguyên trạng (giải pháp thực dân phong kiến)? Muốn
biết được Đảng cai trị chọn giải pháp nào thì xin xem xét
<a
href="http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/471137/Bo-Chinh-tri-kien-nghi-ba-van-de-can-lam-ngay.html">ba
nhiệm vụ của "chỉnh đốn"</a>: "Đó là: (1) Ngăn chặn,
đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây
dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp
trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm
quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính
quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn
vị".

"Ba nhiệm vụ" nêu trên gần với chủ trương "đức
trị" của nhà nước "nửa thực dân nửa phong kiến" trăm
năm trước, rất xa lạ với đường lối cách mạng triệt để
của lãnh tụ nông dân Hồ Chí Minh; không văn minh, tiến bộ so
với chủ trương "Duy tân trọng pháp" của Phan Châu Trinh.

Nếu là người cộng sản chân chính, trung thành với học
thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì Đảng nên chọn
giải pháp nào để không mang tiếng là thỏa hiệp giai cấp,
thủ tiêu đấu tranh giai cấp, chống chủ nghĩa Mác Lênin?

Ông Tổng Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương khóa XI có thỏa
hiệp giai cấp, thủ tiêu đấu tranh giai cấp không khi chủ
trương chỉnh đốn Đảng có màu sắc "đức trị"? Để
trả lời câu hỏi này ta cần xem xét tình hình xã hội Việt
Nam hiện nay có gì giống và khác với xã hội Việt Nam đầu
thế kỷ 20.

- Có gót giày ngoại bang trên lãnh thổ Việt Nam không?

- Giai cấp thống trị có ăn chơi đàng điếm trên trên nỗi
thống khổ của dân nghèo vì "sưu cao thuế nặng" không?

- Có sự liên minh quyền lực chính trị và quyền lực của
cải (liên minh quyền tiền), lũng đoạn nhà nước, cướp bóc
lương dân, làm băng hoại nhiều giá trị nhân văn không?

- Chỉnh đốn Đảng để thống nhất ý chí và hành động trong
Đảng cai trị trong tình hình hiện nay lợi hại ra sao cho Đảng
và cho dân? Ví dụ: vấn đề khai thác bô xít Tây Nguyên, vấn
đề quy hoạch thu hồi đất của dân, vấn đề thống nhất ý
thức hệ với Trung Quốc xâm lược…

Tại sao không chỉnh đốn Đảng vì lợi ích của dân tộc,
đất nước, vì nhà nước pháp quyền, vì dân chủ xã hội, vì
phát triển bền vững, vì độc lập dân tộc, vì chủ quyền
quốc gia mả chỉ nhắm đến lợi ích của Đảng, của chế
độ?

Lợi ích của Đảng và chế độ có chỗ nào không phù hợp
với lợi ích của đất nước, dân tộc?

Có những câu hỏi này là vì có nhiều thành phần xã hội tỏ
ra ngờ vực chính trị đối với Đảng, mà ngờ vực lớn
nhất là Đảng chủ trương chỉnh đốn vì lợi ich "<a
href="http://boxitvn.blogspot.com/2011/11/nguoi-quan-sat-xin-hay-oc-bai-nay-e.html">cùng
chung ông Tổ Mác Lê-nin</a>" (nói như ông Nguyễn Duy Chiến,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia của Bộ Ngoại giao
Việt Nam), không vì lợi ích độc lập, toàn vẹn lãnh thổ,
dân chủ, phát triển bền vững.

Như vậy, chủ trương chỉnh đốn Đảng nhắm đến lợi ích
dân tộc, hợp với lòng dân thì đụng đến anh bạn đồng chí
4 tốt, 16 chữ vàng. Do đó, dù là "tập hợp tinh hoa nhất
của dân tộc" thì Ban Chấp hành Trung ương cũng chỉ dừng ở
"Đảng và chế độ". Mà hiện thực cho thấy, dừng ở mục
tiêu ấy thì sẽ còn xuất hiện nhiều, rất nhiều Đoàn Văn
Vươn khác.

T. M. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

________________________________

[1] Trích vài đoạn về khởi nghĩa nông dân Nguyễn Hữu Cầu
trong Wikipedia.org: "[Chúa Trịnh] Giang tiêu dùng xa xỉ, vì thế
thuế má một ngày một nhiều, sưu dịch một ngày một nặng
khiến nhân dân Đàng Ngoài vô cùng cực khổ. Do đó nông dân
Đàng Ngoài đồng loạt đứng lên khởi nghĩa […] Nguyễn Hữu
Cầu, tục gọi là quận He, người huyện Thanh Hà (Hải Dương),
trước vì nghèo nên đi làm cướp, sau theo Nguyễn Cừ khởi
nghĩa. Khi Nguyễn Cừ bị bắt, Nguyễn Hữu Cầu đem thủ hạ
về giữ núi Đồ Sơn và đất Vân Đồn. Năm 1743, quận He
giết được Thủy Đạo đốc binh là Trịnh Bảng, tự xưng làm
Đông Đạo Thống Quốc Bảo Dân Đại Tướng Quân, thanh thế
lừng lẫy. Sau đó bị Hoàng Ngũ Phúc đem binh đến vây ở núi
Đồ Sơn, Hữu Cầu phá vây ra, về đánh lấy thành Kinh Bắc.
Trấn phủ là Trần Đình Cẩm và Đốc đồng là Vũ Phương
Đề đánh thua ở Thị Cầu phải bỏ ấn tính mà chạy; ở
Thăng Long, được tin ấy rất lấy làm báo động […] Năm 1751,
Phạm Đình Trọng đem quân vào đánh phá trại. Hữu Cầu chạy
đến làng Hoàng Mai thì bị bắt, đóng cũi đem về nộp chúa
Trịnh và bị hành hình.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11334), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét