Dương Phi Anh - Vụ án Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng: Sự bất thường lộ diện?!

Đúng ra, bài này ban đầu có tựa đề "<em>Sự lưu manh lộ
diện?!</em>". Tôi viết bài NÀY lúc 2 giờ sáng ngày 11/01/2012,
ngay sau khi đọc bài phỏng vấn ông Ngô Ngọc Khánh – Chánh
văn phòng UBND huyện Tiên Lãng do Báo Pháp luật TP.HCM Online
thực hiện, đưa lên. Bởi vì, trong bài còn xuất hiện hàng
chục thanh niên ở khu đầm của gia đình anh Đoàn Văn Vươn
vừa có cuộc cưỡng chế. Những thanh niên này tay lăm lăm hung
khí, ngăn cản phóng viên chụp ảnh, thậm chí có người còn
lao thẳng xe máy vào phóng viên và liên tục chửi bới rồi
nhiều lần lao vào giật máy ảnh… Trong đó, "<em>có một
người trong số đó xưng là công an viên xã Vinh Quang có tên
Lâm. Công an viên này nói huyện, xã chỉ đạo không cho chụp
ảnh, nếu muốn chụp phải có văn bản đồng ý của chủ
tịch huyện…</em>"….

Chắc cũng không cần bình luận gì thêm về thái độ hung hăng,
có tính lưu manh và sự hiện diện của những người "trên
trời rơi xuống" tại khu đầm này. Nhưng, do bài đề cập
đến nhiều nội dung và nghĩ rằng dùng từ "lưu manh" thì e
rằng hơi chủ quan, vội vàng nên chúng tôi "tự ý đục
bỏ" và thay thành tựa đề "Sự bất thường lộ diện?!".
Do chưa nắm được các nội dung và thủ tục xung quanh các
quyết định của UBND huyện Tiên Lãng nên tôi quyết định nán
lại một ngày để bổ sung những thông tin cần thiết cho nhận
định của mình, đồng thời để đối chiếu với một số
nhận định của bài hôm trước ("<a
href="http://quechoa.info/2012/01/10/v%E1%BB%A5-an-doan-van-v%C6%B0%C6%A1n-%E1%BB%9F-h%E1%BA%A3i-phong-t%E1%BA%A1i-sao-d%C6%B0-lu%E1%BA%ADn-b%E1%BA%A3o-l%E1%BB%ABa-dan/">Vụ
án Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng: tại sao dư luận bảo…
"lừa dân"</a> – Quê Choa ngày 10/01/2012).

Đúng như mong đợi, ngày 11/01/2012, có nhiều thông tin bổ ích
trên các báo. Tuổi Trẻ có bài phân tích rất hay của giáo sư
Đặng Hùng Võ, khẳng định "<em>UBND huyện Tiên Lãng có
nhiều cái sai</em>"; Tờ Dân Việt có bài "<em>Bí ẩn bất
thường trong vụ kiện của ông Vươn</em>" với nội dung
"<em>Thẩm phán Ngô Văn Anh khẳng định không hề thụ lý vụ
kiện nào mà đương sự có tên là Đoàn Văn Vươn. Vậy biên
bản các đương sự tự thỏa thuận là thật hay giả, ai đã
lập biên bản và đóng dấu tòa án vào đó?…</em>"


Sai nhiều!

Ở đây, chỉ xin nhắc lại một vài chi tiết cần lưu ý. Qua
trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Ngọc Khánh và thông tin
trên báo, có thể khẳng định việc quản lý và thu hồi đất
của gia đình anh Vươn và các hộ khác để "<em>giao người
khác có điều kiện hơn bằng cách đấu thầu …</em>" là sai
hoàn toàn. Nói cách khác, việc thu hồi đất của tất cả hộ
dân trong khu đầm lầy là sự vi phạm trắng trợn quy định
của Luật Đất đai năm 2003 (hiệu lực ngày 1-7-2004). Càng
thông tin, UBND huyện Tiên Lãng càng thể hiện rõ sự tùy tiện
và bất chấp luật pháp…

Trước hết, đất đầm mà gia đình anh Vươn và các hộ khác
đang sử dụng thuộc "<em>Đất có mặt nước ven biển được
Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ
chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục
đích nuôi trồng thủy sản…</em>" (Khoản 1 Điều 79 Luật
Đất đai 2003). Anh Vươn và gia đình bắt đầu tiến hành đắp
đê, khai hoang… từ năm 1992. UBND huyện Tiên Lãng đã có báo
cáo như sau: "<em>Năm 1993, UBND huyện Tiên Lãng đã có quyết
định giao cho ông Vươn 21 ha bãi biển để nuôi trồng thủy
sản, thời hạn 14 năm. Tuy nhiên, từ năm 1993-1997, ông Vươn
đã tự ý đắp bờ bao để sử dụng vượt quá diện tích
được giao. Năm 1997, UBND huyện có quyết định giao bổ sung
19,3 ha vượt quá cho ông Vươn với thời hạn 14 năm cũng tính
từ năm 1993. Hết thời hạn giao đất, huyện ra quyết định
thu hồi cả 40,3 ha bằng hai quyết định…</em>".

Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định các quyết định
đó là giao đất và nhiều điều sai: Giao đất thì Luật Đất
đai quy định hạn mức được giao đối với một hộ gia đình
cá nhân không được vượt quá 2ha. Vì vậy, huyện Tiên Lãng
"giao đất" cho anh Vươn tới hơn 40ha thì về diện tích giao
cũng sai; thời hạn giao đất cũng phải là 20 năm…;

Mánh!

Như đã nhận định, trong rất nhiều động thái làm việc với
các hộ "nhận giao đất", UBND huyện Tiên Lãng đều muốn
chuyển sang "cho thuê đất". Bởi vì, cho thuê đất thì không
"phạm" hạn mức bắt buộc 20 năm và thời hạn cho thuê sẽ
"tùy thích" cho mấy năm cũng được.

Ông Chánh văn phòng Nguyễn Ngọc Khánh thì nói: "<em>Huyện giao
đất có thời hạn. Dù là đất nào đi nữa, về mặt pháp
luật người ta quy định khống chế mức "trần" nhưng địa
phương chúng tôi có thể giao thấp hơn, có thể giao năm năm, 10
năm hoặc 20 năm, miễn rằng không giao quá 20 năm là được.
Với ông Vươn, chúng tôi giao đất có thời hạn. Thời hạn
như thế nào là giữa hai bên huyện và cá nhân đó ký
kết</em>" (Sai rồi do nhầm lẫn khái niệm rồi - NV).

Điều tùy tiện và "mánh lới" hơn, ông Khánh khẳng định:
"<em>Trong quyết định nói rõ giao đất cho anh này có thời
hạn, khi hết hạn anh phải bàn giao toàn bộ diện tích và tài
sản trên đất</em>". Thật là nực cười khi nghe câu này!
Hết thời hạn người dân phải bàn giao toàn bộ diện tích và
tài sản trên đất một cách vô điều kiện như đã thực
hiện với hộ anh Vươn thì hóa ra "anh" giao đất, cho thuê
một thời gian ngắn để cho người ta "cải tạo giùm mình
rồi thụ hưởng sau cũng chưa muộn" à? Thế có phải là anh
"ăn trên đầu, trên cổ" người được giao đất, cho thuê
đất không?…

Khi nhà báo hỏi: "<em>Tại sao ông Vươn, ông Luân đã đề
nghị thuê tiếp nhưng huyện không gia hạn mà lại phải thu
hồi?</em> Ông Chánh văn phòng Khánh vô tư trả lời: "<em>Đây
là theo quy định. Dứt khoát phải làm các thủ tục bàn giao sau
đó mới tới các thủ tục xin thuê</em>".

Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định: Hiện nay việc giao đất
theo nghị định 64 nếu tính từ thời điểm sớm nhất là từ
ngày 15-10-1993 thì chưa có trường hợp nào đến hạn phải thu
hồi và cũng chưa có địa phương nào xem xét xúc tiến thu hồi
vì chưa có chủ trương chung là thu hồi hay giao tiếp. Với
diện giao đất 20 năm đến nay Quốc hội cũng chưa quyết là
hết thời hạn giao đất thì làm gì. Nên việc huyện Tiên Lãng
lại chủ động làm trước về chủ trương là điểm sai nữa.
Còn nếu thu hồi để giao đất cho dự án đầu tư được phép
nhưng việc thu hồi này phải căn cứ vào nghị định 84. Với
quyết định thu hồi 19,3ha đất đối với ông Vươn thì mục
đích thu hồi không rõ ràng. Giả sử có thu hồi giao cho dự án
đầu tư thì tại thời điểm ban hành quyết định ngày 7-4-2009
phải tuân thủ theo trình tự thủ tục của nghị định 84.
Tức là phải qua các bước từ chủ trương thu hồi đất,
kiểm đếm tài sản, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái
định cư tổng thể, ban hành quyết định thu hồi đất gửi
đến từng hộ gia đình, lập phương án bồi thường hỗ trợ
tái định cư chi tiết và công bố công khai tại trụ sở xã
để tiếp nhận đóng góp ý kiến của người dân bị thu hồi
đất… Nhưng trong quyết định thu hồi đất của UBND huyện
Tiên Lãng đối với diện tích 19,3ha không có nội dung nào ăn
nhập với nghị định 84, và đây cũng là điểm sai.

Thủ tục giám đốc thẩm thế nào?

Báo Pháp luật TP.HCM phỏng vấn ông Đặng Quang Phương, Phó
Chánh án TAND Tối cao cho biết: "<em>Trong trường hợp này,
giả sử người khởi kiện nghe UBND huyện Tiên Lãng dỗ dành,
dẫn tới hiểu lầm và đi đến quyết định rút kháng cáo;
quyết định rút kháng cáo đó lại dẫn tới quyết định
đình chỉ của TAND Hải Phòng, thì người khởi kiện có thể
gửi đơn lên TAND Tối cao khiếu nại quyết định đình chỉ
kia. Việc hiểu nhầm ấy chỉ có thể giải quyết bằng con
đường giám đốc hoặc tái thẩm của TAND Tối cao, chứ không
thể dùng luật rừng, vũ khí nóng để chống lại lực lượng
cưỡng chế như sự việc đã diễn ra</em>".

Đúng là như thế, nhưng vẫn chưa đủ. Hiện nay, anh Vươn và
một số người trong gia đình anh bị bắt, truy nã nên khủng
hoảng là chắc chắn. Hành động như họ chứng tỏ họ nghĩ
"chẳng thiết gì nữa" nên việc gửi đơn là không phải
dễ dàng.

Trong khi đó, Luật Tố tụng hành chính quy định tại Điều 211
như sau: "<em>1. Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án,
quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, nếu phát
hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định thì đương
sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có
quyền kháng nghị quy định tại Điều 212 của Luật này để
xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. 2. Trường
hợp Toà án, Viện kiểm sát hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức
khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết
định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông
báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị quy
định tại Điều 212 của Luật này</em>".

Điều 212. Người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc
thẩm

"<em>Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục
giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp
luật của Toà án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng
Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao…</em>" (Đúng thẩm quyền
kháng nghị quyết định tạm đình chỉ của TAND TP Hải Phòng).

Như vậy, một số cơ quan, tổ chức có quyền thông báo bằng
văn bản cho Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chứ không riêng gì đương sự
trong vụ án.

<em><strong>Tác giả gửi cho Quê choa</strong></em>

(<em>Bài vở gửi đăng QC là chủ kiến riêng của tác giả,
không hẳn là chủ kiến của QC</em>)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11275), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét