Trần Đình Thu - Vài suy nghĩ về Viện Toán cao cấp và giáo sư Ngô Bảo Châu

<div class="special_quote"><strong>Tin liên quan:</strong>

<ul>
<li><a href="http://danluan.org/node/11326">GS Ngô Bảo Châu và "bài
toán" vực dậy nền Toán</a></li>
<li><a href="http://danluan.org/node/11417">Gấu luận về GS Ngô Bảo
Châu</a></li>
</ul></div>
Không phải đến bây giờ, khi cộng đồng mạng đang ồn ào
về phát biểu của Giáo sư Ngô Bảo Châu chúng tôi mới đặt
vấn đề này. Trước đây chúng tôi cũng đã có đặt vấn
đề trong một hai bài viết liên quan. Trong những bài viết ấy
chúng tôi có nhắc đến sự cần thiết hay không khi thành lập
viện toán này. Nhưng khi ấy chúng tôi chỉ đặt vấn đề một
cách gián tiếp. Nay chúng tôi xin trở lại vấn đề này một
cách trực tiếp trong một bài báo đầu xuân.

Chúng ta hẳn còn nhớ việc chúng ta đưa phi công Phạm Tuân lên
vũ trụ, coi đó như một chỉ dấu cho sự phát triển mạnh mẽ
của nền khoa học kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ bao cấp.
Có lẽ tới bây giờ thì không còn ai là không thấy bật cười
với sự ngây thơ của chính chúng ta khi đó. Tôi e rằng cách
nghĩ ấy của mấy mươi năm về trước nay trở lại với
trường hợp của Viện toán cao cấp.

Việc phát triển của bất cứ một lĩnh vực riêng biệt nào
trong một quốc gia cũng phải tương đồng với trình độ phát
triển chung của quốc gia ấy. Không thể có một quốc gia nghèo
đói Châu Phi sản xuất ra loại máy tính làm chao đảo thị
trường toàn cầu, không thể có một quốc gia Châu Á lạc hậu
bỗng nhiên có số lượng giải thưởng Nobel nhiều bằng nước
Pháp nước Mỹ. Trong một quốc gia, có thể có một vài lĩnh
vực đột biến phát triển nhanh hơn các lĩnh vực khác nhưng
nhìn chung đều không thể tách khỏi quỹ đạo của sự phát
triển chung của quốc gia đó đối với thế giới.

Việt Nam xếp thứ hạng dao động khoảng đoạn giữa của thế
giới về trình độ phát triển nói chung. Như vậy các lĩnh
vực riêng biệt khác cũng trồi sụt trong khoảng đó. Từ khoa
học cơ bản cho đến khoa học ứng dụng rồi thì văn học
hội họa điện ảnh… Tất tần tật đều xoay quanh cái đoạn
lưng chừng thế giới ấy mà thôi. Và toán học dĩ nhiên không
thể ngoại lệ. Lập luận như thế để chúng ta thấy đâu là
sự hợp lý đâu là sự bất cập của việc thành lập viện
toán này.

Theo như chúng tôi biết, nhiệm vụ của một viện toán cao cấp
như thế thường là giải quyết các vấn đề cốt lõi của
toán học nhân loại. Nó rất cần có ở một nước như Mỹ,
như Nga, như Pháp, như Đức… Còn ở Việt Nam thì sao? Có quá
sức không khi chúng ta đặt nhiệm vụ giải quyết các vấn
đề tầm cao ấy của toán học nhân loại lên trên vai chúng ta
và có cần thiết không khi chúng ta, còn rất nhiều việc phải
làm, ngay trong lĩnh vực toán học ứng dụng, lại đi gánh vác
một nhiệm vụ quá lớn lao thế này?

Trên phạm vi toàn cầu, luôn có sự phân công một cách tự
nhiên về nghiên cứu khoa học. Các nước phát triển nhất bao
giờ cũng gánh vác nhiệm vụ khai mở, các nước khác sẽ phát
triển theo từng rìa nhánh tùy theo trình độ phát triển của
mình. Một đất nước có nền kinh tế xếp hạng lưng chừng
thế giới liệu có nên và có thể gánh vác việc giải quyết
các vấn đề đỉnh cao toán học không?

Xin lấy một ví dụ đời thường thế này. Xưa nay có ai thấy
nhà nghèo mà đi buôn vàng buôn kim cương không? Có thể anh ta
là kỹ sư chế tác kim cương giỏi, nhưng mở tiệm buôn bán
vàng kim cương là chuyện khác. Toàn bộ tài sản của anh ta
nếu vét hết thì có chừng năm bảy hoặc mười lăm hai mươi
cây vàng, anh ta nên mở tiệm buôn vàng bạc kim cương không hay
chỉ nên làm cơ sở vệ tinh chế tác cho các đại gia lấy
tiền công? Tầm thế giới cũng như vậy thôi. Nước giàu làm
chuyện lớn, nước nghèo làm chuyện nhỏ. Đó là sự phân công
hợp lý.

Chúng tôi không rõ sáng kiến thành lập viện toán này là của
ai, chỉ thấy nó rộ lên từ khi Giáo sư Châu đoạt giải Fields
và sau đó nhanh chóng đi vào hiện thực. Có cảm giác rằng
Giáo sư Châu xem viện toán này như là một phần thưởng quốc
gia dành cho ông, song song với một phần thưởng vật chất khác
là ngôi nhà. Là một nhà khoa học, mấy mươi năm chăm chăm
toán học, giờ đây ôm cái phần thưởng là một viện toán
học, xoay trở thế nào đây? E rằng lực bất tòng tâm. Thực
ra Giáo sư Châu cũng chỉ là một phần mấy chục nghìn của
toán học thế giới. Bổ đề cơ bản Langlands tuy rằng quan
trọng nhưng nó không phải là tất cả. Toán học mênh mông,
phần Giáo sư Châu làm được chỉ như hạt thóc giữa đống
lúa trong vụ mùa bội thu. Vì thế ôm cái phần thưởng ấy có
khi mất nhiều hơn được. Người nhận thưởng mất, người
trao thưởng cũng mất. Chúng tôi nhận thấy dường như Giáo sư
Châu đang bị gánh nặng đè lên vai. Mong nhà toán học của
chúng ta bình tĩnh trong mọi việc.

T.Đ.T

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11428), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét