Nguyễn Thế Thịnh - Nhân vụ Hoàng Khương bàn về phóng viên điều tra

Cách đây ít lâu, khi dạy chuyên đề điều tra cho sinh viên báo
chí năm thứ 3 ĐHKH Huế, tôi đã lấy bài "Cảnh sát giao thông
giải cứu xe đua trái phép" của PV Hoàng Khương đăng trên
Tuổi Trẻ để cho sinh viên làm bài tập nhóm. Câu hỏi gợi ý
là phân tích cách điều tra của PV và cho biết phương pháp đó
có phù hợp với luật pháp và đạo đức nghề nghiệp hay
không? Lúc đó hầu như chưa có chuyện gì liên quan đến bài
báo như bây giờ. Và, kết quả trong 5 nhóm thì chỉ có 1 nhóm
đưa ra ý kiến PV đã vi phạm pháp luật, 1 nhóm cho rằng chỉ
vi phạm đạo đức nghề nghiệp, 3 nhóm khác thì thiên về khen.
Lúc đó các nhóm đã tranh luận rất hăng.

Mục đích của tôi đưa ra bài tập này không phải để đánh
giá (hay phán xét) bài báo, (vì bản thân tôi, thực tình mà
nói, chưa từng được đào tạo về lĩnh vực điều tra một
cách bài bản trước khi làm báo, việc giảng dạy có tính
tương tác này cũng là cách bổ sung thêm kiến thức của mình
và phát huy ý tưởng của sinh viên), mà chỉ để nói một
điều, làm PV điều tra trong bối cảnh các quy định, quy tắc
báo chí chưa hoàn thiện như nước ta hiện nay thì có cả một
tỉ nguy cơ đang chờ phía trước. Nếu ai đó không muốn thì
thôi, ai đó muốn thì lúc nào phóng viên điều tra cũng có
thể… vào tù được hết!

Nói thế không phải để làm nhụt ý chí là niềm đam mê của
các nhà báo tương lai, mà để các em có ý thức, đặng cẩn
trọng hơn mà thôi.

Lúc đó, tôi đã chỉ ra mấy nguy cơ có thể làm tác giả này
khốn đốn nếu người ta cần làm việc đó. (Chuyện này sẽ
nói sau).

<center>*</center>

Thực sự thì ở nước ta, tài liệu giảng dạy về báo chí
điều tra rất ít, có vài giáo trình nhưng dựa theo những
quyển sách do nhà xuất bản thông tấn dịch từ các nước
Liên Xô (cũ) và Đông Âu vốn gần như đã lỗi thời. Nước ta
lại chưa có các bộ quy tắc hành nghề (của phóng viên, biên
tập viên, chủ bút…), hiện chỉ có luật và quy ước đạo
đức nghề nghiệp nhưng xem ra rất chung chung và có thể hiểu
theo nhiều cách.

Vì để phục vụ cho công việc giảng dạy, tôi có đọc tài
liệu một số tài liệu báo chí của "bọn tư bản giãy mãi
không chết", của Hiệp hội các chủ bút, Hội các tờ báo
có số ra hàng ngày và của Ủy ban các quy tắc hành nghề của
Scotlen…trong đó có "quyển sách cầm tay của Bộ quy tắc"
được cập nhật và tái bản năm 2011, mới toanh (ở VN mới có
bản dịch, chưa có bản in). Quyển sách nói đến nhiều vấn
đề lâu nay tôi lúng túng và những vấn đề này thể hiện
khá rõ trong bài "Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái
phép" của PV Tuổi Trẻ Hoàng Khương. Điều này ngày càng thấy
rõ hơn qua ý kiến phân tích của nhiều người từ sau khi Hoàng
Khương bị khởi tố, bắt tạm giam đến nay.

<center>*</center>

Bộ quy tắc nói đến ở trên nêu lên một vấn đề cốt lõi,
phóng viên điều tra phải đặt lợi ích của công chúng lên
hàng đầu và luôn luôn chứng minh chỉ có một mục tiêu vì
lợi ích công chúng, ngoài ra không vì bất kỳ một động cơ
nào khác. Tuy vậy, cho dù khi lợi ích công chúng được chứng
minh vẫn có rất nhiều điều ràng buộc khác.

Bộ quy tắc này quy định: "<em>Báo chí không được lén lút
thu thập thông tin hoặc đăng tải các tài liệu có được
bằng máy quay trộm hoặc thiết bị nghe lén…Việc dùng mánh
khóe lừa gạt, bằng hình thức dùng thám tử tư hoặc người
trung gian, có thể biện minh là vì lợi ích công chúng và chỉ
khi tài liệu không thể thu thập được bằng các phương thức
thông thường khác</em>". Phân tích về điều này, Bộ quy tắc
nói thêm: "<em>Luôn có một ranh giới mong manh, tại đó nghề
báo điều tra chân chính dừng lại vì việc thông tin mang tính
chất xâm phạm bắt đầu. Lợi ích của công chúng có vai trò
quan trọng trong việc xét đoán liệu mục đích có biện minh cho
phương thức và quyết định xem việc lén lút có phải là chỉ
bí mật hay không?</em>"

Quyển cẩm nang này đưa ra một ví dụ: Một tờ báo đã đưa
một nhà văn tới một trường tiểu học ở London trong vòng
một tuần để đóng giả thầy giáo tương lai và kể các trải
nghiệm của anh ta, trong đó có cả những thiếu sót của hệ
thống giáo dục. Biện minh vì lợi ích công chúng của tờ báo
này không được chấp nhận bởi ngôi trường được lựa
chọn ngẫu nhiên. Hành động này được coi là tìm kiếm thông
tin một cách mờ ám.

Một ví dụ khác: Bài viết phơi bày của một tờ báo về
"sự đam mê tình dục gây sốc của một nhóm người mới"
cũng mắc sai lầm khi dùng máy quay trộm để ghi hình người
tổ chức những hoạt động trong đó người tham gia dự vào
một hoạt động tình dục liên ứng. Ủy ban Khiếu nại phân
xử rằng, việc sử dụng những thước phim quay lén mang tính
xâm phạm nghiêm trọng trong khi không đáp ứng được lợi ích
cao của công chúng là một sai lầm tệ hại…

Trong mục "Lâm vào tình thế nan giải", quyển sách này
viết: Thông tin điều tra vì lợi ích công chúng là truyền
thống nổi bật nhất của báo chí nước Anh. Tuy nhiên, việc
tiết lộ thông tin mà công chúng muốn biết nhưng những người
khác lại muốn giữ bí mật thật không phải dễ. Đôi khi nhà
báo phải dùng đến biện pháp mang tính xâm phạm. Bộ quy tắc
nhấn mạnh sự cần thiết của những ngoại lệ thích đáng vì
lợi ích công chúng đối với các hoạt động như thế. Các
nhà báo làm việc trong lĩnh vực này nhất thiết phải nhận
thức đầy đủ nghĩa vụ bắt buộc về mặt pháp lý và đạo
đức của mình. Hai hướng phát triển hoàn toàn tách biệt càng
làm tăng các mối nguy hiểm.

Ở nước ngoài, người ta nói, phóng viên điều tra phải đặt
lợi ích của công chúng lên hàng đầu và luôn luôn chứng minh
chỉ có một mục tiêu vì lợi ích công chúng, ngoài ra không vì
bất kỳ một động cơ nào khác. Nhưng như thế nào là lợi
ích công chúng, ngay với họ cũng là một vấn đề đáng bàn
huống gì ta, có bàn suốt ngày cũng không xong.

Ví dụ như việc Hoàng Khương viết bài chứng minh có một viên
cảnh sát nhận hối lộ trong một trường hợp cụ thể là
giải cứu một chiếc xe đua trái phép, đọc xong nhiều người
thấy đã đời, nhưng có người lập luận, trong bối cảnh ai
ai cũng biết có nhiều cảnh sát nhận hối lộ, thì điều mà
Hoàng Khương nêu ra chẳng có đóng góp gì thêm cho lợi ích
công chúng. Vậy thì thật là ban giải! Đến đây, có thể nói
một điều: Làm phóng viên điều tra thì cả tỉ nguy cơ phía
trước!

<center>*</center>

Trở lại bài tập nhóm ở lớp tôi dạy, các em có thể đặt
vấn đề, vậy thì khi PV Hoàng Khương phát hiện và đề xuất
vấn đề viết bài về "cảnh sát nhận tiền để giải cứu
xe" thì phải làm thế nào? Trên trang facebook của mình, tôi có
viết một đoạn ngắn, rằng, lúc ấy nhất định phải lập
một kế hoạch điều tra thật chi tiết, điều quan trọng nhất
là phải chứng minh được rằng, tôi thực hiện vấn đề này
hoàn toàn vì lợi ích cộng đồng, không dính dáng gì đến quan
hệ cá nhân. Từ kế hoạch này, Tòa soạn cân nhắc về các
khía cạnh pháp lý và đạo đức để quyết định có thực
hiện hay không. Nếu thực hiện thì nhất định phải để một
nhóm PV thực hiện. Trên trang này, anh Việt Hưng phản hồi
lại, cho rằng, nếu như thế thì dễ mắc tội "hối lộ có
tổ chức", tôi nghĩ có thể tránh được nếu Ban biên tập
xác định đây là vấn đề lớn phải làm và họ bí mật báo
lên một cơ quan khác đáng tin cậy (như Viện Kiểm sát chẳng
hạn). Lúc đó vấn đề rủi ro sẽ được giảm thiểu.

Tuy nhiên, cách làm này không phù hợp đối với những tình
huống khẩn cấp. Vậy thì gặp tình huống khẩn cấp thì sao?
Theo tôi, trong những lúc như thế cần phải làm việc nhóm,
tốt nhất là một nhóm gồm vài phóng viên (của nhiều tờ báo
khác nhau càng tốt). Nếu sợ lộ thông tin, không thể độc
quyền được thì nên bàn bạc với các đồng nghiệp khác hỗ
trợ cho mình độc quyền thông tin này và các đồng nghiệp sẽ
được hỗ trợ lại lúc khác.

Bản thân tôi chưa nghĩ được cách nào tốt hơn.

Tôi nhớ từ rất lâu rồi, tôi đọc được câu chuyện một
nữ phóng viên của Liên Xô (cũ), để viết được một bài
điều tra về tệ quan liêu, cô ấy đã dự tuyển làm thư ký
cho một quan chức và vào làm việc. Một hoặc vài lần gì đó,
trong tập giấy tờ mang lên để ký, cô ta lồng vào một tờ
giấy đánh máy ghi: Tôi là Mikhailop, chức vụ (…) là người
quan liêu nhất thành phố này. Ngày tháng năm, ký tên…và ông
quan chức đó điềm nhiên ký vào. Nữ phóng viên có được
một bài điều tra được đánh giá là xuất sắc và được
đưa vào giáo trình điều tra như một kinh điển.

Nhưng bây giờ nghĩ lại và đặt câu hỏi: Vậy thì cô ta có
phạm tội "lén lút" thu thập thông tin không? Và cô ta vạch
mặt một ông quan liêu trong lúc tệ quan liêu của quan chức ai
ai cũng biết thì sẽ giúp gì thêm cho công chúng? Câu hỏi thật
khó trả lời mỗi khi tất cả đều có vẻ đều thiếu rành
mạch. Tôi nghĩ, cô ta thoát tội là do đã có một kế hoạch
trực tiếp điều tra được ban biên tập đồng ý, đó là
nghỉ việc để làm thư ký.

Anh Ngọc Thịnh "còm" vào trang facebook có ý kiến của tôi
về vụ Hoàng Khương, đại để rằng, hãy tự bảo vệ mình
là chính, đừng bao giờ quên điều đó, biết thế, nhưng bảo
vệ bằng cách nào hay là thôi, đừng làm phóng viên điều tra?

Nếu thế thì còn gì là… báo chí?

Nếu không có một chỉ thị, quy định hay quy tắc nào đó cụ
thể cho việc này thì làm phóng viên điều tra khó thay!


Trở lại vấn đề của Hoàng Khương trong vụ việc cụ thể
này, anh ta có báo cáo với ban mình về đề tài nhưng không báo
cáo kế hoạch cụ thể dẫn đến hành động độc lập và
mắc lỗi nghề nghiệp (sau đó là bị khởi tố). Nhưng tôi
cũng được biết anh ta đã có không dưới 50 bài điều tra
dạng này mà tòa soạn không "ngửi" được "mùi" có lỗi
tác nghiệp thì có vẻ như tòa soạn đã quá chủ quan hoặc quá
tự tin hoặc đã đặt phóng viên cao hơn mình. Vậy thì, như
đồng nghiệp Ngọc Thịnh nói, hãy tự bảo vệ chính mình. Tòa
soạn cũng thế, nên giúp phóng viên bảo vệ mình khi "ngửi
thấy mùi mắc lỗi có thể xẩy ra".

Lạm bàn đôi điều, mong được đồng nghiệp và bạn đọc
chỉ giáo.

<strong>P/S:</strong> Entry này chỉ bàn chuyện chuyên môn trong một
tình huống cụ thể, không bàn những chuyện ngoài bài báo đã
dẫn.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11203), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét