Trần Kinh Nghị - Biển Đông:Gió đang đổi chiều

<h2>"Phép thử" dùng sức mạnh đã thất bại?</h2>

Tục ngữ nói nhiều về gió, như "gió chiều nào suôi chiều
đó", "gieo gió gặt bão", "gió đông thổi bạt gió
tây", "đòn gió", v.v… Có thể nói chuyến thăm Việt Nam
và Thái Lan của Phó Chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình mới
đây cũng là một loại gió, và có lẽ cơn gió này nhằm ngăn
chặn một cơn bảo ngược chiều đang tích tụ từ chân trời,
đó là sự trở lại của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình
Dương (TBD) mà trọng tâm là vành đai chạy từ Nhật Bản, Hàn
Quốc xuống khối SEATO (cũ) liên kết với khối ANZUS ở phía
Nam và Ấn Độ ở phía Tây.

Thông điệp của chuyến đi là khá rõ ràng: Với tư cách phó
Chủ tịch nước, chuyến thăm lần này của ông Tập tuy không
ồn ào, nhưng có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Đây là
chuyến vi hành mở đầu của người sẽ cầm lái con thuyền
Trung Quốc ít nhất trong một thập kỷ tới. Bắc Kinh chọn cơ
hội này để phát đi tín hiệu về sự thay đổi chính sách
đối với khu vực Châu Á-TBD, đặc biệt đối với Biển
Đông, nơi mà biện pháp dùng "phép thử" bằng sức mạnh
đã thất bại buộc họ phải điều chỉnh theo hướng ôn hòa
hơn. Dấu hiệu có thể thấy ở sự lắng diệu tình hình Biển
Đông gần đây với ít hơn các vụ quấy rối của tàu thuyền
TQ trong khi Tân hoa xã chủ động đưa tin về chuyến thăm của
ông Tập như một cử chỉ thân thiện. Một động thái đáng
lưu ý khác là, phía TQ tuyệt nhiên không phản ứng gì trước
lời tuyên bố chủ quyền của Thủ tướng Việt Nam với những
từ ngữ cụ thể và nêu đích danh "Trung Quốc dùng vũ lực
xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974", v.v… Khi ở thăm
Việt Nam và Thái Lan ông Tập cũng không chủ động nêu vấn
đề tranh chấp Biển Đông mà chỉ tập trung về hợp tác tài
chính, thương mại, trong đó có việc cho VN vay 300 triêu USD, cho
Thái Lan vay theo phương thức hoán đổi đồng tiền hai nước
với trị giá 11 tỷ USD. Những cử chỉ trên hoàn toàn khác
với những gì mà phía Trung Quốc thường thể hiện ttrong mấy
năm qua.

Hiện tại còn quá sớm để khẳng định điều gì, nhưng rõ
ràng đang có những động thái mới từ phía Bắc Kinh theo
hướng <span class="underlined-text">ôn hòa</span>. Có lẽ giới lãnh
đạo nước này giờ đây đã thấm thía với lời khuyên của
tiền nhân Đặng Tiểu Bình: Hãy "ẩn mình" trước khi đủ
mạnh. Quả vậy, vừa qua họ đã quá nôn nóng muốn đạt mục
tiêu bá chủ Biển Đông bằng cách phô trương lượng quá sớm,
quá trắng trợn., và rốt cuộc đã tạo cớ cho quân đội Mỹ
trở lại Châu Á –TBD nơi mà chính người TQ đã mất ½ thế
kỷ để xua đuổi Mỹ đi. Có thể nói, không còn bài học nào
thấm thía hơn thế đối với Bắc Kinh.

<h2>Láng giềng không bình đẳng</h2>

Có thể nói, cả hai bên TQ và VN đến nay đều thấu hiểu
"bụng dạ" của nhau, chỉ còn vấn đề là lập trường của
mỗi bên không dễ san bằng. Người TQ luôn tự coi mình là một
dân tộc lớn, một nước lớn, và có sứ mệnh "do trời ban
cho". Cách tư duy này dù muốn hay không, luôn tác động trực
tiếp đến chính sách đối ngoại của họ và cũng là nguyên
nhân sâu xa của tư tưởng sô vanh nước lớn và chủ nghĩa bá
quyền - điều mà tuy không được tuyên bố công khai nhưng vẫn
luôn được dung túng tại nước này.

Việt Nam do vị trí địa lý phải hứng chịu hậu quả của
thứ chủ nghĩa bành trướng bá quyền truyền kiếp như vậy.
Một số cuộc khảo sát quốc tế gần đây cho thấy đại đa
số người TQ được hỏi tin rằng Biển Đông là của cha ông
họ nhưng bị Việt Nam và các nước nhỏ xung quanh chiếm
đoạt, và do đó bây giờ họ có quyền đòi lại là lẽ
đương nhiên! Đó cũng là lý do tại sao có tới hơn 80% ý kiến
tán thành "đánh" Việt Nam vì tội xâm chiếm nhiều biển
đảo của người Trung Quốc (!?)". Được biết, trong dịp
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thămTQ, một quan chức TQ so sánh
rằng nếu nhân dân VN biểu tình chống TQ thì hãy nghĩ xem
điều gì sẽ xảy ra khi 1,3 tỷ dân TQ cũng biểu tình chống
VN(?). Đó không phải là một sự so sánh, mà là một lời đe
dọa! Đó là cách tư duy điển hình của người TQ, không chỉ
về con người mà còn về sức mạnh kinh tế, quân sự, không
chỉ đối với Việt Nam mà đối với tất cả các nước. Ở
đâu họ thấy mình đông hơn, mạnh hơn là họ lấn lướt.
Thế mới có chuyện họ chủ trương huy động số đông tàu
thuyền để lấn chiếm ngư trường của Việt Nam và của các
nước khác. Mới đây họ dùng thuyền đánh cá kết bè lại
để đối phó với tàu tuần tra Hàn Quốc.

Phải chung sống đời đời kiếp kiếp với một nước láng
giềng như vậy, người Việt Nam đã hình thành một truyền
thống mang tính đặc thù, đó là vừa phát huy tinh thần dân
tộc quật cường, vừa phát huy tinh thần nhẫn nhục chịu
đựng, để tồn vong trước một đối phương lúc nào cũng lăm
le nuốt chửng mình. Đó là lý do mà lịch sử luôn hằn sâu
dấu vết của điều trăn trở từ bao thế hệ người Việt:
"Đánh hay hòa...hòa hay đánh... ?". Đây chính là cái khó
đối với dân tộc Việt Nam, cũng là cái khó đối với giới
lãnh đạo đất nước trong bất cứ thời kỳ nào. Ta và đối
phương đều có lúc thịnh lúc suy. Thời nào cũng có kẻ cơ
hội bán nước cầu vinh. Nhưng hào kiệt thời nào cũng có. Và
đó là bí quyết sinh tồn của dân tộc Việt Nam.

<h2>Phải giải tỏa trạng thái "bằng mặt không bằng lòng"</h2>

Trong chuyến thăm hữu nghị của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình
mới đây có một số động thái rất đáng lưu ý. Đó là trong
khi phía khách không chủ động nêu vấn đề tranh chấp chủ
quyền biển đảo, thì phía chủ nhà đã chủ động nhắc lại
vấn đề tranh chấp Biển Đông (cả trước và trong chuyến
thăm). Đay là một động thái mới đáng nghiên cứu. Về hình
thức, ta thấy một số hoạt động hưởng ứng chuyến thăm
như cầu truyền hình, giao lưu thanh niên… nhưng chúng đã diễn
ra một cách rời rạc, gượng gạo. Cũng thấy có sự chậm
trễ trong việc đưa tin và những sai sót lễ tân như vụ "cờ
TQ có 6 sao",v.v… Suy cho cùng, những biểu hiện trên đây cho
thấy ít nhiều tình trạng thiếu nhất quán giữa các cơ quan
tổ chức sự kiện của phía Việt Nam. Còn những "lời hay ý
đẹp" hai bên giành cho nhau trong chuyến thăm là điều dễ
hiểu, không nên dựa vào đó để đánh giá thực chất vấn
đề. Thực chất nằm trong lòng dân chúng khi họ quay lưng lại
với khẩu hiệu "hữu nghị Việt –Trung", thậm chí biểu
thị thái độ bất tín, bất bình trước chủ trương quá mền
mỏng của lãnh đạo mà họ cho là nhu nhược, hèn nhát... Tóm
lại, với tất cả những dấu hiệu nêu trên, có thể nói đang
hình thành sự khác biệt quan điểm trong nội bộ giới lãnh
đạo và giữa Lãnh đạo với dân chúng liên quan đến quan hệ
Việt-Trung, nỗi cộm là vấn đề chọn đối sách nào trước
âm mưu bành trướng, lấn chiếm biển đảo từ phía nước
láng giềng phương Bắc.

Những dấu hiệu phát ra từ chuyến thăm cho thấy phía Việt Nam
vẫn lúng túng về đường lối và biện pháp nhằm thực hiện
mục tiêu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của đất
nước mặc dù chủ đề này như vẫn thường được nhắc đi
nhắc lại và trong các văn kiện của Đảng và các diến đàn
Quốc hội và Chính phủ. Từ khi có phương châm "làm bạn
với tất cả", Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong các lĩnh
vực đối nội , đối ngoại, nhưng có lẽ chưa có sự thay
đổi căn bản nào trong quan hệ với nước láng giềng phương
Bắc. Trở lực chính có lẽ là do ý thức hệ đã ăn sâu bám
rễ trong một bộ phận lãnh đạo và dân chúng. Đó là nguyên
nhân vì sao bất chấp mọi hành động, thậm chí xâm phạm
trắng trợn chủ quyền biển đảo từ phía đối phương, nhưng
giới chức và truyền thông Việt Nam vẫn lặp đi lặp lại
điệp khúc "vừa là đồng chí, vừa là anh em", "láng giền
tốt, đồng chí tốt"..., dù đó có là quan hệ bề ngoài theo
kiểu "bằng mặt không bằng lòng đi chăng nữa! Bất chấp mọi
sự điều chĩnh chiến lược của TQ và các nước lớn, Việt
Nam chưa hề có sự điều chỉnh đáng kể nào trong quan hệ
với song phương với TQ. Nói cách khác "đường đi nước
bước" của Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ nét, và đó là
một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam đã để nhỡ mất
nhiều cơ hội. Nhiều ý kiến khách quan của người ngoài và
cả trong nôi bộ lãnh đạo Việt Nam đều thừa nhận điều
này. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến trạng thái "chênh
vênh" trong thế trận của Việt Nam mỗi khi có sự cố tranh
chấp lãnh thổ với ông bạn láng giềng phương Bắc? Bài học
chiến tranh biên giới cùng hàng loạt các cuộc xung đột biển
đảo đã chúng minh điều đó.

Phải chăng giờ đây cơ hội đồng thời với thách thức lại
một lần nữa mở ra đối với Việt Nam . Cuộc đấu tranh còn
ở phía trước, đó là một chặng đường dài đầy khó khăn
phức tạp. Dư luận đã từng nhận xét rằng nếu đối phương
công khai nóng vội dùng vũ lực xâm lược thì đó là một tình
huống không mong muốn nhưng cũng là tình huống đơn giản đối
với Việt Nam . Nếu đối phương sử dụng chiến thuật lâu
dài bằng các thủ đoạn kinh tế và "diễn biến hòa bình"
thì vấn đề khó khăn, phức tạp hơn. Và đây dường như là
kịch bản mới đang bày ra đối với Việt Nam. Để đón nhận
cơ hội và đối phó thách thức, có lẽ ngoài việc phát huy
những bài học kinh nghiệm của bản thân, VN cần học kinh
nghiệm của một số quốc gia nhỏ cận kề Trung Quốc như Hàn
Quốc, Myanma, Thái Lan, và cả Đài Loan, Hồng Kông... là những
quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhỏ yếu nhưng vẫn duy trì độc
lập bình đẳng với TQ để phát triển kinh tế mạnh hơn cả
TQ. Có hai bài học không bao giờ quên: Biển Đông bao gồm cả
Hoàng Sa, Trường Sa là cửa ngõ sống còn của Việt Nam không ai
có quyền xây rào chắn lối; và muốn phát triển kinh tế,
Việt Nam không thể quay lại với công nghệ của TQ ./.

Trần Kinh Nghị

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/10932), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét